Mơ mà Thực: Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang tại Hoa Thịnh Đốn



Từ nhiều năm trước tôi thấy Đức Cha (ngày đó là “Cha”) Mai Thanh Lương bày tỏ ước mơ có Nguyện Đường Kính Đức Mẹ La Vang tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Giấc mơ hay nguyện ước ấy nay là sự thật.

Từ lâu tôi nghe Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ thảo luận về việc quyên góp để có Nguyện Đường La Vang tại Hoa Thịnh Đốn.

Quyên góp ấy nay trở thành sự thật.

Sự thật là năm ngoái, 2005, Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn đã cử hành Lễ “Đặt Viên Đá Đầu Tiên,” hay Lễ “Khởi Công” để hình thành Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang, với sự tham dự của đông đảo giáo sỹ, tu sỹ, và giáo dân.

Sự thật là năm nay, ngày 21 tháng 10, 2006, Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl của Hoa Thịnh Đốn, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể của La Vang – Nơi Thánh Mẫu Hiện Ra, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương tại Hoa Kỳ, đã cùng với các Đức Ông, các Cha, các Thày Sáu, các Nam Nữ tu sỹ, và hàng ngàn ngàn giáo dân để cử hành Lễ mà Đức Ông Phạm Xuân Thắng gọi là “Đại Lễ Khánh Thành Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang.”

Sự thật là người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã hàng hàng lớp lớp biểu lộ Niềm Tin và Lòng Sùng Kính Thánh Mẫu La Vang, bằng cách hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Đoàn để cầu nguyện và dâng cúng. Và sự thật là Niềm Tin và lòng Sùng Kính ấy đã thúc đẩy họ từ nhiều tiểu bang tuôn đổ về Hoa Thịnh Đốn trong ngày “Đại Lễ Khánh Thành Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang.”

Sự thật là hàng ngàn ngàn người khác, trong đó có tôi, tuy không tham dự được “Đại Lễ Khánh Thành Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang,” nhưng luôn hướng lòng về Thánh Mẫu La Vang, về Đức Mẹ Ban Ơn Lành, về Thánh Mẫụ Mân Côi, về Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, về Đức Mẹ Fatima, Guadalupe, Đức Mẹ Triều Tiên, v.v., về “hàng trăm tên gọi khác nhau nhưng vốn là một Mẹ.”

Lạy Mẹ, triệu triệu con dân Việt Nam ở quốc nội cũng như quốc ngoại, luôn hướng về Mẹ để yêu mến, để xin ơn, để cảm ơn, và để suy tôn Mẹ là Mẹ của chúng con, của Giáo Hội Việt Nam, và của đoàn con tha hương ở năm châu bốn bể!

Tưởng Đức Ông Thắng viết đúng khi gọi Lễ ngày 21 tháng 10 là “Đại Lễ, ” vì có thể coi Lễ này là:

  • – Cao điểm của lòng sùng mộ nơi người tín hữu Việt Nam.
  • – Biểu dương Đức Tin một cách hùng hồn của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
  • – Tăng thêm tình thân hữu giữa hai Hàng Giáo Phẩm vì có sự hiện diện của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhiều vị phản ảnh lại bài nói của ngài bằng những từ ngữ như “thâm sâu, chính xác, nhiều ý nghĩa, xúc tích, v.v.”
Đang viết thì đến giờ Phụng Vụ của Nhà Dòng nên phải nhưng để xuống Nhà Nguyện. Nhìn lên tường chỗ gần bàn thờ thì thấy tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con. Tượng toả ra sự tôn nghiêm và nhân từ, nhưng “chẳng giống ai,” vì tưởng ít ai nhìn thấy hình dáng tượng như vậy. Đó là mơ hay thực? Tượng có diễn tả thực sự về “Đức Mẹ của tôi,” theo tôi nghĩ về Đức Mẹ không? Hay “Mẹ tôi” phải là Mẹ Khăn Đóng Áo Dài? Mẹ “thế này, thế nọ”? Nếu “Mẹ của tôi phải là Mẹ Áo Dài (hoặc “Áo Ngắn”),” khi võ đoán như vậy thì tôi đã mơ mộng, vì thực tế là “Mẹ có thể mặc trăm kiểu áo khác nhau, và qua bên ngoài của hàng trăm kiểu áo khác nhau ấy, thì bên trong cũng là một Mẹ – Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng.” Có thể xẩy ra cảnh “Khu Đức Mẹ Fatima cãi nhau với Khu Đức Mẹ Lộ Đức,” nhưng thực tế về phần Đức Mẹ, thì vốn là một Mẹ. Tôi muốn Khu Fatima phải hơn Khu Lộ Đức vì tôi ở Khu trước, còn người tôi không ưa thì ở Khu sau. Khi tưởng tượng, khi mơ mộng như vậy thì tôi đã đóng cửa lòng lại, đã cư xử một chiều, rồi đòi hỏi người khác cũng thiên lệch một chiều như tôi.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang của Giáo Hội Việt Nam đang ngự trị giữa các Thánh tượng Đức Mẹ của hàng trăm Giáo Hội khác tại Hoa Thịnh Đốn.

Mẹ thêm một chỗ đứng tại Hoa Thịnh Đốn, nhưng đó có phải là nơi duy nhất mà Mẹ muốn đứng, muốn ngự trị? Hay từ đó Mẹ muốn thêm một chỗ đứng là tâm hồn con? Để Mẹ muốn con chấp nhận người khác, như Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã chấp nhận thêm một Thánh Tượng khác, là Thánh Tượng LaVang của con, của dân tộc con?

Lạy Mẹ Phi châu, Mẹ Mễ Tây Cơ, Mẹ Nhật Bản, Mẹ Việt Nam, v.v., xin Mẹ MARIA giúp con sống thực tế, sống uyển chuyển để chấp nhận những cách thức sống khác nhau của những người gần con. Và của những người xa con.

Xin cảm ơn Mẹ và cảm ơn Liên Đoàn đã cho con thêm cơ hội để trắc nghiệm xem con sống thực tế hay mơ mộng, chấp nhận hay loại trừ người? Chấp nhận người đồng ý thì dễ, nhưng chấp nhận người khác ý thì..., Mẹ ơi, con cần Mẹ!Y

Chuyện bên lề Ngày Đại Lễ: So với Ngày Đại Lễ thì Đức Cha Giuse-Maria Nguyễn Quang Tuyến qua đời chưa đầy một tháng, nên còn tính cách thời sự. Cha Nguyễn An Ninh kể rằng ngài mang theo ít tờ báo Tinh Thần Mới của giáo xứ Đức Mẹ Ban Ơn Lành tại Detroit, dành số tháng 10 để tưởng niệm Đức Cha Giuse-Maria. Sau Lễ, khi đến chỗ Đức Cha Mai Thanh Lương và nhiều cha đang hàn huyên, thì cha Việt-Châu vừa nhìn hình Đức Cha Giuse-Maria ngoài bìa, liền quơ quơ tờ báo rồi nói giọng đầy nhiệt tình: “Mất Đức Cha Tuyến là điều rất đau xót.” Còn Đức Cha Lương thì nói giọng chân thật để diễn tả lòng cảm mến đối với Đức Cha quá cố. Một Vị khác quả quyết, “Đức Cha Tuyến là người cương nghị và có lập trường.” v.v.

Thực tế là Đức Cha Giuse-Maria kính mến Đức Mẹ vì ngài thêm tên Thánh Mẫu vào tên của ngài. Khi sinh tiền thì cần diện kiến mới thưa chuyện được với Đức Cha Giuse-Maria. Nhưng nay trong thực tế của Niềm Tin, thì con đang trực tiếp thưa chuyện hay cầu nguyện với Đức Cha, để xin Đức Cha cầu bầu cho Quê Hương, cho Giáo Hội Việt Nam, và cho Liên Đoàn chúng con thể hiện được khẩu hiệu mà Đức Cha đã chọn, đó là “Xin cho chúng Hiệp Nhất.”V