Lahore – Bài diễn văn của ĐGH Bênêđictô XVI tại Regensburg đã làm một số dân chúng các nước Hồi Giáo dấy lên phong trào phản đối vì truyền thông diễn dịch cách sai lạc. Trước tình hình đó, Linh Mục Francis Nadeem ở Paksitan đã thực hiện cuộc phỏng vấn các giáo sĩ cao cấp và các học giả thời danh của Hồi Giáo Pakistan để tìm hiễu lập trường của các vị này, nói khác đi để biết lập trường chân chính của Hồi Giáo. Linh Mục Francis Nadeem là Phối Trí Viên của Hội Đồng Quốc Gia Liên Tôn tại Paksitan. Sau đây là những lời phát biểu của các giáo sĩ và học giả thời danh của Hồi Giáo Pakistan.

Giáo Sĩ Maulana Malik Javaid Akbar Saqi, Chủ Tịch nhóm Hồi Giáo Tehreek-e-Wahdat-e-Islami ở Kashmir tuyên bố: “Một phần bài diễn văn mà người ta cáo buộc ĐGH Benedict XVI rõ ràng chỉ là Ngài dẫn chứng quan điểm của một sử gia, chứ không phải của Ngài. Chúng ta có thể chấp nhận được lời giải thích của Ngài. Hồi Giáo và Kitô Giáo đều dậy chúng ta hòa bình và khoan dung. Cả hai tôn giáo có mối liên hệ rất gần gũi nhau và nhờ đó chúng ta có thể thực hiện được những công việc tốt đẹp cho thế giới. Chúng tôi hiểu rằng có nhiều lực lượng cố gắng tạo ra những xung đột giữa Hồi Giáo và Công Giáo nên họ đã cố giải thích sự kiện một cách trái ngược hẳn. Với chúng tôi, báo thù bằng phương cách hủy hoại là không thích hợp. Trong phiên họp với các đại sứ của các nước Hồi Giáo, ĐGH đã trình bày những giáo huấn của Kitô Giáo trong tinh thần tôn trọng sự thực và truyền đạt bài học hòa bình và yêu thương giữa các dân tộc trên thế giới”.

Giáo Sĩ Muhammad Nawaz Noorani AL-Qadri, phát biểu: “ Người ta đã thổi phồng vụ này lên quá độ. Truyền thông đã cố gắng làm thế giới bị xáo trộn, đặc biệt là giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. ĐGH đã đi một bước đáng ca ngợi là tổ chức cuộc họp với các vị đại sứ của các nước Hồi Giáo. Điều này thật vĩ đại. Chúng tôi kính trọng ĐGH và ước mong Ngài tiếp tục làm như vậy.”

Ông Abul Faheem, Pir Muhammad Ibrahim, Chủ Tịch Tổ Chức Ulema-o-Mashaikh ( Thuộc Liên Đoàn Hồi Giáo Paksitan) phát biểu: “ Câu dẫn chứng của ĐGH là lấy từ câu nói của một bản văn từ thế kỷ 13. Chẳng ai chịu hiểu cho là một câu dẫn chứng không nhất thiết phản ảnh quan điểm của người nói”

Ông Sahibzada Allama Muhammad Yar Zahoori,Phó Chủ Tịch Hội Đồng Hồi Giáo Thế Giới: “ Bất chấp chuyện gì đã xẩy ra thì ĐGH đã làm sáng tỏ và ngay lập tức Ngài đã có cuộc họp đối thoại với các vị đại sứ Hồi Giáo. Đây là điểm đặc biệt. Ngài đã đóng vai trò rất có ý nghĩa và các vị đại sứ đã tỏ ra hài lòng, tin tưởng vào vai trò của ĐGH.

Ông Allama Mushtaq Hussain Jafri, Chủ Tịch Hội Đồng Hòa Bình và Đoàn Kết tuyên bố : Giờ này điều cần thết là các tôn giáo ngồi lại với nhau để hoạt động cho việc thúc đẩy nến hòa bình và hoà hợp tôn giáo.. Chúng ta phải kính trnọg lẫn nhau. Chúng tôi kính trong đức Kitô và dựa trên căn bàn này giữa chúng ta phải mở ra những đường lối tích cực”

Ông Allama Zubair Ahmed Zaheer, Chủ Tịch tổ chức Markazi Jamaat Ahl-e-Hadis, tuyên bố: ĐGH Bênêđictô XVI giữ một chức vụ quan trọng và có trách nhiệm nặng nề. Ngài theo gương vĩ đại của đức cố GH Gioan Phaolô II. Ngài có thể làm những người Hồi Giáo “đang bị xúc phạm” cảm thấy an tâm. Thực ra hòa bình có thể chiến thắng trong thế giới khi Kitô Giáo và Hồi Giáo cùng hợp tác với nhau”

Ông Ajmal Niazi, một ký gia rất nổi danh tuyên bố: ĐGH ĐGH có một vị thế rất quan trọng trong thế giới Kitô Giáo. Chúng tôi cũng coi Ngài là nhà lãnh đạo tinh thần và kính trọng Ngài. Chúng tôi luôn nhận được những sứ điệp hoà giải và yêu thương của ngài. Những lời nói của Ngài ở Regensburg đã bị người ta hiểu một cách tiêu cực. Điều này không đúng. Ngưòi ta giải thích lời của Ngài theo ý muốn của người ta. Nhưng từ khi ĐGH đã minh định lập trường rồi thì không có cớ gì để phản đối nữa. Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo Hồi Giáo chuẩn bị đường lối để đối thoại chứ đừng tạo ra thêm hận thù. Việc ĐGH gặp gỡ các đại sứ Hồi Giáo là dấu hiệu của tình thân hữu với Thế Giới Hồi Giáo. Do vậy tất cả chúng ta cần hợp tác để đối thoại.