Tháng 8/2006 vừa qua, ông Matt Badiali, chủ bút của The Oil Report, thuộc Stansberry&Associates tung ra một lá thư dài tới 23 trang về kho dự trữ dầu ‘cực kì’ vĩ đại nằm trong nội địa Hoa Kì.

Phần nội dung quan trọng của lá thư Matt Badiali như sau:

Hồi tháng 4, US News and World Report đưa tin: ‘Colorado, Utah, và Wyoming có trữ lượng là 2 ngàn tỉ (2 trillion barrels) thùng dầu - nhiều hơn tất cả số dầu thô đã sản xuất trên toàn thế giới kể từ khởi đầu thời đại dầu lửa’.

Một số giới chức Hoa Kì cũng xác nhận:

Vào tháng 8, Bộ Năng Lượng báo cáo tương tự: ‘Theo một vài ước tính thì số dự trữ này lên tới hơn 2 ngàn tỉ thùng dầu… Đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho 500 năm tới’.

Nghị sĩ Orrin Hatch của tiểu bang Utah phát biểu: ‘Nguồn dầu vĩ đại chưa khoan đã tìm thấy ở Utah, Colorado, và Wyoming đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng ta, đồng thời cũng cung cấp cho nhu cầu tăng lên mãi của thế giới về nhiên liệu lỏng’.

Chủ tịch tiểu ban Thượng Nghị Viện về Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên là nghị sĩ Pete Domenici (R-NM) phụ họa: ‘Khai thác nguồn dầu mới này ‘thật sự có thể làm rung chuyển thế giới’.

Còn ông Jim Gibbons, Chủ tịch Tiểu ủy ban Năng lượng và Khoáng sản khẳng định: ‘Chúng ta thật sự có vài trong số những nguồn dầu lửa lớn nhất thế giới nằm trong phạm vi biên giới chúng ta. Nếu tôi tính đúng thì chúng ta có dầu lửa nhiều hơn Saudi Arabia 12 lần’.

Nguồn dầu lửa khổng lồ này nằm trong phạm vi 16,000 dặm vuông (square miles), có tên là The Green River Formation, thuôc vùng cực Tây Nam tiểu bang Wyoming, vùng cực Đông Bắc tiểu bang Utah, và miền cực Tây Bắc tiểu bang Colorado. Tuy nằm trong 3 tiểu bang, nhưng nếu nhìn trên bản đồ thì cả 3 vùng này đều nằm không xa nhau. Có thể coi như cùng một khu vực.

Trữ lượng dầu của Hoa Kì thuộc dạng đá kết dầu (shale) nhìn giống như đá thường màu đen, khi đụng vào sẽ cảm thấy như có hạt và có chất nhờn; nung nóng lên sẽ rỉ ra dầu thô sủi bọt.

Ngoài Hoa Kì ra, loại đá kết dầu này chỉ có ở một số nước như Brazil, Jordan, Morocco, Úc châu, Trung Hoa, Estonia, và Israel.

Theo thống kê của Bộ Năng Lượng Hoa Kì năm 2005 thì dự trữ dầu có dạng đá kết dầu (shale) của các nước như sau:

Tổng số dự trữ dầu dạng đá kết dầu của thế giới là 1662 tỉ thùng dầu, phân ra như sau:

- Hoa Kì 1200 tỉ thùng

- Brazil 90

- Jordan 69

- Morocco 58

- Australia 35

- China 25

- Estonia 18

- Israel 05

Tính ra phần trăm sẽ thấy:

- Hoa Kì 72%

- Brazil 5.4%

- Jordan 4.2%

- Morocco 3.5%

- Australia 2.1%

- China 1.5%

- Estonia 1.1%

- Israel 0.3

(Những lời tuyên bố về những con số ước tính trên đây đều không thể chính xác 100%, chỉ tương đối chính xác. Bởi lẽ tất cả chỉ mới là con số ước lương mà thôi).

Được biết nước Tầu đã xử dụng đá kết dầu từ năm 1929. Ngày nay họ là nước sản xuất dầu nhiều nhất từ đá kết và đang cố gắng tăng sản lượng lên gấp đôi.

Nền kinh tế của Estonia dựa hoàn toàn vào việc chế biến dầu từ đá kết dầu. Trên 90% điện lực của Estonia sản xuất được từ thứ đá kết dầu này. Và điện lực lại là nguồn lợi xuất cảng chính của Estonia.

Năm 1991, Brazil xây dựng cơ sở chế biến dầu đá kết dầu lớn nhất thế giới, sản xuất 1.5 triệu tấn dầu.

Jordan, Morocco, và Australia mới đây đã tuyên bố kế hoạch khai thác nguồn dầu đá kết dầu. Cả ba chính phủ đang xây cất cơ sở sản xuất dầu từ đá kế dầu.

Riêng ở Hoa Kì, trong phạm vi 16,000 dặm vuông của vùng The Green River Formation có chỗ chứa tới 2 triệu thùng dầu mỗi mẫu tây (acre). Có thể nói tại đây, lượng dầu kết tụ đậm đặc nhất trên thế giới. Chính phủ liên bang nắm chủ quyền trên 80% vùng đất chứa dầu này, và từ năm 1930, chính phủ làm luật cấm chỉ không cho bất cứ ai động chạm tới đó.

Nếu vừa mới đọc tài liệu của Matt Badiali cung cấp trên đây, người ta dễ dàng cảm thấy sững sờ vì nhận thấy đây là một tin động trời.

Nhưng sau đó sẽ mau chóng tự hỏi, nếu là một tin động trời, một màn bí mật vừa được mở toang, thì tại sao các hãng thông tấn lớn ở Hoa Kì chưa nhảy vô khai thác. Các hãng thông tấn không bao giờ chậm trễ ‘chộp’ lấy những loại tin tức ‘giật’ gân’ này. Đó là một điểm lạ.

Kế đến trong mục Này Kia Kia Nọ của tạp chí Ca Dao số 139 ra ngày 01 tháng 7 năm 2006, Gs. Nguyễn Ngọc Linh, ‘trùm’ thông tấn của VNCH trước đây, khi bàn về giá cả xăng dầu đang lên cơn sốt, đã cho biết những biện pháp khả thi để đối phó với tình hình. Chẳng hạn như Hoa Kì có thể chế rác rến cây cỏ thành ‘cồn’ thay cho xăng, chế ‘cồn’ ethanol từ cây ngô (bắp), từ hạt ngô, có thể thay thế từ 10 tới 12% nhu cầu xăng dầu cho Hoa Kì. Bài học cụ thể là Brazil đã chế ra rượu ‘rum’ từ cây mía thay được 40% nhu cầu xăng dầu cho xứ sở… Tuyệt nhiên không hề thấy Gs. Nguyễn Ngọc Linh đề cập gì tới kho dầu dự trữ vĩ đại nào của Hoa Kì! Đó là điểm lạ thứ hai.

Tìm hiểu thêm một chút nữa, sẽ giúp cho câu chuyện của chúng ta được rõ ràng hơn.

Về trữ lượng dầu, báo San Francisco Chronicle ra ngày 04 tháng 9 năm 2006 chỉ ước tính Hoa Kì có vào khoảng 800 tỉ thùng mà thôi. Như thế vẫn còn nhiều gấp 3 lần số dầu của Saudi Arabia.

Thư của Matt Badiali cũng lạc quan hơi sớm khi khoe rằng một công ty ở Utah có thể chiết dầu từ đá kết dầu với giá 10$/thùng, rằng Ngũ giác đài đã có kế hoạch đặt mua 300,000 thùng dầu mỗi ngày từ vùng The Green Formation. Thực sự vấn đề không đơn giản và ‘ngon ăn’ như thế.

Tuy nhiên Matt Badiali đã tường thuật chính xác tin tức ‘Quốc hội thông qua đạo luật năng lượng ra lệnh cho Bộ Nội vụ phải mau chóng khai mở đất đai để các công ty có thể khai thác đá kết dầu nằm ở bên dưới’ (Denver Post). Và ngày 08 tháng 8 năm 2005, TT Bush đã kí ban hành đạo luật về năng lượng (The Energy Policy Act of 2005), khai mở cho việc khai thác dầu tại vùng The Green River Formation.

Có thể nói, tất cả những chuyện trên đây đều xác thực, ngoại trừ kĩ thuật khai thác dầu từ đá kết dầu. Tiến trình này hoàn toàn không phải là dễ dàng, không thể trong một thời gian ngắn mà thành công được.

Có lẽ đó là lí do tại sao các hãng thông tấn lớn ở Hoa Kì, kể cả tay sành tin tức như Gs. Nguyễn Ngọc Linh đều chưa vội đề cập tới khả năng sản xuất dầu từ đá kết dầu này của nước Mĩ.

Thật vậy kĩ thuật chiết lấy dầu từ đá kết dầu còn đang trong giai đoạn thử nghiệm các phương pháp, làm sao cho giá thành rẻ và tiến trình khai thác phải ‘sạch sẽ’ không vi phạm luật lệ tiểu bang và liên bang về bảo vệ môi sinh.

Cũng theo tờ San Francisco Chronicle (Sept 04) thì ngay từ các năm 1970, 1980, những công ty như Exxon, Atlantic Richfield, Unocal, Shell, và Chevron đã bỏ ra hàng tỉ bạc để thử nghiệm các phương pháp chiết lấy dầu thô từ đá kết dầu. Thế nhưng các phương pháp thử nghiệm lúc ấy đều đạt kết quả khiêm tốn, lại làm nguy hại cho môi sinh. Vì thế, năm 1981, khi TT Reagan vừa lên nhậm chức đã cắt giảm ngân sách cho các chương trình thử nghiệm này.

Ngày 02 tháng 5 năm 1982, hãng Exxon bất ngờ ngưng kế hoạch thử nghiệm gần thành phố Parachute trị giá 5 tỉ của họ. 2,000 nhân công lập tức thất nghiệp kéo theo nhiều nhà hàng và buôn bán nhỏ phải phá sản!

Hiện nay, hãng Shell và Chevron còn đang tiến hành thử nghiệm.

Hãng Shell khoe cách khai thác của họ hữu hiệu, sinh lợi và an toàn môi sinh hơn cả.

Kĩ thuật của hãng Shell không theo cách đào mỏ mà là khai thác tại chỗ. Họ khoan sâu xuống hàng trăm bộ (feet), rồi đặt các máy phát nhiệt lên tới 700F, kéo dài liên tục từ 2 tới 3 năm. Sức nóng sẽ chuyển hoá Kerogen (tương đương hàng triệu năm hoán chuyển tự nhiên) thành dầu thô để có thể bơm lên mặt đất. Hồi tháng 5 vừa qua, một vị trí thử nghiệm đã thành công, bơm lên được 1,500 thùng dầu. Ông O’Connor, một viên chức quản trị của Shell đã nói kĩ thuật này cho kết quả tốt, nhưng vẫn còn cần thêm ít năm thử nghiệm nữa mới có thể đem ra áp dụng đưọc.

Phương pháp của hãng Shell có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước chung quanh. Để bảo vệ các nguồn nước, Shell nghĩ ra cách tạo một hàng rào chắn chung quanh vị trí khai thác, dầy 10 bộ, được làm lạnh bằng các ống ammonia lỏng. Shell đã mời các nhà môi sinh tới quan sát hiện trường và họ tỏ ra hài lòng.

Shell hi vọng có thể tiến hành khai thác vào năm 2015, với giá 30$/thùng (hiện nay giá 70$/thùng).

Hãng Chevron đi sau hãng Shell với một phương pháp khác. Cơ sở thử nghiệm của hãng này có tên là Chevron Energy Technology Company đang làm việc tại Los Alamos National Laboratory của Bộ Năng Lượng Hoa Kì. Phương pháp của Chevron không dùng điện để đốt nóng mà dùng khí trơ với áp suất cực mạnh để chiết lấy dầu. Chevron hi vọng đến năm 2011 sẽ sản xuất được 200,000 thùng/ngày. Và tới 2020, sẽ sản xuất 2 triệu thùng/ngày. Nước Mĩ tiêu thụ 21 triệu thùng/ngày.

Tóm lại, việc có một trữ lượng dầu cực kì vĩ đại dưới dạng đá kết dầu nằm trong nội địa Hoa Kì là có thật. Chính ra, dầu trong dạng đá kết cần hàng triệu năm nữa (!) mới chuyển hoá thàng dạng dầu lỏng có thể khai thác bình thường. Nhưng nay vì tình hình thúc bách, Hoa Kì muốn khai thác ngay loại trữ lượng dấu này thì phải đối đầu với vấn đề kĩ thuật. Những cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đang gặt hái nhiều kết quả hứa hẹn. Tuy nhiên vẫn còn cần nhiều nỗ lực, tài chánh, và nhất là thời giờ thì việc khai thác dầu dạng đá kết dầu này của Hoa Kì mới trở thành một nền kĩ nghệ dầu có giá trị thương mại được.