(CWNew).
Tayyip Erdogan
Sau khi Đức Thánh Cha tiếp các vị đại sứ tại Castel Gandolfo, các phản ứng của người Hồi Giáo trên toàn thế giới đã lắng dịu. Nhiều vị lãnh đạo Hồi Giáo trên thế giới tuyên bố ngưng các cuộc biểu phản đối Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, có một người không muốn như vậy, đó là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan.

Tayyip Erdogan là lãnh tụ của đảng Công Lý và Phát Triển (Adalet ve Kalkinma Partisi, gọi tắt là AK). Mặc dù là lãnh tụ đảng, khi đảng này chiếm được quyền hành vào tháng 11 năm 2002, Tayyip Erdogan không được nắm giữ chức vụ thủ tướng vì luật lệ Thổ Nhĩ Kỳ không cho một người tù tội như Tayyip Erdogan có thể nắm giữ một chức vụ chính trị. Tuy nhiên, một khi đảng AK nắm được quyền hành, những thay đổi trong luật pháp đã được diễn ra nhanh chóng để dọn đường cho ông này tranh cử Quốc Hội và sau đó trở thành Thủ Tướng Thổ vào năm 2005 vừa qua. Tayyip Erdogan là biểu tượng cho thấy Hồi Giáo cực đoan đang phát triển rất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tayyip Erdogan sinh năm 1954 tại thành phố Rize trên bờ Hắc Hải. Năm 13 tuổi, gia đình Tayyip dọn lên Istanbul. Tại đây, Tayyip gia nhập đám trẻ đường phố mua gánh bán bưng. Tuy nhiên, nhờ có chí Tayyip cũng theo học được tại đại học Marmara về quản trị. Thấy con đường quản trị kinh doanh không được khá, Tayyip xoay qua nghề cầu thủ đá banh. Nghề này cũng không có triển vọng nên Tayyip xoay qua nghề “buôn thần bán thánh”. Tayyip sáng tác nhiều bài thơ cổ xúy Hồi Giáo cực đoan và đem ra đọc nơi đường phố.

Những biểu tượng cuồng tín này đã giúp Tayyip thành lập được đảng Phúc Lợi và nắm được chức vụ đô trưởng Istanbul vào năm 1994.

Những bài thơ kiểu như “Những đền thờ này là trại lính chúng ta, những mái vòm là mũ sắt chúng ta, các tín hữu là quân đội của chúng ta …” lôi cuốn được nhiều người Hồi Giáo vì kích động tình cảm hận thù tôn giáo giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. Đảng Phúc Lợi do Tayyip lãnh đạo phát triển nhanh đến mức vào năm 1998, chính quyền quyết định đặt đảng này ra ngoài vòng pháp luật và bỏ tù ông này 10 năm.

Bản án 10 năm tù đã khiến tên tuổi Tayyip Erdogan càng lên cao hơn như diều gặp gió. 4 năm sau đó, khi AK, hậu thân của đảng Phúc Lợi, nắm được chính quyền, Tayyip Erdogan được trả tự do và trở thành thủ lãnh AK.

Vốn đã không ưa Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và các quan chức Tòa Thánh là những người được coi là đối nghịch niềm tin, và hay chỉ trích việc Thổ xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tháng 11/2005, Tayyip Erdogan đã thẳng thừng bác bỏ khả năng Đức Thánh Cha sang thăm Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tuy nhiên, sau đó trước áp lực của quốc tế, đặc biệt của Hoa Kỳ, Tayyip Erdogan, đồng ý để Đức Thánh Cha sang thăm Tòa Thượng Phụ Constantinople vào tháng 11 tới đây.

Sau vụ này, giới truyền thông cho rằng Tayyip Erdogan đã từ bỏ con đường Hồi Giáo cực đoan để quay sang thành một người “bảo thủ có lập trường thân Tây Phương”. Cái mác này có lợi cho Tayyip Erdogan trên trường quốc tế, nhưng lại gây ra những khó khăn trong việc dành được ủng hộ của quần chúng trong nước. Chính vì thế Tayyip Erdogan đã không bỏ lỡ dịp đầu cơ chính trị trong vụ Regensburg. Tayyip Erdogan đã là người chỉ trích Đức Thánh Cha hăng say tại Thổ. Tayyip Erdogan cho rằng bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại Regensburg, “những chính trị gia như chúng tôi nghe còn không lọt tai”. Ông ta nhất quyết cho rằng “Giáo Hoàng đã mạ lỵ tiên tri Mohammed và chúng ta không thể tha thứ cho vụ này”.

Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng “Giáo Hoàng chưa xin lỗi” và nhất quyết cho rằng từ bài diễn văn tại Regensburg đến các thông báo báo chí sau đó.. đều đã được Tòa Thánh “thao dượt” trước để tránh né trách nhiệm.

Ông ta hứa hẹn với dân chúng rằng vào tháng 11 năm nay khi Đức Thánh Cha đang thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống “Ahmet Necdet Sezer” sẽ nói những điều cần thiết” để chất vấn Giáo Hoàng.