BẢN DỊCH VIỆT NGỮ NGHI THỨC THÁNH LỄ 2005 LÀ GÌ ?



Trong vài tháng gần đây vấn đề bản dịch mới của Nghi thức Thánh Lễ (Order of Mass) được đề cập nhiều ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Bản dịch mới bằng Việt ngữ từ tiếng Latinh đã được bắt đầu áp dụng chính thức tại Việt Nam kể từ Lễ Phuc Sinh 2006 nhưng cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến phê bình khác nhau chung quanh bản dịch này. Ngoài ra, tại các quốc gia có những dòng tu, cộng đoàn và giáo xứ Việt Nam thì việc áp dụng Nghi thức Thánh Lễ theo bản dịch mới vẫn chưa đồng nhất; ngay cả trong một giáo phận, có cộng đoàn theo bản mới, có nơi vẫn theo bản cũ; rồi lại có nơi sử dụng những câu đối đáp trong Thánh Lễ vừa theo cả cách mới lẫn cách cũ. Vì thế, điều này không khỏi gây một sự xáo trộn ít nhiều cũng như hoang mang nơi hàng giáo sĩ và giáo dân xung quanh việc cử hành phụng vụ.

Cũng cần nên nói là bản dịch mới về Nghi thức Thánh Lễ được áp dụng tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ là một phần trong Sách Lễ Rôma mà hiện vẫn còn chưa được dịch đầy đủ ra tiếng Việt.

Vậy bản dịch mới về Nghi thức Thánh Lễ là gì? Và ta có thể có nhận xét gì về bản dịch mới này?

A. Một Số Nét Về Bản Dịch Mới Nghi thức Thánh Lễ

Nghi thức Thánh Lễ (Order of Mass) là một phần nhưng cũng là phần quan trọng nhất trong Sách Lễ Rôma (Missale Romanum – Roman Missal) bằng tiếng Latinh vốn là bản gốc hay bản mẫu (editio typica) cho tất cả các bản dịch bằng những ngôn ngữ khác trên thế giới. Nghi thức Thánh Lễ gồm các phần căn bản trong Thánh Lễ trong đó có Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể cũng như một số kinh Tiền tụng, bốn Kinh nguyện Thánh Thể I, II, III, IV. Kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965) cho đến nay, Giáo Hội đã có ba bản mẫu Sách Lễ Rôma (1970, 1975, 2002). Mặc dầu bản mẫu gần đây nhất tức bản mẫu ba (editio typica tertia) được Toà Thánh công bố năm 2002 nhưng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp thuận vào năm 2000.

Thật ra không có sự khác biệt nhiều giữa ba bản Sách Lễ Rôma bởi vì về căn bản cấu trúc Thánh Lễ vẫn như nhau mặc dầu cũng có một số thay đổi nhỏ hoặc sắp xếp lại một số phần kinh nguyện. Chẳng hạn như trong bản mẫu Latinh 2002, trong phần Nghi thức đầu lễ, bốn mẫu chào của vị chủ tế với cộng đoàn tín hữu được xếp vào một chỗ trong phần đầu lễ, chứ không phải như Sách lễ 1970 và 1975 chỉ đặt trong nghi thức đầu lễ mấy mẫu chào thông dụng còn những mẫu khác đặt trong phần phụ lục nghi thức thánh lễ. Hoặc trong Sách Lễ Rôma 2002 chỉ có 50 Kinh Tiền tụng chung (Preface), ít hơn 1 Kinh Tiền tụng so với Sách Lễ Rôma 1970 và 1975. Cũng vậy trong bản Sách Lễ Rôma mới 2002 có thêm phần lễ dành cho 16 vị thánh quan trọng được ghi vào trong Lịch Phụng vụ Giáo Hội hoàn vũ trong số khoảng 300 vị thánh được các Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II tuyên phong trong thời gian 25 năm kể từ khi Sách Lễ Rôma 1975 ra đời.

Tương ứng với ba bản mẫu Sách Lễ Rôma 1970, 1975, 2002 là ba bản dịch tiếng Việt 1971, 1992 và 2005. Sở dĩ bản mẫu Sách Lễ Rôma 1975 mãi đến năm 1992 mới có bản Việt ngữ một phần lớn là do hoàn cảnh chính trị tại Việt Nam khiến việc họp hành cũng như in ấn sách đạo rất khó khăn.

Nhưng trước hết, có thể có người đặt vấn đề là tại sao chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm Toà Thánh lại có đến ba bản mẫu Sách Lễ Rôma? Và ta có thể nhận xét gì về bản dịch Việt ngữ Nghi thức Thánh Lễ 2005?

B. Tại Sao Lại Ba Bản Mẫu Sách Lễ Rôma?

Chúng ta nên nhớ lại rằng trước Công đồng Vatican II (1962-1965), trong suốt bốn trăm năm tất cả các nhà thờ Công Giáo trên thế giới đều dùng một Sách Lễ Rôma quen gọi là Sách Lễ Rôma Thánh Piô V (St Pius V Roman Missal). Sách Lễ này được Thánh Giáo Hoàng Piô V ban hành năm 1570 theo quyết định của Công đồng Triđentinô (1545-1563) khi mong muốn chuẩn định lại Thánh Lễ theo đúng nghi lễ Rôma (Roman rite) để cử hành thống nhất trong khắp Giáo Hội bởi vì trong thời kỳ Trung Cổ, đặc biệt vào các thế kỷ 13 và 14, nghi thức Thánh Lễ đã được thêm thắt và sửa đổi khá nhiều theo từng địa phương. Vì thế, Thánh Lễ theo đường hướng cải cách của Công đồng Triđentinô đề ra và được Đức Piô V ban hành còn quen gọi là Thánh Lễ Triđentinô. Dĩ nhiên, qua dòng lịch sử, Sách Lễ Rôma Thánh Piô V cũng được các vị giáo hoàng kế nhiệm thay đổi đôi chút và bản mẫu Sách Lễ Rôma cuối cùng theo tinh thần Công đồng Triđentinô là bản mẫu năm 1962.

Khi đề cập đến Thánh Lễ Triđentinô, người ta hay nhắc đến việc cử hành phụng vụ thánh này chủ yếu bằng tiếng Latinh, và vì thế ít có người tín hữu nào có thể hiểu được những lời cầu nguyện trong Thánh Lễ. Nhưng điểm hạn chế của Thánh Lễ Triđentinô còn được biểu hiện ở việc nhiều nghi thức được lặp đi lặp lại không cần thiết. Ngoài ra các linh mục chủ tế phải đọc nhiều phần kinh nguyện trong Thánh Lễ một cách âm thầm, dĩ nhiên bằng tiếng Latinh, và vì thế dễ dàng đưa tới tình trạng giáo dân có thể làm việc đạo đức riêng tư trong những khoảng thời gian đó. Nói một cách khác, Thánh Lễ không còn là một cuộc cử hành phụng vụ cộng đồng đúng nghĩa nữa khi giáo dân đóng một vai trò quá thụ động. Do vậy, ngày nay chúng ta vẫn còn nghe có người dùng từ “đi xem lễ” để nói đến việc đi nhà thờ dự lễ.

Theo tinh thần Công đồng Vatican II, cụ thể là theo Hiến chế Phụng Vụ Thánh Sacrosantum Concilium, để cho giáo hữu “tham dự hoạt động thánh cách ý thức, thành kính và linh động” thay vì là những “khách bàng quang, câm lặng” (SC 48), một số qui tắc căn bản được đặt ra cho việc tu chỉnh Nghi thức Thánh Lễ. Đó là: Các nghi thức trong Thánh Lễ cần phải đơn sơ, trong sáng và ngắn gọn, dễ hiểu (SC 34); trong Thánh Lễ phải có sự liên kết mật thiết rõ rệt giữa việc cử hành các nghi thức và Lời Chúa, đặc biệt qua việc chọn lọc những bài đọc Kinh Thánh khác nhau và thích hợp cho các ngày lễ (SC 35); tiếng bản quốc (vernacular language) có thể được sử dụng để đem lại lợi ích cho tín hữu nhưng Latinh vẫn là ngôn ngữ của phụng vụ Lễ nghi Rôma và phải được duy trì (SC 36); những tập tục văn hoá chính đáng có khả năng được đưa vào trong việc cử hành phụng vụ để có thể thích nghi với tâm tính và truyền thống các dân tộc “miễn sao vẫn duy trì sự đồng nhất cốt yếu của lễ nghi Rôma” (SC 37); việc cổ võ đời sống phụng vụ trong giáo phận và giáo xứ là trách nhiệm chủ yếu của vị giám mục như là vị quản thủ phụng vụ chân thật (SC 38).

Thế là vào năm 1970, bản mẫu thứ nhất Sách Lễ Rôma đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành với nhiều thay đổi về nghi thức phụng vụ so với Sách Lễ Thánh Piô V. Tuy nhiên, Thánh Lễ mới này (còn được gọi là Thánh Lễ Phaolô VI) vẫn trung thành duy trì bản chất của nghi lễ Rôma. Sách Lễ Rôma mới này loại bỏ trong Thánh Lễ Triđentinô những phần thêm thắt không cần thiết được tích lũy qua năm tháng cũng như cố gắng hoà hợp những truyền thống phụng vụ cổ thật phong phú của Giáo Hội Latinh với những bản kinh phụng vụ trong Giáo Hội Đông phương mà trước đây đã từng mai một theo dòng thời gian. Điều đáng kể là các phần trong Thánh Lễ được phân biệt rõ rệt: Nhập Lễ, Phụng Vụ Lời Chúa, Phụng Vụ Thánh Thể, và Kết Lễ. Ngoài ra, nhiều lời nguyện như lời nguyện Thánh Thể mà trước đây vị chủ tế buộc phải đọc âm thầm thì nay đọc to để tín hữu cùng thông công. Dĩ nhiên, điều dễ thấy trong những thay đổi ở Thánh Lễ Phaolô VI, đó là Thánh Lễ được cử hành rộng rãi bằng tiếng bản xứ đến nỗi có ý tưởng sai lầm rằng theo tinh thần Công đồng Vatican II, tiếng Latinh đã bị dẹp bỏ trong việc cử hành phụng vụ (!) Đồng thời, theo Thánh Lễ Phaolô VI, linh mục chủ tế cử hành Thánh Lễ đối diện với tín hữu, thay vì theo Lễ Triđentinô trước đây cả linh mục lẫn tín hữu đều cùng hướng mặt về phía Đông theo truyền thống ngày xưa và thành ra linh mục quay lưng lại với tín hữu.

Rồi chỉ 5 năm sau, một bản mẫu Sách Lễ Rôma (editio typical altera) được ban hành năm 1975 với việc thêm một số bản văn phụng vụ cho các Thánh Lễ theo những nhu cầu khác nhau mà không có trong bản mẫu một năm 1970.

Cuối cùng là bản mẫu ba Sách Lễ Rôma được ban hành năm 2002 như đã nói trên.

C. Một Số Nét Về Bản Dịch Việt Ngữ Nghi Thức Thánh Lễ 2005

Mỗi khi Toà Thánh ban hành bản mẫu Sách Lễ Rôma mới, Hội đồng Giám mục các quốc gia hoặc vùng phải mau mắn dịch sang tiếng bản xứ để đưa vào sử dụng trong phụng vụ vì thường có những thay đổi. Trong trường hợp bản mẫu Sách Lễ Rôma 2002, thật ra Toà Thánh chỉ thêm một ít phần mới mà thôi, quan trọng nhất là một số lễ về Đức Mẹ cũng như lễ về các thánh, trong đó có 3 lễ nhớ buộc là lễ Thánh Maximilianô Kônbê, các Thánh Tử đạo Triều Tiên và các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Như vậy về nguyên tắc, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) chỉ cần dịch những phần mới được đưa vào trong Sách Lễ Rôma 2002 mà thôi, không cần phải dịch lại hoàn toàn tất cả nếu thấy không cần thiết. Nhưng được biết nhân có bản mẫu Sách Lễ Rôma 2002 được ban hành, các giám mục Việt Nam muốn duyệt lại tất cả các phần trong Sách Lễ Rôma trước đây và muốn phải được dịch sát, chứ không được diễn nghĩa, từ bản mẫu Latinh đúng theo Huấn thị V “Liturgiam authenticam” về việc dịch thuật những bản văn phụng vụ từ tiếng Latinh sang tiếng bản xứ được Bộ Phụng tự của Toà Thánh ban hành ngày 28/3/2001. Huấn thị “Liturgiam Authenticam” được đưa ra để thay thế cho Văn kiện “Comme le prévoit” về vấn đề dịch thuật từ tiếng Latinh được Ủy ban Công đồng Đặc trách Thực thi Hiến chế về Phụng vụ Thánh (Consilium) ban hành vào năm 1969. Có thể nói một cách tổng quát, trong khi “Comme le prévoit” cho phép rộng rãi hơn trong việc dịch ý hay tương đương về ý nghĩa (dynamic equivalence) thì “Liturgiam authenticam” chú trọng hơn đến việc dịch từ hay tương đương về thể thức (formal equivalence).

Vì những bản dịch cũ về Sách Lễ Rôma dựa theo nguyên tắc của tài liệu “Comme le prévoit” nên điều không tránh khỏi là những bản văn Latinh khi dịch sang tiếng bản xứ nhiều khi bị bỏ bớt hoặc thêm thắt chữ vào và do đó không thể diễn tả hết ý nghĩa gốc, nhất là khi có những từ ngữ rút từ trong Kinh Thánh hay truyền thống Giáo Hội. Chẳng hạn trong bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng Pháp, để đáp lại câu của vị linh mục chủ tế: “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là hy lễ của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”, giáo dân thay vì trả lời theo đúng bản gốc Latinh mà bản Việt ngữ dịch chính xác từ trước đến giờ là “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng tôn vinh Chúa và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người” thì rút ngắn câu đáp thành: “Hầu mưu ích cho vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ thế giới” (Pour la gloire de Dieu et le salut de monde). Hoặc là ví dụ về phần thêm thắt, trong bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng Anh, sau khi linh mục xướng “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, giáo dân thay vì đáp “Thật là chính đáng” như trong bản tiếng Latinh thì đọc lên: “Thật là đúng đắn khi cảm tạ và ca ngợi Người” (It is right to give him thanks and praise). Hoặc như trong phần Kinh Cáo Mình ở phần đầu Thánh Lễ, cả 2 bản dịch Anh và Pháp đều bỏ đoạn “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Với việc ban hành Huấn thị “Liturgiam authenticam”, Toà Thánh mong muốn có một sự thống nhất trong Hội Thánh Rôma qua bản văn Thánh Lễ nhằm biểu lộ một đức tin và một truyền thống chung. Tuy vậy, Toà Thánh cũng không cổ võ cho một lối dịch cứng ngắt, theo từng chữ một mà không để ý đến nét đặc thù của từng tiếng bản xứ với những từ ngữ và lối hành văn cá biệt (Liturgicam authhenticam 20).

Tóm lại, với mục đích duyệt lại những bản dịch cũ Sách Lễ Rôma trước đây để sửa chữa lại nếu cần theo Huấn thị “Liturgiam authenticam” mà bản dịch mới cuốn Nghi thức Thánh Lễ (như một phần của Sách Lễ Rôma) đã được đưa vào áp dụng tại Việt Nam trong năm nay cho dù nhìn chung các bản dịch của Việt Nam 1971 và 1992 tương đối theo sát với bản gốc Latinh hơn so với các bản dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Thật ra, đối với giáo dân tham dự Thánh Lễ, họ không cảm thấy sự thay đổi này quá lớn lao vì phần đối đáp dành cho giáo dân không có nhiều. Mặc dầu phần đối đáp của tín hữu trong bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 có thay đổi so với bản dịch 1971 nhưng HĐGMVN lúc bấy giờ chỉ đồng ý thay đổi phần đọc của linh mục còn phần đáp chung của cả cộng đoàn vẫn theo bản dịch 1971. Cho nên khi so với bản dịch 1971 thì bản dịch 2005 có một ít thay đổi sau đây:

* Trong Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa-Constantinôpôli (bản dài), chữ “bản tính” trong câu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha” được thay bằng “bản thể”; câu “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”trở thành “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”; câu “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô” thành “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng…”, câu “Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” trở thành “Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”; câu “và Người sẽ trở lại trong vinh quang” được thay thế bằng câu “và Người sẽ lại đến trong vinh quang”; và câu “tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” mất đi chữ “có” trong bản dịch 2002.

* Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ (bản ngắn) là kinh thường đọc trong các gia đình được phép sử dụng thay thế Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinôpôli và HĐGMVN đồng ý để nguyên, không thay đổi.

* Trong phần Dâng Lễ, chữ “lễ vật”và “chúng tôi” trong câu đáp của giáo dân “Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha để ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng tôi cùng toàn thể Hội Thánh Người” được thay thế bằng từ “hy lễ” và “chúng ta”.

* Trong phần tung hô “Thánh, Thánh, Thánh”, câu “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” trở thành “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.”

* Trong Nghi thức Hiệp lễ, câu đáp: “Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” được dịch lại là: “Vì vương quyền, uy lực, và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.”

D. Vài Nhận Xét Về Bản Dịch Việt Nam Nghi Thức Thánh Lễ 2005

Như đã nói trên, với bản dịch Việt ngữ về Nghi thức Thánh Lễ 2005, phần đối đáp của giáo dân không có thay đổi nhiều. Tuy nhiên, đối với những linh mục cử hành Thánh Lễ thì có sự thay đổi lớn vì phải đọc các kinh nguyện với những từ ngữ và cách hành văn được dịch lại cách khác. Quả vậy, bản Việt ngữ của Nghi thức Thánh Lễ 2005 đã cố gắng dịch sát theo bản tiếng Latinh, không những về từ ngữ mà cũng còn ở cách hành văn nữa. Tuy nhiên, việc dịch sát như thế đã đặt ra một số vấn đề.

1) Dịch Sát: Trước hết, mặc dầu HĐGMVN chủ trương duyệt sửa lại những gì dịch không sát trước đây nhưng việc chọn lựa này xem ra đôi khi còn tùy tiện, có những chỗ cần dịch thật sát nhưng lại không dịch và ngược lại.

* Dịch quá sát từ? Chẳng hạn khi cộng đoàn đáp lại lời chào của vị chủ tế trong Thánh Lễ “Chúa ở cùng anh chị em”, thay vì “Và ở cùng thần trí cha” theo bản Latinh “Et cum spirituo tuo” thì ta lại đồng ý với câu đáp “Và ở cùng cha” là đủ. Ở đây, người viết muốn mượn lời của Đức Cha Arthur Roche, Giám mục Giáo phận Leeds (Anh quốc) và là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ (ICEL) tại cuộc họp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ngày 15/6/2006 ở Los Angeles (Hoa Kỳ) khi kêu gọi các giám mục Hoa Kỳ nên chấp thuận bản dịch Thánh Lễ Rôma mới bằng tiếng Anh theo tinh thần của Huấn thị “Liturgiam authenticam”. Khi bàn về câu dịch mới “Và ở thần trí cha” thay vì chỉ là “Và ở cùng cha” như trong bản sách lễ Anh ngữ vẫn thường dùng, Đức Cha Roche nói: “Cách dịch này không thể nào hiểu được nếu không viện dẫn Thánh Phaolô. Ngài thường chào người ta, như Timôthy chẳng hạn, bằng cách đề cập đến thần trí thay vì chỉ là người đó. Vậy điều này có ý nghĩa gì? Đúng thế, thánh nhân chào hỏi ai đó gần gũi với Thiên Chúa, ai đó có thần trí Thiên Chúa. Nên khi chúng ta đáp ‘Và ở cùng thần trí cha” là chúng ta cho thấy rằng chúng ta là phần tử của một cộng đoàn linh thiêng và chính thần trí Thiên Chúa qui tụ chúng ta lại.” Mặc dầu có những e ngại về phía những vị trách nhiệm trong việc dịch thuật bản Việt ngữ cho đó là không phù hợp lắm với cách chào của người Việt Nam, nhưng thiết tưởng còn cảm giác vui sướng nào bằng cho bất kỳ một người tín hữu Công giáo thuộc bất cứ sắc dân nào trên thế giới khi đến dự một Thánh Lễ được cử hành không phải bằng ngôn ngữ của mình nhưng vẫn thấy sự hiệp thông trong cùng một Giáo Hội duy nhất khi đáp lại lời chào đầu tiên trong Thánh Lễ của vị chủ tế “Chúa ở cùng anh chị em” với một lối đáp đều cùng ý nghĩa chung “Và ở cùng thần trí cha”.

Một ví dụ khác cho thấy bản dịch Nghi thức Thánh Lễ 2005 cũng không theo sát bản dịch Latinh hoàn toàn. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể III, khi vị chủ tế đọc câu “để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền” thì thật ra trong bản Latinh có nghĩa là “để từ bình minh đến lúc hoàng hôn”. Cũng theo nhận xét của Đức Cha Roche trong cuộc họp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói trên, “[Câu ‘từ bình minh đến lúc hoàng hôn] có cả chiều kích thời gian lẫn không gian… [và] gần gũi với cách diễn tả chúng ta thấy trong sách tiên tri Malachi 1:11 – Phải, từ bình minh đến lúc hoàng hôn, mọi quốc gia tôn kính Danh Ta và khắp nơi hương thơm cũng như lễ vật tinh sạch dâng tiến Danh Ta - Chúng ta có được một bản dịch phong phú hơn và gợi hình hơn, làm cho tâm trí những người thờ phượng thấy được vẻ đẹp của bình minh và hoàng hôn cũng như sự gần gũi của những bản văn này với Kinh Thánh.”

Một điều thật đáng tiếc là trong bản dịch Việt ngữ 2005 về Nghi thức Thánh Lễ, các Đức Giám mục VN đã bỏ qua cơ hội để sửa lại bản Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ (bản ngắn) đã được tín hữu đọc quen bấy lâu nay và lần đầu tiên được chính thức đưa vào trong Sách Lễ Rôma để có thể thay thế cho bản Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinôpôli (bản dài) đọc trong các ngày Chúa nhật hay lễ trọng. Cũng như các bản kinh hằng ngày khác mà người Công giáo thường đọc, vì được dịch từ xưa nên bản Kinh Tin Kính này có những từ cần sửa lại cho chính xác. Điều này thiết tưởng không quá khó vì chỉ có một vài chỗ cần sửa lại, chẳng hạn như “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này” và “Tôi tin hằng sống vậy” mà đúng ra phải là “Tôi tin Giáo Hội thánh thiện và công giáo” và “Tôi tin cuộc sống đời đời”. Khi càng ngày ở trong nước người Việt Nam nói chung và người Công Giáo VN nói riêng, đặc biệt là giới trẻ, phải lo chạy đôn chạy đáo kiếm tiền theo đòi hỏi của nền kinh tế thị trường thì việc đọc kinh bổn trong gia đình như ngày xưa thật là khó. Vì thế, Thánh Lễ ngày Chúa nhật là một cơ hội quý báu để giúp người tín hữu có thể sống và học hỏi về đức tin thì tại sao chúng ta không biết tận dụng chứ?

>* Hoặc dịch từ quá sát? Trong Nghi thức Thánh Lễ 2005, ở phần công thức ban phép lành cuối lễ dịp Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô (trang 117), nơi câu 2 có đoạn: “Xin thánh Phêrô dùng quyền chìa khoá, thánh Phaolô dùng lời giảng dạy, và cả hai đấng dùng lời chuyển cầu mà gắng đưa chúng ta vào quê trời.” Không biết bản gốc Latinh như thế nào mà bản tiếng Việt lại có những từ “mà gắng đưa” khiến cho cả vị chủ tế lẫn cộng đoàn không khéo lại lo ra chia trí vì quan tâm đến hai vị đại thánh phải “gắng” sức quá để chuyển cầu cho họ!

Còn trong phần công thức ban phép lành cuối lễ dịp Lễ cung hiến thánh đường (trang 119), ở câu 1 có đoạn: “Thiên Chúa là Chúa trời đất, hôm nay đã tập hợp anh chị em đến cung hiến ngôi nhà này”. Nếu theo Huấn thị “Liturgiam authenticam” số 25 về việc phải dùng trong bản dịch phụng vụ những văn từ thật trang trọng và xứng đáng để chúc tụng và tôn thờ Thiên Chúa thì chữ “tập hợp” nghe quá bình dân và thô thiển! Tại sao ta không thể dùng từ “qui tụ” nghe thanh lịch hơn?

Cũng trong phần công thức ban phép lành cuối lễ dịp Lễ cung hiến thánh đường (trang 119), lời chúc số 2 có đoạn: “Xin Ngài ban cho anh chị em được trở nên đền thờ của Ngài và ngôi nhà của Chúa Thánh Thần” Thiết tưởng ai đọc lên câu này cũng thấy hụt hẫng như thế nào đấy vì lẽ ra trước đoạn “ngôi nhà của Chúa Thánh Thần” nên có chữ “trở thành” hoặc “thành” để nghe xuôi tai hơn mà không ai có thể cho đó là dịch không sát. Cũng như câu Latinh “Ego sum via et véritas et vita” vẫn thường được dịch ra tiếng Việt như sau: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, mặc dầu nếu dịch thật sát từ thì phải là “Ta là Đường và Sự Thật và Sự Sống” nhưng chẳng ai dịch như thế cả!

Hoặc trong Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên VI có đoạn: “Vì khi chúng con nhận lãnh Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu, nhờ Người, Chúa đã làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, chúng con hy vọng được muôn đời hưởng mầu nhiệm Vượt Qua.” Bởi vì người dịch muốn giữ từ Chúa Giêsu như trong nguyên văn Latinh thay vì Đức Giêsu nên hai chữ Chúa được đặt rất gần với nhau nghe thật lủng củng, đó là chưa kể chữ “Chúa Thánh Thần” cũng được đặt gần trước đó.

2) Lối hành văn: Một điểm ghi nhận khác là lối hành văn trong sử dụng trong bản dịch Việt ngữ Thánh Lễ 2005. Mặc dầu những vị trách nhiệm trong Ủy ban Phụng vụ thuộc HĐGMVN chủ trương bản Việt ngữ mới của Nghi thức Thánh Lễ Rôma phải trung thành nhưng không “nô lệ” cho bản gốc Latinh bởi vì cũng còn phải xem xét các yếu tố ngôn ngữ địa phương. Tuy vậy, thực tế bản văn cho thấy ngay cả cách chấm câu trong bản dịch mới Nghi thức Thánh Lễ ở nhiều chỗ xem ra chẳng để ý đến cú pháp hay lối hành văn của ngôn ngữ bản xứ mà Huấn thị “Liturgiam authenticam” số 20 cho phép để đọc cho dễ hiểu. Điều này thấy rất rõ nơi phần “Các công thức phép lành trọng thể cuối lễ”. Chẳng hạn ở Lễ các Thánh Tông đồ (trang 118) có câu chúc lành số 1 như sau: “Thiên Chúa đã cho anh chị em đứng vững trên nền tảng các Tông đồ, vì công phúc vinh hiển của các Thánh Tông Đồ T. và T. (Thánh T. Tông Đồ), xin Chúa đoái thương ban phúc lành cho anh chị em.” Không biết vị chủ tế phải đọc như thế nào cho đúng bởi vì với cách hành văn như thế thì cụm từ “vì công phúc của các Thánh Tông Đồ” nên đi liền với câu “Thiên Chúa đã cho anh chị em…” trước đó hoặc đi với câu “xin Chúa đoái thương ban phúc…” sau đó. Điều này rất quan trọng để vị chủ tế khi đọc biết ngừng câu đúng nơi. Nếu quả thật câu “vì công phúc của các Thánh Tông Đồ” đi theo với câu “xin Chúa đoái thương ban phúc…” sau đó thì tại sao ta lại không thể bỏ thêm một dấu chấm hoặc dấu chấm phẩy ngay sau câu “Thiên Chúa đã cho anh chị em…” thay vì chỉ là dấu phẩy? Ở câu chúc lành số 2 và số 3 của Lễ Các Thánh Tông Đồ cũng xảy ra tình trạng như vậy.

Cũng thế, ở Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên VIII (trang 48), vị chủ tế buộc phải đọc một hơi đoạn “Vì khi con cái bị tội ác phân tán, Chúa đã muốn nhờ Máu Con Chúa và quyền năng Chúa Thánh Thần mà quy tụ nên một về với Chúa, để khi đoàn dân Chúa được hợp nhất bởi mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà ca tụng thượng trí vô biên của Chúa, thì đoàn dân Chúa là Hội Thánh được nhận biết là Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Ở Kinh Tiền Tụng Các Thánh Tử Đạo II (trang 58) có cả một đoạn kinh nguyện thật dài: “Vì Chúa được các Thánh của Chúa dâng lời ca ngợi, và những gì liên quan tới cuộc khổ nạn của các ngài, đều là công trình kỳ diệu của quyền năng Chúa là Đấng ban cho các ngài được cháy lửa đức tin, thôi thúc các ngài bền đỗ đến cùng, và ban tặng vinh thắng trong cuộc chiến của các ngài, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lẽ ra những đoạn kinh nguyện dài như trên có thể dùng các dấu chấm hay chấm phẩy ngắt ra thành những câu ngắn hơn và sắp xếp lại trật tự các từ hay đoạn văn mà ý nghĩa vẫn không thay đổi đồng thời khiến câu cú được sáng sủa và rõ ràng hơn. Bởi vì nếu vị chủ tế đọc cũng thấy khó hiểu thì làm sao giúp tín hữu nâng tâm hồn lên tới Chúa?

Cũng vậy, trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, ở đoạn cầu cho những người đã qua đời (trang 86) “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa. ” Vì đây là đoạn kinh đọc to lên cho cả cộng đoàn nghe nên câu cú phải dài vừa đủ để người đọc ngắt câu cho đúng nơi mà người nghe không cảm thấy khó hiểu. Do đó cách đặt câu như trên là lối văn viết không thích hợp khi đọc lớn tiếng bởi vì sau từ “mọi người” là một liệt kê tổ tiên, ông bà rồi mới đến “đã ly trần”. Do đoạn kinh về việc cầu cho các bậc tổ tiên không có trong bản gốc Latinh mà chính là do HĐGMVN xin Toà Thánh cho thêm vào, thế thì tại sao ta không thể làm thành một câu mới hoàn toàn như bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 đã làm? Hơn nữa, nếu theo ý muốn của HĐGMVN muốn có một đoạn kinh cầu nguyện cho tổ tiên để diễn tả tâm tình hội nhập văn hoá thì tốt hơn nên làm thành một câu mới hoàn chỉnh thay vì cố nhập chung vào câu có sẵn. Điều đó khiến cho người nghe có cảm tưởng như là phần kinh cầu cho tổ tiên ông bà chỉ là thuận tiện mà đưa vào chứ không phải do chủ đích.

3) Cách dịch không nhất quán: Chắc chắn rằng mỗi một ngôn ngữ đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì thế, khi dịch một bản văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ nọ gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn khi dịch Kinh Tin Kính đoạn “Vì loài người chúng tôi” bên Việt ngữ thật dễ dàng nhưng phía Anh ngữ thì phải dịch là “For us men” nhưng lại gặp phải chống đối của một số người cho rằng chữ “men” ngày nay chỉ dùng để chỉ nam giới mà thôi. Nhưng mặt khác, Việt ngữ lại thất thế khi không thể dùng chữ “you” nhiều lần như trong Anh ngữ để kêu cầu với Chúa mà phải lặp đi lặp lại chữ “Chúa” hay “Ngài” nhiều lần, rồi ngay cả từ “Chúa” trong Thánh Lễ phải được hiểu có khi là Thiên Chúa Ba Ngôi, khi thì Chúa Cha và khi thì Chúa Giêsu. Vì thế, điều quan trọng là phải đặt ra một số qui ước nhất định để dễ dàng chuyển dịch, tránh hiêu lầm ý.

Đó là điều mà bản dịch Việt ngữ Thánh Lễ Misa 1992 tương đối khá hợp lý khi dùng từ “Người” để chỉ đại danh từ ngôi xưng thứ 3 và từ “Ngài” để chỉ đại danh từ ngôi xưng thứ 2, cho dù là Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa Thánh Thần. Vả lại, ngay cả trong các nghi thức ngoại giao hiện nay, ta vẫn thấy thế giới thường dùng từ “Thưa Ngài” để chỉ ngôi xưng thứ 2. Thế mà trong bản dịch Nghi thức Thánh Lễ 2005, không hiểu vì lý do gì mà bất kể ngôi xưng thứ 2 hay thứ 3, chữ “Ngài” luôn được dùng để chỉ Chúa Cha và từ “Người” dùng để chỉ về Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần, cùng với Đức Mẹ và các thánh. Vì vậy, ngay cả trong một công thức ban phép lành trọng thể như trong Mùa Phục sinh chẳng hạn (trang 111), vị chủ tế khi đọc lời chúc thứ nhất xin Thiên Chúa (ngôi xưng thứ 3) ban ơn cho giáo hữu thì gọi là “Ngài”, còn lời chúc thứ hai và thứ ba xin Chúa Giêsu (cũng ngôi xưng thứ 3) ban phúc cho cộng đoàn thì gọi là “Người”!

Cũng bàn về sự nhất quán trong cách dịch, lời phúc lành số 2 cuối lễ Cuộc Khổ Nạn (trang 110), được đọc như sau: “Xin cho anh chị em được lãnh nhận phúc trường sinh bởi Đấng mà anh em tin là nhờ cái chết tạm thời của Người, anh chị em được thoát khỏi cái chết muôn đời.” Chưa nói đến việc sắp xếp lại câu cú để dễ nghe hơn thì nội việc lúc thì dùng chữ “anh chị em”, lúc thì dùng từ “anh em” cũng không khỏi làm cho người đọc và người nghe dù không biết bản gốc Latinh như thế nào vẫn có thể đặt vấn đề về việc dịch thuật.

Một điểm khác đáng ghi nhận về sự không nhất quán trong cách dịch, đó là ở phần “Công thức ban phép lành trọng thể cuối lễ” với những câu “Xin cho” và “Ước gì”. Chẳng hạn ở câu chúc lành số 2 dịp Lễ Hiển Linh thì “Ước gì… anh chị em…” nhưng qua câu chúc lành số 2 về Cuộc Khổ nạn kế liền sau đó và cùng trang 110 thì lại trở thành “Xin cho anh chị em…” Cũng vậy, câu “Xin cho anh chị em…” cũng được tìm thấy ở lời chúc lành số 2 dịp Lễ Đức Trinh Nữ Maria (trang 116), lời chúc lành số 3 dịp Lễ cung hiến thánh đường (trang 119), và lời chúc lành số 3 dịp Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (trang 120). Không hiểu lý do nào mà lúc thì dịch “Xin cho” và lúc thì dịch “Ước gì”. Nhưng ngay cả lời dịch “Xin cho anh chị em…” cũng không được ổn vì câu hỏi được đặt ra sẽ là “Vị chủ tế xin ai cho anh chị em được ơn này ơn kia?” Phải chăng “Xin Chúa cho anh chị em…”? Thế thì tại sao chữ Chúa lại không có? Hoặc giả nếu như trong bản gốc Latinh không có chữ Chúa thì phải nên dịch là “Ước gì” nghe chính xác và hợp lý hơn. Dù sao đi nữa, sự kiện này cũng không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng dịch thuật và sự nghiêm túc của những vị có trách nhiệm trong GHVN đối với bản văn phụng vụ Việt ngữ dùng trong Thánh Lễ.

E. Vài Lời Cuối Về Bản Dịch Nghi Thức Thánh Lễ 2005

Đã là bản dịch thì dù là của một cá nhân hay ngay cả của một tập thể lớn vẫn luôn có những thiếu sót ít nhiều. Dĩ nhiên, nếu bản dịch càng sát với nguyên bản cả ý tưởng lẫn từ ngữ mà vẫn nghe xuôi tai thì càng hay. Nhưng cho dù dựa trên tiêu chuẩn đánh giá dịch thuật nào đi chăng nữa thì tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là làm sao người đọc hiểu đúng ý với nguyên bản, chứ không hiểu sai, hiểu lầm, chứ chưa nói đến các âm tiết, vần điệu để phù hợp với tai người nghe.

Cùng với những dẫn chứng trên đây, ta có thể lấy một ví dụ khác ở lời chúc sô 1 trong công thức ban phép lành cuối lễ Mùa Vọng (trang 107): “Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi, nhờ việc Con Chúa đến trong ánh huy hoàng, thánh hoá và đổ tràn phúc lành của Ngài cho anh chị em là những kẻ tin Con Một Chúa đã đến và mong đợi Người sẽ đến. ” Thiết tưởng, đây là một đoạn văn để linh mục chủ tế đọc to lên cho cộng đoàn tín hữu, chứ không phải là một bản văn viết mà vị đó có nhiều giờ ngồi nghiền ngẫm câu cú để đọc sao cho hợp lý. Do đó, với cách hành văn của lời ban phép lành trên đây, rất dễ dàng vị chủ tế sẽ đọc theo cách thức là “nhờ việc Con Chúa đến trong ánh huy hoàng, thánh hoá và đổ tràn phúc lành của Ngài…” để rồi đến cuối câu chúc mới phát hiện là đọc không đúng cách, bởi vì thật ra cụm từ “nhờ việc Con Chúa đến trong ánh huy hoàng” chỉ là bổ túc cho việc “Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi… thánh hoá và đổ tràn phúc lành của Ngài…” Như thế tại sao ta không thể sửa lại trật tự câu cú để tránh việc hiểu lộn và đọc lầm?

Hoặc trong Kinh Tiền Tụng V cầu cho những người đã qua đời (trang 71) có đoạn: “Vì mặc dầu chúng con đáng phải chết, nhưng nhờ lòng thương xót và ân sủng của Chúa, khi chúng con đã chết vì tội lỗi, và được cứu chuộc nhờ cuộc chiến thắng của Chúa Kitô, chúng con được kêu gọi hưởng sự sống với Người. ” Quả thật, mặc dầu đoạn kinh này bằng Việt ngữ và ai cũng có thể hiểu nghĩa từng chữ một nhưng được đặt thành câu cú như thế thì khó lòng cho vị chủ tế kêu gọi tín hữu hướng tâm hồn lên tới Chúa. Phải chăng câu trên có thể sắp xếp lại cách hành văn để được hiểu như thế này: “Vì mặc dầu chúng con đáng phải chết, nhưng khi chúng con chết đi do tội lỗi, (thì) nhờ lòng thương xót và ân sủng của Chúa, chúng con được cứu chuộc nhờ cuộc chiến thắng của Đức Kitô, và được kêu gọi hưởng sự sống với Người. ”?

Thật ra người viết không có nhiều thời giờ để đọc trọn cuốn Nghi thức Thánh Lễ 2005 nhưng ít ra cũng đọc khá kỹ phần các Kinh Tiền Tụng và Nghi thức ban phép lành trọng thể cuối lễ. Tuy nhiên, qua đó người viết có thể nói rằng, nếu những người có trách nhiệm về bản dịch Nghi thức Thánh Lễ chỉ cần chịu khó một chút nữa trong việc sửa lại câu cú và từ ngữ với tâm niệm đây là một bản văn kinh nguyện mà vị linh mục chủ tế đọc to cho cả cộng đoàn tín hữu, Giáo Hội Việt Nam chắc chắn sẽ có một bản dịch khá hoàn hảo hầu giúp cho mọi người không phải lo ra chia trí khi tham dự Thánh Lễ nhưng sẽ giúp họ tích cực và sốt sắng hơn trong việc phụng thờ Thiên Chúa.

Nói đúng ra, ngôn ngữ chỉ là một trong những phương thế - nhưng là phương thế rất quan trọng - để chuyển tải niềm tin và tâm hồn của cộng đoàn dân Chúa trong việc phụng tự. Bởi vì để cho một Thánh Lễ được cử hành sốt sắng và trang nghiêm, ngoài yếu tố ngôn ngữ trong lời nguyện và trong các bài hát, còn có các yếu tố khác chẳng hạn như lễ phục, cách trang trí bàn thờ, sự thinh lặng, cử điệu và cung cách của linh mục chủ tế, phó tế, các thừa tác viên đọc sách, thừa tác viên cho rước lễ, người giúp lễ, và tất cả cộng đoàn nói chung. Đó là lý do tại sao mỗi khi ban hành một bản mẫu Sách Lễ Rôma (1970, 1975, 2002), Toà Thánh đều có ra Huấn thị chung về Sách Lễ Rôma (General Instruction on Roman Missal – GIRM) với những qui định cho cả Giáo Hội hoàn vũ về cách cử hành Thánh Lễ sao cho được trang trọng và đúng đắn. Dĩ nhiên, cũng như những bản dịch phụng vụ, Hội đồng Giám mục địa phương có thể sửa đổi một vài cách thức trong việc cử hành Thánh Lễ hầu thích nghi với hoàn cảnh thực tế của Giáo hội địa phương với sự chuẩn thuận của Toà Thánh.

Cuối cùng ra, mục đích tối hậu của Thánh Lễ là gia tăng sự kết hợp mật thiết giữa những người tín hữu với Thiên Chúa (nhất là nhờ việc rước Mình Máu Chúa Giêsu) cũng như lòng yêu thương của họ đối với anh chị em đồng loại. Trong ý tưởng này mà ta nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ cũng như những yếu tố khác trong phụng vụ một khi được áp dụng cách tương xứng sẽ có thể giúp cộng đoàn dân Chúa từ vị chủ tế đến những người tín hữu tham dự Thánh Lễ cảm nghiệm được sự hoán cải trong tâm hồn, tăng thêm lòng yêu mến Chúa và anh chị em, cũng như thiết tha trong việc xây dựng Nước Trời ngay từ ở trần gian này qua việc làm chứng tá sống bác ái, hiệp nhất và công bình.

Trong khi ghi nhận những nỗ lực và công sức của những người có trách nhiệm trong việc dịch thuật cũng như của Ủy ban Phụng Tự thuộc HĐGMVN, người viết phải trung thực đưa ra một nhận xét hy vọng không quá chủ quan đó là, Nghi thức Thánh Lễ 2005 được đưa ra áp dụng hiện nay chưa đáp ứng được niềm mong đợi của nhiều giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân VN về một bản dịch Việt ngữ Nghi thức Thánh Lễ cả vừa trung thành với bản gốc Latinh lẫn vừa biểu lộ được niềm tin cùng tâm tình thiêng liêng của người CGVN trong việc phụng tự. Quả là sự đáng tiếc và điều đáng nói hơn nữa là Giáo hội VN không thiếu những người chuyên môn có khả năng thuộc mọi lãnh vực cả trong đạo lẫn ngoài đời!

Ước mong sao khi HĐGMVN chấp thuận bản dịch toàn bộ Sách Lễ Rôma mới trong thời gian sắp đến, một số nhận xét xây dựng trên đây của người viết cũng như của nhiều người khác bấy lâu nay trong việc mong muốn Giáo Hội Việt Nam có một bản dịch Thánh Lễ xứng hợp sẽ được các vị có thẩm quyền ghi nhận thích đáng.