Tu thân, tu đạo, tu dòng: Mấy điều tư lượng về dòng Mến Thánh Giá (4)
43 – Mến Thánh Giá
Ở đây tôi không bàn đến 5 công tác mà ĐC Lambert de la Motte giao cho chị em Mến Thánh Giá. Những công tác ấy đưa các chị ra ngoài nhà dòng, để làm công việc bác ái và tham gia vào việc truyền giáo. Các chị tu đạo, không phải là để cho mình mà thôi, nhưng để làm việc cho người khác. Tôi cũng không nói đến phép nhà, dậy tổ chức cuộc sống chung của các chị cho hợp với lý tưởng, khác hẳn cái phép nhà của người không đi tu, nằm trong khuôn khổ phép tam tòng. Tôi xin hạn hẹp vào con đường thiêng liêng mà ĐC đã đề nghị cho các chị. Và tôi còn xin hạn hẹp thêm nữa : tôi không bàn đến những điểm có chung với các dòng tu khác, như ba lời khấn (nghèo khó, thanh tịnh và vâng lời), đọc kinh, ăn chay, đánh tội, hãm mình, v.v., mà chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ về điểm đăc biệt, riêng cho các chị : Mến Thánh Giá.
Như ai nấy đều biết, Thánh Giá, tượng trưng cho cuộc tử nạn hay khổ nạn của Đức Giáo tổ Giêsu, là trọng tâm của sách Phúc-âm và là phần đã được ghi lấy trước tiên và ghi đủ những điều cốt yếu. Nhưng cuộc tử nạn như thế là một biến cố khách quan, bên ngoài, tự nó chỉ có giá trị tiêu cực. Từ xưa đến nay trên cõi đời này, có biết bao nhiêu người khắp đó đây đã bị tra tấn và tàn sát một cách dã man. Không ai có thể nghĩ rằng nên bắt chước mà làm như thế, hay là nên bắt chước mà chịu như thế, lại càng không thể nghĩ rằng Thiên Chúa thích như thế.
Cuộc tử nạn của Chúa chỉ có giá trị, với hai điều kiện thiết yếu mà thánh Phao-lô đã ân cần nhắc lại. Một là : cuộc tử nạn ấy phải đưa tới cuộc « sống lại » (trỗi dậy) của Đức Giêsu thì mới có ý nghĩa. Vì Đức Giêsu sống lại hay là chỗi dậy được, đó là bằng chứng là Đức Chúa Cha đã cho nó có giá trị tích cực. Cho nên thánh Phao-lô viết trong Thư I gửi tín hữu Cô-rin-tô : « Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy (sống lại), thì lời rao giảng của chúng ta trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. » (1 Cr 15, 14). Hai là : cái giá trị tích cực đó là ở tại hai tâm tình bên trong. Một là ý muốn vâng lời Đức Chúa Cha đã giao phó cho sứ mệnh là làm sáng tỏ lòng thương yêu của Người đối với loài người ta. Hai là lòng mến Chúa yêu người. Về tâm tình thứ nhất, thánh Phao-lô viết về Đức Ki-tô trong Thư gửi tín hữu Phi-líp-phê : « Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. » ( Pl 2, 8-9). Về tâm tình thứ hai, thánh nhân viết trong Thư I gửi tín hữu Cô-rin-tô : « Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoang ( … ) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay là nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù ( … ) » ( Cr 13, 1-5).
Tôi trưng dẫn hơi dài, nhưng thiết tưởng có như thế mới nói lên được cho rõ quan niệm của Giáo hội là giữ lấy thăng bằng giữa khổ nạn đau thương và sống lại vinh quang của Chúa. Hàng năm Giáo hội vẫn tưởng niệm cả hai việc trong cùng một lịch sử cứu độ chúng ta : Chúa chịu nạn và Chúa sống lại. Trung tâm là Tuần thánh, mà cao điểm là ngày thứ sáu Chịu nạn và ngày chủ nhật Phục Sinh. Trước lễ Phục sinh thì dùng mùa chay 40 ngày để chuẩn bị. Còn mùa Phục Sinh thì gồm từ lễ Phục sinh, rồi lễ Lên Trời, 40 ngày sau đó, và 10 ngày sau nữa là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là lễ nghi chính thức đã được phát triển trong thời cực thịnh của Giáo hội. Chứ trong buổi đầu thì đơn sơ hơn nhiều, nhưng vẫn giữ được các phần cốt yếu như thế. Và ngày nay mỗi thánh lễ mà ta dâng hàng ngày cũng là một hình thức vắn tắt tưởng niêm và tạ ơn Chúa vì lịch sử cứu độ.
Giáo dân khi còn nói tiếng La-tinh thì tích cực tham gia mà không cần các cách sùng đạo khác.
Cái thăng bằng giữa hai phần của ơn cứu độ của Chúa có thể dần dần lệch lạc đi, làm cho người ta giục lòng mến thương Chúa chịu khổ nạn nhiều hơn là mừng Chúa vinh quang. Thiết tưởng cái ý thức tội lỗi và cái thiện chí muốn đền bù, tự nó là rất phải lẽ, nhưng vì quá nhấn mạnh lên hai thái độ về phần con người, cho nên làm cho ta dễ quên đi rằng về phần Chúa cứu độ thì chỉ muốn ta tín cẩn vào Người.
Nói cho đúng ra thì trong Thánh Kinh có dùng cả hai kiểu để nói về sự cứu rỗi, là : cứu độ và cứu chuộc là hai từ ngữ có nghĩa hơi khác nhau. Cứu độ có nghĩa là cứu giúp. Người La-tinh dùng chữ salvare (Pháp : sauver, le salut) là cứu giúp cho lại được vẹn toàn (salvus, sauf). Người Đức dịch là heilen (das Heil), nghĩa là chữa thuốc cho lành mạnh. Được cứu độ là lại được lành mạnh và vẹn toàn (Pháp : sain et sauf). Còn cứu chuộc (Hán Việt là : cứu thục) thì có nghĩa là cứu bằng cách là mua lại (như : chuộc kẻ làm tôi). Người La-tinh dịch là redemere (sinh ra tiếng Pháp là rédempteur, rédemption ), đúng nghĩa là mua (emere) lại.
Dù sao có dùng cả hai kiểu nói như thế thì cũng vẫn chưa nói đủ ý, vì chưa nói lên điểm cốt yếu là mối tương quan thân tình mà Chúa ban cho ta[1]. Nhưng nếu nhấn quá mạnh vào sự cứu chuộc, thì lại rất dễ đi đến chỗ lệch lạc hơn. Vì lẽ ta biết là trong ơn cứu độ thì cái căn bản là liên quan giữa Chúa và người ta mà thôi, vậy nếu bảo là phải mua lại, thì phải trả tiền, mà trả tiền cho ai khác nữa mới được chứ !
Để trả lời cho câu hỏi oái oăm, do cái bất cập của từ ngữ gây ra, thì người ta nghĩ ngay đến việc mua bán cho công bằng, theo đúng pháp luật. Đó là cái ưu điểm của văn hóa La-tinh, vì người La-tinh có tư tưởng rất lý sự về pháp lý (droit romain !). Nhân vật đã làm cho quan niệm về ơn cứu độ trong giáo hội Tây Au đi trệch đường theo phương hướng pháp lý sòng phẳng là thánh An-xem (Anselmus, 1033-1109), quê tại nước Ý, làm giám mục thành Canterbury (nước Anh). Lập luận của ngài còn có ảnh hưởng cho đến cuối thế kỷ XX Đó là lập luận căn cứ vào quan niệm đền bù (satisfaction) để giải thích thế nào là ơn cứu độ : đã vay thì phải trả, làm hỏng thì phải đền, mà phải trả phải đền cho đủ mới là sòng phẳng. Theo lập luận này thì « phụ trái tử hoàn », cha nợ thì con phải trả. Mình không đền được thì kẻ khác phải đền thay[1]. Mà loài người không đền được, thì phải có Chúa Ngôi Hai đền thay. Ta còn thấy rõ như thế trong sách Bổn mà chúng ta đã dạy nhau từ mấy thế kỷ nay. Xin trưng ra đây một đoạn vắn tắt, và gạch dưới những chữ quan trọng :
H. Vì lẽ nào mà Ngôi thứ Hai ra đời ?
Vì tội lỗi loài người ta đã làm mất lòng Đức Chúa Lời (Trời), cho nên Ngôi
thứ Hai đã ra đời mà lập công chuộc tội. ( … )
Loài người ta chẳng đền được tội mình ru ?
Chẳng được vì tội phạm đến Đức Chúa Lời là Đấng sang trọng vô cùng, cho
nên phải có công nghiệp Đấng trọng vô cùng thì mới đền được mà thôi.
(Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn, Địa phận Hà Nội, 1958, Phần I, Đoạn II).
Quan niệm có tính cách pháp lý như thế, làm cho người ta muốn yên thân thì phải lý sự, sòng phẳng với Chúa, nhất là vì còn thêm vào đó quan niệm Chúa là quan tòa nghiêm khắc[1]. Người ta quên đi rằng trong Phúc âm, không thấy nói đến truyện « chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng » (Sách Lê-vi 24, 20. Chúa tha tha thứ cho người có tội mà không thấy bắt đền gì cả.
Về sau khi đạo Chúa lan rộng ra, giáo dân mới thường không nói được tiếng La-tinh, cho nên không tham gia được vào các lễ nghi phụng vụ rất phong phú bằng tiếng La-tinh, thì giáo hội Rôma khuyến khích những lối sùng đạo bình dân, như : ngắm đàng Thánh Giá có 14 « nơi », hay là đọc « kinh cầu chịu nạn ». Riêng ở Việt Nam thì có « ngắm 15 sự thương khó ĐC Giêsu »[1].
Trong những bài ngắm đó thì có thêm vào nhiều chi tiết không nói đến trong sách Phúc-âm. Dĩ nhiên đây không phải là thể văn lịch sử, nhưng là một thể văn có mục đích là đánh động lòng thương ĐC Giêsu. Khi ngắm về sự thương khó của Chúa thì người ta nghĩ đến hành động tàn bạo của lính coi tù – mà ta gọi là « quân dữ » và giáo dân Trung hoa gọi là « ác nhân » – rồi hình dung ra đủ các mánh khóe tàn ác của quân dữ. Thêm vào đó thì các họa sĩ ở Tây Au lại cứ đi theo cái khuynh hướng « tả chân » ấy mà vẽ nên khá nhiều « ảnh chịu nạn » hay là « ảnh chuộc tội » máu me đầm đìa. Các hình ảnh như thế đã được các tâm hồn đạo đức truyền bá ra khắp giáo hội Tây Au và lan cả sang các xứ truyền giáo. Cho đến nỗi người Phi-luật-tân đôi khi đã lấy lại của người I-pha-nho cái tục tưởng niệm Chúa chịu nạn bằng cách đóng đinh người thật ! Trái lại, Giáo hội Chính thống và Giáo hội Tin lành thì kín đáo hơn, và nhấn mạnh vào sự Chúa sống lại.
Rất có thể là những hình ảnh ấy đã ảnh hưởng nhiều lên các truyền thuyết cũng như lên những mặc khải riêng tư của bà thánh nọ hay chị nữ tu kia, vì ở đây ta cũng hay thấy liệt kê ra nhiều chi tiết rất tàn bạo. Nhưng tôi chưa thấy đâu đưa ra nhiều chi tiết – không biết lấy từ sách nào bên Âu châu ra – cho bằng trong một cuốn sách ngắm đàng Thánh Giá của Giáo hội Trung-hoa, tên là Thánh lộ thiện công, in bằng chữ Hán năm 1840, do tư giáo hay giám mục Á-lặc-thúc (A-lê-xù ?) chuẩn định. Trong sách này tôi thấy có mấy điểm giống như trong sách Ngắm 15 sự thương khó ĐCG ở Việt Nam, ví dụ khi bị bắt giải nộp cho « An-nát là cha vợ Cai-pha », thì « đêm ấy người ngã xuống đất 7 lần », và trên đường Thánh Giá thì Chúa ngã 3 lần; trong hai sách ngắm đều nói là Chúa chịu « dư năm nghìn đòn ». Có khá nhiều điểm có trong sách Tàu mà không có trong sách ta, nhưng một vài chi tiết có trong sách ta mà không có trong sách Tàu[1].
Sau mỗi bài ngắm như thế, thì người ta đọc tiếp là : « Thương Đức Chúa Giêsu v.v. », rồi « xin cho chúng tôi » được giữ đạo cho nên, với ý muốn đền bù, muốn chia sẻ sự thương khó của Chúa, như thánh Phao lô viết cho tín hữu Cô-lô-xê : « Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức » (Cl 1, 24). Câu đó là do lòng mến Chúa yêu người của thánh nhân nói lên. Thiết tưởng cũng chính câu đó về sau đã gợi cho các tín hữu cái ý muốn đền bù thêm nữa – có người nói là « phạt tạ » – không những là bằng lòng chịu các sự khốn khó mình gặp (nói là « Chúa gửi cho »), mà còn tìm cách tự phạt mình nữa, để đáng được tha thứ. Chính cái lập luận ấy đã làm cho thời Trung cổ Au châu có cái tục là, trong một vài buổi lễ ăn năn đền tội, có một số người đi trong đám rước ngoài đường phố mà « đánh tội » (tiếng Pháp gọi là « flagellants ») một cách công cộng. Cái tục đó đã thôi từ lâu rồi. Trong một số nhà dòng cũng đã có tục « đánh tội » (gọi là « discipline ») đó. Tuy vậy cái tục đó cũng không riêng gì công giáo. Thực vậy, cho đến ngày nay trong giáo phái « Si-ít » của Hồi giáo ở nước Iran và Iraq, mỗi năm vào dịp lễ « A-su-ra », kỷ niệm người con rể của giáo tổ Mô-hăm-mét, tên là Ali, bị giết trong cuộc tranh chấp quyền hành, thì người ta vẫn còn tổ chức những đám rước rất linh đình, trong đó đàn ông đi từng đàn và « đánh tội » công cộng rất hăng và rất nhịp nhàng.
Như tôi vừa nhắc lại, tất cả những cách đền bù mà người tín hữu nghĩ ra như thế chỉ có giá trị là vì lòng mến Chúa, để tăng cường lòng thống hối của mình và để nên giống Chúa. Còn về phần Chúa thì ta biết Chúa là Cha nhân từ, không muốn cho con cái bị khổ sở, lại sẵn sàng đón tiếp đứa con phung phí và người kẻ trộm lành, mà không thấy đòi bắt đền gì cả. Từ lâu rồi ngôn sứ Hô-sê đã viết về Chúa : « Ta muốn tình yêu chứ không cần hy-lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu » (Hs 6, 6). Thực ra chúng ta đều biết rõ như thế, theo như trong kinh đọc đang khi chịu lễ : « Nào còn thiếu gì mà Đức Chúa Giêsu chưa làm vì chúng tôi ru ? ».
Sau cùng, thiết tưởng cũng nên có đôi lời về sự đau khổ trong quan niệm đạo Chúa. Đời là bể khổ, ai cũng biết như thế, mà không cần phải có bậc thượng trí nào mở mắt cho thấy. Nhưng khi đứng trước cảnh khổ thì Chúa Giêsu không đặt câu hỏi : cái đó là tại ai, từ đâu mà đến ? [1]. Thái độ của Chúa không phải là đem lý luận mà giải thích, vì giải thích không yên ủi được ai, mà cũng không làm được cho ai bớt phần đau khổ. Thái độ của Chúa là chia sẻ : Chúa đã chia sẻ thân phận làm người với ta, và chia sẻ cho đến cùng, là chia sẻ cái số phận của những người tử tội. Thánh Phao-lô khuyên bảo tín hữu Rô-ma phải biết chia vui sẻ muộn : « vui với người vui, khóc với người khóc » (Rm 12, 15). Ngài cũng viết cho tín hữu Cô-rin-tô : « Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối ? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên » (2 Cr 11, 29).
Tóm lại, phải đặt Thánh Giá trong lòng mến Chúa và vâng lời Chúa, với niềm hi vọng là được dự phần vào sự toàn thắng vinh quang của Chúa. Cái viễn tượng đó đã nâng đỡ biết bao nhiêu người cam lòng « chịu khốn nạn vì đạo ngay » trong khi truyền giáo, và muốn chia sẽ đau khổ với Chúa. Nếu không có tâm tình ấy và viễn tượng ấy, thì tất cả cuộc đời tự nó chỉ là bể khổ, vô hi vọng, không có lối thoát, và như thế tốt hơn cả là tìm cách thoát hẳn ra ngoài vòng sinh tử, hay là tìm cách lờ đi, coi tất cả chỉ là ảo tưởng.
44 – Nhà dòng Mến Thánh Giá hôm nay
Dòng Mến Thánh Giá cũng là nhà tu như các dòng nam dòng nữ khác trong giáo hội. Mỗi dòng tu được sáng lập ra trong một thời điểm, để đáp ứng lại một nhu cầu trong giáo hội, và khi hoàn cảnh thay đổi thì dòng cũ phải biết rút lui nhường chỗ cho dòng mới đáp ứng lại đòi hỏi mới của thời đại[1]. Trên đây ta đã thấy là dòng Mến Thánh Giá có đường lối tu trì khác hẳn truyền thống các đạo khác ở Việt Nam. Xét theo truyền thống đạo Chúa thì cũng lại khác các dòng tu buổi đầu. Đi tu không phải là đi tù. Thực vậy, đi tu không còn phải là lánh xa hẳn cõi đời này, vì các chị còn có công tác là làm việc bác ái và truyền giáo ở bên ngoài nhà dòng.
Việc truyền giáo xưa kia là sứ mệnh chính của các vị thừa sai, cho nên ngay từ buổi đầu các vị đó đã tìm người bản xứ có thể trực tiếp cộng tác vào việc mở nước Chúa. Về phía nam giới thì cố Alexandre de Rhodes đã lập ra hội các thầy giảng, cũng giữ ba lời khấn như các thầy tu dòng. Sau đó mới chọn trong số các thầy giảng có kinh nghiệm và có lòng đạo để cho học tập sửa soạn làm linh mục. Cái tổ chức gồm từ các chú nhỏ đang sửa soạn làm thầy giảng, cho đến các linh mục, được gọi là « nhà Đức Chúa Trời » hay là « nhà thầy ». Dùng chữ « thầy » để gọi những người giảng dậy đạo Chúa, đó thật có hội nhập văn hóa : đặt người giảng đạo vào đúng vị trí trong cái hệ thống « quân sư phụ ».
Về phía nữ giới thì ĐC Lambert de la Motte lập ra « nhà mụ », cũng giữ ba lời khấn như các nhà dòng tu khác, nhưng còn có đường thiêng liêng riêng là « Mến Thánh Giá », và có một ít công tác giáo dục và công tác xã hội ở bên ngoài nhà dòng. Các công tác đó không trực tiếp giúp vào việc giảng đạo, vì vào thời đó ngay cả ở Au châu vai trò của nữ giới cũng chưa được đề cao. Tuy vậy, với con đường thiêng liêng là « mến thánh giá », các chị nhà dòng trong thời kỳ cấm đạo đã giúp đỡ rất nhiều cho các linh mục, các thầy giảng và các giáo hữu bị truy nã và bị cầm tù, đến nỗi nhiều khi nguy hại đến chính bản thân. Chúng ta biết có nhiều chị đã bị bắt bớ, cầm tù, và có chị phải chết rũ tù, như chị Nguyễn Thị Hậu (1814-1841).
Từ mấy chục năm nay tình hình xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều, nếp sống của các chị cũng không còn hẳn như trước đây mấy trăm năm. Nhưng con đường thiêng liêng đã đặt ra và tính chất thuần túy Việt Nam của nhà dòng vẫn còn hợp thời, vẫn giúp các chị theo chân Chúa, với những công tác mới, trong hoàn cảnh mới của đất nước.
Trần Văn Toàn
43 – Mến Thánh Giá
Ở đây tôi không bàn đến 5 công tác mà ĐC Lambert de la Motte giao cho chị em Mến Thánh Giá. Những công tác ấy đưa các chị ra ngoài nhà dòng, để làm công việc bác ái và tham gia vào việc truyền giáo. Các chị tu đạo, không phải là để cho mình mà thôi, nhưng để làm việc cho người khác. Tôi cũng không nói đến phép nhà, dậy tổ chức cuộc sống chung của các chị cho hợp với lý tưởng, khác hẳn cái phép nhà của người không đi tu, nằm trong khuôn khổ phép tam tòng. Tôi xin hạn hẹp vào con đường thiêng liêng mà ĐC đã đề nghị cho các chị. Và tôi còn xin hạn hẹp thêm nữa : tôi không bàn đến những điểm có chung với các dòng tu khác, như ba lời khấn (nghèo khó, thanh tịnh và vâng lời), đọc kinh, ăn chay, đánh tội, hãm mình, v.v., mà chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ về điểm đăc biệt, riêng cho các chị : Mến Thánh Giá.
Như ai nấy đều biết, Thánh Giá, tượng trưng cho cuộc tử nạn hay khổ nạn của Đức Giáo tổ Giêsu, là trọng tâm của sách Phúc-âm và là phần đã được ghi lấy trước tiên và ghi đủ những điều cốt yếu. Nhưng cuộc tử nạn như thế là một biến cố khách quan, bên ngoài, tự nó chỉ có giá trị tiêu cực. Từ xưa đến nay trên cõi đời này, có biết bao nhiêu người khắp đó đây đã bị tra tấn và tàn sát một cách dã man. Không ai có thể nghĩ rằng nên bắt chước mà làm như thế, hay là nên bắt chước mà chịu như thế, lại càng không thể nghĩ rằng Thiên Chúa thích như thế.
Cuộc tử nạn của Chúa chỉ có giá trị, với hai điều kiện thiết yếu mà thánh Phao-lô đã ân cần nhắc lại. Một là : cuộc tử nạn ấy phải đưa tới cuộc « sống lại » (trỗi dậy) của Đức Giêsu thì mới có ý nghĩa. Vì Đức Giêsu sống lại hay là chỗi dậy được, đó là bằng chứng là Đức Chúa Cha đã cho nó có giá trị tích cực. Cho nên thánh Phao-lô viết trong Thư I gửi tín hữu Cô-rin-tô : « Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy (sống lại), thì lời rao giảng của chúng ta trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. » (1 Cr 15, 14). Hai là : cái giá trị tích cực đó là ở tại hai tâm tình bên trong. Một là ý muốn vâng lời Đức Chúa Cha đã giao phó cho sứ mệnh là làm sáng tỏ lòng thương yêu của Người đối với loài người ta. Hai là lòng mến Chúa yêu người. Về tâm tình thứ nhất, thánh Phao-lô viết về Đức Ki-tô trong Thư gửi tín hữu Phi-líp-phê : « Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. » ( Pl 2, 8-9). Về tâm tình thứ hai, thánh nhân viết trong Thư I gửi tín hữu Cô-rin-tô : « Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoang ( … ) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay là nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù ( … ) » ( Cr 13, 1-5).
Tôi trưng dẫn hơi dài, nhưng thiết tưởng có như thế mới nói lên được cho rõ quan niệm của Giáo hội là giữ lấy thăng bằng giữa khổ nạn đau thương và sống lại vinh quang của Chúa. Hàng năm Giáo hội vẫn tưởng niệm cả hai việc trong cùng một lịch sử cứu độ chúng ta : Chúa chịu nạn và Chúa sống lại. Trung tâm là Tuần thánh, mà cao điểm là ngày thứ sáu Chịu nạn và ngày chủ nhật Phục Sinh. Trước lễ Phục sinh thì dùng mùa chay 40 ngày để chuẩn bị. Còn mùa Phục Sinh thì gồm từ lễ Phục sinh, rồi lễ Lên Trời, 40 ngày sau đó, và 10 ngày sau nữa là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là lễ nghi chính thức đã được phát triển trong thời cực thịnh của Giáo hội. Chứ trong buổi đầu thì đơn sơ hơn nhiều, nhưng vẫn giữ được các phần cốt yếu như thế. Và ngày nay mỗi thánh lễ mà ta dâng hàng ngày cũng là một hình thức vắn tắt tưởng niêm và tạ ơn Chúa vì lịch sử cứu độ.
Giáo dân khi còn nói tiếng La-tinh thì tích cực tham gia mà không cần các cách sùng đạo khác.
Cái thăng bằng giữa hai phần của ơn cứu độ của Chúa có thể dần dần lệch lạc đi, làm cho người ta giục lòng mến thương Chúa chịu khổ nạn nhiều hơn là mừng Chúa vinh quang. Thiết tưởng cái ý thức tội lỗi và cái thiện chí muốn đền bù, tự nó là rất phải lẽ, nhưng vì quá nhấn mạnh lên hai thái độ về phần con người, cho nên làm cho ta dễ quên đi rằng về phần Chúa cứu độ thì chỉ muốn ta tín cẩn vào Người.
Nói cho đúng ra thì trong Thánh Kinh có dùng cả hai kiểu để nói về sự cứu rỗi, là : cứu độ và cứu chuộc là hai từ ngữ có nghĩa hơi khác nhau. Cứu độ có nghĩa là cứu giúp. Người La-tinh dùng chữ salvare (Pháp : sauver, le salut) là cứu giúp cho lại được vẹn toàn (salvus, sauf). Người Đức dịch là heilen (das Heil), nghĩa là chữa thuốc cho lành mạnh. Được cứu độ là lại được lành mạnh và vẹn toàn (Pháp : sain et sauf). Còn cứu chuộc (Hán Việt là : cứu thục) thì có nghĩa là cứu bằng cách là mua lại (như : chuộc kẻ làm tôi). Người La-tinh dịch là redemere (sinh ra tiếng Pháp là rédempteur, rédemption ), đúng nghĩa là mua (emere) lại.
Dù sao có dùng cả hai kiểu nói như thế thì cũng vẫn chưa nói đủ ý, vì chưa nói lên điểm cốt yếu là mối tương quan thân tình mà Chúa ban cho ta[1]. Nhưng nếu nhấn quá mạnh vào sự cứu chuộc, thì lại rất dễ đi đến chỗ lệch lạc hơn. Vì lẽ ta biết là trong ơn cứu độ thì cái căn bản là liên quan giữa Chúa và người ta mà thôi, vậy nếu bảo là phải mua lại, thì phải trả tiền, mà trả tiền cho ai khác nữa mới được chứ !
Để trả lời cho câu hỏi oái oăm, do cái bất cập của từ ngữ gây ra, thì người ta nghĩ ngay đến việc mua bán cho công bằng, theo đúng pháp luật. Đó là cái ưu điểm của văn hóa La-tinh, vì người La-tinh có tư tưởng rất lý sự về pháp lý (droit romain !). Nhân vật đã làm cho quan niệm về ơn cứu độ trong giáo hội Tây Au đi trệch đường theo phương hướng pháp lý sòng phẳng là thánh An-xem (Anselmus, 1033-1109), quê tại nước Ý, làm giám mục thành Canterbury (nước Anh). Lập luận của ngài còn có ảnh hưởng cho đến cuối thế kỷ XX Đó là lập luận căn cứ vào quan niệm đền bù (satisfaction) để giải thích thế nào là ơn cứu độ : đã vay thì phải trả, làm hỏng thì phải đền, mà phải trả phải đền cho đủ mới là sòng phẳng. Theo lập luận này thì « phụ trái tử hoàn », cha nợ thì con phải trả. Mình không đền được thì kẻ khác phải đền thay[1]. Mà loài người không đền được, thì phải có Chúa Ngôi Hai đền thay. Ta còn thấy rõ như thế trong sách Bổn mà chúng ta đã dạy nhau từ mấy thế kỷ nay. Xin trưng ra đây một đoạn vắn tắt, và gạch dưới những chữ quan trọng :
H. Vì lẽ nào mà Ngôi thứ Hai ra đời ?
Vì tội lỗi loài người ta đã làm mất lòng Đức Chúa Lời (Trời), cho nên Ngôi
thứ Hai đã ra đời mà lập công chuộc tội. ( … )
Loài người ta chẳng đền được tội mình ru ?
Chẳng được vì tội phạm đến Đức Chúa Lời là Đấng sang trọng vô cùng, cho
nên phải có công nghiệp Đấng trọng vô cùng thì mới đền được mà thôi.
(Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn, Địa phận Hà Nội, 1958, Phần I, Đoạn II).
Quan niệm có tính cách pháp lý như thế, làm cho người ta muốn yên thân thì phải lý sự, sòng phẳng với Chúa, nhất là vì còn thêm vào đó quan niệm Chúa là quan tòa nghiêm khắc[1]. Người ta quên đi rằng trong Phúc âm, không thấy nói đến truyện « chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng » (Sách Lê-vi 24, 20. Chúa tha tha thứ cho người có tội mà không thấy bắt đền gì cả.
Về sau khi đạo Chúa lan rộng ra, giáo dân mới thường không nói được tiếng La-tinh, cho nên không tham gia được vào các lễ nghi phụng vụ rất phong phú bằng tiếng La-tinh, thì giáo hội Rôma khuyến khích những lối sùng đạo bình dân, như : ngắm đàng Thánh Giá có 14 « nơi », hay là đọc « kinh cầu chịu nạn ». Riêng ở Việt Nam thì có « ngắm 15 sự thương khó ĐC Giêsu »[1].
Trong những bài ngắm đó thì có thêm vào nhiều chi tiết không nói đến trong sách Phúc-âm. Dĩ nhiên đây không phải là thể văn lịch sử, nhưng là một thể văn có mục đích là đánh động lòng thương ĐC Giêsu. Khi ngắm về sự thương khó của Chúa thì người ta nghĩ đến hành động tàn bạo của lính coi tù – mà ta gọi là « quân dữ » và giáo dân Trung hoa gọi là « ác nhân » – rồi hình dung ra đủ các mánh khóe tàn ác của quân dữ. Thêm vào đó thì các họa sĩ ở Tây Au lại cứ đi theo cái khuynh hướng « tả chân » ấy mà vẽ nên khá nhiều « ảnh chịu nạn » hay là « ảnh chuộc tội » máu me đầm đìa. Các hình ảnh như thế đã được các tâm hồn đạo đức truyền bá ra khắp giáo hội Tây Au và lan cả sang các xứ truyền giáo. Cho đến nỗi người Phi-luật-tân đôi khi đã lấy lại của người I-pha-nho cái tục tưởng niệm Chúa chịu nạn bằng cách đóng đinh người thật ! Trái lại, Giáo hội Chính thống và Giáo hội Tin lành thì kín đáo hơn, và nhấn mạnh vào sự Chúa sống lại.
Rất có thể là những hình ảnh ấy đã ảnh hưởng nhiều lên các truyền thuyết cũng như lên những mặc khải riêng tư của bà thánh nọ hay chị nữ tu kia, vì ở đây ta cũng hay thấy liệt kê ra nhiều chi tiết rất tàn bạo. Nhưng tôi chưa thấy đâu đưa ra nhiều chi tiết – không biết lấy từ sách nào bên Âu châu ra – cho bằng trong một cuốn sách ngắm đàng Thánh Giá của Giáo hội Trung-hoa, tên là Thánh lộ thiện công, in bằng chữ Hán năm 1840, do tư giáo hay giám mục Á-lặc-thúc (A-lê-xù ?) chuẩn định. Trong sách này tôi thấy có mấy điểm giống như trong sách Ngắm 15 sự thương khó ĐCG ở Việt Nam, ví dụ khi bị bắt giải nộp cho « An-nát là cha vợ Cai-pha », thì « đêm ấy người ngã xuống đất 7 lần », và trên đường Thánh Giá thì Chúa ngã 3 lần; trong hai sách ngắm đều nói là Chúa chịu « dư năm nghìn đòn ». Có khá nhiều điểm có trong sách Tàu mà không có trong sách ta, nhưng một vài chi tiết có trong sách ta mà không có trong sách Tàu[1].
Sau mỗi bài ngắm như thế, thì người ta đọc tiếp là : « Thương Đức Chúa Giêsu v.v. », rồi « xin cho chúng tôi » được giữ đạo cho nên, với ý muốn đền bù, muốn chia sẻ sự thương khó của Chúa, như thánh Phao lô viết cho tín hữu Cô-lô-xê : « Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức » (Cl 1, 24). Câu đó là do lòng mến Chúa yêu người của thánh nhân nói lên. Thiết tưởng cũng chính câu đó về sau đã gợi cho các tín hữu cái ý muốn đền bù thêm nữa – có người nói là « phạt tạ » – không những là bằng lòng chịu các sự khốn khó mình gặp (nói là « Chúa gửi cho »), mà còn tìm cách tự phạt mình nữa, để đáng được tha thứ. Chính cái lập luận ấy đã làm cho thời Trung cổ Au châu có cái tục là, trong một vài buổi lễ ăn năn đền tội, có một số người đi trong đám rước ngoài đường phố mà « đánh tội » (tiếng Pháp gọi là « flagellants ») một cách công cộng. Cái tục đó đã thôi từ lâu rồi. Trong một số nhà dòng cũng đã có tục « đánh tội » (gọi là « discipline ») đó. Tuy vậy cái tục đó cũng không riêng gì công giáo. Thực vậy, cho đến ngày nay trong giáo phái « Si-ít » của Hồi giáo ở nước Iran và Iraq, mỗi năm vào dịp lễ « A-su-ra », kỷ niệm người con rể của giáo tổ Mô-hăm-mét, tên là Ali, bị giết trong cuộc tranh chấp quyền hành, thì người ta vẫn còn tổ chức những đám rước rất linh đình, trong đó đàn ông đi từng đàn và « đánh tội » công cộng rất hăng và rất nhịp nhàng.
Như tôi vừa nhắc lại, tất cả những cách đền bù mà người tín hữu nghĩ ra như thế chỉ có giá trị là vì lòng mến Chúa, để tăng cường lòng thống hối của mình và để nên giống Chúa. Còn về phần Chúa thì ta biết Chúa là Cha nhân từ, không muốn cho con cái bị khổ sở, lại sẵn sàng đón tiếp đứa con phung phí và người kẻ trộm lành, mà không thấy đòi bắt đền gì cả. Từ lâu rồi ngôn sứ Hô-sê đã viết về Chúa : « Ta muốn tình yêu chứ không cần hy-lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu » (Hs 6, 6). Thực ra chúng ta đều biết rõ như thế, theo như trong kinh đọc đang khi chịu lễ : « Nào còn thiếu gì mà Đức Chúa Giêsu chưa làm vì chúng tôi ru ? ».
Sau cùng, thiết tưởng cũng nên có đôi lời về sự đau khổ trong quan niệm đạo Chúa. Đời là bể khổ, ai cũng biết như thế, mà không cần phải có bậc thượng trí nào mở mắt cho thấy. Nhưng khi đứng trước cảnh khổ thì Chúa Giêsu không đặt câu hỏi : cái đó là tại ai, từ đâu mà đến ? [1]. Thái độ của Chúa không phải là đem lý luận mà giải thích, vì giải thích không yên ủi được ai, mà cũng không làm được cho ai bớt phần đau khổ. Thái độ của Chúa là chia sẻ : Chúa đã chia sẻ thân phận làm người với ta, và chia sẻ cho đến cùng, là chia sẻ cái số phận của những người tử tội. Thánh Phao-lô khuyên bảo tín hữu Rô-ma phải biết chia vui sẻ muộn : « vui với người vui, khóc với người khóc » (Rm 12, 15). Ngài cũng viết cho tín hữu Cô-rin-tô : « Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối ? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên » (2 Cr 11, 29).
Tóm lại, phải đặt Thánh Giá trong lòng mến Chúa và vâng lời Chúa, với niềm hi vọng là được dự phần vào sự toàn thắng vinh quang của Chúa. Cái viễn tượng đó đã nâng đỡ biết bao nhiêu người cam lòng « chịu khốn nạn vì đạo ngay » trong khi truyền giáo, và muốn chia sẽ đau khổ với Chúa. Nếu không có tâm tình ấy và viễn tượng ấy, thì tất cả cuộc đời tự nó chỉ là bể khổ, vô hi vọng, không có lối thoát, và như thế tốt hơn cả là tìm cách thoát hẳn ra ngoài vòng sinh tử, hay là tìm cách lờ đi, coi tất cả chỉ là ảo tưởng.
44 – Nhà dòng Mến Thánh Giá hôm nay
Dòng Mến Thánh Giá cũng là nhà tu như các dòng nam dòng nữ khác trong giáo hội. Mỗi dòng tu được sáng lập ra trong một thời điểm, để đáp ứng lại một nhu cầu trong giáo hội, và khi hoàn cảnh thay đổi thì dòng cũ phải biết rút lui nhường chỗ cho dòng mới đáp ứng lại đòi hỏi mới của thời đại[1]. Trên đây ta đã thấy là dòng Mến Thánh Giá có đường lối tu trì khác hẳn truyền thống các đạo khác ở Việt Nam. Xét theo truyền thống đạo Chúa thì cũng lại khác các dòng tu buổi đầu. Đi tu không phải là đi tù. Thực vậy, đi tu không còn phải là lánh xa hẳn cõi đời này, vì các chị còn có công tác là làm việc bác ái và truyền giáo ở bên ngoài nhà dòng.
Việc truyền giáo xưa kia là sứ mệnh chính của các vị thừa sai, cho nên ngay từ buổi đầu các vị đó đã tìm người bản xứ có thể trực tiếp cộng tác vào việc mở nước Chúa. Về phía nam giới thì cố Alexandre de Rhodes đã lập ra hội các thầy giảng, cũng giữ ba lời khấn như các thầy tu dòng. Sau đó mới chọn trong số các thầy giảng có kinh nghiệm và có lòng đạo để cho học tập sửa soạn làm linh mục. Cái tổ chức gồm từ các chú nhỏ đang sửa soạn làm thầy giảng, cho đến các linh mục, được gọi là « nhà Đức Chúa Trời » hay là « nhà thầy ». Dùng chữ « thầy » để gọi những người giảng dậy đạo Chúa, đó thật có hội nhập văn hóa : đặt người giảng đạo vào đúng vị trí trong cái hệ thống « quân sư phụ ».
Về phía nữ giới thì ĐC Lambert de la Motte lập ra « nhà mụ », cũng giữ ba lời khấn như các nhà dòng tu khác, nhưng còn có đường thiêng liêng riêng là « Mến Thánh Giá », và có một ít công tác giáo dục và công tác xã hội ở bên ngoài nhà dòng. Các công tác đó không trực tiếp giúp vào việc giảng đạo, vì vào thời đó ngay cả ở Au châu vai trò của nữ giới cũng chưa được đề cao. Tuy vậy, với con đường thiêng liêng là « mến thánh giá », các chị nhà dòng trong thời kỳ cấm đạo đã giúp đỡ rất nhiều cho các linh mục, các thầy giảng và các giáo hữu bị truy nã và bị cầm tù, đến nỗi nhiều khi nguy hại đến chính bản thân. Chúng ta biết có nhiều chị đã bị bắt bớ, cầm tù, và có chị phải chết rũ tù, như chị Nguyễn Thị Hậu (1814-1841).
Từ mấy chục năm nay tình hình xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều, nếp sống của các chị cũng không còn hẳn như trước đây mấy trăm năm. Nhưng con đường thiêng liêng đã đặt ra và tính chất thuần túy Việt Nam của nhà dòng vẫn còn hợp thời, vẫn giúp các chị theo chân Chúa, với những công tác mới, trong hoàn cảnh mới của đất nước.
Trần Văn Toàn