SÓC TRĂNG QUÊ HƯƠNG TÔI CÓ MỘT XỨ ĐẠO CỦA NGƯỜI KHƠ-ME

Cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30 km, ở xã Trung Bình, huyện Long Phú, nằm kề họ đạo Bãi Giá, là sự hiện diện của họ đạo dành cho các tín hữu công giáo sắc tộc Khơ-me. Họ đạo nhỏ bé này có tên hành chính là “họ đạo Thánh Micae”, nhưng nhiều người vẫn thường gọi bằng “tên cúng cơm” là “Họ đạo Bãi Giá Miên”.

Điểm đặc biệt của họ đạo Micae chính là các thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ khơ-me do cha sở Phêrô Huỳnh Văn Ngợi đảm trách. Cha Ngợi là một trong rất ít các linh mục ở Giáo Phận Cần Thơ thông thạo ngôn ngữ và hiểu rõ tập tục của dân tộc Khơ-me, nên Cha đã được Đức Giám Mục Giáo Phận cử về làm Cha Sở phụ trách và chăm sóc họ đạo.

Người Khơ-me có tập quán là thường sống quay quần theo từng Phrumsoc. Ngành nghề truyền thống của họ là trồng trọt và đan lát. Nhưng với điều kiện tự nhiên của vùng đất Bãi Giá là bờ biển trải dài, đất đai bạc màu và nhiễm mặn, nên việc trồng trọt không đem lại hiệu quả cao. Cũng chính vì vậy mà đại đa số các gia đình nơi đây có mức sống rất thấp. Nghèo nàn lạc hậu luôn đeo đẳng lấy cuộc sống của họ cứ như bóng với hình.

Bác ái là một đức tính truyền thống cao đẹp của người Công Giáo. Đùm bọc tương trợ và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống để mọi gia đình có được cuộc sống ổn định chính là phương thế mà cộng đoàn tín hữu họ đạo Micae đang ngày đêm vun đắp thực thi. Còn với vị Cha sở đáng kính của họ đạo thì luôn đem ngày canh cánh ấp ủ một ước mong: “Giúp nhau làm giàu để cùng phụng thờ Thiên Chúa chứ không phải chỉ có đi đạo để được hưởng lộc”! Tiếp bước vị tiền nhiệm, Cha Ngợi rất tâm đắc với mô hình đi biển đánh bắt lưới cá.

Từ nhiều nguồn vốn có được từ sự đóng góp khắp nơi, Cha Gioan Kim Khẩu Võ Văn Việt, cựu chánh sở của họ đạo, đã đầu tư mua sắm ghe tàu và ngư cụ. Bằng tình thương, cha đi đến từng hộ giáo dân của mình ân cần hướng dẫn và giải thích, chỉ bảo cách làm ăn, nhờ vậy mà cha đã qui tụ được lực lượng đàn ông thanh niên trai tráng tham gia, nhiều gia đình vì thế mà có được đầy đủ chén cơm manh áo. Phương tiện sẵn có cứ sau mỗi chuyến những người tham gia đi biển chỉ cần đóng góp một phần tiền nho nhỏ đủ để trang trải chi phí xăng dầu.

Đi biển đánh bắt với phương tiện thô sơ, nên không thể đánh bắt xa bờ, trong lúc nguồn cá tép ngày càng ít dần nên chyện dành dụm làm giàu thật chỉ diễn ra trong mơ. Hiểm họa gió bão cuồng phong đang ẩn chứa ngoài đại dương luôn rình rập, mà những ngư dân không thể nào lường trước đươc hậu quả đây cũng chính là nỗi niềm trăn trở của vị chủ chăn. Thế nhưng không làm biển thì biết làm gì? Với nhiều đêm thao thức, Cha Ngợi ấp ủ trong mình một kế hoạch an toàn hơn, Cha nói: “Cha tính là nhờ vào sự giúp đở của các vị mạnh thường quân, mình sẽ xây dựng thêm 1 dãy nhà, sau đó liên hệ cùng các tu sĩ Dòng Salesian Don Bosco đến để dạy cho giáo dân mình có được một cái nghề, có vậy cuộc sống của bà con sẽ dễ thở hơn.”

Là người giáo dân công giáo ở Sóc Trăng tôi rất tự hào về một họ đạo chính thức của đồng bào sắc tộc Khơ-me như ở Micae. Họ đạo này chất chứa biết bao nét văn hoá truyền thống của người Khơ-me và đang ngày càng được kế thừa và phát huy theo truyền thống của Kitô giáo.

Nếu có dịp nào các bạn ghé thăm mảnh đất Sóc Trăng, thì xin mời bạn hãy đến với Nhà thờ Bãi Giá Miên để cùng với anh chị em Khơ-me hiệp dâng thánh lễ, để cùng thưởng thức nhưng món ăn dân dã mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ-me anh em. Chắn chắn rằng các bạn sẽ có được những kỷ niệm đẹp không thể nào quên với những âm điệu rộn ràng từ lời ca tiếng hát và những điệu múa lâm thôn mà có thể từ trước tới giờ các bạn chỉ được nghe qua báo chí và sách vở.

Chia tay những anh chị em Khơ-me ở nơi đây khi biển cả đang bước vào thời kỳ mưa bão, tự đáy lòng tôi không muốn chia tay chút nào; bởi dù tôi cố gắng gạt hết những ý nghĩ không hay, nhưng lòng tôi vẫn bịn rịn khó tả… và tôi chỉ biết cầu chúc cho họ luôn gặp mọi điều tốt lành của sự bình an sau mỗi chuyến đi biển trở về, để làn sau khhi tôi đến vẫn còn bắt gặp những gương mặt thân quen và dễ mến của họ. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của tôi vẫn là cuộc sống của các anh chị em nơi đây được sung túc hơn, những đứa trẻ được chăm sóc chu đáo hơn, khoẻ mạnh hơn và được cắp sách tới trường như bao chúng bạn đồng trang lứa.

Vạn Nguyên