NGHI THỨC THÁNH LỄ: CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?
Sau khi đọc các bài trên mạng Vietcatholic liên quan đến quyển “NGHI THỨC THÁNH LỄ”, nhất là bài: “Trả Lời của Đức Đức Cha Trần Đình Tứ...”, lời mời gọi của cha nhạc sĩ Kim Long và của cha Trần Công Nghị GĐ/HTTXCGVN” về những đóng góp xây dựng cho bản dịch Sách Lễ Rôma – Sách Các Bài Đọc..., chúng tôi nhận thấy và rất thông cảm những khó khăn về cách dùng từ của các dịch giả. Quý vị dùng từ làm sao cho dễ hiểu, giản dị, xuôi tai, trang trọng, nhất là dịch sao cho thật sát với bản mẫu Latinh để tránh “suy diễn” hay “giải thích” theo ý riêng, thật rất khó! Khó hết sức! Khó ơi là khó!
Phần đông chúng ta ai cũng biết rằng: Dịch một ngôn ngữ “N” sang ngôn ngữ “K” cho thật sát nghĩa, xuôi tai... đã là chuyện khó. Thế mà dịch một bản văn Latinh sang tiếng Việt càng khó gấp bội. Vì theo thiển ý của chúng tôi, tiếng Việt phần nhiều bắt nguồn từ tiếng “Hán”, tiếng “Nôm” ra. Nhiều khi một câu nói đơn sơ nhưng pha lẫn ba thứ tiếng trong đó. Thí dụ: Sông Bạch Đằng Giang là mồ mả chôn thây giặc ngụy...”. Hoặc có người nói: Phi lý; có người nói: Vô Lý. Có người nói: khiêm nhu; có người nói: khiêm nhường, người khác nói: khiêm tốn. Như vậy ai đúng, ai sai đây. Thế rồi lại còn tiếng địa phương nữa, như: Con heo, con lợn; trái banh, quả bóng; bóng đá, túc cầu v.v. Hơn nữa dân tộc Việt Nam chúng ta chưa có “Hàn Lâm Viện” nên căn cứ vào đâu để biết thế nào là đúng, thế nào là sai.
Bởi vậy vài cụm từ sau đây chọn sao cho đúng:
1. Chúa Giêsu xuống thế “CỨU CHUỘC” nhân loại hay “CỨU ĐỘ” nhân loại?
a. Linh mục BĐS nói rằng: “CỨU CHUỘC” là tiếng cổ rồi. Còn “CỨU ĐỘ” là tiếng mới. Hai tiếng giống nhau y hệt.
b. Nhưng linh mục TTH lại nói: Hai tiếng khác nhau xa. “CỨU CHUỘC” hay “CỨU RỖI” là trọn vẹn. Còn “CỨU ĐỘ” chỉ giúp vào thôi; hoặc phỏng chừng nào đó thôi. Rồi ngài đưa thí dụ như sau:
Gia đình “A” quá nghèo! Vợ anh “A” lại bị sạn thận rất nặng; cần phải mổ để lấy sạn ra. Mà mổ phải tốn 9.000.000 vnđ. Anh “A” vì quá thương vợ, bằng mọi giá phải cố gắng cứu lấy vợ. Anh ta đau đớn buộc lòng phải đem cầm chiếc xe Dream cũ của mình mà hằng ngày anh dùng để “chạy xe ôm” nuôi gia đình. Sau khi người chủ tiệm cầm đồ và anh thương lượng. Người chủ tiệm ghi rõ trong Biên Nhận là: “Trong vòng 30 ngày (kể từ ngày nhận nhận tiền) phải trả cả vốn lẫn lời là 11.000.000 vnđ...”. Anh “A” nhận 9.000.000 vnđ từ tay chủ tiệm, đau buồn mang số tiền 9.000.000 vnđ này trao cho vị Bác Sĩ để nhờ ông này mổ lấy sạn cứu vợ anh ta. Rồi anh “A” ngậm đắng nuốt cay liều mình cầm tờ Biên Nhận lên gặp ông chú họ “T”. Ông này làm ăn tương đối khá. Ông ta lại biết rất rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh “A”. Ông ta thương tình cho không anh “A” đủ 11.000.000vnđ để CHUỘC chiếc xe về.
- Như vậy, ông “T” đứng ra “CHUỘC” chiếc xe về cho gia đình anh “A”.
- Nhưng, nếu ông “T” chỉ cho anh “A” mượn 11.000.000 vnđ; hay chỉ cho không anh “A” 9.000.000 vnđ thôi. Phần còn lại anh “A” phải vay mượn hoặc xin người này người kia cho đủ 11.000.000 vnđ để lấy xe về. Như thế ông “T” chỉ “ĐỘ”, chứ ông “T” không “CHUỘC” xe cho anh “A”. Vì thế chữ “ĐỘ” chỉ có nghĩa là phụ vào, giúp vào chừng nào thôi.
- Rồi còn có nghĩa nữa là: khoảng – chừng, như: “Làm ơn cho tôi mượn ĐỘ 200.000 vnđ (Trên hoặc dưới một chút cũng được. Chứ không nhất thiết phải đúng 200.000 vnđ). Hoặc: Vũng Tầu cách Sàigòn ĐỘ 110 cây số (trong khoảng từ : 107cs đến 114cs)...
2. “Vì này là Mình Thầy”. “Vì này là Mình TA (TÔI)”:
Đối với các ngôn ngữ của hầu hết các dân tộc khác trên thế giới, khi nói về chính cá nhân mình họ luôn luôn chọn đại danh từ ngôi thứ nhất số ít trong mọi trường, như đại danh từ: Je (Pháp); I (Anh – Mỹ - Úc); Ngộ (Tầu); Ergo (Latinh); Yo (Tây Ban Nha); Icht (Đức)...
Vậy tại sao tiếng Việt chúng ta không dùng chữ “Tôi” cho thật rõ nghĩa và đồng nhất trong mọi trường hợp như nhũng ngôn ngữ khác trên đây, thay cho chữ “Thầy” hoặc chữ “Ta”,...
Đọc sách Tin Mừng hiện nay phát hành tại Việt Nam chúng ta thường thấy:
1. Khi Chúa nói với vẻ quyền phép hay uy quyền, trong sách in chữ “Ta”, như:
a. “Đây là con Ta yêu dấu. Đẹp lòng Ta mọi đàng.” Mt. 3, 17).
Lời Chúa phán trên đây cách nay gần 2000 năm rồi. Nhưng vẫn còn văng vẳng cho đến tận thế.
b. “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc. 19, 45)
Hiện nay, biết bao nơi thờ phượng, cơ sở của Hội Thánh Chúa đã đang và sẽ bị biến thành.!.!.!
2. Khi Chúa nói với những người bình thường, trong sách in chữ “Tôi”, như:
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt. 4, 10).
Kể từ khi Chúa gọi những người thuyền chài: “Các anh hãy theo tôi...” đến nay, và cho đến tận thế, biết bao người hằng đáp lại lời Chúa.
3. Khi Chúa nói với các tông đồ hay người thân quen, trong sách in chữ “Thầy” cho thân mật, như:
“Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể nào qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt. 5. 18), v.v. và v.v...
Vậy, những lời Chúa truyền, xin đừng vì đổi mới mà thêm bớt hay sửa lời, sửa ý theo ý riêng.
Trở lại những chữ “Thầy” hay “Ta” hoặc “tôi” trong các bản văn Phụng Vụ Viêt Nam, đây có thể nói là một điểm son đáng quý trong văn chương Việt Nam.
Nhưng dù Chúa nói với hạng người nào đi nữa, thì Chúa cũng truyền chung cho cả nhân loại và truyền cho đến tận thế. Chứ Chúa không chỉ nói trong phạm vi được giới hạn bởi không gian và thời gian nào đó thôi. Ngay cả khi Chúa nói tực tiếp với ông Phêrô:
a. “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy trên đá này, và quyền lực tử thần (sic!) (portae inferi = các cửa hỏa ngục) sẽ không thắng nổi (Mt.16, 18).
Mặc dù câu trên Chúa nói thẳng với tông đồ Phêrô gần 2000 năm trước đây. Nhưng nay và đến tận thế Chúa vẫn nhắn nhủ các vị giáo hoàng kế vị thánh Phêrô coi sóc Hội Thánh Chúa đến tận thế. Hay:
“Thầy bảo thật: trong đêm nay gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Mt. 26, 34)
Câu này cũng vậy. Vì từ khi có ông bà nguyên tổ cho đến tận thế, biết bao người đã chối Chúa cách này hay cách khác, hoặc vì nhát sợ; hoặc vì tư lợi; chứ đâu chỉ một tông đồ Phêrô nhút nhát chối Chúa đâu.
Rồi khi Chúa nói với các môn đệ:
“Anh em có mắt mà không thấy có tai mà không nghe ư?” (Mc. 8,18).
Quả thật! Hiện nay biết bao người trong chúng ta “có mắt mà không thấy có tai mà không nghe”. Điển hình như lời mời gọi của UBPTVN về những bản dịch Sách Lễ Rôma, Sách Các Bài Đọc và Kinh Thánh Trọn Bộ. Đây là nhu cầu rất cần thiết cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhưng mấy ai đã quan tâm...
Thế rồi ngay khi treo trên Thập Giá, Chúa vẫn van xin; Chúa vẫn nhắn nhủ:
a. “Lạy Cha! Xin tha cho ho, vì ho không biết việc ho làm.” (Lc. 23, 34).
“họ” là ai? Phải chăng “họ” chỉ là những người đóng đanh Chúa, hay nhân loại?!
b. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23, 43)
c. “Tôi khát” (Ga. 19, 28).
“Thầy”, “Tôi” và “Ta” là ai? Chính là Chúa Giêsu.
Nói tóm lại, những lời Chúa nói với bất cứ ai cách nay gần 2000 năm rồi. Nhưng thực sự Chúa vẫn nói với cả nhân loại cho đến tận thế. Vậy tại sao chúng ta không dùng một tiếng “Tôi” cho đồng nhất cho mọi trường hợp trong các bản văn để dễ hiểu; đồng thời hòa nhịp vớc các dân tộc họ chỉ dùng ngôi thứ nhất số ít như “Je” (Pháp), I (Anh – Mỹ - Úc). v.v...
Có người cho rằng: Tiếng “Tôi” nghe có vẻ bình dân, tầm thường quá! Thiếu trang trọng.
Viết đến đây tôi nhớ lại: Năm 1954, một số đồng bào miền Bắc vào sinh sống chung với người miền Nam. Ban đầu họ cảm thấy lạ tai, khó chịu nghe những tiếng như: “ba, má”, “tùm lum”, “trái banh (bal)”... Nhưng chỉ khoảng một năm sau, họ cảm thấy thích tiếng “ba- má” và cho là hay hơn tiếng “bố – mẹ”; tiếng “tùm lum” nghĩa rộng hơn tiếng “lung tung”; “trái banh (bal)” nghe êm tai hơn tiếng “quả bóng” v.v. Từ đó họ yêu mến và dùng những từ miền Nam thay cho những từ miền Bắc trước đây họ thường dùng.
Tiếng Việt rất phong phú?
Nếu chỉ xét về mặt đại danh từ hay khía cạnh khác, tiếng Việt của chúng ta rất phong phú. Nhưng nếu xét về nhiều mặt khác, như về kỹ thuật, chuyên moan; tiếng Việt không đủ từ để dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt cho sát nghĩa. Thí du: Essence (Pháp), tiếng Việt dịch theo âm hưởng là: Xăng... Tiếp đến là những từ về máy vi tính coi như nhiều từ không dịch sang tiếng Việt được, mà chỉ dịch theo giải nghĩa thôi, đôi khi còn dịch sang tiếng tầu, như: cursor (I beam), input, output, Icon, password...
Vì thế những từ “thần học Latinh” dịch sang tiếng Việt cho sát ý nghĩa lại cần giản dị, trong sáng, xuôi chẩy và trang nghiêm thật khó biết chừng nào.
Bởi vậy HĐGMVN qua UBPT kêu mời quý vị giầu kiến thức về Latinh, Thần học, Hán học... dù ở trong nước hay nước ngoài hãy hy sinh, cố gắng cộng tác hay góp ý với UBPT trực thuộc HĐGMVN để bản dịch Sách Lễ Rôma, Sách Các Bài Đọc - Kinh Thánh Trọn Bộ mau kiện toàn, nhất là sát với bản mẫu Latinh, đúng tín lý, hợp thần học và lưu loát văn chương nước Việt, cũng như hòa nhịp với Hội Thánh Công Giáo Hoàn Vũ.
Thêm vào đó, tài chính cũng là điều cần thiết. Vì: “Cái khó nó bó cái khôn”. Nên dù bất cứ ở nơi nào, ngưới Công Giáo Việt Nam chúng ta cùng nhau chia sẻ những khó khăn này với UBPT để các ngài có thêm phương tiện như: thuê những người đánh máy, mướn văn phòng làm việc, mua giấy mực, mua những bộ phận mềm mới.v.v. hầu giúp các ngài hoàn chỉnh các bản dịch được trang trọng tốt đẹp về mọi mặt, cũng như rút ngắn thời gian.
Vì thế, theo thiển kiến chúng tôi, chúng tôi xin đề nghị: Nếu có thể, xin LĐCGVN tại Hoa Kỳ và tại các quốc gia khác đáp lời mời gọi của UBPT trực thuộc HĐGMVN, tìm phương cách tiếp tay với UBPT để kiện toàn các bản dịch nói trên cho thật hoàn hảo. Vì như quý vị quá biết: Đây là một điều cần thiết và tối quan trọng đối Giáo Hội Công Giáo tại quê Me cũng như với các người Việt Nam Công Giáo tại nước ngoài. Tại sao lại tối quan trọng? Xin thưa:
“Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý mà lầm thì giết một dòng họ. Làm chính trị mà lầm thì giết cả một nước. Làm văn hóa mà lầm thì giết muôn thế hệ”.(Thái Thượng Lão Quân).
Mong lắm thay!