Một kết quả đã biến đổi thế giới!

(Ga 15,1-8)

Tuy là những Kitô hữu, có lẽ chúng ta cũng đã có lần tự hỏi : Kitô Giáo đã thực sự cải thiện được gì trong thế giới ? Ðến nay đã hơn hai ngàn năm trôi qua kể từ khi Ðức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa : Một viễn tượng về một thế giới hòa bình, tự do và công bằng ! Nhưng người ta sẽ tìm đâu ra được một thế giới lý tưởng như thế ? Người ta sẽ tìm đâu ra được những ảnh hưởng, những hoa quả của một tôn giáo lấy Ðức Giêsu làm cứu cánh ? Vì tình trạng ích kỷ, bạo động, bóc lột, hận thù, đàn áp và nghèo đói vẫn tiếp tục tồn tại trên cuộc sống nhân loại. Thế giới vẫn như cũ, hầu như không hề có gì thay đổi. Nhiều người đã phải chấp nhận thực tại đó và đành cam lòng chịu đựng. Họ chủ trương : Có lẽ một ngày nào đó sẽ có được một thực tại lý tưởng như trong Nước Thiên Chúa, nhưng điều đó chỉ có ở bên kia thế giới ! Con người và thế giới muôn đời vẫn thế, khó lòng đổi thay được, dù bất cứ quyền lực nào - thế quyền hay cả thần quyền – cũng không đổi thay được, nếu không sẽ xúc phạm đến quyền tự do căn bản của con người.

Tiếp đến, sự hoài nghi về Thiên Chúa. Người ta sẽ đặt câu hỏi : Tại sao Thiên Chúa không biến đổi thế giới ? Nếu Thiên Chúa toàn năng, tại sao Người lại cứ để cho cuộc đời đầy khổ đau như thế mãi ? Trước những câu hỏi nghiêm chỉnh và cụ thể như thế, bài Phúc Âm hôm nay đã đưa ra một câu trả lời hết sức thỏa đáng : Ðể trả lời, Ðức Giêsu kể cho thính giả của Người nghe dụ ngôn « Cây nho và cành nho ». Bổn phận của cành nho là đâm hoa kết qua xum xuê đầy cành. Trong khi đó cây nho lại thông chuyển cho các cành nho nguồn nhựa sống và sức mạnh, để các cành nho có thể đâm hoa kết quả được. Cái hình ảnh về sự tương quan mật thiết giữa cây nho và cành nho như thế đã được Ðức Giêsu giải thích như sau : « Thầy là cây nho, các con là cành nho ». Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải đâm hoa kết trái, và Ðức Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh và các khả năng cần thiết để hiện thực được điều đó !

Nhưng thứ hoa quả được đề cập tới ở đây là thứ hoa quà nào? Chính Ðức Giêsu đã trả lời câu hỏi đó khi Người nói về cây nho và cành nho. Người nói : «Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con ». Vậy, thứ hoa quả mà Ðức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải mang lại trong suốt cuộc sống mình là tình yêu. Tình yêu mà chúng ta đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa, chúng ta phải tiếp tục thông ban cho người khác như nhựa sống từ thân cây nho thông ra và lưu chuyển giữa các cành nho vậy.

Vâng, thân cây nho chuyển thông cho các cành lá nhựa sống và sức mạnh. Nhưng công việc đâm hoa kết quả là phận sự của cành nho, chứ không phải của thân cây. Ðúng thế, Thiên Chúa ban cho con người sức mạnh, các khả năng, các ơn thánh, nghĩa là các phương tiện; Còn việc mang lại hoa quả là bổn phận của con người, việc kiến tạo một thế giới an bình và tươi đẹp là bổn phận của chúng ta. Vâng, bổn phận của chúng ta là phải sống và thực thi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đã đổi mới thế giới. Chúng ta phải tiếp tục thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa đến tất cả mọi đồng loại. Thiên Chúa cần đến chúng ta. Thiên Chúa cần đến mỗi người trong chúng ta theo khả năng mà Người đã ban cho từng người. Và nếu mỗi người biết đem khả năng đó của mình để cộng tác vào cuộc sống xã hội và thế giới, đương nhiên sẽ mang lại hoa trái.

Nhưng cành nho tự mình không thể đâm hoa kết trái được, nhưng phải nhờ có sức mạnh và nhựa sống từ thân cây thông chuyển cho. Ðiều đó có nghĩa là mọi điều thiện hảo chúng ta làm cũng như mọi tình yêu chúng ta trao ban, đều phát xuất từ Thiên Chúa. Còn chính chúng ta, tự bản chúng ta không thể làm được bất cứ điều gì thiện hảo. Vâng, chúng ta chỉ mang lại những hoa trái có giá trị và lành thánh, nếu Thánh Thần Thiên Chúa hành động qua chúng ta. Qua tình yêu của con người, Thiên Chúa hành động trong thê gian. Sự liên đới vô vị lợi với những người nghèo khổ và những người bị coi khinh, sự kính trọng đối với mọi người, sự khước từ bạo động và mù quáng chạy theo danh vọng, sự tôn trọng sự sống con người và môi trường thiên nhiên, v.v… là tất cả những điều mà thế giới hôm nay cần đến hơn bao giờ hết, và tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, hình ảnh về « cây nho và cành nho » này xem ra vẫn còn xa lạ đối với một số Kitô hữu nào đó trong chúng ta. Con người chúng ta rất khó tin được rằng qua chúng ta tình yêu Thiên Chúa có thể biến đổi được thế giới. Chúng ta thường tin vào khả năng nhân loại của chính mình hơn ! Chúng ta cho rằng tự mình, chúng ta có thể mang lại hoa trái. Nhưng thực ra, chúng ta chỉ có thể mang lại hoa trái trong cuộc sống, nếu chúng ta biết rộng mở lòng mình để đón nhận nhựa sống ơn thánh của Thiên Chúa. Qua mỗi người trong chúng ta, sức sống thần thiêng đó hoạt động và có thể làm cho thế giới trở thành nhân bản hơn và nhờ đó trở thành Kitô giáo hơn. Vậy, các cành nho đâm hoa kết quả đúng với danh xưng của mình, thứ hoa quả làm vui lòng người và đổi mới được thế giới !

Tóm tắt, ở bất cứ nơi nào con người cảm nhận được tình yêu của những đồng loại của mình và qua đó cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, thì ở đó thế giới tự đổi mới. Thế giới nhờ thế sẽ trở nên nhân bản hơn. Vậy, thế giới có tiếp tục phát triển đúng với thánh ý Thiên Chúa hay không, tất cả hoàn toàn đều tùy thuộc vào chúng ta. Ở đây, có lẽ chúng ta có thể nói được rằng : Khi dựng nên thế giới Thiên Chúa không cần con người, không cần sự cộng tác của con người, nhưng để biến đổi thế giới trở nên nhân bản và tươi dẹp hơn, nhất thiết Thiên Chúa phải cần đến con người, cần đến sự góp tay của con người, vì Người tôn trọng sự tự do của con người ! Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh qua Lời Người, qua các Phép Bí Tích và qua sự trợ giúp đầy yêu thương của Người dành cho loài người chúng ta. Do đó bổn phận của chúng ta vẫn luôn là : phải đâm hoa kết quả, nghĩa là phải tiếp tục thông ban cho mọi anh em đồng loại sự trợ giúp đầy yêu thương của Thiên Chúa!