SAIGÒN -- Trong không khí từng bừng đón xuân trên đất Việt, các giáo xứ tại giáo phận Sài Gòn đã có những sinh hoạt trong giờ phút giao thừa đón mừng xuân mới.

ĐHY Phạm Minh Mẫn tại nhà thờ Đức Bà Saigòn
Cũng lộc Chúa, mai vàng, đào cành… nhưng mỗi nhà thờ có cách bày trí khác nhau. Số giáo dân đến nhà thờ khá đông; điều đó cho thấy dù bận rộn với công việc ngày Tết nhưng người giáo dân Sài Gòn vẫn có mặt với cộng đoàn trong thánh lễ tạ ơn cuối năm.

Trong lời ca nhập lễ của thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (Phú Nhuận) là bài ca Xuân Lên Đền với những ca từ rất hay:

“Một mùa xuân mới đã đến trên quê hương Việt Nam Từng làn gió xuân nhè nhẹ lay biết bao tâm hồn. Rủ nhau ta đi lên, lên cung điện nhà Chúa. Lâng lâng bay theo gió xuân, say sưa ta ca hát vang halêluia halêluia. Xuân đến cho hoa thắm tươi, mang theo bao nhiêu thánh ân. Đất trời hoan ca halêluia. Tạ ơn Thiên Chúa xuân đẹp muôn đời”

Nhà thờ Các Thánh Tử đạo Việt Nam (quận 3) trang trí bên ngòai nhà thờ rất bắt mắt. Thánh lễ tạ ơn đơn giản nhưng các ghế kín chỗ ngồi. Nhưng công phu nhất là phần trang trí bên ngoài nhà thờ Đức Bà (Chánh Tòa); công viên có hoa tươi đẹp mắt, người ta đến đó khá đông. Đúng 22 giờ 00, ở đây có thánh lễ do Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn chủ sự.

Trước khi thánh lễ tạ ơn được bắt đầu, cộng đoàn giáo xứ đã canh thức cầu nguyện cuối năm có phần tổng kết những sinh hoạt trong năm 2005; sau đó là rước kiệu chung quanh lòng nhà thờ. Đường kiệu Đức Mẹ mỗi chặng ngắn, lại được dừng lại suy niệm bằng những kinh Kính Mừng và lời dẫn rất ý nghĩa.

Thánh lễ đồng tế được cử hành. Cảnh trí nhà thờ tuy không có gì khác biệt nhiều nhưng từ khoảng trống trên cao của không gian nhà thờ Chánh Tòa dường như làm cho mỗi người có một chút suy tư, một chút trầm lắng của lòng khi gặp gỡ Chúa trong giờ phút này. Và những ý tưởng trong bài giảng của Đức Hồng Y càng làm cho người tham dự thánh lễ nhận ra bóng dáng của Chúa Xuân muôn đời:

Mùa xuân lại về trên quê hương đất nước, một cái Tết theo truyền thống dân tộc, thấm đậm tình yêu thương và người ta dành cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Có một lời chúc tốt đẹp nhất mà người ta dành tặng cho những người mình yêu mến. Đó là BÌNH AN, HẠNH PHÚC.

Nhưng thế nào là hạnh phúc và làm thế nào để được hạnh phúc?

Các linh mục dâng lễ Giao Thừa tại một giáo xứ Saigòn
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong sứ điệp Mừng Xuân đã viết rằng: "Trong thời đại hiện nay, trong xã hội chúng ta đang sống, có một số đông người cho rằng hạnh phúc là sở hữu nhiều của cải, danh vọng, tiền bạc, quyền hành….thậm chí người ta nghĩ rằng càng sở hữu nhiều những thứ đó thì càng nhiều hạnh phúc. Do đó, người ta tìm nhiều cách để chiếm hữu, kể cả những cách bất lương, dùng quyền hành để chiếm đoạt. Từ đó nảy sinh ra những tranh chấp, ghen ghét, hận thù giữa người này với người khác, trong gia đình, ngoài xã hội.

Nhưng Chúa Giêsu đã mở ra một con đường hạnh phúc mới. Tám mối phúc thật trong bài Tin Mừng nói rất rõ. Đó chính là HẠNH PHÚC THẬT của con người. Thứ hạnh phúc này không hệ tại ở những gì con người hưởng thụ mà xuất phát từ TÂM TÌNH THẬT, THÁI ĐỘ SỐNG THẬT của chúng ta. Đó là sự hiền lành, khiêm nhường, hy sinh, vị tha…..Dấu chỉ của niềm hạnh phúc thật này là SỰ BÌNH AN. Người đang có hạnh phúc thật là người đang xây dựng sự bình an cho gia đình, cho cộng đoàn, cho xã hội.

Chúng ta cầu chúc cho nhau được bình an và hạnh phúc, có cái tâm yên tĩnh và sống hiền hòa với nhau để mọi người được hạnh phúc thật.


Thánh lễ kết thúc, nhiều người ra về trong hân hoan. Rất đơn sơ, Đức Hồng Y ra công viên cuối nhà thờ trước tượng Đức Mẹ khóc. Có nhiều người đang cầu nguyện; có người cao tuổi, có cả những người trẻ tuổi cũng đang đứng ở đó. Không biết Đức Hồng Y nghĩ gì mà Ngài trầm ngâm khá lâu.

Giao thừa là khoảnh khắc chuyển giao và kế thừa. Người Kitô hữu sẽ chuyển giao và kế thừa những gì giữa hai khoảng thời gian sống trong cuộc đời? Chắc là, mỗi người một vị trí, một trách nhiệm, theo khả năng mà chuyển giao, kế thừa những gì mà Thiên Chúa đặt để trong tầm tay.