VATICAN
Ngay sau cuộc mừng, chúng tôi nhanh nhẹn lên xe để tới quảng trường Thánh Phêrô, niềm mong ước trong đời của cả đoàn. Quảng trường Thánh Phêrô giờ đây đã hiện ra trước mắt chúng tôi, không phải là đứng nhìn xem nhưng là bước vào Quảng trường. Thật cảm động trước không gian rộng lớn và trang nghiêm. Trước mắt chúng tôi là những hàng cột cực lớn - những hàng cột mà nhìn trên hình chụp chỉ đơn giản là những cột chịu lực của dãy hành lang. Ở nơi đây những hàng cột vừa to lớn, uy nghiêm lại vừa phản ánh ngàn năm lịch sử. Có tất cả 284 cột như thế hình thành một vòng cung lớn tượng trưng hoàn cầu và cảm tưởng như đôi cánh tay của Mẹ Hội thánh giang rộng ôm đón con cái khắp năm châu.
Chúng tôi tiến vào, chụp hình và quay camera, cột đá Aicập giữa quảng trường không phải tròn như chúng tôi tưởng tượng mà là vuông và vươn cao, trên chóp cũng là cây Thánh giá. Bên cạnh cây cột đá này là cây thông Noel cao 30m của miền Bắc nước Áo dâng đã được chuyển về đây trang trí Noel lộng lẫy. Bên dưới chân cột đá là hang Giáng sinh đang được lắp dựng dưới hình thức của ngôi nhà mà chúng tôi chỉ nhìn thấy mái. Hang này sẽ được mở ra vào lễ đêm Noel và chúng tôi được hạnh phúc tham dự lễ của ĐTC.
Một bên của đền Thánh Phêrô nổi lên hàng chữ lớn
In Honorem principis-apost PAVLVS-V-BVRGHESIVS-ROMANVS PONT MAY-AN-MDCXH-PONT-VN (Dâng kính thủ lãnh tông đồ - xây đời GH Phaolô VI)
Trên cùng là tượng Chúa Giêsu đứng giữa, mười một thánh tông đồ đứng hai bên (Thánh Phêrô dưới sân) hai góc có hai chiếc đồng hồ lớn. Bên dưới một chiếc đồng hồ là quả chuông nặng 9 tấn treo giữa 4 quả nhỏ khác ở 4 góc.
Một nhà tạm có mái xuôi, dựng nên ở giữa chính điện, chiếc ghế bọc nệm đặt giữa, nơi ĐTC sẽ ngồi huấn dụ tuần này vào 10h30.
Chúng tôi chọn được khu ghế đầu để gần ĐTC nhất, dòng người mỗi lúc một đông quy tụ trước lễ đài, trong quảng trường Thánh Phêrô. Đã mấy lần đoàn người đứng lên chỉ trỏ vỗ tay, đón nhầm ĐTC, chứng tỏ tất cả đều giống như chúng tôi nóng lòng chờ đón ĐTC.
Cuối cùng ĐTC xuất hiện, uy nghi trong y phục trắng, nổi bật trong áo choàng đỏ, ĐTC đứng trên xe đi vòng quanh lễ đài theo con đường đã được hạn định bằng những băng vi dài. Đi tới đâu mọi người reo hò vỗ tay vui mừng hân hoan chào đón.
Tất c các máy camera đều hoạt động, hình như ĐTC ban phép lành trên suốt đường xe đi. Cuối cùng ĐTC tiến thẳng lên lễ đài, qua ngay trước mắt chúng tôi, thật vui và cảm động. Nước da của Ngài hơi gợn nhăn theo đúng quy trình tuổi già. Nhưng nụ cười trên môi của ngài đã xoá đi mọi dấu hiệu của thời gian.
Ngài tiến lên lễ đài, nơi đã có nhiều Đức Ông chờ đón, lời chào đầu tiên bằng tiếng Ý làm vang dậy tiếng vỗ tay của hàng chục ngàn người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài chào bằng nhiều thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức,Tây Ban Nha, Balan, lời chào của Ngài còn gửi tới nhiều nước có mặt, tới nước nào đều có vỗ tay và tiếng hò reo hưởng ứng vang lên từng góc sân, tôi nghe thấy có có lời chào dành cho nước Nga, cho Trung quốc, nhưng chưa thấy Việt Nam.
Buổi Udienza generale của ĐTC đã kết thúc, đồng hồ chỉ 11h45 đúng một tiếng gặp ĐTC lịch sử và hạnh phúc cho chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng ghi lại các hình ảnh bằng mọi cách: cha Hi chụp hình, tôi quay camêra và ghi lại khẩn trương những sự kiện lớn trong ngày. Khi chúng tôi về đến sát đường biên tượng trưng bằng hàng rào giữa quốc gia Vatican với Italia. Có hai bà người Italia phúc hậu hỏi tôi bằng tiếng Anh. Tôi trả lời chúng tôi đến từ Việt Nam và lưu lại 3 tuần tại Italia, hai bà chúc chúng tôi những ngày ở Italia vui vẻ và Giáng Sinh vui tươi.
Chúng tôi vào thăm Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả trưởng phòng thánh bộ phụng tự của Toà Thánh. Cả Bộ của Ngài có 35 người, có tới 4 trưởng phòng. Toà nhà lớn này mặc dù nằm ở đại lộ Hoà giải của Ý, nhưng lại thuộc về quốc gia Vatican, kế tiếp toà nhà này là 2 toà nhà lớn đối xứng qua đường Hoà giải- con đường dẫn vào mặt chính diện quảng trường Thánh Phêrô- Hai toà nhà này chia cho 6 Bộ cổ nhất của Toà Thánh, kế liền toà nhà này là hai vòng cung lớn dẫn vào Đền thờ Phêrô. Như vậy chúng tôi đang ở vị trí đẹp nhất đối diện với mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô để chụp hinh từ tầng trên với Đức Ông Khả.
Sau đó là những hành lang dài nối tiếp đưa chúng tôi ra đường phố.
Chúng tôi tới thăm đài phát thanh Vatican Ban Việt ngữ do cha Trần Phúc Nhạc và Cha Hoàng Minh Thắng phụ trách. Chỉ có bốn nhân viên làm việc trong văn phòng: hai cha và Soeur Maria Đào Thị Nguyệt dòng khiết tâm Huế và chị Mai Anh. Chúng tôi được đón tiếp rất thịnh tình tại văn phòng của Cha Hoàng Minh Thắng, đặc biệt được ăn “bánh Giáo Hoàng” và uống “rượu Giáo Hoàng”.
Số là mỗi dịp Giáng Sinh ĐTC đều có quà cho từng nhân viên đài phát thanh Vatican, mỗi người được một bánh và chai rượu Champagne, năm nay còn được thêm một cỗ tràng hạt. Cha Hoàng Minh Thắng rất vui vẻ gặp lại quê hương Phát Diệm-Việt Nam nên quyết định cắt bánh Giáo Hoàng và mở Champagne (rượu Giáo Hoàng) cho chúng tôi, thật là đặc biệt vì ân huệ, vì Ý nghĩa và vì cả mùi vị thơm ngon nữa. Chúng tôi lấy phần cho Cha Vũ còn say xe ô tô không đi Udienza được, phải ở lại Foyer Phát Diệm.
Cha Hoàng Minh Thắng còn dẫn chúng tôi thăm các phòng làm việc. Mỗi tầng dành cho khu vực, ví dụ tầng một dành cho đông âu, tầng 3 dành cho Âu Mỹ vv... Đoàn đi ngang qua nhiều hành lang rộng đi vào các phòng chuyên môn, các phòng đang phát trực tiếp bằng tiếng Anh, Pháp, Ý đến các phòng kỹ thuật vi tính hiện đại, các phòng lưu trữ disk và nén tin, phát tin...
Phòng cuối cùng là phòng quảng cáo của đài phát thanh, các cha được ưu đãi do chị văn phòng cảm tình với đoàn, tặng mỗi người một chiếc bút máy, thân bút có in trang web của đài phát thanh Vatican, số điện thoại và số Fax Vatican.
Chị còn rộng rãi tặng đoàn tuỳ Ý lấy ảnh Đức Thánh Cha, tặng luôn cả túi có in chữ Radio Vaticana.
Qua giới thiệu của Cha Hoàng Minh Thắng chúng tôi được biết 70% nền văn hoá, nghệ thuật tập trung ở Roma và chỉ tính nguyên ở Roma cũng đã có tới 2500 nhà thờ. Chúng tôi cũng được biết đài phát thanh Vatican đã phải phát tiếp sóng hoán đổi cho nhau một giờ mỗi ngày với đài phát tại Nga để giúp Việt Nam tiếp sóng rõ hơn.
Rời Radio Vatican, chúng tôi vào thăm Đền Thờ Thánh Phêrô. Đây là trung tâm của chuyến hành hương. Chúng tôi vào phòng gửi hành lý- một hành lang dài lát đá sạch bóng, nhiều nhân viên Vatican phục vụ coi hành lý miễn phí cho khách hành hương. Chúng tôi được đi vào cầu thang máy dọc theo tường của Đền Thờ thánh Phêrô vút cao tới 45m, một nhân viên túc trực suốt ngày tại cầu thang hướng dẫn khách đi đúng cửa ra vào. Chúng tôi đi 1/2 vòng cung tròn của Dome chính Đền thờ. Do hàng rào bảo hiểm quây cao tới 3m, chúng tôi chỉ có thể nhìn xuống 1/2 Cung thánh và không thể nhìn toàn cảnh lòng Nhà thờ. Toàn thể khách hành hương đều xếp hàng tiếp tục leo lên độ cao 320 bậc nữa để tới ngọn của Dome Nhà thờ. Chúng tôi cảm giác đi trong một vòng cung rất lớn nhưng cầu thang lên được thiết kế rất hoàn hảo: cầu thang thẳng và chiếu nghỉ liên tục, điện sáng khắp nơi, sạch sẽ và nhẵn bóng bằng chất đá cẩm thạch của Ý trang nhã mà không trơn trượt, lại thêm khí hậu khô lạnh của Ý nên quanh năm không sợ bị hấp hơi nước như ở Việt Nam chúng ta.
Chúng tôi đã lên tới nơi, rất mệt mà cũng rất vui, cả một thành phố Roma kiêu hùng hiện ra. Đền thờ thánh Phêrô với hai dãy hành lang vòng cung và cột đá cổ Ai cập giữa quảng trường Phêrô thu nhỏ giờ đây biến thành bức tranh khổng lồ độc đáo, sắc nét, trải dài ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi gặp nơi đây người từ khắp các nước trên thế giới kể cả những cụ già cũng cố leo lên, bút tích viết và ký dầy đặc suốt cầu thang. Tôi cũng vội viết lên “Linh mục Phêrô Hồng Phúc và đoàn 10 Linh mục Phát Diệm” không kịp viết ngày vì dãy người đang chờ sau giục đi.
Nói là ngọn Dôme nhưng thực ra còn phải 15m chiều cao nữa mới tới chân Thánh giá. Đối với tầm mắt nhìn từ mặt đất thì nơi chúng tôi đứng chỉ là điểm chân Thánh giá gắn vào đỉnh Dôme mà thôi, chúng tôi nhìn bao quát được cả điện Vatican, điện có tầm quan trọng lịch sử và nghệ thuật đứng đầu thế giới. Đây là một tổng hợp các công trình kiến trúc thuộc nhiều thời đại khác nhau, trải dài trên một diện tích 55.000 m2. Một nửa dành cho 20 sân trong, có khoảng trên dưới 1400 phòng và nhà nguyện lớn nhỏ. ĐGH và các cơ quan trung ương của Toà Thánh chỉ chiếm một phần không đáng kể, còn lại là dành cho viện bảo tàng và thư viện.
Chúng tôi trở xuống độ cao 45m để xem sân trước mặt tiền đền thờ dài 115m có 4 trụ chính và 8 cây cột nâng mái tiền đường. Tượng Chúa Giêsu đặt giữa tượng 11 Tông đồ cao 5,7m chia 2 bên đối xứng qua Chúa Giêsu. Tượng Thánh Phêrô đặt dưới sân tiền đường đối diện với Thánh Phaolô. Từ góc độ này, chúng tôi có thể nhìn ngắm rõ hơn mái trên của đền thờ có chu vi 42m với độ cao tính từ mặt đất lên đến Thánh giá là 137,5m.
Bây giờ chúng tôi lại trở về với điểm xuất phát là mặt đất để đi vào lòng nhà thờ dài tới 221,5m (kể cả mặt tiền chiều ngang tính hết cánh Thánh giá là 137,5m, chiều cao đến vòm trên là 46,2 m. Như vậy sánh với nhà thờ Phát Diệm, đền thánh Phêrô dài gấp 3 lần, chiều cao cũng gấp 3 lần và chiều ngang tính đến cánh Thánh giá thì gấp 5 lần. Trong kiến trúc huy hoàng, lộng lẫy và tràn ngập không gian nghệ thuật này, đáng chú ý nhất là tượng Thánh Phêrô bằng đồng khối do nhà điều khắc Arnolfo Di Cambio tạc hồi thế kỷ XIII, sau bao thế kỷ, chân của pho tượng bị mòn và sáng bóng vì khách hành hương hôn kính. Kế đến là bàn thờ tuyên xưng đức tin đặt chính giữa Cung thánh, 4 trụ đồng lấy từ Pantheon vút cao 29m tạo nên mái nhà nguyện, dưới gầm bàn thờ là hài cốt thánh Phêrô gói trong mảnh vải điều có sợi vàng quý giá và đặt trong hộc xây sâu vào tường.
Chúng tôi đã xuống quỳ gối trước hầm mộ thánh Phêrô và cảm động viếng mộ các Đức cố Giáo Hoàng Pio XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và ĐGH Gioan-Phaolô II, tại mộ cuối cùng này, lúc nào cũng có nến lung linh, khách hành hương quỳ gối âm thầm cầu nguyện rất đông.Hầm mộ này có từ thế kỷ VII ban đầu chỉ bao quanh bàn thờ tuyên xung đức tin. Cuối thế kỷ XVI các hang Vatican được nới rộng thêm 3 gian với một vòng cung lớn bao quanh cung thánh. Đời ĐGH Pio XII cho xây thêm 10 phòng khác để chứa các quan tài đá thời các Kitô hữu tiên khởi tìm thấy bên dưới đền thờ, cũng như các dấu tích kiến trúc và đền đài còn lại của đền thờ do Vua Constantino xây. Cũng chính Đức Pio XII đã cho khai quật và xác định đúng đầu thánh Phaolô và thi hài thánh Phêrô chôn cất dưới hầm mộ đúng như truyền thống Giáo hội tin suốt 20 thế kỷ qua.
Sau đền thờ thánh Phêrô, chúng tôi đến với Đền thờ Laterano. Trên đường đi chúng tôi ghé vào đền thờ Đức Bà Cả, cũng là một trong bốn đền thờ lớn của Roma: Phêrô - Laterano - Đức Bà C - Phaolô ngoại thành. Đền thờ này còn được gọi là Đền thờ Đức Bà xuống tuyết, truyền thuyết kể rằng đêm 4 rạng 5 năm 352 Đức Mẹ hiện ra với nhà quý tộc Giovanơi và ĐGH Liberio, và truyền xây một Nhà thờ dâng kính Đức Mẹ trên đất Esquilino chỗ có phủ tuyết, mặc dù đó là mùa hè nóng không có tuyết. Phép lạ đã diễn ra và Đền thờ được xây dựng. Tại đây còn giữ di tích máng cỏ của Chúa Giêsu. Tháp chuông cao 75m, cao nhất Roma và cũng là kiểu tháp chuông Romano cuối cùng xây năm 1377.
Nhà thờ dài 86m chia thành 3 gian dọc, nền bằng cosma nhẵn mịn, trần mạ vàng nghệ thuật trên các hình hộp chạm gỗ. Tương truyền năm 1492 Christoph Colomb tìm ra châu Mỹ đã đến dâng cúng về rất nhiều vàng và được sử dụng hết vào đây. Hai hàng cột gồm 36 cột đá cẩm thạch và nham thạnh cổ rất lớn đầu chạm trổ kiểu Iomen được trang hoàng với các bức khảm đá mầu. Chúng tôi được dừng bước trước Đền thờ Laterano, Đền thờ quan trọng là mẹ và đầu của tất cả các Nhà thờ toàn thế giới. Đây là ngai toà của Giám Mục Roma - ĐGH.
Giáo Phận Roma không lấy tên tổng Giáo Phận, nhưng lại là thủ lãnh của thế giới vì có ĐGH kế vị Phêrô.
Đây là lâu đài của dòng họ Plautii Lateranơi, xưa vị trí ở sát ngoại thành Roma, gia đình quý tộc này bị Neron chiếm dụng từ thế kỷ thứ I. Năm 314 Constatino thắng trận, Hoàng hậu Fausta dâng cho Vua Constantino như là của hồi môn, Vua hiến cho ĐGH trở thành Ngai toà của ĐGH Melziades.
Các đời ĐGH Leone, Andriano I, Sergio III cho tu sửa, Đức GH Nicola IV cho trang hoàng lộng lẫy, nhưng cơn hỏa hoạn năm 1308 đã thiêu rụi Đền thờ, ĐGH Clemente V cho xây lại, sau này bị cháy một lần nữa, các ĐGH kế tiếp đều sửa sang, trang hoàng thêm. Đền thờ hiện nay là Đền thờ thứ 6 hoàn chỉnh năm 1731 kể từ thiết kế lần đầu của Đền thờ Laterano.
Trên nóc cao Nhà thờ, Gioan đứng bên phải Chúa Giêsu, kế tiếp là 12 thánh giáo phụ. Mỗi pho tượng cao 7m, hàng chữ 2,5m ghi nội dung ĐGH Clémentê XII dâng cho Chúa Kitô Cứu Thế, Thánh Gioan B. và các Tông đồ.
Bên trong hành lang tiền đường có 5 cửa vào. Cửa chính giữa có các mảnh đồng lấy từ cửa đồng của Curia trong Foro Romano. Bên trái có tượng Hoàng đế Constantino lấy từ hồ tắm của ông.Từ trên ban công mặt tiền Đền thờ, ĐGH thường đứng đây để ban phép lành cho dân.
Cũng nơi đây diễn ra những sự kiện lớn của Giáo hội: các ĐGH đã sống trong dinh Laterano trên 10 thế kỷ liên tiếp, chủ sự mọi nghi lễ trong Đền thờ này. Từ năm 1370 các Ngài mới ở Vatican. Công đồng Vatican II kết thúc ở đây ngày 8/ 12/1965, ĐGH cùng các nghị phụ đi từ nhà thờ Thánh giá Giêrusalem vì nơi đó giữ miếng gỗ Thánh giá lớn nhất và các dụng cụ Chúa tử nạn do thánh Helène mẹ Vua Constantino xây.
Bên phải Đền Laterano có một cung toà thiếp vàng, ngày xưa là nhà ăn của ĐGH Leon III trong dinh Laterano, bức tường cổ còn giữ lại làm kỷ niệm. Bức khảm đá mầu rất đặc biệt, cổ kính, diễn tả Chúa Giêsu Kitô đứng trên một ngọn núi biểu tượng. Bên phải là thánh Phêrô đang trao Stola Giáo Hoàng cho ĐGH Leon III và ngọn cờ cho Hoàng đế Charlemange, tượng trưng cho quyền bính tinh thần và quyền bính dân sự. Bên trái: Chúa Giêsu Kitô trao chìa khoá cho thánh Silvestro và chiếc cờ có hình Thánh giá với tên Chúa Giêsu viết tắt, cho Hoàng Đế Constantino.
Lòng Nhà thờ cao vút tới 130m chia 5 lòng, thế kỷ XVIII đã nối hai cột ở hàng chính giữa thành một, toàn thể hàng cột tạo nên toà 12 thánh Tông đồ do Borromissi và trường phái của ông thực hiện. Mỗi thánh mang dụng cụ tử đạo của mình.
Nền nhà thờ cũng rất đặc biệt gồm đá quý nhiều mầu ghép thành hình lớn.
Trần nhà vẽ biểu hiệu của nhiều đời ĐGH bằng vàng. Bên trên tượng các tông đồ là phù điêu hình các tiên tri thời Cựu Ước. Chúng tôi như bị phép thu hình biến thành những sinh vật bé nhỏ trước không gian quá rộng lớn của Nhà thờ. Chúng tôi gặp các Linh mục, tu sĩ đến xưng tội tại đây vì Nhà thờ Laterano được giao phó cho các cha dòng Phanxico giải tội liên tục (Nhà thờ Đức Bà cả do các cha dòng Đaminh).
Cấu trúc bàn thờ chính giống Roma đều có Bàn thờ tuyên xưng Đức tin chính giữa gian cung thánh, tại Laterano này, có hai bức tượng bằng bạc tinh ròng, trong đó có giữ xương sọ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Gầm bàn thờ là mộ ĐGH Martino V do Công đồng Constance bầu lên chấm dứt thời đại ly khai của Tây phương.
Nhà nguyện Mình Thánh Chúa tiên khởi ở cánh Thánh Giá Cung thánh, trên nhà tiệc ly thiếp vàng, toà Nhà Chầu bằng vàng rực rỡ: 4 cột thiếp vàng. Một ngách nhỏ là nhà thờ của các kinh sĩ kế liền với bia mộ của ĐGH Leô XIII, trong nhà thờ này đã có 20 ĐGH an táng ở đây.
Hậu cung của Đền thờ Laterano là ngai của chủ tế, ở đây là ngai ĐGH bằng đá. Các dịp lễ lớn ĐGH tới đây, lễ thứ Năm Tuần Thánh ĐGH cũng dâng tại đây, hiện ĐHY thay quyền ĐGH coi sóc Giáo phận Roma đứng chủ trì Đền thờ này.
Bức hình hậu cung của Đền thờ gồm Chúa Kitô, các phẩm Thiên thần hàng trên cùng, Đức Mẹ, Thánh Phêrô, Phaolô đứng bên phải Thánh giá.
Bên trái Thánh giá là thánh Gioan B. Gioan Tông đồ, thánh Anrê: Có hai thầy dòng chen kẽ nhỏ hơn là thánh Phanxicô Assisi và thánh Antôn. ĐGH Nicola IV quỳ dưới chân Đức Mẹ. Tất cả bằng nghệ thuật khảm đá Mosaic kỳ công.
Cây Thánh giá dát ngọc 12 viên chỉ 12 chi họ Israel, tượng trưng Giêrusalem trên trời. Từ Thánh giá trào xuống 4 mạch nước cho hai con nai rừng và bầy chiên khát đang tìm nước thánh.
Chúng tôi được cha giáo Duyệt dẫn vào tu viện cổ chuyên coi đền thờ Laterano này (giáo dân mất tiền chúng tôi được miễn phí) Các tu viện cổ đều có các Cloite - hành lang kín của tu viện bọc lấy vườn kín, giữa là giếng nước. Hành lang được kiến tạo bằng những hàng cột đá đa dạng, thẳng tròn, xoắn ốc, xoắn thừng rất đẹp và nghệ thuật, trong hành lang trưng bầy di tích kiến trúc, các quan tài đá, các bia mộ...thuộc Đền thờ cũ.
Đây là tu viện Chanoin Kinh sỹ đền thờ. Chúng tôi vào thăm phòng truyền thống với những áo lễ cổ xưa, áo Cappa cổ kính, những chân nến vàng 7 ngọn, 9 ngọn cổ kính. Đặc biệt áo Cappa dâng kính ĐGH Pio IX.
Ngày mai: Vatican (tiếp theo)