Thảm họa phá thai gia tăng tại Trung Quốc và Việt Nam
Tài liệu của The Alan Guttmacher Institute cho biết hiện nay trên thế giới, có 54 quốc gia với khoảng 61% dân số thế giới coi việc phá thai là hợp pháp, trong khi 97 quốc gia với khoảng 39% dân số thế giới không chấp nhận hành động phá thai. Có khoảng 46 triệu vụ phá thai trên thế giới mỗi năm, trong đó có 20 triệu vụ bị coi là bất hợp pháp. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 126.000 vụ phá thai. Trên thế giới, mỗi năm có độ 585.000 phụ nữ chết liên quan đến thai nghén và sinh đẻ, trong số đó có gần 200.000 trường hợp có nguồn gốc từ nạo phá thai, đặc biệt là phá thai lén lút.
Riêng hai nước Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam được coi là có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tại Trung Quốc, năm 1979, trước sự bùng nổ dân số và khó khăn về kinh tế, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ban hành pháp lệnh ấn định mỗi gia đình chỉ có một con và thành lập Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình để hướng dẫn và giám sát việc thi hành biện pháp này. Vì vậy, trong suốt 25 năm qua, nạn triệt sản, phá thai, thậm chí thai ở tháng thứ 7 hay thứ 8, giết hại hài nhi, nhất là với bé gái, không ai có thể thống kê chính xác. Tại Trung Quốc cũng xảy ra lan tràn tình trạng vứt bỏ trẻ sơ sinh trong thùng rác, ngoài đường, trong bụi cây. Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án chính sách vô nhân đạo này của Trung Quốc.
Gần đây Bắc Kinh tuyên bố là việc “có một con” đã thuộc về quá khứ. Nhưng sự thật không đúng như vậy. Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 14.9.2005 dưới đầu đề ”Thảm kịch của phụ nữ nông thôn Trung Quốc” cho biết nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Chen Guangchen vừa lên tiếng báo động về tình trạng ép buộc phá thai tại thành phố Linyi ở miền đông tỉnh Giang Đông. Bà Feng Zhongxia ở làng Maxigou, 36 tuổi, có thai 7 tháng. Vì muốn sinh con, bà đã phải bỏ trốn. Nhà cầm quyền địa phương đã bắt giữ, đánh đập và bỏ đói những người trong gia đình bà nhằm áp lực buộc bà phải ra trình diện. Họ tuyên bố: ”Thà cho thân nhân bà ta chết chứ không để tuột tay”. Phóng viên tạp chí Time cho biết, chỉ trong một huyện, số hài nhi bị giết gần đến 7 ngàn. Bà Gao Xiao Duan làm việc trong một cơ quan kiểm tra sinh đẻ đã trình bày trước Quốc Hội Mỹ: “Tôi nhìn thấy môi những đứa bé mấp máy, các thớ thịt của chúng căng lên khi các bác sĩ chích thuốc độc vào đầu chúng. Sau đó chúng tôi vứt chúng vào thùng rác. Để tránh thảm họa này xẩy ra, nhiều phụ nữ có thai phải trốn. Những đội quân nạo thai đã mở cuộc săn đuổi họ. Có trường hợp sau khi họ sinh xong trở về, ngôi nhà của họ đã thành đống tro tàn!”
Tại Việt Nam, tình trạng phá thai cũng đã đến mức báo động. Tài liệu thống kê cho biết tỉ lệ phá thai của Việt Nam đã lên tới hàng cao nhất thế giới. Có tới 82% số phụ nữ có chồng, thuộc hạng tuổi sinh nở, đã từng phá thai ít nhất một lần. Theo báo Tiền Phong, 20% phụ nữ nạo phá thai tại Việt Nam là thành phần ở tuổi vị thành niên. Con số này được thông báo tại hội thảo "Sức khỏe sinh sản và vị thành niên ở Việt Nam" do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Bộ Y Tế và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tổ chức ngày 30 tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, con số nạo phá thai lén lút còn cao hơn, không kiểm tra được.
Riêng tại thành phố Sài Gòn, tài liệu của Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe Các Bà Mẹ, Trẻ Em và Kế Hoạch Hóa Gia Đình cho biết toàn thành phố Sài Gòn mỗi năm có hơn 100.000 vụ nạo phá thai; trong số đó khoảng 1.000 người nạo phá thai là thiếu nữ dưới 18 tuổi, khoảng 20% người dưới 24 tuổi, 30% là những người chưa lập gia đình. Những năm gần đây, số lượng nạo phá thai lúc nào cũng lớn hơn số sinh sản. Năm 2003 toàn thành phố có 114.002 vụ nạo phá thai trong khi số sinh sản chỉ có 112.426. Năm 2004 đã xẩy ra 108.193 vụ phá thai trong khi chỉ có 107.314 trẻ chào đời.
Bác Sĩ Sản Khoa Nguyễn Hữu Hiện cho biết, nạo phá thai ngoài việc tốn kém tiền bạc, mất thời gian, gây tác hại về sức khỏe, còn để lại những giao động về tâm lý, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ. Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học trong nước cũng như trên thế giới đã chứng minh việc quan hệ tình dục trước hôn nhân để rồi dẫn đến việc nạo phá thai, nếu sau này kết hôn, tỉ lệ ly hôn trong những trường hợp này tương đối cao.
Tình trạng phá thai lậu do các lang băm vô trách nhiệm thực hiện còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Một thí dụ điển hình: Chị Vân, 19 tuổi ở thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Ninh, có thai khoảng 4 tháng, nhưng con đầu lòng mới 15 tháng, vì thế chị quyết định đến nhờ bà lang vườn tên Hiên ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông phá thai. Bà lang đặt que cây rừng vào dạ con của chị để gây “sẩy thai tự nhiên”. Sau một ngày thai lọt ra, nhưng chị Vân bị sốt cao, đến ngày 28.5.2005, chị được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một quả thận và tử cung của chị vì bị nhiễm trùng nặng, không thể cứu vãn.
Nguyên do của tệ nạn phá thai phát xuất từ sự sa sút về lòng đạo đức của con người. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Giáo Hội Công Giáo đã xác định: “Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống đã giao cho loài người nhiệm vụ cao quí bảo vệ sự sống, và con người phải đảm trách nhiệm vụ này một cách xứng đáng. Phải hết sức ân cần bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Phá thai và giết trẻ thơ là những tội ác đáng ghê tởm.” (Vui mừng và hy vọng số 51)
Ngày 28-12, hằng năm sau Lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội Công Giáo tưởng nhớ đến các bé trai từ hai tuổi trở xuống tại Bê Lem, nước Do Thái, đã bị tàn sát do lệnh của Vua Hêrôđê chỉ vì nghe tin bé Giêsu vừa mới sinh ra và qua lời của các tiên tri bé Giêsu sau này sẽ là Vua của dân Do Thái cho nên Hêrôđê lo sợ mất ngôi vua của mình. Trung Cộng, Việt Cộng và các nhà độc tài Cộng Sản vô nhân đạo trên thế giới vốn lâu nay bắt chước thủ đoạn độc ác của Vua Hêrôđê cách nay hơn 2 ngàn năm đã chủ trương “giết lầm hơn là bỏ sót” cố tình tiêu diệt những kẻ chống đối gây nguy hại cho quyền lợi của họ. Vì thế, không có gì lạ khi thấy những người Cộng Sản thờ ơ trước cảnh hàng trăm ngàn thai nhi vô tội bị tàn sát do tệ nạn phá thai gây ra.
Tệ nạn phá thai càng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở hải ngoại, cho nên sống trong môi trường tự do dân chủ, chúng ta có bổn phận và có quyền tìm mọi cách ngăn chặn. Chúng ta có thể dùng quyền công dân của mình tức là quyền bầu cử để công khai bày tỏ ước muốn của chúng ta bằng cách bầu chọn những người đạo đức xứng đáng đại diện cho mình tại Quốc Hội và các cơ quan công quyền. Các Kitô hữu và những người công chính biết tôn trọng sự sống con người phải dứt khoát loại bỏ những ứng cử viên chủ trương hoặc hỗ trợ tệ nạn phá thai, cho dù họ cùng đảng phái chính trị, cùng tôn giáo, cùng đoàn thể với mình hay cho dù họ cũng là người Việt, nhưng chủ trương hay ủng hộ phá thai, chúng ta cũng phải gạt ra ngoài. Được như thế, chúng ta mới có thể cỗ vũ mỗi gia đình của chúng ta nỗ lực củng cố nền đạo đức trong gia đình để thảm họa phá thai không còn xảy ra nữa.