Vai trò kinh nguyện trong chương trình giáo dục con cái
Ðại Lễ Giáng Sinh đối với người Tây Phương nói chung và đối với người Ðức nói riêng là một Ðại Lễ có tinh cách gia đình quan trọng nhất trong năm. Vì thế tất cả các thành viên của gia đình dù suốt năm phải đi làm ăn đâu xa nhà cũng đều cố gắng tìm về đoàn tụ với gia đình trong ngày Giáng Sinh trọng đại, trong những giờ phút linh thiêng đầm ấm nhất của gia đình, tương tự như ngày đầu năm Tết Nguyên Ðán ở Việt Nam ta. Ðó cũng là ý nghĩa nhân bản sâu xa của Lễ Giáng Sinh : Con Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh hạ trong một gia đình nhân loại, có mẹ có cha. Ðể dù Người là Thiên Chúa thật cũng đã trở thành người thật như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Con Thiên Chúa Toàn Năng đã trở thành con người « Menschensohn » và sống giữa chúng ta (Ga 1, 1.14).
Nếu vậy, phải chăng đây không phải là dịp thuận tiện để chúng ta dành cho mình một khoảnh khắc nào đó suy nhiệm về hoàn cảnh và trạng huống của gia đình Công Giáo Việt Nam chúng ta ngày nay, đang phải đối mặt với bao thách đố căm go giữa một xã hội tây phương đầy biến động và đa phức ? Liệu chúng ta sẽ tìm đâu ra được lối thoát ? Phải chăng Cầu Nguyện không phải là giải pháp cuối cùng, chắc chắn và hữu hiệu nhất, giúp chúng ta xây dựng một gia đình hạnh phúc đầm ấm dựa trên nền tảng của sự kính sợ Chúa và tình yêu thương nhau chân thành?
Tuy không còn thịnh hành như mấy thập niên về trước, nhưng ngày nay mỗi khi chúng ta bước vào phòng khách một số lớn gia đình người Ðức, đặc biệt những gia đình còn « cổ kính » ở miền quê, chúng ta thấy họ vẫn còn treo trên tường bức ảnh vẽ mỹ thuật Thánh Gia Na-da-ret trong cảnh gia đình thuận hòa đầm ấm, cốt làm mẫu mực cho các gia đình noi theo : Thánh Giuse thì trung hậu đứng bên bàn thợ mộc, Mẹ Maria đang khoan thai ngồi dệt cửi, còn trẻ Giêsu thì ngoan ngoãn đứng bên cạnh Mẹ.
Nhưng đáng tiếc là cái cảnh gia đình đầm ấm đoàn tụ đó đối với cuộc sống của rất nhiều gia đình ngày nay là một điều xa lạ, hay nói cách khác, đó là một lý tưởng đẹp, một ước mơ thuần túy, chứ trong thực tế đời thường khó tìm thấy. Phải chăng các gia đình Kitô giáo ngày nay đang rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng ? Ðúng thế ! càng đáng tiếc hơn nữa, vì đây không phải là trường hợp ngoại thường, nhưng cơn khủng hoảng đó đã len lỏi đâm rễ sâu vào cuộc sống của hầu hết các gia đình, nhất là nó đã xâm chiếm và làm xáo trộn cả lãnh vực sống đạo của các gia đình nữa. Vâng, ngày nay một vấn đề nan giải mà hầu hết các bậc cha mẹ phải đối đầu là tình trạng con cái, trai cũng như gái, một khi đã thành niên khôn lớn thì không còn sống theo hay chấp nhận cách thức sống đạo của cha mẹ như hồi còn niên thiếu nữa. Chẳng hạn, ngày Chúa Nhật không còn cùng cha mẹ đi xem lễ, không còn làm dấu đọc kinh đọc kinh trước bữa ăn, coi việc lần hạt Mân Côi là nhàm chán lỗi thời, chê bai giáo xứ và các hội đoàn, phê bình chỉ trích các cha thế này thế kia và Giáo Hội thế này thế nọ, v.v…Trước hoàn cảnh đó hầu hết các cha mẹ tỏ ra bất lực, không biết phải xử trí ra sao nữa ! Thậm chí có không ít cha mẹ phần thì không thông thạo ngôn ngữ bản xứ và nhất là khi con cái có chút ăn học hiểu biết hơn mình thì đâm ra chới với hoảng sợ, vì cảm thấy mình « lép vế » trước con cái ! Trong nhiều gia đình con cái cứ lấy cớ có « Termin », có hẹn quan trọng chỗ này chỗ nọ để thường xuyên vắng nhà, kể cả trong ngày Chúa Nhật, hay để được thong thả đi sớm về khuya mà không bị rầy la. Phản ứng của cha mẹ thường là phải chấp nhận cách bất đắc dĩ hay âm thầm buồn lo. Lại có nhiều cha mẹ phần thì không nắm vững được những tinh tuế của đạo lý dân tộc, nhất là trình độ giáo lý nông cạn, phần thì chưa hiểu rõ và không phân biệt được cái hay cái dở của não trạng và nền văn hóa tây phương nên đành thất thủ, con cái nói sao thì nghe vậy. Và để biện minh cho cái cảnh « con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó » như thế, thì họ đã tìm cách tránh né : « … thì cũng biết vậy, nhưng chẳng làm thế khác được, vì nay sống bên tây phương trong một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, mọi sự không còn giống như bên Việt Nam… ». Dĩ nhiên sống trong môi trường xã hội tân tiến Âu Mỹ, thái độ bưng bít « kín cổng cao tường » thì hoàn toàn lỗi thời. Nhưng mọi sự phải « một vừa hai phải », phải có chừng mực và giới hạn của nó. Nói cách khác cha mẹ không nên qúa khép kín hoặc luôn nghi ngờ và rình rập theo dõi từng bước đi của con cái, nhưng cha mẹ cũng có bổn phận phải biết rõ lý do vắng nhà của con cái, hầu tránh cho chúng khỏi rơi vào cảnh « khôn ba năm dại một giờ », khỏi sa phạm những sai lầm bất hạnh vì còn non dại bồng bột, v.v… ở đây cần áp dụng câu châm ngôn hữu lý của người Ðức là « Vertrauen ist gut, Kontrollieren ist besser » - Tin tưởng là điều tốt, kiểm soát lại tốt hơn.
Trong khi đó lại có một số cha mẹ khác khi phải đứng trước hoàn cảnh khó khăn tiến thoái lưỡng nan như thế lại cảm thấy tự ái bị xúc phạm, nên đã dùng tới « kỷ luật sắt », dùng bạo lực và thái độ cứng rắn để hoán cải và bắt con cái phải tùng phục. Nhưng rồi không sớm thì muộn họ cũng phải nản lòng và buông xuôi, vì người ta thường nói « cứng quá hóa gãy », hơn nữa thái độ dùng uy quyền và bạo lực để dạy con cái đối với quan điểm giáo dục ngày nay là hoàn toàn phản sư phạm, phản nhân bản và vì thế không thể chấp nhận được. Vì chẳng những sẽ không mang lại được các kết quả mong muốn, mà còn gây cho cảnh huống càng thêm trầm trọng và đổ vỡ hơn.
Thực ra trong việc giáo dục con cái, thì phải « dạy con từ thủa nên thơ », muốn uốn nắn, dạy dỗ con cái thì phải bắt đầu từ khi con còn nằm trong nôi, từ khi con cái mới lên một lên hai, chứ không phải chờ cho tới khi con cái đã khôn lớn. Nhiều cha mẹ khi con cái còn thơ dại cần đến tình thương, sự gần gũi, sự săn sóc và giáo dục của mình thì lại bỏ bê con cái, coi thường sự giáo dục chúng, để chạy theo đồng tiền bát gạo, lại qúa đặt nặng sinh kế làm ăn. Và một khi ý thức được tầm quan trọng của vấn đề thì mọi sự đã qúa muộn mằn, thì « măng » đã thành « tre » từ lâu rồi, đâu còn dễ dàng gì để uốn nắn được nữa.
Một thực tại mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm, đó là con cái có tìm gặp được đức tin và sống đức tin hay không thì thường là nhờ vào ảnh hưởng sự sống đạo, sự thực hành đức tin, vào đời sống cầu nguyện của cha mẹ. Do đó những lời dạy dỗ hay đẹp, hợp lý, v.v… cũng chỉ là mớ lý thuyết suông, trống rỗng, không có ảnh hưởng gì trên tâm hồn con cái, nếu như đức tin chưa được đâm rễ sâu trong đời sống gia đình, nếu như sự sống đạo của gia đình chỉ giới hạn trong các giờ đọc kinh, chứ chưa sống theo tinh thần lời kinh mình đọc, hay tinh thần Phúc Âm chưa có ảnh hưởng cụ thể trên cuộc sống hằng ngày của gia đình. Cả đến hơn 1.000 giờ giáo lý ở nhà trường, từ các lớp mẫu giáo đến các lớp phổ thông ở trường trung tiểu học (1), cũng khó lòng gây được ảnh hưởng cụ thể nơi con cái chúng ta. Bởi vậy, việc dạy đạo và nhất là việc sống đạo, việc thực hành đức tin, việc cầu nguyện chung trong gia đình là một điều tối quan trọng, bất khả chuẩn chước.
Nhưng các bậc cha mẹ cần phải xử sự, cần phải làm thế nào để gây được ảnh hưởng lòng đạo đức và sự thực hành đức tin trên con cái mà không để cho chúng hiểu lầm là cha mẹ dùng « quyền trên » để áp đặt hay cha mẹ không tôn trọng sự tự do của chúng ? Làm thế nào để giúp con cái biết sống đạo sốt sắng, biết trung thành với đức tin, chứ không bồng bột chạy theo các trào lưu hay cách sống phóng túng của một số lớn thanh thiếu niên tây phương ngày nay, kể cả khi chúng « cứng đầu » không biết nghe hay ra mặt chống đối ?
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam còn sống gắn bó với đức tin, còn ít nhiều quan tâm tới đời sống tinh thần của con cái thì không khỏi phàn nàn thất vọng, vì không biết phải dạy bảo khuyên răn con cái thế nào nữa ! Trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp hiện nay của các gia đình như thế thì chỉ còn lại một con đường, một lối thoát duy nhất, đó là : gương sống đạo sốt sắng, sâu xa, đầy thâm tín và hợp lý của cha mẹ công giáo. Con cái chúng ta không chỉ lắng nghe những gì chúng ta nói, dạy bảo mà còn quan sát nhìn xem những gì chúng ta làm nữa. Liệu những lời khuyên răn dạy bảo cao đẹp kia của chúng ta có được chứng minh bằng các hành động và thái độ sống cụ thể của chúng ta hay không ! Vì tuy rằng nhiều khi con cái bề ngoài tỏ ra khó dạy hoặc phê bình chê bai này nọ và cả đến việc phủ nhận hay chống đối nữa, thì theo tâm lý mà nói, trong thâm tâm con cái vẫn luôn tôn trọng và cảm phục đời sống đạo đức sâu xa nhưng hợp lý của cha mẹ. Trái lại nếu con cái bắt gặp nơi cha mẹ « ngôn hành bất nhất », nói một đàng mà trong thực tế lại hành động một nẻo, thì mọi cố gắng và mọi lo toan của chúng ta trong việc dạy dỗ con cái đều là việc « dã tràng xe cát biển đông », đều là việc không tưởng mà thôi. Trong công tác giáo dục thì ngôn hành của nhà giáo dục phải song hành với nhau thì mới tạo được ảnh hưởng trên thụ nhân.
Ðàng khác, trong khi giáo dục con cái thì cha mẹ cũng phải là những người « trưởng thành » về phương diện tâm lý, nghĩa là đừng bao giờ tự ái vặt, cũng đừng hoang mang, sợ hãi hay thất thủ trước thái độ thờ ơ, phê bình hay chống đối của con cái, đừng bao giờ nóng nảy « đốt giai đoạn », muốn đạt ngay được kết quả. Nhưng luôn luôn phải quảng đại, sáng suốt, bình tĩnh và kiên nhẫn. Ở đây chúng ta cần suy nghĩ ý nghĩa câu cách ngôn của người La-tinh : « Nemo det quod non habet » - Không ai cho được điều mình không có, hay nói theo nghĩa tích cực : Người ta chỉ có thể cho kẻ khác được điều mình có mà thôi. Ðúng vậy, nếu cha mẹ muốn dạy bảo con cái nhân đức này nhân đức nọ thì trước hết cha mẹ phải cố gắng tập cho mình có được các nhân đức đó đã, nếu cha mẹ muốn truyền đạt cho con cái lòng sốt sắng và đời sống đức tin thì chính cha mẹ cũng phải có lòng đạo đức, phải sốt sắng thực hành đức tin trước đã. Trước khi muốn giáo dục người khác thì nhất thiết chính mình phải là những nhà giáo đức độ đã. Nhất là mọi hành động và lời nói của cha mẹ đều phải phát xuất từ một con tim đầy yêu thương trìu mến chân thực, tất cả chỉ vì thương yêu, chỉ vì hạnh phúc của con cái mà thôi. Thái độ quảng đại và kiên nhẫn đầy yêu thương của cha mẹ sẽ tạo ra một khoảng không gian tâm lý thuận lợi cho con cái, nghĩa là dành cho chúng có thời giờ suy tư và cân nhắc thái độ sống của mình hoặc hồi tưởng lại nếp sống hài hòa trước kia trong mái ấm gia đình, nhất là ngậm ngùi trước tình thương bao la của cha mẹ và rồi quay gót trở về, như mẫu gương người cha nhân từ và đứa con hoang đàng trong Phúc Âm (Lc 15,11-24).
Ðiều tối kị mà cha mẹ phải tránh là đừng bao giờ tỏ ra thiếu tự chủ, dễ nóng giận hoặc to tiếng chửi mắng con cái khi chúng tỏ ra cứng đầu, khô khan, thờ ơ với đức tin. Kinh Thánh hằng nhắc bảo chúng ta là Thiên Chúa luôn nhẫn nại và yêu thương chờ đợi con cái loài người sám hối ăn năn và trở lại với Người (Is 30,15.18; Ðnl 4,29b-31; Kn 11, 23-24, v.v…). Gương yêu thương và nhẫn nại từ tốn của Thiên Chúa là thái độ hợp lý mà các bậc cha mẹ phải có đối với con cái. Thật vậy, chính đời sống đạo đức đầy gương sáng và thái độ khoan dung độ lượng đầy cảm thông của cha mẹ sẽ gây được ảnh hưởng sâu xa trên con cái.
Dĩ nhiên điều đó không chuẩn chước hay bỏ qua những giờ phút nói truyện vui vẻ thân mật trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, về những đề tài đạo đức hay tôn giáo, nhất là những giờ đọc kinh sốt sắng chung với nhau trong gia đình. Dù rằng trong thực tế, ảnh hưởng của phong trào « tục hóa » đã ăn rễ sâu vào não trạng con người ngày nay một cách đáng sợ, như trước kia người ta kiêng cữ nói truyện với nhau trong gia đình về vấn đề phái tính hay đời sống luyến ái thế nào, thì ngày nay cũng thế trong vấn đề tôn giáo hay đạo đức. Nhiều bậc cha mẹ không muốn đề cập với con cái về các đề tài đức tin hay cách sống đạo, lơ là hay bỏ sót việc đọc kinh và cầu nguyện chung với con cái trong gia đình, v.v… là muốn tránh cho đời sống gia đình khỏi bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt khó thở ! Nhưng thực ra, thái độ đó là một sự trốn tránh vô trách nhiệm và « đầu hàng vô điều kiện », đồng thời gián tiếp tố cáo sự bất lực của cha mẹ trong vấn đề. Nhất là vô tình các ngài đã bỏ lại một lỗ hổng tinh thần khó lấp đầy trong đời sống con cái.
Nhưng nếu những giờ phút trao đổi trong gia đình về các vấn đề đạo giáo là điều nhất thiết, thì dĩ nhiên thái độ mà cha mẹ cần phải có là các ngài phải xác tín được điều mình nói, cũng như biết lắng nghe quan điểm - kể cả những quan điểm hay ý kiến có tính cách phê bình chỉ trích - của con cái với thái độ khoan dung, quảng đại và cởi mỡ. Ở đây một phương pháp sư phạm cần được áp dụng là cha mẹ nên đóng vai « người đưa tin » hơn là « người chinh phục », chúng ta cứ yên tâm « gieo » các hạt giống tốt vào « thửa đất » lòng con cái chúng ta, còn việc làm cho « mọc lên » và làm cho « đâm hoa kết qủa » thì chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho Thánh Linh và thiện ý của con cái.
Trong trường hợp, dù cho những cố gắng vất vả, những cuộc trao đổi đó vẫn không mang lại hiệu quả mong muốn, nghĩa là con cái vẫn lãnh đạm hay buông xuôi đời sống đức tin, thì điều cuối cùng cha mẹ phải làm là lời cầu nguyện, là tình yêu thương kèm với những hy sinh, âm thầm chấp nhận mọi thử thách để bù thay cho con cái. Chúng ta đừng quên rằng con đường cứu rỗi cho cả nhân loại được khai quang trở lại là nhờ mầu nhiệm đền bù, gánh tội thay. Ðúng thế chính Ðức Kitô là Con Chiên bị sát tế để làm của lễ đền bù tội lỗi nhân loại, hầu mọi người được cứu sống.
Noi gương « gánh tội nhân loại » của Ðức Kitô, đã có biết bao bậc cha mẹ ngày đêm can đảm cam chịu mọi khổ đau thử thách trong nước mắt, nhất là không ngừng thiết tha van nài kêu xin Chúa bằng những lời kinh sốt sắng cho con cái như bà Monica, người mẹ hiền đức và thánh thiện của Augustinô, đã dầm dề trong nước mắt và kinh nguyện suốt 18 năm trời cho đứa con trai ngang tàng, đã chối bỏ chánh đạo để chạy theo những lời rủ rê đường mật của các tà thuyết. Cuối cùng, chẳng những bà đã hoán cải được đứa con của mình thành một người kitô hữu sốt sắng mà còn cống hiến cho Giáo Hội một vị Giám Mục thánh thiện, một nhà thần học lỗi lạc và một vị đại thánh.
Nguyện xin Chúa Hài Ðồng Giêsu, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và của Thánh Cả Giuse, chúc lành, thánh hóa và ban cho mọi gia đình trong các Cộng Ðoàn nguồn vui các Thiên Thần sự an bình, tình yêu thương và ơn ấm cúng đoàn tụ trong suốt Mùa Giáng Sinh.