NHÀ TRUYỀN GIÁO LÀ TẤM BÁNH BẺ RA CHO SỰ SỐNG CỦA THẾ GIỚI
(Sứ điệp ĐTC Gioan Phaolô II nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005)
Bài chia sẻ ngoài thánh lễ của lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, ngày Chủ nhật Truyền giáo, 23-10-2005, tại giáo xứ Hà Nội, giáo phận Xuận Lộc
Anh chị em thân mến,
Chủ nhật Truyền giáo hôm nay là một ngày đặc biệt đối với rất nhiều anh chị em đang hiện diện nơi đây. Trước hết, gần 700 anh chị em sẽ được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để Đức Kitô biến đổi anh chị em thành chi thể sống động của Người, để Người sai anh chị em đi tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn người. Tiếp đến, cả ngàn anh chị em nhớ lại vào dịp này năm trước mình đã từng nhận lãnh sứ mạng cao cả của Đức Giêsu Kitô để làm sống lại tinh thần truyền giáo. Hiện diện ở đây còn có cha mẹ đỡ đầu, nhất là các tác viên Tin Mừng mà những người tân tòng đây là kết quả cụ thể của việc truyền giáo mà anh chị em thực hiện cho Đức Kitô. Mọi người chúng tôi cùng hiệp ý với anh chị em để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, nhất là trong thánh lễ chúng ta sắp cử hành.
Trong ít phút này chúng ta được mời gọi suy niệm về mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và công cuộc truyền giáo để thấy rằng nhà truyền giáo chính là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới. Đây là chủ đề trong sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II gửi toàn thể Giáo Hội nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005. Dù ngài đã qua đời ngày 2-4-2005, nhưng sứ điệp này đã được ngài soạn thảo và công bố ngày 22-2-2005 để chuẩn bị cho ngày chủ nhật hôm nay cũng như được ĐTC Bênêdictô XVI giữ lại và phổ biến để tất cả chúng ta cùng học hỏi.
Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này theo 4 điểm sau đây:
- 1. Sứ mạng của nhà truyền giáo.
- 2. Nhân loại đang cần đến “tấm bánh Kitô”.
- 3. Kết hợp với Đức Kitô để trở thành tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới.
- 4. Làm thế nào để trở thành tấm bánh Kitô.
1. SỨ MẠNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
1.1. Mỗi Kitô hữu đều có thể là nhà truyền giáo
Nói đến nhà truyền giáo là chúng ta có thể nghĩ ngay đến các vị thừa sai như thánh Phanxicô Xaviê, các cha các thầy dòng Tên, dòng Đaminh, dòng Phanxicô, các cha hội Thừa sai Paris… đã đến rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc ở Việt Nam, ở châu Á và nhiều nước trên thế giới. Hoặc chúng ta có thể nghĩ đến những linh mục, những tu sĩ nam nữ học rộng biết nhiều để dạy những tín điều, để giải thích Kinh Thánh và những giáo lý của Hội Thánh cho chúng ta. Họ là những người được Chúa kêu gọi đặc biệt, ban những ơn lạ lùng. Như thế, việc truyền giáo chỉ dành riêng cho một ít người chuyên môn chứ không phải là sứ mạng chung của Giáo Hội, của mọi người tín hữu. Chúng ta chưa nghĩ được rằng tất cả những ai ý thức mình được sai đi để rao giảng Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội nơi những người chưa biết Đức Kitô đều là nhà truyền giáo (x. Giáo luật, điều 786).
Thật ra, tất cả các Kitô hữu qua bí tích Rửa tội đều trở thành một với Đức Kitô, đều trở nên chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội, mà bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (x. sắc lệnh Công đồng Vatican II Ad Gentes, số 4,16) nên bản chất Kitô hữu cũng là truyền giáo. Vì thế, tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây đều đã lãnh nhận sứ mạng truyền giáo từ chính Đức Kitô vì Người đã nói với chúng ta “như Chúa Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20,21), “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (x. Mc 16,15). Mỗi lần tham dự thánh lễ và cử hành Thánh Thể là chúng ta được nhắc nhở về sứ mạng cao cả này và “ra đi” (missa est) thi hành sứ mạng đó.
1.2. Sứ mạng truyền giáo là chia sẻ Đức Kitô cho người khác
Nguồn gốc sứ mạng truyền giáo của chúng ta là sứ mạng của Chúa Kitô vì chính Người là Ngôi Lời hằng hữu đã được Chúa Cha sai đến (x. Lc 4,18) trần gian để mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha, và tất cả những ai tin Người sẽ được sống đời đời (x. Ga 3,16). Tin Mừng cứu độ ấy được Chúa Giêsu Kitô loan báo bằng toàn thể con người mình, cả lời nói cũng như hành động, như chúng ta đọc thấy trong Tân Ước nhất là qua bốn sách Phúc Âm. Đến lượt chúng ta, Đức Giêsu Kitô cũng sai chúng ta ra đi và loan báo Tin Mừng bằng cả cuộc sống của mình như chính Người đã nêu gương cho chúng ta cũng như ban muôn ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng đó.
Vì thế, xét về bản thân, nhà truyền giáo cần có 4 đặc điểm sau: xác tín về sứ mạng cứu độ của Chúa Cha, hoà nhập thành một với Đức Giêsu Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội. Khi có đủ 4 yếu tố này, bản thân nhà truyền giáo trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi và đời sống của họ trở thành một bản sao của Tin Mừng, trở thành nội dung của việc truyền giáo. Họ trở thành Tin Mừng sống động được truyền đạt cho người khác và là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian. Như thánh Phaolô đã nói “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Như thế việc truyền giáo thời nay không phải là tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những con người khác mình về tôn giáo, văn hoá… cũng không phải là dạy giáo lý, giải thích những tín điều mà là đến với tất cả những người ở gần cũng như ở xa chúng ta để chia sẻ Đức Kitô mà chúng ta đã tiếp nhận được như bẻ ra một tấm bánh chia cho người khác trong bữa ăn hằng ngày. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Thánh cha muốn gửi đến chúng ta khi cho chúng ta biết nhà truyền giáo là ai và sứ mạng truyền giáo là gì.
2. NHÂN LOẠI ĐANG CẦN ĐẾN “TẤM BÁNH KITÔ”
Tuy nhiên chúng ta tự hỏi nhân loại ngày nay có thật sự cần đến tấm bánh Kitô không? Có thật sự cần đến những nhà truyền giáo mang bánh Kitô cho họ không?
2.1. Con người thời nay dường như không cần đến tấm bánh Kitô
Nếu nhìn một cách hời hợt bên ngoài, hay hỏi trực tiếp những con người cụ thể, dường như con người ngày nay không cần đến tấm bánh Kitô. Với hơn 6 tỷ người đang sống trên trái đất, trong đó hơn 2 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ và hàng trăm triệu người chết đói hàng năm thì người ta chỉ đi tìm lúa, gạo, ngô, khoai là tấm bánh vật chất để nhét cho đầy bụng chứ không cần đến tấm bánh Kitô. Với hơn 2 tỷ người theo Kitô giáo, trong đó khoảng 1,1 tỷ là người Công giáo thì 4 tỷ người còn lại chẳng biết Đức Kitô là ai và cũng không biết Người có thể mang lại gì cho cuộc sống của họ. Việc truyền giáo quả thật vẫn còn rất cần thiết để chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô và tấm bánh của Người cho thế giới.
Hơn nữa, trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hoá, với những phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, con người nhiều lúc như bị thôi thúc phải làm giàu thật nhanh để chiếm hữu thật nhiều, khiến cho người giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo ngày càng thêm đói khổ. Tấm bánh tài nguyên chung của nhân loại không còn được bẻ ra để chia đều cho tất cả cùng no đủ. Từ đó, bao cuộc chiến tranh xung đột đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại để mỗi bên giành cho được phần bánh của mình. Ấy là chúng ta chưa nói đến những thảm hoạ thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão tố, lụt lội… càng làm cho tấm bánh vật chất bị hao hụt, vỡ nát không thể mang lại sự sống trọn vẹn cho toàn thế giới. Do đó Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như nhắc nhở chúng ta rằng: “Trong thời đại hiện nay, xã hội con người dường như bị che phủ bởi những bóng đen khi bị rúng động trước những biến cố bi đát và tan nát bởi những thảm hoạ thiên nhiên” (x. Sứ điệp, số 2).
2.2. Đức Kitô vẫn luôn là tấm bánh cần thiết nuôi sống nhân loại
Tuy nhiên, Đức Kitô đã chạnh lòng thương xót (x. Mt 9,36) và động lòng trắc ẩn trước sự nghèo đói và khổ đau của con người. Người đã và vẫn còn tiếp tục làm những phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng đám đông đói khổ (x. Mt 4,13-21; Mc 6,30-34; Lc 9,10-17) như muốn chứng minh cho con người hiểu rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Người chính là tấm bánh Lời Chúa vì chỉ có Người mới có những lời đem sự sống đời đời (x. Ga 6,68). Người chính là “tấm bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,35,51). “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58).
Hiện diện trong bí tích Thánh Thể, Đấng Cứu Thế chính là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới khi tất cả những ai đón nhận Người biết mở rộng tâm hồn và bàn tay nhân ái để chia sẻ cho những người nghèo đói quanh mình những phẩm vật Thiên Chúa tặng ban. Như thế, “Bí tích Thánh Thể không chỉ là một biểu hiện của sự hiệp thông trong đời sống Giáo Hội mà còn là một dự án của tình liên đới cho toàn thể nhân loại” (Tông thư Mane nobiscum Domine, số 27). Người đói sẽ được no ấm khi người giàu biết chia sẻ cơm áo của mình đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín: chỉ có Chúa Giêsu mới thoả mãn được cái đói yêu thương và cơn khát công lý của thế giới (x. Sứ điệp, số 2).
Nhìn vào dân tộc Việt Nam, với dân số 82.032.300 người, tính đến ngày 31-12-2004 và người Công giáo trên toàn quốc là 5.776.972 người, chiếm tỷ lệ 7,04% thì chúng ta hiểu rằng còn rất nhiều đồng bào chúng ta chưa biết Đức Kitô là ai. Và nếu chúng ta biết rằng 60% dân số là những người trẻ đang khao khát sống đúng, sống tốt, sống đẹp, sống hào hùng nhưng lại chưa biết Ngôi Lời Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ. 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình cần được Đức Kitô bảo vệ. 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ, trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi phung phí, thác loạn cần được Đức Kitô chỉ bảo. Một đất nước có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu; hơn 5 triệu người khuyết tật với nhiều dạng khác nhau, trong đó 1,2 triệu là trẻ em; 263.000 người nhiễm HIV/AIDS và dịch bệnh ngày càng lan rộng; 160.000 người nghiện ma tuý chưa tìm được cách phục hồi cho khỏi tái nghiện. Tất cả những người này đang cần được Đức Kitô cứu chữa. Quả thật, tấm bánh Đức Kitô rất cần được bẻ ra để chia sẻ cho đồng bào Việt Nam. Nhưng chúng ta lại phải hỏi thêm ai sẽ ra đi, đến với đồng bào để giới thiệu Đức Kitô cho họ? Ai sẽ mang tấm bánh Kitô và bẻ ra để chia sẻ cho họ? Câu trả lời duy nhất, đó chính là nhà truyền giáo, là chúng ta.
3. KẾT HỢP VỚI ĐỨC KITÔ ĐỂ TRỞ THÀNH TẤM BÁNH BẺ RA CHO SỰ SỐNG CỦA THẾ GIỚI
Là nhà truyền giáo, chúng ta đang làm gì cho con người và xã hội hôm nay để rao giảng Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội? Có thể nói chúng ta làm rất nhiều việc: tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm các việc từ thiện. Nhiều người còn tích cực hơn khi đến những nơi xa xôi giảng dạy giáo lý và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Nhưng kết quả như thế nào?
3.1. Kết quả công cuộc truyền giáo
Theo thống kê của Toà Thánh, trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội. Dân số Công giáo tăng từ 757 triệu người, vào năm 1978 lên đến 1.071 triệu người, vào năm 2002 (x. Thống kê Niên giám Toà thánh 2004). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì vào năm 1978 người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2002 chỉ còn 17,2%. Điều này có nghĩa là kết quả truyền giáo không đáng kể và có phần đi xuống vì đã có một số người bỏ đạo. Giáo hội Công giáo toàn cầu đang có 4.605 giám mục, hơn 400.000 linh mục, 112.000 đại chủng sinh, hơn 800.000 tu sĩ nam nữ với 150.000 thừa sai giáo dân và 2,7 triệu giáo lý viên mà chỉ có 2,5 triệu người lớn trở lại đạo thì thử hỏi ai là người truyền giáo trong số hơn 1 tỷ tín hữu?
Nhìn vào Giáo hội Việt Nam trong suốt 45 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2004 chỉ còn 7,04%. Năm 2004, chúng ta có 43 giám mục, 3.042 linh mục, 14.413 tu sĩ nam nữ, gần 3.000 chủng sinh và 53.887 giáo lý viên nhưng chỉ có 31.519 người lớn được rửa tội trong cả năm. Chúng ta đừng quên rằng rất nhiều người lớn theo đạo là vì để lập gia đình với người có đạo. Vậy đời sống đạo của chúng ta có thực sự thu hút được người khác tin theo Đức Kitô không? Trong năm 2004, số người lớn được rửa tội trong toàn giáo phận Xuân Lộc là 5.332 người, cao nhất trong 25 giáo phận ở Việt Nam. Trong khi đó nhiều giáo phận chỉ có một vài trăm người lớn trở lại đạo cả năm. Điều này như thôi thúc người tín hữu chúng ta cần phải tìm ra những phương cách mới để truyền giáo hiệu quả hơn.
3.2. Vài lý do giải thích
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gợi ý cho chúng ta tìm ra những lý do để giải đáp cho việc tại sao kết quả truyền giáo không cao. Lý do đầu tiên là người tín hữu Công giáo chưa ý thức truyền giáo là một sứ mạng hết sức cao cả và vinh dự vì được chia sẻ sứ mạng mà Chúa Cha đã giao phó cho Đức Giêsu Kitô. Tiếp đến họ chưa gắn bó với Chúa Ba Ngôi, nhất là với Đức Giêsu Kitô để trở thành một Tin Mừng sống động như Người, để được Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng họ (x. Mc 16,16-20). Không có đời sống tràn đầy tình yêu và dấu lạ để minh chứng cho Tin Mừng cứu độ, nhiều nhà truyền giáo thời nay chỉ còn là người quảng cáo, tiếp thị cho một thứ “tin mừng dỏm” không phải là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Cuối cùng, người ta ít lưu tâm đến người được truyền giáo trong toàn thể điều kiện và môi trường sống của họ để giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại, thăng tiến đời sống, phát triển cộng đồng, hội nhập văn hoá và đối thoại với những tôn giáo khác. Một khi con người vẫn còn nghèo đói về thể chất và tinh thần mà nhà truyền giáo không chia sẻ tấm bánh Kitô đích thực cho họ thì kết quả đương nhiên là họ vẫn lãnh đạm với tôn giáo, lãnh đạm với Đức Kitô.
3.3. Giải pháp để công cuộc truyền giáo có hiệu quả
Đức Thánh Cha đã đề ra giải pháp: nhà truyền giáo cần kết hợp thành một với Đức Kitô qua bí tích Thánh Thể để trở thành tấm bánh đích thực của Người (x. Sứ điệp, số 3). Điều này thuộc về linh đạo truyền giáo hiểu như sự hiệp thông thân mật với Chúa Kitô (x. Sứ điệp, số 4), lấy Người làm trung tâm điểm cho đời sống và quy về Người mọi hoạt động của mình (x. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 8). Nhà truyền giáo sẽ lấy Đức Kitô làm lẽ sống, có những tâm tình, hành động như Đức Kitô. Lúc đó nhà truyền giáo đạt đến mức độ tự huỷ hoàn toàn để trở thành hiện thân của Đức Kitô khiến cho người được truyền giáo cảm nhận ơn cứu độ một cách cụ thể và thiết thực. Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật, không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một phù thuỷ dùng bùa phép, nhưng trong tư cách là chứng nhân của Đức Kitô vì “với Đấng ban sức mạnh cho họ, họ có thể làm được mọi sự” (x. Pl 4,13).
Nhà truyền giáo đạt được điểm cơ bản này qua bí tích Thánh Thể vì sau khi đã chuyển thông cho họ sự sống thần linh, quyền năng vô hạn và tình yêu quảng đại của Đức Kitô, “bí tích Thánh Thể dẫn dắt mỗi tín hữu, đặc biệt là các nhà truyền giáo, trở nên tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới”, “khi họ noi gương Đức Kitô dâng hiến mạng sống cho anh chị em mình” (x. Sứ điệp, số 1). “Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta trở nên những nhà truyền giáo quảng đại, dấn thân tích cực cho việc kiến tạo một thế giới công bình và huynh đệ hơn” (x. Sứ điệp, số 3). Lúc đó việc dấn thân để lo lắng cho những người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức, bị bỏ rơi, bị dục vọng trói buộc và ma quỷ kiềm chế là những hành động rất đỗi bình thường của người Kitô hữu hôm nay.
4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH TẤM BÁNH KITÔ
4.1. Nhìn lại mối tương quan của mình với Đức Kitô
Nhiều người tín hữu thắc mắc mình đã dâng lễ, dự lễ, rước lễ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, nhưng lại không cảm nhận được những hiệu quả tốt đẹp, kỳ diệu của Thánh Thể như lòng hằng mơ ước? Chúng ta thấy mình bình thường như chẳng biến đổi gì! Chúng ta như có vẻ ăn giả tấm bánh Kitô chứ không ăn thật! Có phải vì chúng ta thiếu chuẩn bị cho thánh lễ không? Có phải vì chúng ta tội lỗi nên không được Chúa đón nhận trong bữa tiệc của Người? Hay có phải bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm tuyệt đối không có dấu hiệu gì tỏ ra bên ngoài không? Hoặc có phải vì chúng ta quá thụ động trong việc tham dự thánh lễ không? Hay có phải vì chúng ta hời hợt và bất lịch sự bỏ mặc Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong lòng ta để lo lắng, bận rộn cho những công việc thường ngày không? Ngày Thế giới Truyền giáo hôm nay như mời gọi những nhà truyền giáo chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Chúa Giêsu Thánh Thể để khám phá cách biến đổi mình thành tấm bánh Kitô.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta “hãy mở toang con người của mình cho Chúa Giêsu Thánh Thể để vươn đến những chiều kích bao la của mầu nhiệm sâu thẳm này” (x. Tông thư về Thánh Thể Mane nobiscum Domine, số 14). Nghĩ đến bí tích Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ ngay đến bánh và rượu, đến Mình và Máu Chúa Kitô trong khi đáng lý ra ta phải tập trung vào Chúa Kitô, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người để chúng ta cùng hoà nhập với Người. Đó là sự hiện diện sâu thẳm nhất. Đó là chiều kích bản thể của bí tích này. Ngoài ra, còn nhiều chiều kích khác như xã hội, tu đức, thần bí, vũ trụ… cũng cần được “các nhà truyền giáo rong ruổi trên những nẻo đường chưa được khám phá để mang bánh cứu độ đến cho muôn dân” (x. Sứ điệp, số 2). Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến chiều kích xã hội khi nói rằng Thánh Thể phải thúc đẩy chúng ta quan tâm đến những người nghèo đói, túng quẫn (x. Sứ điệp, số 3), hoặc chiều kích tu đức khi nhấn mạnh đến linh đạo Thánh Thể và mời gọi chúng ta noi gương Đức Maria, người nữ Thánh Thể (x. Sứ điệp, số 4).
4.2. Cùng làm nên tấm bánh với Đức Kitô
Đức Giêsu Kitô luôn nhắc nhở chúng ta phải hợp tác với Người khi mời gọi: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11, 23-25). Đến dự tiệc Thánh Thể chúng ta không phải là những thực khách thụ động nhưng phải mang theo chất liệu Thánh Thể tượng trưng qua bánh và rượu là yếu tố vật chất của vũ trụ và lao công của con người như cậu bé góp vào 5 chiếc bánh và 2 con cá cho phép lạ của Đức Giêsu (x. Ga 6,1-15). Chất liệu ấy cần phải được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi bằng dòng nước thần linh nhờ máu và nước của Người đổ ra trên thập giá (x. Ga 19,34) và bằng Thánh Thần của Người (x. Ga 1,33). Sau đó, chất liệu Thánh Thể gồm phần của muôn người chúng ta và phần của Chúa Giêsu được dòng nước Thánh Thần liên kết, hoà nhập thành một để nhà đầu bếp vĩ đại Giêsu nướng chín thành tấm bánh hằng sống nhờ ngọn lửa Thánh Thần tình yêu của Người (x. Dt 10,5-10; Lc 12,49).
4.3. Nhà truyền giáo đón nhận và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể
Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy thường xuyên đón nhận và kết hợp với Người qua bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn… mà uống” (Mt 26,26-27); “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Nhưng làm sao tiêu hoá được Thánh Thể thành mình máu của ta? Làm sao hấp thụ được Chúa Giêsu vào trong ta để ta trở thành Thiên Chúa như Người? Muốn tiêu hoá và phát huy được sức mạnh của Thánh Thể mọi bộ phận trong con người thiêng liêng của ta phải hoạt động tốt. Hơn nữa, chúng ta phải chuyển hoá những chất bổ dưỡng ăn vào thành những hành động cụ thể và tốt đẹp trong đời sống. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là gương mẫu cho ta khi ngài luôn cầu nguyện trước Thánh Thể, làm việc với Thánh Thể và cảm nhận được sức mạnh của Thánh Thể nơi ngài.
KẾT LUẬN
Hôm nay, suy nghĩ về đề tài nhà truyền giáo là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới, chúng ta hợp cùng Mẹ Maria và các thần thánh trên trời để cảm tạ Chúa Ba Ngôi đã trao sứ mạng truyền giáo cao quý cho ta. Chúng ta quyết tâm tìm mọi phương cách kếp hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để Người biến đổi ta thành tấm bánh bổ dưỡng cho những anh chị em đang đói khát Người. Như thế, nhà truyền giáo chúng ta mới xứng đáng là người xây dựng nền văn hoá sự sống và bảo tồn nền văn minh tình thương cho gia đình nhân loại.