MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ

Giảng thuyết vốn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của linh mục. Vị trí của công việc này rất quan trọng, nên đã chiếm ít nhất gần một nửa thời lượng của việc cử hành thánh lễ. Và người giáo dân, khi tham dự thánh lễ, cũng mong ước sao qua bài giảng của linh mục, họ được nghe, được chia sẻ, được truyền đạt Tin Mừng thật sự…

Thực vậy, “Ngày nay, với các linh mục, việc rao giảng thiết yếu ở các bài giảng trong thánh lễ, việc dạy giáo lý cho người tòng giáo và trẻ em, việc huấn luyện các giáo lý viên, việc gặp gỡ để chuyện trò về đạo với người ta trong những hoàn cảnh họ dễ đón nhận Tin Mừng hơn… ” (1)

Bài giảng của linh mục chẳng những quan trọng đối với chính bản thân các ngài, mà đặc biệt còn có vai trò “củng cố đức tin, nuôi dưỡng đức ái” rất lớn đối với mọi tín hữu là những đối tượng trực tiếp cần được phục vụ (qua bài giảng).

Dưới cái nhìn của giáo dân, xin thử lạm bàn xung quanh vấn đề bài giảng trong thánh lễ của linh mục, đồng thời ước mong được chia sẻ đôi điều…

MỘT VÀI GỢI Ý …

- “Phục vụ : Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu của người khác, và đáp ứng đúng lúc. (…). Vì thế, để phục vụ trong mục vụ được hữu hiệu, thiết tưởng giáo sĩ chúng ta phải có lòng đạo đức, vừa có tính khoa học. Phục vụ với tâm hồn đạo đức, nhưng một cách khoa học. Phục vụ với tinh thần khoa học, nhưng một cách đạo đức. Thí dụ: một bài giảng chỉ là một chuỗi dài lập đi lập lại những lời khuyên răn đạo đức, và một bài giảng được dàn dựng một cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người. Tuy cả hai bài giảng cùng nhắm phục vụ người nghe, nhưng người nghe sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với bài giảng thứ hai, bởi vì họ thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp khoa học. Tôi tin là con người thời nay, trong đó có chúng ta, không còn chấp nhận dễ dàng một thứ phục vụ chỉ đơn thuần mang màu sắc đạo đức mà thiếu hẳn tính cách khoa học…” (2)

- “Suy nghĩ từ một bài giảng: Thư chung của HĐGMVN năm 2002 về thánh hóa gia đình là một đề tài sẽ được triển khai tại các giáo xứ. Một trong những kênh truyền tải ấy là những bài giảng trong thánh lễ, nhất là những thánh lễ hôn phối, mừng kỷ niệm ngân khánh, kim khánh hôn nhân…Những đề tài về gia đình, về tình yêu hôn nhân, chung thủy luôn luôn mang tính thời sự sẽ được nhiều đối tượng lắng nghe. Vấn đề là trình bầy thế nào để người nghe biết đối chiếu cuộc sống gia đình mình với những lời giảng cùng suy nghĩ để có những lời đáp trả.

Vừa qua tôi được tham dự một thánh lễ hôn phối mà vị chủ tế đến từ một giáo phận miền sông nước Cửu Long. Vị linh mục đã đề cập đến những yếu tố đem lại hạnh phúc cho gia đình bằng một truyện cổ Ấn Độ. Qua bài giảng ngài đã đặt cho những người tham dự thánh lễ một câu hỏi phải trả lời, và chính chú rể đã mạnh dạn đưa ra lời giải đáp. Những bài giảng, cách truyền đạt, cách nêu vấn đề của vị linh mục sẽ giúp những giáo huấn của giáo hội dễ đến với người nghe
. ” (3)

- “Giảng hay đọc ? : Tôi tham dự thánh lễ chiều chủ nhật ở một giáo xứ nọ, vị linh mục chủ sự thánh lễ hôm ấy còn khá trẻ. Tôi chẳng chê linh mục ấy điều gì ngoại trừ cách giảng của ngài. Cách chia sẻ Lời Chúa của ngài làm tôi thấy khó chịu. Chẳng là khi chia sẻ Lời Chúa, vị linh mục ấy cứ chăm chăm nhìn vào bài soạn giảng mà đọc. Hết câu này, tiếp câu khác. Nhiều khi hết một đoạn chia sẻ, ngài mới ngước lên nhìn giáo dân, rồi lại cúi xuống tiếp tục nhiệm vụ. Đáng lẽ, trước khi nói chuyện Lời Chúa với giáo dân, vị linh mục ấy nên đọc qua để nắm lấy ý chính mà nói. Tôi thấy cách chia sẻ Lời Chúa của vị linh mục ấy có điều gì không ổn, ít nhất là đối với người trẻ chúng tôi. Bài giảng không chỉ cần sự súc tích mà cần cả cách giảng. Bởi vì phong cách của một người giảng dạy góp phần làm cho cử tọa xác tín thêm về những lời được nghe.

Tôi đã từng đi tham dự thánh lễ nhiều nơi, có nhiều vị chia sẻ rất cuốn hút giáo dân. Có lẽ vì các vị ấy giảng với lòng say mê và đặc biệt là luôn nhìn về phía giáo dân. Cung cách giảng rất cần, vì nó giúp giáo dân cảm nhận được sự gần gũi với người giảng
. ” (4)

Những nhận định, tâm sự và chia sẻ trên đây thiết nghĩ cũng là bằng chứng cho thấy mọi thành phần Dân Chúa đều quan tâm một cách đặc biệt đến bài giảng của linh mục, chẳng những về nội dung mà còn cả về phương pháp giảng thuyết nữa.

Dựa vào thực tế, xin mạn phép đưa ra một số ghi nhận.

MỘT SỐ GHI NHẬN TỪ THỰC TẾ

Thường mỗi khi tham dự thánh lễ về, tín hữu hay nói với nhau : “Cha giảng hay !...”, hoặc “Cha giảng khó nghe quá !...”, hay “Thật là tuyệt vời ! Cứ như là thấm vào tai…”. Nhưng nhiều nơi, nhiều lúc, có người lại tỏ ra thất vọng : “Biết rồi khổ lắm nói mãi…” và “Cũng không biết Cha giảng nói gì nữa !??...Dài quá !...Nhàm quá !...” vv.

Thực tế cho thấy, nhiều nơi các bài giảng xem ra không còn hấp dẫn gì nữa. Nói như bạn Thúy Vy (bài dẫn trên) thì đó là : “Có điều gì không ổn !”. Thật vậy, nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ về vấn đề “Giảng và nghe giảng” ở một vài địa phương nào đấy, thì có lẽ rất dễ dàng thu thập những ý kiến đáng quan tâm trong giới tín hữu thuộc “hàng ghế thính giả”. Tùy theo trình độ học vấn, tuổi tác, nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, cảm nghiệm đức tin, thái độ tiếp nhận…mà tín hữu có những nhận định khác nhau về bài giảng của linh mục. Vấn đề là nên chăng qua thực tế khách quan, chúng ta cần nhận ra rằng ở một vài nơi, nhiều vị mục tử đã thực sự đã không quan tâm hoàn thành tốt bài giảng trong thánh lễ của mình.

Xin phép đơn cử một số ví dụ từ thực tế…

- Về tác phong và cách giảng thuyết :

  • - Thiếu sức sống, sinh khí, sự say mê trong truyền giảng;
  • - Thiếu xác tín, tâm tình đạo đức, sự tập trung cao độ trước và trong khi giảng;
  • - Quá chú tâm tới việc đọc những tài liệu dẫn chứng, minh họa khiến cử tọa chìm trong bầu khí ‘nhàm chán, đơn điệu’, cảm giác mất hứng thú và ít động não;
  • - Không chú ý đến cử tọa : nói nhỏ hoặc nói lớn quá, cử chỉ đơn điệu hoặc quá cường điệu, tác phong và trang phục chưa được quan tâm đúng mức, ít sử dụng ‘ngôn ngữ không lời’ cách hiệu quả…;
  • - Giọng nói và cách diễn đạt chưa thật sự lôi cuốn, đôi lúc lại thiếu từ tốn, tế nhị…vv.
- Về bố cục và nội dung bài giảng :

  • - Không xoáy vào một chủ điểm rõ rệt nào (người nghe cảm thấy lan man, sốt ruột…);
  • - Không mang tính chia sẻ, thân tình, gợi mở. Bài giảng (Homily) vốn khác với bài diễn văn (Speech);
  • - Ít hoặc rất ít dùng Lời Chúa để dẫn chứng, để minh họa, để làm ‘chìa khóa’, làm ‘nền’ cho nội dung diễn đạt, giáo huấn;
  • - Khuynh hướng kể chuyện ‘linh tinh’, chiếm nhiều thời gian, gây phân tâm và tạo bầu khí mất trang nghiêm !...;
  • - Chú trọng đề cao ‘công đức cá nhân’ (thường thấy dịp lễ kỷ niệm này nọ) mà bỏ qua hoặc xem nhẹ việc giới thiệu, trình bầy, quảng diễn sâu rộng Lời Chúa;
  • - Trích dẫn hoặc lấy nguyên xi tài liệu để đọc, khiến choán hết thời gian diễn giảng, dễ gây nhàm chán;
  • - Thiết kế bài giảng chưa khoa học, hoặc quá dài hoặc quá ngắn, mở-đóng chưa cân đối, hợp lý, ngôn ngữ sử dụng khi thì quá cao siêu xa lạ, khi thì quá ‘bình dân’ nhạt nhẽo…;
  • - Sử dụng tòa giảng như một diễn đàn ‘hợp lệ’ để công khai tự biện hộ, hay công khai đả kích, phê phán người khác !;
  • - Ít quan tâm nhu cầu, thao thức, hoàn cảnh, tâm trạng của người nghe khiến bài giảng hoàn toàn xa rời cử tọa, lạ lẫm với thực tế…;
  • - Bài giảng có lúc chưa được ‘chín’, chưa được chiêm nghiệm sâu xa, chưa được chắt lọc cẩn thận, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng…nên thiếu sức sống, thiếu hồn…;
  • - Có nơi bài giảng của linh mục thiên về lạm bàn chi tiết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội…mà quên trọng tâm là rao giảng Lời Chúa, giúp củng cố, phát triển đức tin, lòng mến nơi tín hữu;
  • - Không linh hoạt trong dàn dựng ý tưởng, ít sáng tạo trong thiết kế nội dung…vì thế bài giảng không có chiều sâu, không tạo được âm hưởng tích cực nơi người nghe…
MỘT SỐ Ý KIẾN CỤ THỂ…

Căn cứ vào những thực tế trên, giáo dân mong ước các vị mục tử, dù trong hoàn cảnh nào, cũng cố gắng quan tâm và đầu tư thật nhiều tới công việc mục vụ giảng thuyết của mình.

Nhưng để bài giảng là bài giảng đích thực, và để việc giảng thuyết đem lại lợi ích thiết thực cho phần rỗi các linh hồn, thiết nghĩ một lúc nào đấy linh mục nên ‘dừng chân’ và tự hỏi : “Nếu ở cương vị giáo dân thính giả tôi sẽ ước muốn được nghe chia sẻ về điều gì ? Tôi thật sự đang khao khát gì ? Tôi có thể hiểu được người giảng thuyết muốn nói gì không ? Tôi sẽ thích nhất điều gì và không thích nhất điều gì thông qua nội dung và cách trình bầy Lời Chúa của nhà giảng thuyết ? Tôi sẽ phản ứng ra sao khi thấy người nghe mình có cảm giác chán ngán, lơ là, phân tâm, buồn ngủ, thụ động, thậm chí bỏ ra ngoài…? Sau khi nghe giảng, con người tôi có thực sự ‘được lớn lên’ chút nào không ? Phản ứng nội tâm của tôi thế nào đối với những tư tưởng tôi tiếp nhận qua bài giảng ?…vv”.

Một trong những cách đánh giá nhằm cải thiện công việc giảng thuyết khá hiệu quả, đó là lắng nghe phản hồi từ hàng ghế thính giả. Mọi phản ứng dù tiêu cực hay tích cực từ người nghe đều có giá trị như một thông điệp phản hồi giúp cho diễn giả lượng giá công việc truyền thông của mình một cách trung thực. Chấp nhận lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhiều phía, đó cũng là cách để hoàn thiện và nâng cao “nghiệp vụ” giảng-dạy của chính mình.

Tóm lại, việc giảng thuyết của linh mục luôn được coi như một công cụ truyền thông hữu hiệu để rao giảng và giáo huấn. Đó là phương thế để đào tạo tín hữu cách trường kỳ và đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, sự hiểu biết về Đức Kitô sẽ như thế nào nơi tín hữu trước hết sẽ tùy thuộc vào khả năng trình bầy Tin Mừng của các mục tử trong cộng đoàn thông qua nhiệm vụ Lời Chúa mà các ngài đảm nhận. Đó luôn được xem như một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, như ý kiến sau đây của giáo sư hùng biện Thomas V.Liske: “Công việc của ngài (linh mục) quan trọng nhất trong mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã trao cho con người như là phương thế để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời… ” (5)

----

Chú thích:

1). linh muïc Giuse Thân Văn Tường - Tĩnh tâm các linh muïc Gp Long Xuyên 1997, bài 1, trang 6.

2). ĐGM GB. Bùi Tuần - Chủ đề “Truyền Giáo”, tĩnh tâm linh muïc TpHCM 1990, bài 5, trang 47-48.

3). Thảo Trần (TpHCM) - Tuần báo CG&DT số 1382 ngày 8-15/11/2002, mục “Tâm tình với chủ chăn”.

4). Thúy Vy (Q.Phú Nhuận, TpHCM) - Tuần báo CG&DT số 1373 ngày 6-12/9/2002, mục “Tâm tình với chủ chăn”.

5).Thomas V.Liske S.T.D - “Thành công trên tòa giảng” - ĐCV Thánh Quí - Cần Thơ 1995 - trang 7.