Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã nổi tiếng trong tập bút ký dài 650 trang "Tôi Phải Sống" được phát hành vào tháng 9/2003, mà từ buổi chiều cuối tháng 5 năm 1976 cho đến cuối năm 1988 là thời gian mà tác giả Nguyễn Hữu Lễ gọi là Chiếc Lá Giữa Dòng. Cha đã kể lại hơn 12 năm trôi nổi giữa dòng đời, từ trại tạm giam đầu tiên ở Ban Mê Thuộc đến An Ninh Nội Chính, Phan Đăng Lưu, Gia Rây, Nam Hà, Cổng Trời, Thanh Cẩm.

Ngày 2/9/2005 nhân ngày Quốc Khánh Việt Nam, tại Tân Tây Lan Cha đã gói trọn tâm tình thố lộ trong bài viết sau đây với tựa đề: Ba Mươi Năm Sài Gòn mất tên.

*****

-Thắm thoát đã 30 năm qua kể từ biến cố đổi đời trên quê hương Việt Nam. Mặc dù thời gian 30 năm chỉ là một khoảnh khắc trong chiều dài của lịch sử nước nhà, nhưng 30 năm là một thế hệ đời người vào thời gian đó cũng đủ để làm lắng đọng những cảm xúc mãnh liệt buổi ban đầu trước cuộc đổi đời trong tâm trí nhiều người Việt Nam.

Nếu nói sự thay đổi là quy luật của cuộc sống con người, thì trong chính trị quy luật này lại trở thành tất yếu. Lịch sử của Dân Tộc là một sân khấu lớn đã thay cảnh đổi màn qua dòng thời gian, cùng với sự xuất hiện, và sụp đổ của các triều đại và thể chế chính trị kế tiếp nhau. Điều này cũng xác tín định luật sau đây: “Triều đại nào rồi cũng sẽ tàn rụi, thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có Dân Tộc là trường tồn”.

Thông thường, một chế độ vừa lên nắm quyền luôn có khuynh hướng tẩy trừ di sản của chế độ cũ, nếu những gì không thể xóa bỏ được thì tìm cách biến đổi dưới hình thức này hoặc dạng thức khác. Tuy nhiên, phải hiểu rằng bất cứ một thể chế chính trị nào cũng chỉ là một dấu chấm trên trang sử ngàn đời của Dân Tộc, và Dân Tộc có những giá trị tinh thần vượt thời gian và không gian mà không một thể chế chính trị nào có quyền vi phạm.

Từ sự hiểu biết đó, đã từ lâu tôi hằng thao thức và trăn trở trước sự kiện người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trong cơn say men chiến thắng đã cưỡng bức một phần giá trị tinh thần của Dân Tộc bằng cách tước bỏ tên của Thành Phố SÀI GÒN để thay bằng tên Thành Phố Hồ Chí Minh. Tôi không có ý luận bàn ở đây về tên gọi mà người CSVN đã dùng để áp đặt lên Thành Phố SÀI GÒN. Tôi chỉ muốn bày tỏ sự khẳng định là không một thể chế chính trị nào có quyền áp đặt việc thay đổi những địa danh thân yêu đã có lâu đời trong lòng người dân, vì đó là một phần giá trị tinh thần của Dân Tộc. Tên gọi SÀI GÒN đã có lâu đời trước khi chủ nghĩa Cộng Sản xuất hiện trên quê hương, và các danh xưng HÀ NỘI, HUẾ, SÀI GÒN đã từ lâu đời trở thành ba điểm tựa vững chắc của giang sơn Việt Nam, không phụ thuộc vào bất cứ một chế độ nào. Việc một thể chế chính trị đổi tên của một thành phố đã có lâu đời trong lòng Dân Tộc bằng một tên gọi nặng tính chính trị là điều xúc phạm tới Dân Tộc; chưa nói tới tâm trạng người dân của thành phố đó, đã nghĩ gì về tên gọi mới, mà giới chính trị đã áp đặt trên thành phố thân yêu của họ.

Sự kiện SÀI GÒN bị đổi tên khiến tôi rất đau lòng khi thấy một phần giá trị tinh thần của Dân Tộc đang bị thế lực chính trị cưỡng đoạt; tâm tư thầm kín của một thành phần Dân Tộc bị những kẻ say men chiến thắng chà đạp. Có lúc tôi suy nghĩ miên man, nếu lúc này người Việt Nam không bày tỏ một thái độ nào, thì chế độ CSVN, hoặc một chế độ nào tiếp theo sau, có thể sẽ tiếp tục tước đoạt di sản của dân tộc bằng cách đổi tên Thành Phố HÀ NỘI ra Thành Phố Nguyễn Văn A, và Thành Phố HUẾ ra Thành Phố Nguyễn Thị B. Như thế còn gì là “Chiếc Nôi Dân Tộc”, còn gì là “Cố Đô Thân Yêu” trong lòng người dân?

Không bao lâu nữa sẽ tới ngày 02 tháng 6 năm 2006, đúng 30 năm ngày SÀI GÒN mất tên. Tôi bồi hồi xúc động ngồi ghi lại vài hàng tâm tư này để xoa dịu nỗi u hoài, và cũng với mục đích gởi tới toàn thể đồng bàoViệt Nam, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, đang sống trong nước hay đang ở hải ngoại, để chia sẻ nguyện vọng thiết tha của tôi. Tôi tha thiết cầu mong rằng một ngày gần đây, Dân Tộc Việt Nam sẽ lại được thấy, được nghe, được viết, được đọc và được gọi một cách chính thức hai chữ “SÀI GÒN” khi chỉ về thành phố thân yêu trong lòng Dân Tộc, một thành phố đã từng được Dân Tộc Việt Nam trân trọng và yêu qúy, mệnh danh là “ Hòn Ngọc Viễn Đông”. Hãy trả lại tên SÀI GÒN cho SÀI GÒN!

Lịch sử thế giới cận đại cũng đã cho chúng ta một bài học. Những người đứng đầu guồng máy cai trị của Liên Bang Sô Viết rộng lớn, trong cơn say men chiến thắng, cũng đã thay đổi tên một thành phố đã có lâu đời bằng tên của “lãnh tụ”của họ. Sau khi tồn tại được 70 năm, chế độ đó đã bị sụp đổ trước sức mạnh ý chí cương quyết của người dân, và sau đó, tên gọi nguyên thủy của thành phố lại được phục hồi, giá trị tinh thần của người dân đã được hoàn trả lại cho người dân. Tôi coi đây là quy luật của lịch sử và cũng là một tiền lệ cho hiện tượng SÀI GÒN bị đổi tên. Bài học này, một lần nữa, đã chứng minh thêm cho định luật: “Triều đại nào rồi cũng sẽ tàn rụi, thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có Dân Tộc là trường tồn”.

Hôm nay tôi viết lên những dòng này và ước mong nhận được sự cảm thông của những người có chung một tâm trạng. Đứng trước thời điểm 02 tháng 6 năm 2006, kỷ niệm 30 năm SÀI GÒN mất tên, ngày đó gợi lại trong tôi nỗi buồn không nguôi, và trong tâm tình đó, tôi mong được trao đổi thật rộng rãi với đồng bào trong và ngoài nước về vấn đề này. “Hãy trả lại cho Dân Tộc Việt Nam những gì thuộc về giá trị tinh thần của Dân Tộc Việt Nam.”

Xin quý vị trong giới truyền thông và các anh em, bạn bè, thân hữu khắp nơi giúp phổ biến rộng rãi những dòng tâm tư này, với sự quý hóa và lòng biết ơn sâu xa của tôi. Khi bài viết này được gởi đi, tôi rất mong được đón nhận sự hồi đáp của toàn thể đồng bàoViệt Nam thuộc mọi thành phần và mọi khuynh hướng. Tất cả những ý kiến đóng góp, cho dù những ý kiến có cái nhìn khác với quan điểm của bài viết này, cũng sẽ được đón nhận một cách chân thành và trân trọng.

Tại Thành phố Auckland, New Zealand

Ngày 02 tháng 9 năm 2005

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

P.O Box 17-516

Greenlane. Auckland

New Zealand

Tel. 64.9. 579-5458

Email: tpslenguyen@yahoo.com