SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B
(Mc 6, 1 – 6)
Chúa ngạc nhiên vì con người cứng lòng

Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc của ngôn sứ Ê-dê-kien đối với dân Chúa tuyển chọn và yêu thương (x.Ed 4,2-5), đặc biệt là cảm xúc của Chúa Giêsu đối với những người đồng hương của mình khi Chúa vào hội đường rao giảng cho họ (x. Mc 6, 1-6). Trường hợp của dân thành Cô-rin-tô đối với thánh Phaolô cũng không ngoại lệ. Nếu Chúa Giêsu “ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6, 6), thì Ê-dê-kien hay thánh Phao-lô cũng thế (x. 2Cr 12, 7-10).

Con người vẫn tiếp tục làm Chúa ngạc nhiên. Cụ thể, vì thương xót dân Chúa mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en được Chúa sai đến với dân Chúa, những người bị Thiên Chúa coi là những kẻ phản loạn, không tuân giữ Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, họ lòng chai dạ đá, mặt chẳng những cứ trơ trơ lại còn phản loạn cùng Thiên Chúa, khước từ tình thương của Ngài, khiến Ê-dê-ki-en rất ngạc nhiên.

Đến thời Chúa Giêsu chẳng phải dân xa lạ, mà chính đồng hương của Chúa cũng khước từ sứ điệp tình thương ấy. Đúng là, “Người đã đến nhà các gia nhân Người, mà các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Ga 1, 11).

Trong thời gian thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều người khi họ có lòng tin, đang khi những người khác cứng lòng. Chúa Giêsu ngạc nhiên về thái độ của người đồng hương : thấy giáo lý và các phép lạ Người làm mà họ không mềm lòng ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin, thì điều này cũng không lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương của Thiên Chúa. Trừ một số ít. Số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm thành đàn chiên nhỏ. Họ sẽ thừa tự Nước Trời vì họ tin rằng: có nhà tiên tri của Chúa ở giữa họ, mặc dù bề ngoài có nhiều điều cản trở niềm tin này.

Chúa Giêsu ngạc nhiên vì thành kiến của họ về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Thánh Phaolô cũng không nằm ngoài ơn gọi và cuộc đời sứ ngôn của Đức Chúa. Ông được chọn gọi và sai đến với dân ngoại, cụ thể với giáo dân Côrintô yêu quý của người. Phaolô cũng gặp những người gièm pha đủ điều, cốt để tín hữu Côrintô đừng tin vào giáo lý cứu độ của Phaolô nữa. Nhưng nếu bỏ niềm tin này, thì làm sao được cứu độ? Phaolô phải can thiệp ngay. Người gửi thư không phải để chữa mình hay để lấy lại uy tín, nhưng là để thi hành sứ vụ tiên tri, rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời ngôn sứ Ê-dê-kien, hay thời các tông đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Giêsu, Chúa Cả trời đất…… Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã đã nghe và đã thấy.

Quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (x. Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người … Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha.

Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất … Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.

Chúa đã đòi dân Dothái thời Ê-dê-ki-en phải tin vào Lời Chúa và vào vị tiên tri khi họ không còn quê hương, đền thờ. Người đã đòi bà con thân thuộc của Chúa Giêsu lướt thắng những cản trở bên ngoài thuộc gia thế và địa vị xã hội của nhà tiên tri thành Nagiarét để đón nhận ơn cứu độ. Hằng ngày Chúa vẫn đòi chúng ta phải có niềm tin như vậy qua mọi thử thách trần gian. Hơn nữa Chúa lại muốn chúng ta trở nên các tiên tri của Chúa để giúp anh em đồng loại nhận ra Tin Mừng cứu độ. Chúng ta hãy sẵn lòng tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho dù có bao nét bề ngoài của kế hoạch đó dường như muốn làm chúng ta nản lòng.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.