CAI SỮA VÀ CHIÊM NGẮM
“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

“Số phận của mỗi Kitô hữu được viết giữa hai ngọn núi: Golgotha, nơi cai sữa; và Taborê, nơi chiêm ngắm. Phẩm chất đời sống đức tin của mỗi người được quyết định bởi mức độ hy sinh và chiêm ngắm của họ!” - Vima Dasan.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng ‘cai sữa và chiêm ngắm’ của Vima Dasan được gặp lại qua phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Sự trưởng thành trong niềm tin vào Thiên Chúa của bất cứ ai nhất định phải trải qua hai giai đoạn không thể thiếu trên ‘hai ngọn núi’ cuộc đời của họ!

Thiên Chúa không nhặt những chiếc bình của con người để sử dụng mà trước hết không cai sữa cho họ và huấn luyện họ. Ngài đã huấn luyện từ xa cho Abraham, “Hãy rời quê hương, bà con và nhà cha ngươi để đến xứ Ta sẽ chỉ!”. Abraham phải dò dẫm, tập lắng nghe, và Thiên Chúa đã chuẩn bị ông bằng việc cai sữa khỏi mọi tình cảm và của cải. Khắc nghiệt nhất là việc ông phải hiến tế Isaac, con ruột, trên núi Môrigia - bài đọc một.

Mùa Chay, ‘mùa lên núi’, mùa bạn học biết việc ‘cai sữa’, mùa hiến tế những gì còn ràng buộc cái tôi vốn đang dính trết với những gì thuộc thế gian. Tuy nhiên, đừng lo! Thiên Chúa đã dự liệu. Núi Môrigia, nơi Abraham hiến tế con, còn có tên là núi ‘Chúa sẽ liệu’; ở đó, ông nhận biết một Thiên Chúa có trái tim thương xót. Ngài tha chết cho con ông! Nhờ đó, lòng tin của ông vào Ngài ngày càng tuyệt đối, và ông sẽ là “Cha các kẻ tin”. Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc này để nói đến cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng đã xảy ra trên một ngọn núi ‘Chúa sẽ liệu’ khác, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” - bài đọc hai.

Bạn và tôi phải đến Môrigia, hoặc Golgotha đời mình, nơi chúng ta học cách ‘cai sữa’ và hiến tế những gì yêu quý nhất, ‘những Isaac’ đời mình; đồng thời, phải đến Taborê, nơi chúng ta sẽ học cách chiêm ngắm và cầu nguyện trong Thánh Linh. Vấn đề của Kitô hữu thời hiện đại là nhiều người không còn muốn đến bất kỳ ngọn núi phát triển tâm linh nào. Và đó là lý do tại sao một số trong chúng ta chậm trưởng thành trong đời sống đức tin.

Một ngọn núi cấp thiết khác không thể thiếu trong đời sống là ngọn núi chiêm ngắm và cầu nguyện. Trên Taborê, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh của Ngài. Việc chứng kiến vinh quang thần tính nơi Thầy mình hẳn sẽ giúp họ mỗi khi bị cám dỗ nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẫn bách hoặc những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Cũng thế, bạn và tôi hãy thường xuyên sống lại những giây phút ngọt ngào Chúa ban bằng việc chiêm ngắm và cầu nguyện hầu đủ sức vượt những chướng ngại cuộc đời.

Anh Chị em,

“Người đưa các ông… tới một ngọn núi cao”. Tất cả chúng ta cần phải rời xa nhau, thường xuyên lên những ngọn núi đời mình trong một không gian thinh lặng để tìm lại chính mình và nhận biết rõ hơn tiếng nói của Chúa. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện truyền cảm hứng cho chúng ta một lần nữa để “xuống núi” và trở về thung lũng, nơi chúng ta gặp nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi sự mệt mỏi, bất công, nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần và nâng đỡ họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chẳng có cuộc lên núi nào là dễ chịu, cho con yêu mến việc ‘cai sữa và chiêm ngắm’ mà Chúa đã chuẩn bị cho con cách này cách khác!”, Amen.

(Tgp. Huế)