Tạp chí The Pillard ngày 5 tháng 11, 2023 tường trình rằng theo các nguồn tin thân cận với Phủ Quốc vụ khanh Vatican, Đức Phanxicô đã ủy quyền cho Đức Hồng Y Gianfranco Ghirlanda soạn thảo dự thảo sửa đổi diễn trình bầu chọn giáo hoàng, dựa trên cách tiếp cận đối thoại được sử dụng trong Thượng hội đồng về tính đồng nghị.
Trong một động thái có thể khiến các thành viên Hồng Y đoàn của Giáo hội đặt ra những câu hỏi, Đức Giáo Hoàng được cho là đã yêu cầu luật sư giáo luật cấp cao của mình phát triển những sửa đổi có thể có đối với Universi dominici gregis, tông hiến năm 1996 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II qui định các sự kiện xung quanh cái chết của một vị giáo hoàng và việc bầu chọn người kế vị ngài trong mật nghị.
Theo các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận, có hai cải cách quan trọng đang được xem xét trong diễn trình bầu chọn giáo hoàng. Cả hai đều liên quan đến “các phiên họp toàn thể” [general congregations] của các Hồng Y diễn ra trước diễn trình bầu chọn tân giáo hoàng.
Trong các phiên họp toàn thể mà tất cả các Hồng Y dự kiến sẽ tham dự, các kế hoạch cho diễn trình mật viện bầu cử đã được ấn định, các vấn đề hành chính được giải quyết và các Hồng Y có cơ hội phát biểu - thường giới hạn trong bảy phút - về quan điểm riêng của các ngài về các nhu cầu và vấn đề trong đời sống Giáo Hội.
Trong quá khứ, các phiên họp toàn thể được coi là cơ hội cuối cùng - và quan trọng - để các Hồng Y làm quen với nhau và đánh giá các ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử vào chức giáo hoàng.
Các nhà phân tích của Vatican đã nói trong những năm gần đây rằng các phiên họp toàn thể có thể sẽ được các Hồng Y coi là đặc biệt quan trọng trước mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo, bởi vì có rất ít mật nghị [consistories]- các cuộc họp mặt của các Hồng Y ở Rome - trong thời giáo hoàng của Đức Phanxicô.
Theo các nguồn tin cấp cao, một sự thay đổi được đề xuất sẽ hạn chế các phiên họp toàn thể cho các Hồng Y đủ điều kiện tham gia cuộc mật viện bầu cử - tức các vị dưới 80 tuổi.
Sự thay đổi có thể có khác được cho là sẽ sửa đổi hình thức của phiên họp toàn thể – hạn chế cơ hội phát biểu trước toàn thể Hồng Y đoàn, sẽ được thay thế bằng các phiên họp có phong cách tương tự như thượng hội đồng, trong đó những người tham gia ngồi ở bàn tròn 10 người hoặc giống như thế để “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, tiếp sau là báo cáo cho toàn thể phiên họp tóm tắt các cuộc thảo luận tại bàn đó.
Các nguồn tin cho biết vẫn chưa rõ các thành viên của Hồng Y đoàn sẽ phản ứng thế nào trước những thay đổi sắp tới đó.
Một mặt, các Hồng Y trước đây đã đưa ra lời phàn nàn rằng các phiên họp toàn thể có thể diễn ra quá trang trọng, có rất ít cơ hội cho sự tham gia bản thân giữa các Hồng Y – và các phiên họp đầy những bài phát biểu dài dòng, mà phần lớn phát xuất từ các Hồng Y trên 80 tuổi. Một số người, đặc biệt là những người đã tham gia thượng hội đồng về tính đồng nghị, coi “phong cách đồng nghị” như một cách để giải quyết những thách thức đó.
Mặt khác, các Hồng Y có thể bày tỏ lo ngại rằng “phương thức đồng nghị” mang lại cho những người đứng đầu bàn và các tường trình viên một vị trí có ảnh hưởng đáng kể, và có thể làm giảm bớt hiệu quả của những suy tư đặc thù từ các Hồng Y đối với toàn bộ Hồng Y đoàn. Hơn nữa, một số người có thể bày tỏ lo ngại rằng việc hạn chế sự tham gia phiên họp toàn thể đối vào các Hồng Y dưới 80 tuổi sẽ tước đi của các thành viên bỏ phiếu tầm nhìn vô giá hoặc sự khôn ngoan của các vị Hồng Y trên 80 tuồi nhiều kinh nghiệm.
Các giáo sĩ cấp cao của Rôma đã nói với The Pillar rằng cũng có tin đồn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cân nhắc ý tưởng mời giáo dân tham gia vào các phiên họp toàn thể – diễn ra trước các phiên bỏ phiếu mật nghị thực tế của các Hồng Y – nhưng The Pillar chưa thể xác nhận liệu ý tưởng này có thực sự \ được thảo luận nghiêm túc ở Vatican hay không.
—
Trong cả hai trường hợp, không rõ khi nào các bản sửa đổi dự thảo có thể được trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để ngài xem xét và phê duyệt, hoặc liệu một đội ngũ Hồng Y có được tham khảo ý kiến trong bối cảnh các cuộc thảo luận về chủ đề này hay không. Nhưng theo một luật sư giáo luật cấp cao thân cận với Vatican, các giới giáo luật ở Vatican rất biết dự án này, cũng như vai trò của Đức Hồng Y Ghirlanda.
Ghirlanda là cố vấn quan trọng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và là nhân vật chủ chốt trong việc soạn thảo Praedicate evangelium, tông hiến thiết lập cơ cấu của Giáo triều Rôma. Đức Hồng Y cũng là gương mặt của một số ý tưởng gây tranh cãi trong triều giáo hoàng Phanxicô, bao gồm cả tuyên bố năm 2022 của Đức Hồng Y rằng “quyền điều hành trong Giáo hội không đến từ bí tích Truyền Chức Thánh, mà từ sứ mạng giáo luật”.
Ý tưởng đó đã gây xôn xao vào tháng 3 năm ngoái, khi một số nhà giáo luật và thần học nói rằng nó dường như coi thường giáo huấn của Lumen gentium và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ nội tại giữa việc truyền chức bí tích và quản trị Giáo hội, cũng như sự nhấn mạnh của Công đồng Vatican II về bản chất và thẩm quyền của giám mục đoàn - với giáo hoàng là người đứng đầu - là người đứng đầu quyền lực hàng đầu trong Giáo Hội.
Universi dominici gregis được sửa đổi lần cuối bởi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, người đã thực hiện hai bộ thay đổi đối với bản văn. Sự thay đổi đầu tiên đã thu hồi một điều khoản cho phép một cuộc bầu cử được quyết định theo đa số đơn giản, thay vì 2/3, nếu mật nghị thực sự trở nên bế tắc. Nhóm thay đổi thứ hai cho phép mật nghị bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn 15 ngày sau khi giáo hoàng qua đời theo văn bản ban đầu quy định, và tuyên bố vạ tuyệt thông tiền kết cho các Hồng Y vi phạm bí mật của mật nghị bầu Giáo Hoàng.