Elise Ann Allen của Crux, ngày 2 tháng 11 năm 2023, tường trình rằng trong một cuộc phỏng vấn mới về nhiều vấn đề, Đức Phan-xicô đã xác nhận sẽ đến Dubai để dự hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 12, đề cập tới các cuộc xung đột hoàn cầu hiện nay và nhận định một số vấn đề nóng bỏng được đề cập trong Thượng Hội đồng Giám mục tháng trước về Tính đồng nghị, bao gồm cả việc truyền chức cho phụ nữ và luật độc thân linh mục.



Nói chuyện với nhà báo người Ý Gian Marco Chiocci, giám đốc kênh truyền hình TG1 của Ý, khi được hỏi liệu ngài có tới Dubai để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 sắp tới của Liên hiệp quốc hay không, Đức Phanxicô đã nói: “Có, tôi sẽ đi”.

Đức Giáo Hoàng cho biết những ngày dự kiến, vẫn chưa được Vatican xác nhận, là từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12.

Trước đây, Đức Phanxicô đã lên kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng 11 năm 2021 ở Glasgow, và đã thông báo ý định đến thăm trong một cuộc phỏng vấn trước phiên họp, nhưng đã rút lui khỏi chuyến đi, với lý do phức tạp về mặt hậu cần do khung thời gian quá ngắn.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số báo cáo cho rằng lý do thực sự khiến Đức Giáo Hoàng rút lui là vì sợ rằng hội nghị thượng đỉnh Glasgow sẽ kết thúc mà không có nhiều tiến triển, có tiềm năng để lại ấn tượng cho rằng Đức Phanxicô đã góp thế giá tinh thần của ngài vào một cuộc thất bại.

Trong cuộc phỏng vấn ngài, Đức Giáo Hoàng nhắc lại việc ngài đã công bố thông điệp sinh thái Laudato Si ngay trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP21 ở Paris vào năm 2015, ngài nói rằng theo quan điểm của ngài, “Cuộc gặp gỡ ở Paris là cuộc gặp gỡ tuyệt vời nhất. Sau Paris mọi người đều thụt lùi và cần phải có can đảm để tiến về phía trước trong cuộc gặp gỡ lần này.”

Lưu ý rằng có một số hòn đảo ở Thái Bình Dương có thể biến mất trong 20 năm nữa do mực nước biển dâng cao, ngài nói: “Tương lai của chúng ta đang bị đe dọa. Tương lai của con cháu chúng ta. Phải lãnh một số trách nhiệm.”

Đức Phanxicô cũng nói về Thượng hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, kỳ họp đầu tiên trong số hai kỳ họp tại Rôma sẽ lên đến tuyệt đỉnh cho một diễn trình tham vấn hoàn cầu bắt đầu vào tháng 10 năm 2021 với cuộc thảo luận cuối cùng ở Rôma vào tháng 10 năm sau.

Bất chấp các cuộc bút chiến về một số chủ đề thảo luận như phong chức linh mục cho phụ nữ, chức phó tế cho phụ nữ và các vấn đề LGBTQ+, với những đối thủ của Đức Thánh Cha gọi Thượng Hội đồng là “ly giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thượng hội đồng rất “tích cực”.

“Chúng tôi đã nói về mọi điều một cách hoàn toàn tự do. Đây là một điều tuyệt vời và có thể tạo ra một tài liệu cuối cùng, tài liệu này sẽ được nghiên cứu trong phần thứ hai này tại kỳ họp tiếp theo vào tháng 10,” ngài nói thế, bày tỏ niềm tin của ngài rằng “chúng ta đã đi đến chính việc thực thi tính đồng nghị mà Thánh Phaolô VI đã muốn” vào cuối Công đồng Vatican II.

Về chủ đề độc thân linh mục, Đức Giáo Hoàng nói rằng đó là “một luật thực định, chứ không phải luật tự nhiên: Các linh mục trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương có thể kết hôn và thay vào đó ở phương Tây có một kỷ luật, tôi tin là từ thế kỷ 12, bắt đầu bằng luật độc thân”.

“Đó là một luật có thể bãi bỏ được, không thành vấn đề,” ngài nói thế, nhưng thêm rằng “tôi không nghĩ điều đó hữu ích, bởi vì vấn đề ở chỗ khác,”...

Về việc tiếp cận cộng đồng LGBTQ+, mặc dù là một chủ đề thảo luận quan trọng trong Thượng Hội đồng nhưng phần lớn đã bị bỏ qua trong tài liệu tổng hợp lúc bế mạc của Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô nhắc lại sự nhấn mạnh của ngài rằng “tất cả mọi người, mọi người, mọi người” đều được chào đón trong Giáo hội bởi vì “họ là con người.”

“Giáo hội tiếp đón mọi người, mọi người và không hỏi bạn là người như thế nào. Rồi, bên trong mỗi người lớn lên và trưởng thành trong sự thống thuộc Kitô giáo của mình”, ngài nói thế, đồng thời lưu ý rằng “nói về các vấn đề LGBTQ+ thì hơi thời thượng”, nhưng Giáo hội luôn “tiếp đón mọi người”.

Theo ngài, các tổ chức thì khác: “Nguyên tắc là thế này: Giáo hội tiếp nhận tất cả những người có thể được rửa tội. Các tổ chức không thể được rửa tội. Người ta thì có.”

Về chủ đề phụ nữ, Đức Phanxicô lưu ý rằng hiện nay có nhiều phụ nữ làm việc bên trong Vatican hơn và đề cập đến một số bổ nhiệm cấp cao mà ngài đã thực hiện, bổ nhiệm phụ nữ làm tổng thư ký của các cơ quan và cho phép phụ nữ tham gia vào một ủy ban có trọng trách về vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Ngài nói, “Phụ nữ hiểu những điều mà chúng ta không hiểu, phụ nữ có bản năng đặc biệt trước mọi tình huống và điều đó là cần thiết. Tôi tin rằng họ nên được đưa vào công việc bình thường của Giáo hội”.

Theo ngài, việc truyền chức linh mục cho phụ nữ là một chủ đề khác và nói rằng đó là “vấn đề thần học, không phải vấn đề hành chánh.

Ở Vatican, phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì, “thậm chí bạn có thể có một nữ thống đốc, không thành vấn đề. Nhưng theo quan điểm thần học, mục vụ, đây là những điều khác”, ngài nói thế, có ý nói đến nguyên tắc Phêrô của Giáo hội, mà theo ngài bao gồm quyền tài phán, và nguyên tắc Thánh Mẫu, mà theo ngài “là nguyên tắc quan trọng nhất vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là cô dâu, Giáo hội không phải là nam giới, Giáo hội là phụ nữ”.

“Thần học cần hiểu điều này và sức mạnh của Giáo hội nữ và phụ nữ trong Giáo hội mạnh mẽ và quan trọng hơn sức mạnh của các mục tử nam. Đức Maria quan trọng hơn Thánh Phêrô, bởi vì Giáo hội là nữ”, ngài nói thế, đồng thời cảnh cáo rằng “nếu chúng ta muốn giản lược điều này thành chủ nghĩa chức năng, chúng ta sẽ thua”.

Đức Phanxicô cũng nói về cuộc khủng hoảng lạm dụng. Chỉ ra những nỗ lực của người tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô cho biết “rất nhiều công việc dọn dẹp đã được thực hiện” dưới sự giám sát của Đức Bênêđíctô, và rằng “Tất cả đều là những trường hợp lạm dụng và một số người trong giáo triều cũng đã bị sa thải. Đức Giáo Hoàng Ratzinger đã can đảm trong việc này. Ngài đã tự mình giải quyết vấn đề đó và thực hiện nhiều bước rồi giao lại để hoàn tất”.

Ngài nói, công việc vẫn tiếp tục, đồng thời cho biết bất cứ hành vi lạm dụng nào, dù là lạm dụng tình dục hay lạm dụng quyền lực và lương tâm, “không nên được dung thứ”.

“Điều đó trái ngược với Tin Mừng, Tin Mừng là phục vụ chứ không phải lạm dụng và chúng tôi thấy hàng giám mục đã làm rất tốt việc nghiên cứu vấn đề lạm dụng tình dục cũng như những lạm dụng khác”, ngài nói thế và lưu ý rằng hầu hết các vụ lạm dụng đều xảy ra trong gia đình, và ngay cả ở đó, cũng có xu hướng che đậy.

Đức Phanxicô đã không bàn tới phản ứng dữ dội của công chúng về việc xử lý vụ án cấp cao nhất hiện nay của Giáo hội, vụ án của Cha Marko Ivan Rupnik, người Slovenia, người đã bị buộc tội lạm dụng ít nhất 25 phụ nữ trưởng thành và hiện có thể phải đối mặt với một phiên tòa giáo luật, sau khi Đức Giáo Hoàng dỡ bỏ thời hiệu đối với tội ác của ngài, một năm sau khi các cáo buộc ra công khai.

Ngài cũng nói về các cuộc xung đột toàn cầu hiện nay, bao gồm cuộc chiến ở Gaza và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhắc lại khẳng định của ngài rằng “Mọi cuộc chiến đều là một thất bại. Không có gì được giải quyết bằng chiến tranh. Không có gì. Mọi thứ đều đạt được nhờ hòa bình và đối thoại.”

Lưu ý rằng cuộc chiến ở Gaza bắt đầu bằng cuộc tấn công của các chiến binh Hamas bắt giữ con tin và giết hại dân thường, và tiếp tục bằng các cuộc tấn công trả đũa từ Israel, Đức Phanxicô lưu ý rằng “Trong chiến tranh, cái tát này sẽ khiêu khích cái tát khác. Người này mạnh và người kia thậm chí còn mạnh hơn, và vì vậy chúng ta nên tiến về phía trước.”

Ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine, nói rằng họ là “hai dân tộc phải chung sống với nhau. Với giải pháp khôn ngoan đó: hai dân tộc, hai quốc gia. Thỏa thuận Oslo: hai quốc gia rất hạn chế và Giêrusalem có tư thế đặc biệt.”

Về Ukraine và việc họ từ chối chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình không phù hợp với kế hoạch của chính họ, Đức Phanxicô nói, “ngày nay chúng ta không được phán xét họ.

“Người dân Ukraine là những người tử vì đạo, họ đã bị đàn áp rất mạnh mẽ dưới thời Stalin. Họ là dân tộc tử đạo… họ đã từng là một dân tộc đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ và bây giờ bất cứ điều gì cũng khiến họ sống lại điều đó. Tôi hiểu họ,” ngài nói thế, nhưng nhấn mạnh vào nhu cầu hòa bình: “Dừng lại! Hãy dừng lại một chút và tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, các thỏa thuận là giải pháp thực sự cho vấn đề này. Cho cả hai."

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết thời điểm khó khăn nhất của ngài trên cương vị giáo hoàng là khi chiến tranh bùng nổ ở Syr-ia và quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện lớn, bởi vì ngài không biết phải làm gì và không muốn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngài thừa nhận rằng ngài cũng lo sợ về cuộc chiến hiện tại ở Thánh địa và tình hình sẽ kết thúc như thế nào, nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng vấn đề sẽ “được giải quyết trước mặt Chúa”.

Về triều giáo hoàng của chính ngài và các tri nhận cho rằng ngài có một nghị trình thiên tả, Đức Phanxicô đã bác bỏ các phân loại chính trị cổ điển về “cánh hữu hay cánh tả”, khi nói rằng, “Chúng là những [nhãn hiệu] không có thật.”

Đối với các Kitô hữu, “[các câu hỏi] thực sự là: Nó có nhất quán không, nó có không nhất quán không? Những điều được đề xuất có phù hợp với nguồn gốc hay chúng là những điều lạ lẫm?

Ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là “một nhà đổi mới” nhưng bị buộc tội đủ thứ, “Và không có gì là cánh tả hay cộng sản ở nơi ngài…cánh hữu, cánh tả, thật không dễ để hiểu ý nghĩa của nó.”

Về sức khỏe của ngài và tương lai của Giáo hội, Đức Phanxicô cho biết ngài vẫn còn vấn đề với đầu gối trái, nhưng có thể đi lại, và sau cuộc phẫu thuật thoát vị bụng vào mùa hè này, “Bây giờ tôi ổn, tôi có thể ăn bất cứ thứ gì.”

Về tương lai của Giáo hội, ngài nói: “Chúa biết nhưng luôn có nỗi tiếc nuối quá khứ”.

Ngài nói, “Đó là một điều hiện diện trong các định chế và cả trong Giáo hội nữa. Có những người muốn thụt lùi, họ là những người 'nhìn về phía sau', không chấp nhận rằng Giáo hội đang tiến về phía trước, rằng Giáo hội đang trên đường đi, bởi vì Giáo hội luôn chuyển động, Giáo hội phải phát triển”.

Dùng hình ảnh cái cây, ngài nói rằng Giáo hội phải phát triển từ cội rễ của mình, và “Một Giáo hội tách rời khỏi cội rễ sẽ thụt lùi và đánh mất chất nước cốt của truyền thống lành mạnh, vốn không phải là chủ nghĩa bảo thủ, không. Truyền thống ngày càng phát triển. Và nó phải tiến về phía trước.”

Đức Phanxicô cũng nói về vấn đề di cư và cho biết Cầu thủ bóng đá ưu ái của ngài là Pelé, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Ba Tây được nhiều người coi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời, và đã qua đời vào tháng 12 năm ngoái ở tuổi 82.