Dù qui định của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị không cho phép đăng tải các phát biểu của các tham dự viên trong các cuộc thảo luận tại bàn của họ, nhưng thỉnh thoảng, người ta vẫn được nghe đây đó một vài nhận định về các đề tại được thảo luận tại Phòng Yết kiến Phaolô VI.



Thượng Hội Đồng không bị lèo lái bởi “nghị trình riêng” của Đức Phanxicô

Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 17 tháng 10, Oct 17, 2023, tường trình rằng linh mục Vimal Tirimanna, một nhà thần học luân lý, người Sri Lanka, và là cố vấn của Thượng Hội Đồng, hiện dạy tại Sri Lanka và Rôma, quả quyết “Thượng Hội Đồng này không phải là một nghị trình riêng tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nó là sự tiếp nối của Công Đồng Vatican II”.

Cha cho biết “Dĩ nhiên, Giáo Hội có quá nhiều điều khác phải đương đầu trong 5 thập niên qua hay gần như thế, nhưng nay, nền thần học Vatican II, chứ không hẳn Giáo Hội học của Vatican II đang được duyệt lại”. Ngài nói thoạt đầu, ngài hoài nghi diễn trình Thượng Hội Đồng sẽ có nhiều lý thuyết và không đủ thực hành, nhưng “tôi phải nói càng ngày tôi càng lạc quan hơn”. Vì lẽ Thượng Hội Đồng chứng tỏ đây là “một Giáo Hội đồng tâm [concentric] chứ không kim tự tháp, mặc dù kim tự tháp không xấu, chúng ta cần nó”.

Nữ tu Patricia Murray, tổng thư ký Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Tổng Quyền các Dòng Nữ đặc biệt đánh giá cao việc nhấn mạnh đến việc “lắng nghe những người cảm thấy bị loại trừ và đứng bên lề sự sống” và tạo thêm không gian để đồng hành với họ.

Bà thừa nhận có “những ý kiến rất khác nhau” đã được phát biểu và một vài căng thẳng, cho rằng “chúng tôi cho phép chúng đi vào và nuôi dưỡng chúng tôi và lắng nghe những gì Thiên Chúa nói qua những tiếng nói đa dạng và các khác biệt về ý kiến này”.

Bà nói, “chúng tôi duy trì tính hiệp nhất trong tính đa dạng của chúng tôi” và cho rằng thảo luận không phải chỉ nói và phản ứng, mà còn phải lắng nghe chân chính và “khi lắng nghe những tiếng nói khác nhau này, bạn cảm thấy chủ trương của bạn mở rộng thêm, rộng rãi hơn, sâu sắc hơn” nhờ các nền văn hóa khác nhau và nhờ “chính các ý kiến khác nhau, các Giáo Hội học khác nhau” được phát biểu.

Bà nói thêm, “với tôi, kể ra các căng thẳng, kể ra các lãnh vực trong đó vẫn còn nhiều việc hơn nữa để làm, là điều quan trọng trong diễn trình này, và đó là lý do tại sao tôi nói, thời gian là một hồng phúc và chúng ta phải sử dụng thời gian…giữa hai phiên họp của Thượng Hội Đồng để cầu nguyện, suy gẫm và biện phân thêm”.

Thượng Hội Đồng “không thể lấy hàng trang sách ra khỏi Kinh Thánh”

Walter Sanchez Silva của ACI Prensa, một đối tác tiếng Tây Ban Nha của CNA, cho hay trả lời câu hỏi liệu Thượng Hội Đồng có chấp thuận việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính và truyền chức cho phụ nữ hay không, Đức Tổng Giám Mục José Miguel Gómez Rodríguez của Manizales, Colombia, một tham dự viên Thượng Hội Đồng lần này trả lời “Không, nhưng Giáo Hội đã biết câu trả lời rồi”.

Ngài có ý nhắc đến câu trả lời cho các “dubia” của một số Hồng Y trước khi Thượng Hội Đồng lần này khai mạc. Khi nói Thượng Hội Đồng “không thể lấy hàng trang sách khỏi Kinh Thánh”, ngài có ý nói “Thượng Hội Đồng không có loại thẩm quyền đó, mà Đức Giáo Hoàng cũng không có ý muốn xa xôi nào đối với việc này”.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng phần lớn các ý kiến khác nhau phát biểu tại Thượng Hội Đồng “có nguồn gốc của chúng trong ý muốn thấy Giáo Hội thức tỉnh hơn một chút, muốn thấy người Công Giáo không chỉ khám phá vẻ đẹp của Tin Mừng, mà cả vẻ đẹp của việc tham dự vào Giáo Hội”.

Ngài nói tiếp, đó là lý do tại sao “ba khối lớn các câu hỏi được gọi là hiệp thông, tham gia và sứ mệnh, nhưng cũng có các câu hỏi khác mà, nói một cách trung thực, với tôi xem ra, Đức Giáo Hoàng muốn chúng ta đặt trước mắt chúng ta” thế thôi.

Đức Tổng Giám Mục rất vui nhận ra tính phổ quát của Giáo Hội qua thành phần tham dự Thượng Hội Đồng lần này và ngài nhìn nhận tác dụng của Chúa Thánh Thần: “Một cách không ngờ, có sự thoả thuận về những điều mà chính chúng tôi không thể thoả thuận với nhau ở nước gốc của chúng tôi, xét vì chúng tôi thậm chí không biết nhau. Và chúng tôi có được sự thoả thuận rất lớn lao về việc nhấn mạnh, phải nhấn mạnh điều gì, các gợi ý”.

Quá nhấn mạnh đến nữ linh mục

Hannah Brockhaus của CNA, ngày 17 tháng 10, 2023, tường trình rằng Renée Köhler-Ryan, một trong 54 phụ nữ đại biểu của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho rằng “Điều xẩy ra khi chúng ta quá nhấn mạnh vào vấn đề nữ linh mục là chúng ta quên khuấy về điều các phụ nữ, phần lớn các phụ nữ, khắp thế giới thực sự cần”.

Renée vốn là thần học gia, một người vợ và một bà mẹ. Bà nói, “Là một phụ nữ, tôi không hề tập chú vào sự kiện tôi không phải là một linh mục. Tôi nghĩ quá nhiều nhấn mạnh đã được đặt lên vấn đề này”.

Renée là trưởng khoa Triết học và Thần học của Đại Học Notre Dame ở Sydney. Bà từng tham dự Công đồng Toàn thể của Úc và đang viết một cuốn sách về Thánh Edith Stein Các Tiểu luận về Phụ nữ.

Köhler-Ryan nói rằng “một số người rất tập chú vào ý tưởng này là chỉ khi nào phụ nữ được thụ phong họ mới có bất cứ loại bình đẳng nào’ nhưng bình đẳng đâu phải là chuyện một như một trong Giáo Hội. Bà cho rằng chính Thượng Hội Đồng tập chú vào ý niệm hiệp nhất trong đa dạng. “Vậy thì, một phần của tính đa dạng ấy là có các thực tại làm mẹ và làm cha, cả hai vừa tâm linh vừa sinh học và điều thực sự quan trọng phải hiểu là điều gì đang diễn ra khắp Giáo Hội.

Bà cho rằng vấn đề phong chức cho phụ nữ làm Giáo Hội phân tâm khỏi điều phải làm gì giúp các phụ nữ trong những cách khác, như cung ứng sự nâng đỡ nhiều hơn cho các gia đình và các bà mẹ đi làm.

Đến lượt Châu Đại Dương và Châu Phi lên tiếng

Hannah Brockhaus của CNA, ngày 12 tháng 10, tường trình rằng Grace Wrakia, một đại biểu Papua New Guinea và quần đảo Solomon tham dự Thượng Hội Đồng lần này rất vui được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời hai quốc gia này tham dự dù rất nhỏ nhoi. Cô nói trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 10: “trong nhiều năm, chúng tôi đã lắng nghe và nay chúng tôi muốn nói. Và chúng tôi muốn các bạn lắng nghe”.

Đức Tổng Giám Mục Andrew Nkea Fuanya của Bamenda, Cameroon, cũng nói trong cuộc họp báo ngày 12 tháng 10, Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị là “dịp may cho tiếng nói của Châu Phi được lắng nghe”. Ngài nói thêm, “Thượng Hội Đồng này là một an ủi lớn lao cho Châu Phi vì với những vấn đề chúng tôi có ở Châu Phi đôi khi chúng tôi cảm thấy bị cô lập và bỏ rơi. Châu Phi có những điểm chuyên biệt và đặc thù của nó và khi chúng ta đến với nhau như Giáo Hội phổ quát trong hành trình đồng nghị, thì đây là một cơ hội cho tiếng nói của Châu phi được nghe thấy”.

Tại phiên họp tháng 10 năm 2023, các tham dự viên Châu Phi được phát biểu “tự do và vui vẻ. Và tôi nghĩ điều này là cơ hội tuyệt diệu cho Châu Phi ghi dấu ấn của mình trong Thượng Hội Đồng”.

Cả hai tham dự viên đều cho rằng đồng nghị “là điều chúng tôi vẫn làm” trong gia đình và các nền văn hóa lấy cộng đồng làm trung tâm. Wrakia cho hay: trong nền linh đạo Melanésie, các mối liên hệ rất quan trọng, và chúng được xây dựng quanh việc chia sẻ các ý nghĩ chung. Trước khi làng ra quyết định, mọi người, kể cả phụ nữ, đều được lên tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Fuanya cũng cho hay: “tính đồng nghị tạo nên một phần nền văn hóa Châu Phi vì chúng tôi luôn làm sự việc với nhau như một gia đình và khi chúng tôi làm sự việc với nhau như một gia đình, chúng tôi luôn hỏi ý kiến mọi người trong gia đình.

Bất chấp chia rẽ sâu nặng, các Giám Mục Đức vẫn tìm được tình huynh đệ tại Thượng Hội Đồng

Jonathan Lieddl của National Catholic Register ngày 10 tháng 10 tường trình rằng Đức Cha Stefan Oster nói với ông: “điều hiệp nhất chúng tôi trong đức tin, chẳng hạn, Bí tích Thánh Thể, quan trọng hơn điều chia rẽ chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi lại không nên có những cuộc đàm đạo tốt lành với nhau?”

Thực thế, Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, vốn là một trong những người tranh đấu hung hăng nhất của Con đường Đồng nghị, trong khi Đức Cha Stefan Oster của Passau, một trong 4 Giám Mục ngăn chặn việc cấp ngân khoản cho giai đoạn kế tiếp của diễn trình, vốn là một trong những người chỉ trích Con đường này nhiều hơn cả. Nhưng tại lúc nghỉ ăn trưa vào ngày đầy đủ đầu tiên của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, người ta thấy hai vị có một cuộc đàm đạo rất tốt và cười đùa với nhau khi rời phòng yết kiến Phaolô VI.

Vào đầu tuần đó, Đức Cha Oster còn chụp hình chung với một Giám Mục khác thuộc phe đối lập của Con đường Đồng nghị, Đức Cha Franz Josef Overbeck của Essen. Các Giám Mục Đức còn tình cờ thuộc chung một nhóm nhỏ trong buổi tĩnh tâm khai mạc Thượng Hội Đồng, bằng chứng cho thấy “Thiên Chúa có óc hài hước”, Đức Cha Oster viết thế.

Bất chấp “các quan điểm khá trái ngược nhau về thậm chí cả ý nghĩa của chữ đồng nghị, và đâu là các giải pháp khả hữu để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội chúng tôi’, Đức Cha Oster nói rằng cả hai có cơ hội ‘phát biểu các dị biệt này một cách đồng nghị và đầy hy vọng vào việc đánh giá cao lẫn nhau”.

Không những chỉ gặp nhau trong các diễn biến của Thượng Hội Đồng, nhiều Giám Mục Đức, trong đó có Đức Cha Felix Genn của Münster, còn ngụ chung một nhà ở Rôma. Cùng ngụ tại nhà Thượng Hội Đồng của Đức còn có Thomas Söding, phó chủ tịch của Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức và là một chuyên viên của Thượng Hội Đồng, cũng như Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức. Các Giám Mục cũng cử hành thánh lễ và ăn cơm chung với nhau.

Nói với người đang sống trong tội “mọi sự đều ổn cả” là đặt họ vào mối nguy hiểm tâm linh lớn lao

Courtney Mares của National Catholic Register ngày 18 tháng 10 thuật lại câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs của Riga, Latvia, trong cuộc họp báo tại Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho câu hỏi ngài nghĩ gì về việc chúc lành cho các cặp đồng tính: Nói với người đang sống trong tội “mọi sự đều ổn cả” là đặt họ vào mối nguy hiểm tâm linh lớn lao.

Theo ngài, chúng ta phải yêu thương và kính trọng những người bị lôi cuốn bởi người đồng giới tính, “nhưng tình yêu đích thực không thể tách biệt khỏi sự thật vì nếu tình yêu tách biệt khỏi sự thật, nó không còn là tình yêu nữa”.

Ngài nhắc lại nguyên tắc: nếu một người đồng tính đến trong tư cách cá nhân xin chúc lành, không có lý do gì ngài từ chối. Và nếu hai người đồng tính đến và nói: “bọn con muốn sống khiết tịnh… mặc dù bị cám dỗ”, ngài sẽ chúc lành cho họ để giúp họ sống khiết tịnh.

Nhưng nếu hai người họ đến và nói, “chúng con sống như vợ chồng và muốn được chúc lành", thì đây là vấn đề lớn vì như thế là chúc lành cho tội lỗi.

Cũng trong cuộc họp báo này, Đức Hồng Y Leonardo Steiner, Tổng Giám Mục Manaus, Batây, người vốn ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính, cho hay vấn đề chúc lành được phiên họp hiện nay bàn tới, nhưng theo ngài nó chỉ tiến tới chỗ ấy thôi, không có ý hướng đạt tới quyết định hay kết luận. Việc này dành cho phiên họp năm tới.