1. Ukraine tạo ra 'Lịch sử hải quân' bằng việc chiếm lại giàn khoan dầu ở Hắc Hải

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Creates 'Naval History' by Retaking Black Sea Oil Rigs: Expert”, nghĩa là “Chuyên gia cho rằng Ukraine tạo ra 'Lịch sử hải quân' bằng việc chiếm lại giàn khoan dầu ở Hắc Hải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Kyiv cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan dầu và khí đốt quan trọng chiến lược ở Hắc Hải đã bị Nga chiếm giữ.

Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết các đơn vị GUR đã giành lại quyền kiểm soát các Tháp Boyko, nằm giữa Crimea và Odesa ở phía tây bắc Hắc Hải.

Một chuyên gia hàng hải nói với Newsweek rằng động thái này là một “sự kiện lớn” có thể chấm dứt khả năng hoạt động của Hải quân Nga ở khu vực Hắc Hải.

GUR hôm thứ Hai cho biết đã xảy ra một cuộc giao tranh giữa lực lượng đặc nhiệm Ukraine trên thuyền và một chiến đấu cơ Sukhoi-30 của Nga, khiến máy bay này buộc phải rút lui.

Ukraine cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát các giàn khoan “Petro Godovalets” và “Ukraine”, cũng như các giàn khoan di động “Tavrida” và “Sivash”, đã bị chính quyền thân Nga ở Crimea tịch thu sau khi sáp nhập Mạc Tư Khoa vào năm 2014.

Tình báo quân đội Ukraine đã đăng một đoạn video dài 13 phút về hoạt động trên Telegram, trong đó có vẻ như cho thấy các binh sĩ Ukraine tiếp cận bằng thuyền và sau đó lên dàn khoan. Ngoài ra, còn có hỏa tiễn máy bay không điều khiển của Nga và trạm radar “Neva”, có thể theo dõi chuyển động của tàu, cũng bị quân Ukraine tịch thu.

Video mô tả việc giành lại quyền kiểm soát cho thấy các dàn khoan “có tầm quan trọng chiến lược như thế nào”. Họ nói thêm rằng kết quả là “Nga đã bị tước đi khả năng kiểm soát hoàn toàn vùng biển của Hắc Hải” khiến mục tiêu giành lại Crimea của Kyiv “gần hơn nhiều bước”.

Đoạn video chưa được xác minh độc lập và Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận về tuyên bố của Ukraine.

Yörük Işık, từ công ty tư vấn hàng hải Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho biết đây là một lợi ích đáng kể đối với Ukraine. Yörük Işık nói với Newsweek: “Đây là sự kết thúc của mọi khả năng hoạt động của Hải quân Nga ở vùng Tây Bắc Hắc Hải”. “Đây là một sự kiện lớn.”

“Ukraine đang tiếp tục tạo nên lịch sử hải quân với tư cách là một quốc gia gần như không có hải quân, bằng cách giành được lợi thế trước một lực lượng hải quân lâu đời từ thời Chiến tranh Lạnh với những tàu rất lớn.”

Işık cho biết, với việc Ukraine sử dụng hỏa tiễn trên đất liền và việc sử dụng máy bay không người lái trên biển để thực hiện các cuộc tấn công rầm rộ ở Hắc Hải trong những tuần gần đây, “Nga không có cơ hội nào có thể lấy lại được những thứ này - chúng tôi đang thấy từng bước, Ukraine đang dọn sạch chúng khỏi Hắc Hải để mở cửa cho thương mại hàng hải.”

Ông nói thêm: “Đây là một thời điểm rất quan trọng khác vì nó sẽ cho phép Ukraine tiếp tục xuất nhập khẩu chứ không chỉ xuất khẩu ngũ cốc đã bị hạn chế sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 để cho phép họ đi qua Hắc Hải một cách an toàn”

Ông nói: “Các cảng của Ukraine có thể mở cửa và giao thông quốc tế có thể tự do quay trở lại từ các cảng Hắc Hải của Ukraine, điều này khiến bất kỳ nhượng bộ nào nữa đối với người Nga để quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc càng trở nên vô nghĩa hơn”.

Nằm ở phía tây bắc Hắc Hải, các giàn khoan này cung cấp khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon. Giống như Đảo Rắn ở phía tây mà Ukraine tái chiếm được vào năm ngoái, các dàn khoan này cũng có thể đóng vai trò là căn cứ tiên tiến để triển khai lực lượng, sân đáp trực thăng và bố trí các hệ thống hỏa tiễn tầm xa.

Chúng được mệnh danh là các Tháp Boyko sau vai trò của cựu Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, Yury Boyko, trong việc mua giàn khoan vào năm 2011 dưới thời Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych trong một thỏa thuận vấp phải cáo buộc gian lận, là điều mà Boyko phủ nhận.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết vào tháng 8 đã có những cuộc giao tranh xung quanh các giàn khoan dầu và khí đốt quan trọng chiến lược do công ty Chernomorneftegaz vận hành.

Họ nói rằng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, “Ukraine đã tấn công một số dàn khoan do Nga kiểm soát” và cả hai bên “cũng định kỳ đưa quân đội tấn công chúng”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nhiều lần tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy các tàu cao tốc của Ukraine chở quân đội đang tìm cách đổ bộ vào địa điểm này. Tất cả các tuyên bố trên đều bị Ukraine bác bỏ là giả mạo.

2. Liên tỉnh lộ T0513 đầy xác xe Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 12 tháng 9, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các cuộc tảo thanh tại thị trấn Opytne mới vừa được giải phóng vẫn còn đang tiếp tục. Quân Nga được tin là đang tử thủ trong nghĩa trang Mariupol'ske. Quân Ukraine không muốn thả bom chùm phạm đến mồ mả nên tình hình vẫn còn đang giằng co.

Dọc theo liên tỉnh lộ T0513, người ta có thể thấy đầy xác xe Nga và các khí tài chiến tranh khác, đặc biệt là các cỗ trọng pháo, bị bỏ lại trên đường rút lui hay đã tan nát vì trúng phải bom chùm của quân Ukraine.

Trong 24 giờ qua, 550 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 33 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 43 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng 9, khoảng 269.760 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.568 xe tăng, 4.645 máy bay không người lái, 8.778 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.872 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 764 hỏa tiễn phóng hàng loạt hệ thống, 8.413 xe chuyển quân và nhiên liệu, 515 hệ thống tác chiến phòng không, 881 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Những vũ khí mồi nhử Ukraine muốn Nga phá hủy

Pháo D-20 của Ukraine, pháo tự hành M777 do Mỹ sản xuất, súng cối, radar phòng không - đây là một số vũ khí mồi nhử được tạo ra với một mục tiêu duy nhất: tiêu diệt càng nhanh càng tốt.

Metinvest, công ty sản xuất thép đứng sau các thứ này tự hào rằng những vũ khí mồi nhử này đã thành công đáng kể khi hàng trăm vũ khí đã bị lực lượng Nga nhắm tới gần như ngay khi chúng được triển khai.

Công ty này đã sao chép vũ khí được triển khai và vận hành ở Ukraine, với hàng loạt bản sao gây ấn tượng của công nghệ giết người mới nhất của Mỹ và Âu Châu nằm ở rìa của một khu công nghiệp rộng lớn ở miền trung Ukraine.

Theo một đại diện của công ty yêu cầu giấu tên, trước chiến tranh, công ty này là tập đoàn luyện kim lớn nhất Ukraine nhưng không liên quan đến sản xuất vũ khí. Trên thực tế, nó vẫn không như vậy, vì bước đột phá duy nhất của nó vào thế giới vũ khí là những mồi nhử này, cực kỳ chân thực giống như thiệt nhưng các trọng pháo của họ không bắn ra được một viên đạn nào, còn các hệ thống tác chiến điện tử của họ thì có các radar chẳng bắt được một tín hiệu nào.

Bắt Nga phải trả toàn bộ giá trị của chiến tranh: Phát ngôn nhân cho biết, mục đích gồm hai phần - để cứu mạng người Ukraine và lừa người Nga phung phí máy bay không người lái cảm tử, đạn pháo và hỏa tiễn rất đắt tiền của họ.

Ý tưởng là, từ trên trời, mồi nhử trông có vẻ xứng đáng để tấn công mà thực ra nó chỉ là đồ vàng mả. Và điều đó có nghĩa là phải đạt được sự cân bằng trong việc lựa chọn vật liệu, bổ sung cho ván ép rẻ tiền – là loại không tỏa ra tín hiệu nhiệt phù hợp để đánh lừa các radar và máy bay không người lái tìm kiếm nhiệt của Nga – bằng đủ số lượng kim loại để người Nga có thể bị đánh lừa.

Phát ngôn nhân của Metinvest giải thích: “Chiến tranh rất tốn kém và chúng tôi cần người Nga chi tiền sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn để tiêu diệt mồi nhử của chúng tôi”.

“Máy bay không người lái và hỏa tiễn rất đắt tiền. Các mô hình của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều.”

Lấy ví dụ như lựu pháo M777 155ly. Đồ thật có giá vài triệu đô la. Phiên bản của Metinvest có giá sản xuất dưới 1.000 Mỹ Kim và không có gì phức tạp hơn những ống cống cũ. Nhưng – và đây mới là vấn đề – lực lượng Nga phải trả giá cho việc tiêu diệt bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thật sự.

Cũng có các trường hợp các Sukhoi mấy chục triệu Mỹ Kim của Putin lao xuống nhưng trước khi chúng có thể hạ gục các vũ khí giả mạo này của Ukraine, các binh sĩ Ukraine núp gần đó đã đứng phắt dậy phóng ngay một quả hỏa tiễn vác trên vai vào những chiếc máy bay xấu số. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến mức các phi công Nga nổ tung theo con tầu vì không kịp thoát ra ngoài.

4. Ukraine báo cáo tiến bộ gần thành phố Bakhmut và Donetsk

Các quan chức Ukraine báo cáo có những thắng lợi trong cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga xung quanh miền đông Ukraine, bao gồm cả thành công bất ngờ gần phi trường của thành phố Donetsk do Nga kiểm soát.

Các quan chức cũng nói rằng những nỗ lực mạnh mẽ vẫn tiếp tục ngăn chặn quân Nga tiến vào các khu vực phía bắc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết hôm thứ Hai rằng có “sự năng động và hoạt động rất cao” ở tiền tuyến.

Tại Bakhmut, Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đã “đẩy đối phương ra khỏi thành trì của họ” ở phía nam thành phố và mô tả các hoạt động của họ đã thành công ở hai thị trấn là Klischiivka và Andriivka.

Một blogger quân sự Nga hôm thứ Hai thừa nhận rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến vào Andriivka bắt tay với quân phòng thủ Ukraine.

Maliar cho biết lực lượng Ukraine đã giành lại thêm 2 km2 lãnh thổ trong khi về phía bắc Bakhmut, các đơn vị Ukraine đã chống đỡ được một số cuộc tấn công của Nga.

Bakhmut cuối cùng đã rơi vào tay lực lượng Nga vào tháng 5, sau khi quân phòng thủ Ukraine cầm cự trong nhiều tháng trước một cuộc tấn công khốc liệt do nhóm lính đánh thuê Wagner tiến hành. Các chiến thuật do Wagner triển khai thường được gọi là “máy xay thịt”, do số lượng lớn quân Nga được sử dụng để cố gắng chiếm thành phố.

Ukraine kể từ đó đã cố gắng giành lại thành phố này khỏi sự kiểm soát của Nga và trong mùa hè đã đạt được những bước tiến từ sườn phía bắc và phía nam.

Bất chấp con số thương vong cao, lực lượng Nga kiên trì nỗ lực xuyên thủng hàng phòng ngự của Ukraine tại một số điểm dọc chiến tuyến ở vùng Donetsk và Kharkiv tiến vào biên giới vùng Donetsk và Luhansk, theo Maliar.

Cô nói, trọng tâm của Nga là ở khu vực Sinkivka ở phía đông khu vực Kharkiv, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine đã “tiêu diệt nghiêm trọng lực lượng tấn công của đối phương ở đó”.

Maliar nói: “Đối phương đã không vượt qua được giới hạn và sẽ không thành công”.

Cả nguồn tin Ukraine và Nga đều mô tả giao tranh ác liệt ở phía bắc phi trường Donetsk, nơi vốn là tiền tuyến kể từ khi các tay súng thân Nga nắm quyền kiểm soát một phần khu vực Donetsk vào năm 2014.

Maliar và các quan chức khác cho biết, các đơn vị Ukraine đã chiếm được hầu hết thị trấn Opytne nằm ở phía bắc phi trường theo hướng hướng tới Avdiivka của vùng Donetsk.

Trong khi đó, các tài khoản không chính thức của Nga thừa nhận việc rút quân khỏi khu vực, có nghĩa là lực lượng Ukraine đang tiến gần đến thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm.

Theo nhà lãnh đạo Cục Quản lý Quân sự Dân sự Avdiivka, Vitaly Barabash, lực lượng Ukraine “đã giành được chỗ đứng ở đó”.

Maliar cho biết giao tranh ở miền Đông vẫn diễn ra căng thẳng, với khoảng 8.000 cuộc tấn công dọc toàn tuyến Mặt trận phía Đông với lực lượng Nga sử dụng khoảng 370.000 viên đạn.

Ở phía nam, Maliar xác nhận rằng “ở một số nơi, tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga đã bị chọc thủng và quân đội của chúng tôi đang tiến lên”.

Maliar cho biết, chỉ có 1,5 km2 được giải phóng nhưng công việc vẫn tiếp tục làm suy yếu các tuyến tiếp tế của Nga và phá hủy các sở chỉ huy cũng như kho đạn dược.

Bộ Tổng tham mưu cũng tuyên bố rằng người Nga sẽ sớm bắt đầu một cuộc “huy động cưỡng bức quy mô lớn” để bù đắp những tổn thất quân sự.

5. Nỗi buồn của người Ukraine đối với Ấn Độ

Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã kiệt sức trong 200 giờ đàm phán không ngừng nghỉ, 300 cuộc gặp song phương và 15 dự thảo, để cuối cùng các nước G20 đã đạt được một tuyên bố đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine - một tuyên bố phần lớn rút lui vào các nguyên tắc chung hơn là lên án cụ thể các hành động đó và chính Nga mà nhóm các nhà lãnh đạo này đã đồng ý khi họ gặp nhau ở Bali một năm trước.

Hơn nữa, không có lời mời nào được gửi tới tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, để phát biểu tại cuộc họp, có nghĩa là trong hai bên trực tiếp tham chiến ở Ukraine, chỉ có người Nga được tham dự, do ngoại trưởng nước này, Sergei Lavrov đại diện.

Ấn Độ đã ca ngợi thỏa thuận này như một thắng lợi ngoại giao, một thỏa thuận đã được kết thúc ít nhất 24 giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bế mạc. Bước vào hội nghị thượng đỉnh, có ba lựa chọn mà các nhà lãnh đạo phải đối mặt: một thỏa thuận có mẫu số chung thấp nhất, hay một tuyên bố có chú thích cuối trang cho phép một số quốc gia từ bỏ các phần của thỏa thuận, hay không có tuyên bố nào.

Thỏa thuận thừa nhận một cách nhạt nhẽo rằng có những đánh giá khác nhau về tình hình, nhưng vẫn đề cao các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc về Ukraine và mô tả việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không được phép. Điều quan trọng được Nga đánh giá cao là tuyên bố này không lặp lại tuyên bố ở Bali rằng hầu hết các nước đều lên án cuộc xâm lược của Nga, và Nga nên rút quân vô điều kiện và ngay lập tức.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Jaishankar, dường như không quá bận tâm đến việc biện minh cho kết quả này. “Bali là Bali. New Delhi là Delhi. Bali cách đây một năm, tình hình đã khác. Nhiều điều đã xảy ra kể từ đó”, ông ta nói.

Kết quả này rõ ràng phản ánh quyết tâm cứng rắn của Ấn Độ không đứng về bên nào trong cuộc chiến, nhưng điều bất thường là phần lớn các quốc gia trong G20 quyết liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga lại sẵn sàng để bị bịt miệng bởi thiểu số muốn ngoảnh mặt đi.

Một quan chức Anh cho biết tuyên bố chung, vốn bị nhiều người coi là yếu kém, trên thực tế lại có hiệu quả trong việc gây áp lực lên Mạc Tư Khoa. Ông nói: “Bằng cách đạt được sự đồng thuận ở New Delhi, G20 đã buộc Putin phải cam kết chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng, rút quân và trả lại lãnh thổ”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Lavrov không chia sẻ cách giải thích này. “Chúng tôi đã có thể ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm 'Ukraine hóa' chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh”, nhà ngoại giao kỳ cựu này nói, đồng thời gọi cuộc họp kéo dài hai ngày là một thành công vang dội. Ông chỉ ra rằng: “Văn bản không hề đề cập đến Nga”.

Ukraine khó có thể chấp nhận sự thỏa hiệp này và sẽ chỉ làm tăng thêm sự lo lắng của nước này rằng cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, một sự vi phạm trắng trợn hiến chương Liên Hiệp Quốc, ngày càng được các nước như Ấn Độ xem là một chuyện bình thường, hay thậm chí một tiêu chuẩn trong ứng xử giữa các quốc gia. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết G20 “không có gì đáng tự hào”.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước được hưởng lợi nhất từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng trong khi Ấn Độ kiếm được 1 đồng, Trung Quốc kiếm được 18 đồng. Nói cách khác, nếu cuộc chiến tại Ukraine càng ngày càng kéo dài, Bắc Kinh, đối thủ nguy hiểm nhất của Ấn Độ, ngày càng vượt xa New Delhi.

6. Quan chức Liên Hiệp Quốc nói hành động gây hấn của Nga ở Ukraine “đi đôi với tra tấn”

Theo quan chức Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm điều tra về các hành vi tra tấn, hành động gây hấn vũ trang của Nga “đang trở nên đồng nghĩa với tra tấn và các hành vi tàn ác vô nhân đạo khác”.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Alice Jill Edwards cho biết hôm Chúa Nhật khi kết thúc chuyến thăm Kyiv: “Số lượng cáo buộc đáng tin cậy về việc tra tấn và các hành động vô nhân đạo khác đang được chính quyền Nga gây ra đối với dân thường và tù nhân chiến tranh dường như không hề suy giảm”.

“Những hành động đau buồn này xuất hiện không phải ngẫu nhiên hay tự phát mà được dàn dựng như một phần trong chính sách của nhà nước nhằm đe dọa, gieo rắc nỗi sợ hãi, trừng phạt hoặc moi thông tin và lời thú tội”.

Edwards cho biết cô đã thu thập “những lời khai đau lòng liên quan đến việc chích điện vào tai và bộ phận sinh dục, đánh đập đủ loại, hành quyết giả bằng súng, dìm cho chết đuối, bị buộc giữ tư thế căng thẳng, đe dọa hãm hiếp hoặc tử vong, và nhiều nghi thức chế giễu và sỉ nhục.”

“Những thường dân và binh lính Ukraine trở về kể lại rằng họ phải sống chen chúc trong các tầng hầm và phòng giam, trong điều kiện chật chội và thiếu ăn. Một số người đã giảm cân đến mức nguy hiểm.”

Edwards cũng đến thăm những nơi ở Ukraine nơi giam giữ tù binh chiến tranh Nga.

“Tôi thấy rằng chính quyền Ukraine đã thực hiện những nỗ lực chân thành để đối xử tôn trọng với các tù nhân chiến tranh Nga. Cơ sở vật chất kiểu doanh trại mà tôi đến thăm rất hợp vệ sinh và ngăn nắp. Các tù nhân được ăn uống đầy đủ,” cô nói.

Bình luận của Edwards được đưa ra vài ngày sau khi Tổng công tố Ukraine Andrii Kostin tuyên bố rằng khoảng 90% tù nhân chiến tranh Ukraine đã bị tra tấn, hãm hiếp và các hình thức đối xử tàn ác khác.

Ukraine đã tìm thấy “bằng chứng về những điều kinh hoàng này ở tất cả các vùng lãnh thổ được giải phóng”, Kostin nói trong cuộc gặp với Edwards vào tuần trước.

Theo số liệu của chính phủ Ukraine, cho đến nay, hơn 103.000 thủ tục tố tụng tội ác chiến tranh đã được ghi danh.

“Công việc mà chính quyền Ukraine đang thực hiện để ghi lại các tội ác chiến tranh còn ấn tượng hơn vì nó được thực hiện 'trong thời gian thực'. Hành động sớm đó hầu như chưa từng có ở bất cứ đâu trên thế giới”, Edwards nói khi kết thúc chuyến thăm Ukraine.

Tuy nhiên, Edwards cảnh báo rằng có những trở ngại lớn trong việc đưa những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm ra trước công lý. Việc không thể tiếp cận các khu vực hiện đang bị tạm chiếm, mất bằng chứng quan trọng do suy thoái và mất thời gian từ khi phạm tội đến khi giải phóng khi các cuộc điều tra có thể bắt đầu, cũng như việc điều chỉnh hệ thống tư pháp hình sự để có thể giải quyết và truy tố các tội ác tàn bạo quốc tế, đều sẽ gây ra thách thức đối với các công tố viên Ukraine

7. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh: “Không ai có thể cạnh tranh” với Putin nếu ông ấy tranh cử tổng thống vào năm 2024

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai: “Sẽ không ai có thể cạnh tranh” với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông quyết định tái tranh cử vào năm 2024.

Peskov, được truyền thông nhà nước Russia-24 trích dẫn, tuyên bố Putin “nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người dân”.

“Tổng thống vẫn chưa thông báo rằng ông ấy sẽ ứng cử. Nhưng nếu chúng ta cho rằng tổng thống làm như vậy thì rõ ràng là ở đất nước chúng ta ở giai đoạn hiện tại không ai có thể thực sự cạnh tranh được với tổng thống”, ông Peskov nói.

Peskov cho biết, việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa bắt đầu ở Điện Cẩm Linh.

Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2024, và về mặt lý thuyết, vòng thứ hai có thể được tổ chức vào tháng 4.

Vào năm 2020, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cuối cùng nhằm sửa lại số nhiệm kỳ tổng thống của Putin trong phiên bản cập nhật của hiến pháp, trên thực tế cho phép Putin tiếp tục giữ chức tổng thống cho đến năm 2036.

Bình luận của Peskov về cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo được đưa ra một ngày sau khi cuộc bầu cử được tổ chức ở một số khu vực sáp nhập của Ukraine. Những cuộc bầu cử này - được kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng cho các ứng cử viên đảng Nước Nga Thống nhất của Putin, nhiều người trong số họ tranh cử mà không có đối thủ - và cuộc bầu cử đã bị cộng đồng quốc tế coi là một sự giả tạo.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong những tuần gần đây, Nga đã điều chỉnh lại lực lượng phòng không tầm ngắn và tầm trung xung quanh Mạc Tư Khoa trong nỗ lực phòng thủ hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà thành phố hiện đang phải hứng chịu nhiều nhất.

Kể từ đầu tháng 9 năm 2023, các hình ảnh cho thấy những hệ thống phòng không SA-22 của Nga xung quanh thủ đô đã được bố trí trên các tòa tháp cao và các đường dốc

Trước đó, sau các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Engels và Ryazan vào tháng 12/2022, Nga cũng bố trí SA-22 trên nóc các tòa nhà chính quyền ở Mạc Tư Khoa.

Điều này gần như chắc chắn sẽ cho phép hệ thống phát hiện và tấn công các mục tiêu loại máy bay không người lái. Tuy nhiên, nó có lẽ cũng nhằm mục đích trấn an công chúng rằng chính quyền đã kiểm soát được mối đe dọa.

9. Máy bay không người lái 'Cá mập' hợp tác với HIMARS để quét sạch 5 hệ thống Buk của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Shark' Drones Team Up With HIMARS To Wipe Out 5 Russian Buk Systems: Video”, nghĩa là “Video cho thấy máy bay không người lái 'Cá mập' hợp tác với HIMARS để quét sạch 5 hệ thống Buk của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy máy bay không người lái “Shark” của Ukraine đang hoạt động khi Kyiv tấn công một số hệ thống phòng không của Nga bằng HIMARS ở khu vực Zaporizhzhia đang tranh chấp gay gắt, nơi Ukraine đang tập trung phần lớn nỗ lực phản công.

Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Shark để thực hiện trinh sát, trước khi tấn công 5 hệ thống hỏa tiễn đất đối không “Buk” của Nga trong khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát bằng hỏa tiễn HIMARS, hãng tin Đông Âu NEXTA đưa tin.

Không rõ loại hệ thống Buk nào đã bị loại bỏ trong cuộc tấn công HIMARS rõ ràng của Ukraine và Newsweek không thể xác minh độc lập thời gian hoặc địa điểm nơi đoạn clip được ghi lại. Bộ Quốc phòng Nga đã được liên hệ để bình luận qua email.

Máy bay không người lái Shark là phương tiện bay không người lái tầm trung, do công ty Ukrspecsystems của Ukraine sản xuất và được chế tạo để mang hình dáng giống với tên gọi cá mập của chúng. Theo nhà sản xuất, máy bay không người lái có thể hoạt động tới 4 giờ mỗi lần, với phạm vi liên lạc lên tới 80 km hoặc 50 dặm. Chúng có thể đạt tốc độ tối đa 130 km một giờ, hoặc chỉ hơn 80 dặm một giờ.

Ukrspecsystems cho biết Sharks được sản xuất dành riêng cho quân đội có “khả năng phản ứng cao” trước các cuộc tấn công chiến tranh điện tử và các nỗ lực gây nhiễu, có nghĩa là máy bay không người lái sẽ “tiếp tục hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ của mình, cung cấp thông tin tình báo có giá trị” bất chấp các biện pháp đối phó.

Các máy bay không người lái trinh sát như Shark giúp lực lượng Ukraine xác định vị trí tấn công cho các cuộc tấn công bằng pháo binh và hỏa tiễn. Vào giữa tháng 6, cơ quan tình báo quân sự Kyiv cho biết Sharks, được trang bị đầy đủ camera độ phân giải cao, đặc biệt hữu ích cho việc tấn công HIMARS.

Thủy quân lục chiến Ukraine trước đây đã chia sẻ cảnh quay lực lượng Kyiv sử dụng máy bay không người lái Shark để theo dõi hệ thống hỏa tiễn phòng không Buk-M2 của Nga. “Sau khi xác định mục tiêu, thiết bị đắt tiền của đối phương đã bị các xạ thủ đồng đội phá hủy,” Lữ đoàn bộ binh thủy quân lục chiến biệt lập số 36 của Ukraine cho biết về một cuộc tấn công trong một bài đăng trên mạng xã hội vào giữa tháng 7.

Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng Ukraine phụ trách sản xuất xe không người lái nhanh chóng của Kyiv, nói với Newsweek vào đầu tháng 8: “Ukraine đang trên đường trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất máy bay không người lái”. Fedorov nói thêm: “Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm của Ukraine về việc sử dụng máy bay không người lái trong cuộc chiến này sẽ được các nước khác nghiên cứu trong tương lai”.

Fedorov cho biết Ukraine chủ yếu tập trung vào máy bay không người lái trinh sát trước cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng Kyiv hiện đã mở rộng sang máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, cũng như máy bay không người lái một chiều và thuyền không người lái hải quân, những loại mà Kyiv đã nhiều lần sử dụng để chống lại lực lượng Nga ở bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập bất hợp pháp.