BƯỚC VÀO HIỂN DUNG CÙNG CHÚA

Loài người thật vinh phúc, bởi họ có Thiên Chúa, vì yêu thương, cúi mình sâu xuống để nên một trong họ và cho họ điểm tựa là chính Chúa Kitô để họ vượt qua và có thể đạp trên đầu sóng ngọn gió của đời thường mà giữ niềm tin, nghị lực và chiến thắng như chính Chúa Kitô.

1. TƯƠNG QUAN CỰU ƯỚC VỚI CHÚA KITÔ.

Nhà lãnh đạo Môsê và tiên tri Êlia có mặt bên Chúa Kitô trong cuộc hiển dung của chính Chúa. Cả hai con người đại diện một cách thâu tóm toàn bộ Cựu Ước, đang có mặt bên Chúa ngay trước hành trình khổ nạn và cứu độ của Chúa. Bên Chúa Kitô:

- Họ làm cho muôn thế hệ từ tạo thiên lập địa đến tận cùng của thế giới chú ý vào Chúa Kitô.
- Nhờ sự xuất hiện của họ, khiến lịch sử từ muôn đời cho đến muôn đời phải nhìn nhận Chúa Kitô là đỉnh điểm của lịch sử.
- Sự xuất hiện của họ trong ngày Chúa hiển dung như khẳng định, Chúa Kitô là chính Đấng phải đến mà họ đã tiên báo.
- Do đó, sự xuất hiện của họ trong giờ hiển dung là hiệu lệnh buộc chúng ta đừng hướng về họ như là thành phần cốt cáng của Cựu Ước, mà hãy quay nhìn Chúa Kitô, trung tâm và là sự hiện diện mới của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ.
- Cả nhà lãnh đạo Môsê và tiên tri Êlia đã xuất sắc trong giai trò chuyển giao lịch sử sang Chúa Kitô. Bởi nếu họ là đỉnh cao của Cựu Ước, thì Chúa Kitô mới chính là nhân vật của cả dòng lịch sử.

Như vậy, trong Tân Ước, không cần phải là hai nhân vật như Cựu Ước, mà chỉ một mình Chúa Kitô, Môsê mới và Êlia mới của thời đại mới, Thời Đại Cứu Độ. Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ, từ nay chỉ cần một mình Chúa Kitô là đủ. Chúa Kitô vừa là Giao Ước mới, vừa là Lề Luật mới.

2. BƯỚC VÀO HIỂN DUNG VỚI CHÚA.

Tổ phụ Abraham là mẫu gương kiên cường, là bài học lớn cho ta để bước vào hiển dung với Chúa: Ngay từ lúc bắt đầu nhận lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa, cũng đồng thời với việc tổ phụ nhận lấy thử thách: phải bỏ xứ sở, gia đình và mọi thứ thuộc về mình để ra đi trongvô định.

Chúa hứa ban dòng dõi, nhưng đợi đến mỏi mòn mới có duy nhất đứa con trong sự già nua. Giữa lúc lời hứa về dòng dõi, dù chưa nên vóc nên hình, nhưng vẫn có thể hy vọng, thì lại quá sức bất ngờ, quá sức khó hiểu: Chúa truyền sát tế đứa con. Tổ phụ Abraham cay đắng và chua chát trước lời đề nghị?

Không! Bài đọc I trình bày một trong các cuộc chiến thắng ngoạn mục: Chúa muốn tổ phụ làm một việc vừa ngược tình cảm, ngược lời hứa về dòng dõi, vừa cho thấy sự độc ác khôn cùng khi đòi cha giết con tế mình: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac… dâng nó làm lễ toàn thiêu… trên một ngọn núi, Ta sẽ chỉ cho”
.
Đã nhiều lần hội nhập vào thử thách, giờ đây tổ phụ Abraham lại liều mình một lần nữa: Cúi đầu đón nhận lời Thiên Chúa, ông không hề có một tiếng than thở, thắc mắc, càng không có bất cứ một lời oán trách nào.

Đức tin kiên cường khiến tổ phụ Abraham mạnh mẽ qua mọi cuộc bước vào thử thách. Tổ phụ chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối và mãnh liệt. Tổ phụ nhận ra cách chắc chắn, chỉ cần để Chúa dẫn dắt, con người sẽ thấy lòng thương vô cùng của Chúa. Chúa đưa tổ phụ đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhờ đó, tổ phụ bước tới từ hết cuộc chiến thắng này đến hết cuộc chiến thắng khác.

Thiên Chúa trả lại cho tổ phụ điều tổ phụ yêu quý nhất: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ,...Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: Đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc… Ta lấy chính danh Ta mà thể: bởi vì ngươi đã làm điều đó,...nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển… Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được chúc phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Thánh giá trong đời không là điều lạ. Đó là thử thách triền miên của từng người. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Dù có chạy trốn, vẫn không bao giờ có ai có thể trốn thoát. Càng tìm cách trốn chạy bao nhiêu, đau khổ như càng bám chặt lấy đời người bấy nhiêu. Càng trốn chạy, lòng ta càng đi từ sự mất bình tỉnh đến chẳng còn bình an.

Nhưng thử thách trong đau khổ, nếu tự nguyện hội nhập, ta sẽ có đủ sáng suốt mà giải quyết, mà vượt trên chúng. Đón nhận thử thách và vượt lên trên nó, là cách tốt nhất cho thấy ta vừa không cam chịu, vừa không quá sức bi quan.

Hội nhập thử thách của tổ phụ Abraham giúp ta chấp nhận đau khổ để được chiến thắng mọi rào cản trên đường về cùng Chúa. Bởi tổ phụ Abraham, suốt đời quá nhiều thử thách, vẫn lớn trong đức tin, thì chắc chắn, bước đi cùng Chúa trong thử thách của ta, sẽ đưa ta tới chiến thắng như tổ phụ.

Suy niệm cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu, ta không bao giờ được phép quên rằng: Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô của sự chấp nhận bị chống đối, bị thù nghịch trên khắp nẻo đường truyền giáo của Palestine. Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô trong cơn hấp hối tại vườn Dầu đã túa mồ hôi pha trong máu. Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô mang cả một thân xác bầm giập, trần trụi bị treo trên đỉnh đồi tử nạn Golgota.

Sau cùng, cũng chính Chúa Kitô vinh quang của Tabor, nhưng héo úa ngay sau đó trên đỉnh đồi tử nạn, lại thực sự là Chúa Kitô của ngày sống lại huy hoàng. Trong vinh quang phục sinh, Chúa dạy chúng ta cách hết sức thấu đáo bài học của sự hội nhập thử thách để vững tin và để chiến thắng.