1. Nga tuyên bố Ukraine tấn công xuyên biên giới khiến 3 người bị thương trong vụ nổ do máy bay không người lái Ukraine gây ra ở vùng Tula của Nga
Alexey Dyumin, Thống Đốc Tula của Nga cáo buộc một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào lãnh thổ của ông ta, gây ra vụ nổ làm ba người bị thương.
Tula không có đường biên giới với Ukraine. Thành phố này nằm cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 140 dặm hay 225 km về phía nam. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm Chúa Nhật rằng “Vụ nổ ở thành phố Kireyevsk thuộc vùng Tula là do máy bay không người lái Tu-141 Strizh của Ukraine gây ra.” Alexey Dyumin nói với TASS rằng máy bay không người lái được nhồi đầy chất nổ.
“Các mảnh vỡ của máy bay không người lái Tu-141 Strizh của Ukraine đã được thu hồi từ vụ nổ”, Alexey Dyumin nói.
Theo TASS, “hai thanh niên bị các vết thương do mảnh vỡ và một người khác bị thương nhẹ. Ba khu chung cư và bốn cấu trúc hộ gia đình đã bị hư hại.”
Ukraine đã không bình luận về vụ việc cho đến nay và CNN đã không thể xác minh độc lập tuyên bố của Mạc Tư Khoa.
2. Đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus là luận điệu tuyệt vọng trước lệnh bắt giữ Putin của ICC
Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết họ sẽ kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để đáp trả kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, theo một tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật.
Lithuania cho biết đây sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận với các đối tác Âu Châu-Đại Tây Dương về cách phản ứng với các kế hoạch mới nhất của Nga và Belarus, đồng thời gọi đây là “một nỗ lực khác của hai chế độ độc tài khó lường nhằm đe dọa các nước láng giềng và toàn bộ lục địa Âu Châu”.
“Đây là những động thái tuyệt vọng của Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko nhằm tạo ra một làn sóng căng thẳng và bất ổn khác ở Âu Châu. Những hành động này đang kéo Belarus sâu hơn vào cuộc chiến với Ukraine và đối đầu với thế giới dân chủ”, Bộ Ngoại Giao Lithuania tuyên bố.
“Belarus, quốc gia đang ngày càng mất chủ quyền, ủng hộ và hỗ trợ sự xâm lược của Nga, đồng thời ngày càng tham gia chặt chẽ hơn vào các kế hoạch quân sự của Nga, là một yếu tố rủi ro bổ sung đối với khu vực Baltic”
3. NATO gọi tuyên bố hạt nhân của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”
Hôm Chúa Nhật Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận rằng việc Nga thông báo rằng họ sẽ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
“NATO rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh quan điểm của mình”.
“Việc Nga đề cập đến việc chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai lầm,” ông cho biết như trên khi đề cập đến tuyên bố của Putin rằng động thái của ông ta sẽ chỉ phản ánh hành động của các quốc gia phương Tây.
“Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế của họ. Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới”.
“Nga phải quay lại tuân thủ và hành động một cách thiện chí”
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu cũng lên án tuyên bố của Putin.
“Belarus cho phép Nga sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với sự leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh Âu Châu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là sự lựa chọn của họ,” Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, cho biết “Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo.”
4. Các phản ứng liên quan đến tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của Putin. Lệnh bắt giữ Putin của ICC tiếp tục gây ra những hoảng loạn trên chiến trường.
Nikolai Sokov, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, nói với Reuters: “Đó là một động thái rất quan trọng.”
“Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Vì vậy, bây giờ họ đang thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn.”
Putin không nói rõ thời điểm số vũ khí này sẽ được chuyển tới Belarus, quốc gia có chung biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Ông cho biết Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ ở đó trước ngày 1 tháng 7.
“Đây là một phần trong trò chơi của Putin nhằm cố gắng đe dọa NATO… bởi vì không có lợi ích quân sự nào khi làm điều này ở Belarus vì Nga có rất nhiều vũ khí và lực lượng này bên trong nước Nga,” Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Viện nghiên cứu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết.
Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân gọi tuyên bố của Putin là một bước leo thang cực kỳ nguy hiểm.
“Trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu sai là rất cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc”.
Một cựu chỉ huy quân sự Nga là Igor Girkin thì cho rằng đây chỉ là động tác giả để trấn an người Nga. “Vũ khí hạt nhân tầm xa, đặt ở Belarus hay đặt ở Nga, thì có gì khác biệt. Putin chỉ đang cố làm điều gì đó để trấn an người Nga và trấn an chính ông ta rằng tình hình vẫn đang được kiểm soát.”
Vladimir Solovyov, một tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh đã lên tiếng kêu gọi bắt giữ Igor Girkin vì tội gây hoảng loạn cho quân đội Nga.
Trong một video trên Telegram, Igor Girkin cho rằng Putin đã không chính thức tuyên chiến với Ukraine. Điều này đặt các tướng lãnh và thực tế là toàn bộ quân đội Nga vào tình thế nguy hiểm, đặc biệt nếu Nga thua trận. Ông cho rằng các tướng lãnh, là những người có khả năng bị truy tố nhất ngay sau Putin, đang thấy mình đứng trước một tai họa kinh hoàng. Làm sao một tướng lĩnh có thể ra lệnh bắn chết những công dân của một quốc gia có chủ quyền khi chưa chính thức tuyên chiến? Điều này lập tức khiến anh ta trở thành tội phạm chiến tranh. Vladimir Solovyov cáo buộc rằng Igor Girkin đang lợi dụng lệnh bắt giữ Putin của ICC để gây ra một tác động kinh hoàng trên chiến trường.
5. Tòa Bạch Ốc cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy Putin đã thực hiện cam kết triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus
Khi được hỏi về cam kết của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Chúng tôi sẽ phải theo dõi và xem điều này sẽ đi đến đâu.”
của Hội đồng An ninh Quốc gia
Putin đã đưa ra nhận xét về kế hoạch vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở nước láng giềng Belarus trên truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy. Putin nói thêm lực lượng của ông sẽ giữ quyền kiểm soát bất kỳ loại vũ khí nào mà họ đặt ở đó.
Mỹ đã hạ thấp động thái này, nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Ukraine cho biết các kế hoạch này là một “bước tiến tới sự bất ổn nội bộ” của Belarus.
Belarus, nằm ở phía tây nước Nga trên đường biên giới dài phía bắc của Ukraine, là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mạc Tư Khoa. Nó đã giúp Nga tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cho phép quân đội của Điện Cẩm Linh tiến vào nước này từ phía bắc.
6. Cựu đại sứ nhận xét rằng Putin 'làm nhục' Tập Cận Bình của Trung Quốc với quyết định hạt nhân
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Humiliated' China's Xi With Nuclear Decision: Former Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ nhận xét rằng Putin 'làm nhục' Tập Cận Bình của Trung Quốc với quyết định hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, hôm Chúa Nhật cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi thường Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng cách đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus sau khi cả hai đồng ý không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ.
“Cả Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đều làm bẽ mặt Tập. Hãy nhớ rằng, Lukashenko vừa được chiêu đãi một chuyến thăm cấp nhà nước sang Trung Quốc. Ông Tập vừa đến Mạc Tư Khoa. Không thể tưởng tượng được quyết định này lại có kết quả tốt ở Bắc Kinh,” McFaul cho biết như trên.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ đang đề cập đến chuyến thăm gần đây của Lukashenko tới Trung Quốc, trong đó ông đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với Tập vào đầu tháng này. Trung Quốc, một trong những đồng minh mạnh nhất của Nga, từ lâu đã tuyên bố trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí hồi tháng 2 còn đưa ra đề xuất ngừng bắn và đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhiều lần quảng bá quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga và từ chối gọi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược.
Bất chấp mối quan hệ thân thiết, Nga dường như đã bỏ qua tuyên bố chung với Trung Quốc, nói rằng cả hai nước sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân vượt ra ngoài biên giới quốc gia của họ. Putin hôm thứ Bảy tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nơi quân đội Nga đã được huấn luyện cho cuộc xâm lược Ukraine lần đầu, hơn một năm trước.
“Không tốt. Putin đang gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus,” McFaul nói về thông báo của Putin hôm thứ Bảy. Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, cho biết Nga đã bắt Belarus “làm con tin hạt nhân”, điều này đang góp phần vào “sự bất ổn nội bộ” ở chính Belarus.
Theo hãng tin AP, quyết định của Putin được cho là nhằm đáp trả việc Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo,. Nhà lãnh đạo Nga đã cáo buộc sai sự thật rằng Vương quốc Anh cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại “một đối thủ hạt nhân”.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không vi phạm các cam kết quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta đã giúp các đồng nghiệp Belarus trang bị lại máy bay của họ. Máy bay của Không quân Belarus. Mười chiếc máy bay đã sẵn sàng để sử dụng loại vũ khí này,” ông Putin nói trong một buổi phát thanh hôm thứ Bảy. “Chúng ta đã chuyển giao cho Belarus tổ hợp Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả của chúng ta, và cũng có thể trao thêm một Hàng Không Mẫu Hạm”.
Vài ngày trước quyết định của ông, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã ra tuyên bố chung về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, theo hãng thông tấn Nga TASS.
“Tất cả các cường quốc hạt nhân không được triển khai vũ khí hạt nhân vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia của họ và họ phải rút tất cả vũ khí hạt nhân được triển khai ở nước ngoài về nước”, tuyên bố viết.
Ông Tập đến Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai để thảo luận về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã tái khẳng định cam kết của nước ông với Nga trong quan điểm của nước này về Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhắc lại hy vọng của Bắc Kinh đạt được một “giải pháp chính trị” trong cuộc chiến Ukraine. Trong khi đó, ông Putin công bố một số biện pháp cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
7. Ukraine ca ngợi thành công ở Bakhmut giữa cuộc tấn công dữ dội của Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Touts Success in Bakhmut Amid Russian Onslaught”, nghĩa là “ Ukraine ca ngợi thành công ở Bakhmut giữa cuộc tấn công dữ dội của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Hôm Chúa Nhật, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine đã ca ngợi thành công tại Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh đẫm máu chống lại Nga để giành quyền kiểm soát thành phố ở vùng Dontesk.
Serhii Cherevaty, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Quân sự miền Đông Ukraine, hôm Chúa Nhật cho biết các lực lượng Ukraine đã cố gắng “ổn định tình hình” xung quanh thành phố, nơi đã diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến Nga-Ukraine, theo The Kyiv Independent.
Quân đội Nga đã tìm cách giành chiến thắng ở Bakhmut để chống lại quan điểm cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của họ đã bị đình trệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “cuộc xâm lược quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm ngoái, nhưng quân đội của ông đã phải vật lộn để đạt được các tiến bộ nhỏ nhoi sau hơn một năm chiến đấu trong bối cảnh có các báo cáo về tinh thần xuống thấp và những thách thức khác mà quân đội phải đối mặt.
Các lực lượng Nga đã chiến đấu bên cạnh Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự, ở Bakhmut trong nhiều tháng với hy vọng giành chiến thắng, nhưng các báo cáo gần đây cho thấy các cuộc tấn công của Nga đã chậm lại trong những tuần gần đây, là đòn mới nhất giáng vào Putin khi ông tìm cách lật ngược tình thế của cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình.
Cả hai quân đội tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát thành phố, việc kiểm soát thành phố này được coi là mang tính biểu tượng hơn là chiến lược. Tuy nhiên, cường độ chiến đấu đã giảm bớt, Cherevatyi cho biết, theo The Kyiv Independent.
“Hôm qua, có 18 cuộc tấn công trên toàn bộ mặt trận Bakhmut, hôm nay là 17. Trước đó, có từ 35 đến 50 hoặc hơn. Tuy nhiên, điều này cần xác minh và phân tích chi tiết hơn,” Cherevatyi nói.
Ông nói thêm rằng Nga gần đây đã mất thêm nhiều thiết bị quân sự — bao gồm xe tăng, xe tấn công đổ bộ, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, hai máy bay không người lái, trạm quan sát và chỉ huy đại đội, cùng 10 kho đạn dã chiến — trong khi cố gắng chiếm thành phố.
Trong khi đó, Tướng Ukraine Valery Zaluzhny hôm thứ Sáu cho biết tình hình tiền tuyến ở Bakhmut vẫn là “khó khăn nhất”, nhưng đưa ra một số đánh giá lạc quan cho quân đội Ukraine.
“Nhờ những nỗ lực to lớn của Lực lượng Phòng vệ, chúng ta đang cố gắng ổn định tình hình,” ông nói, theo The Moscow Times.
Cuộc tấn công Bakhmut của Nga đã bị đình trệ, các nhà phân tích nói
Nhận xét từ giới chức quân sự Ukraine phản ánh dấu hiệu mới nhất cho thấy các hành động quân sự của Nga ở Bakhmut đã chậm lại.
Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Bảy rằng các cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut “phần lớn đã bị đình trệ” trong bối cảnh “lực lượng Nga bị tiêu hao nghiêm trọng”, đồng thời lưu ý rằng Nga và Ukraine đã chịu tổn thất lớn về quân số.
Bản cập nhật chỉ ra rằng Nga dường như đã chuyển trọng tâm sang Avdiivka gần đó, một thị trấn phía nam Bakhmut.
“Điều này cho thấy sự quay trở lại tổng thể của một thiết kế hoạt động mang tính phòng thủ hơn sau những kết quả không thuyết phục từ nỗ lực tiến hành một cuộc tổng tấn công kể từ tháng Giêng”.
Tuy nhiên, tiến trình của Nga ở Avdiivka dường như cũng đang chậm lại, theo cựu chỉ huy Nga Igor Girkin, người đã viết trong một bài đăng trên Telegram vào Chúa Nhật rằng “không có tiến triển nào trong hai ngày qua” do “không đủ lực lượng”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.
8. Quan chức Ukraine cho biết pháo kích của Nga ở Donetsk khiến 2 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương
Theo Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự của khu vực, ít nhất hai người chết và một người bị thương do pháo kích của Nga ở một số khu vực thuộc vùng Donetsk phía đông Ukraine từ đêm thứ Bảy đến Chúa Nhật.
Kyrylenko cho biết một trong những người thiệt mạng ở thị trấn Chasiv Yar, phía tây Bakhmut, và người còn lại ở Pivnichne Toretske, một ngôi làng ở phía nam.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, nhà cửa ở thành phố công nghiệp Kostyantynivka và cộng đồng Predtechyne gần đó bị hư hại. Ông cho biết pháo kích cũng tấn công một số thị trấn khác trong khu vực.
9. Chính quyền kêu gọi cư dân di tản khỏi thị trấn Ukraine khi các cuộc tấn công liên tục của Nga làm gián đoạn các tiện ích
Các nhà chức trách ở thị trấn Avdiivka của Ukraine - nằm ở khu vực Donetsk phía đông - đang kêu gọi người dân di tản vì các nguồn lực quan trọng như điện, nước, và các dịch vụ di động bị gián đoạn bởi các cuộc pháo kích của Nga, một quan chức hàng đầu của khu vực cho biết.
Vitalii Barabash, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự Avdiivka, cho biết bắt đầu từ Chúa Nhật, các tiện ích của thị trấn sẽ bị cắt do “ngày càng nhiều thị trấn bị pháo kích và phá hủy hàng ngày”.
“Thị trấn đang bị xóa sổ khỏi mặt đất. Bạn phải rời khỏi thị trấn khi được di tản,” anh ấy nói. “Chúng ta sẽ di tản các tiện ích theo nhiều giai đoạn. Hôm nay có một vụ tấn công gần cơ sở của công ty tiện ích.”
Lãnh đạo khu vực cho biết vùng phủ sóng di động cho thị trấn cũng sẽ bị cắt. Ông cũng cảnh báo rằng mọi người sẽ không thể sạc điện thoại của họ vì trong những ngày tới sẽ không có ai bảo dưỡng máy phát điện hoặc vận hành tháp di động.
“Triển vọng cho thị trấn là rất xấu. Mỗi ngày chúng ta có những tòa nhà nhiều tầng sụp đổ. Không có ngày nào trong vài tuần qua mà chúng ta không bị pháo kích,” anh nói.
“Đó là lý do tại sao bạn cần chuyển ra ngoài, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Đặc biệt là những người có con,” anh ấy nói, “Cuộc sống thực cho thấy rằng các tầng hầm sẽ không cứu bạn với tốc độ mà bọn xâm lược đang tấn công thị trấn bằng các cuộc không kích hiện nay. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ rằng Avdiivka có thể trở thành một Marinka thứ hai - tức là sẽ không còn gì của thị trấn.”
Đôi nét về Avdiivka: Thị trấn nằm ngay phía bắc thành phố Donetsk, một vùng đô thị lớn.
Thị trấn công nghiệp, nơi có một nhà máy luyện kim lớn, đã liên tục bị pháo kích kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công trên bộ của Nga trong khu vực đã tăng cường.
Một số quan chức Ukraine đã nói rằng thị trấn có thể trở thành một Bakhmut thứ hai, thành phố gần như bị bỏ hoang nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã chiến đấu trong nhiều tuần trong các cuộc giao tranh đẫm máu tại thời điểm này.
Barabash đã nói trong các bản cập nhật trước đây rằng việc di tản dân thường khỏi thị trấn là rất nguy hiểm, với “con đường chết” dẫn ra khỏi thị trấn bị quân đội Nga giám sát và họ “nổ súng ngay lập tức”.