1. Hoãn phiên tòa xử một linh mục Chính Thống Giáo chống báng Putin và Thượng Phụ Kirill
Một phiên tòa xét xử một linh mục Chính Thống Giáo đã được hoãn lại mà không có các lý do rõ ràng khiến người ta đồn đoán rằng Putin đang vuốt ve thế giới Chính Thống Giáo Nga trước một quyết định khó khăn mà ông ta sẽ phải sớm đưa ra là đầu hàng trong cuộc chiến tại Ukraine.
Bối cảnh phiên tòa xét xử vị linh mục Chính Thống Giáo can đảm.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Vladimir Putin, người đã gây ra cuộc xâm lược Ukraine khiến cho hàng chục ngàn người Nga phải tử trận, kinh tế của Nga lao đao, Thượng Phụ Kirill đã tuyên bố với người đứng đầu Điện Cẩm Linh: “Chúa đã đặt ngài lên nắm quyền để ngài có thể thực hiện một công việc có tầm quan trọng đặc biệt và trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân được Chúa giao cho ngài chăm sóc”.
Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã cảm thấy rất sốc trước những lời lẽ này của Thượng Phụ Kirill. Vị linh mục đã nhận xét cay đắng với cộng đoàn của ngài và trên các mạng xã hội rằng “Ngài Kirill lại bán đứng Chúa, bất kể đang trong tình trạng nguy ngập vì coronavirus.” Tưởng cũng nên nhắc lại là trong khoảng thời gian đó, cụ thể là vào cuối tháng Chín vừa qua, Thượng Phụ Kirill đang bị nhiễm coronavirus.
Cha Ioann Burdin đã bị giam giữ trong vài ngày và dự kiến phải ra hầu tòa vào ngày 14 tháng 11 với cáo buộc là làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga. Phiên tòa đã bị đình hoãn vô thời hạn.
Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.
2. Năm nay, danh hiệu “Nhân vật của năm” ở Ba Lan thuộc về mọi công dân giúp đỡ người Ukraine
Tuần báo nổi tiếng của Ba Lan Wprost đã vinh danh tất cả những người Ba Lan giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Ukraine như những “người có ảnh hưởng nhất” của đất nước vào năm 2022.
Lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, Jaroslaw Kaczyński, và Thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng nằm trong số ba người đứng đầu trong số 50 người Ba Lan có ảnh hưởng nhất.
Như văn phòng biên tập của Wprost đã giải thích, cả thế giới đã viết về viện trợ đáng kinh ngạc của Ba Lan cho người Ukraine.
“Ba Lan đã có thể giúp đỡ hàng nghìn người tị nạn từ Ukraine chủ yếu nhờ vào những người Ba Lan bình thường. Do đó, những người Ba Lan đã giúp đỡ và tiếp tục giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Ukraine được chọn là những người có ảnh hưởng nhất. Đó là những người nhờ họ mà hệ thống giúp đỡ người tị nạn không sụp đổ, giúp Ba Lan đứng vững trong việc hỗ trợ những người chạy trốn khỏi sự man rợ của người Nga”
Tờ báo cho biết cuộc chiến tại Ukraine cũng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nhân vật chính trị đối với chính trường Ba Lan. Wprost lưu ý rằng trong danh sách năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak được xếp hạng cao, lọt vào 10 nhân vật hàng đầu so với vị trí thứ 24 của ông vào năm ngoái. Danh sách 50 người Ba Lan có ảnh hưởng nhất năm nay còn có các tướng Ba Lan Waldemar Skzypczak và Roman Polko, những người bình luận hàng ngày trên các phương tiện truyền thông Ba Lan về tình hình hoạt động trên các chiến trường Ukraine, cũng như nhà báo Slawomir Sierakowski, người tổ chức chiến dịch gây quỹ để mua máy bay không người lái tấn công Bayraktar cho Ukraine.
Khoảng 3.5 triệu người Ukraine đang ở Ba Lan vào thời điểm hiện tại.
3. Hỗ trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế chuyển đến Kherson
Một đoàn xe nhân đạo với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã đến Kherson.
Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên.
Đoàn xe do Điều phối viên Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, UNHCR, Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên kết của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Di cư Quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Chương trình Lương thực Thế giới dẫn đầu, vào ngày 14 tháng 11 đã tới thành phố Kherson để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho các cộng đồng dân sự.
Đoàn xe nhân đạo liên cơ quan này, là chuyến đầu tiên kể từ khi lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thành phố vào tháng 3 năm nay, đã đến nơi chưa đầy 72 giờ sau khi Chính phủ Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố.
Đại diện UNHCR cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà dọc đường đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng và nghe mọi người đang phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của họ như thức ăn, nước uống và giữ ấm khi các đường dây cung cấp điện đã bị phá hủy”.
Là một phần của nỗ lực ban đầu nhằm tiếp cận 6,000 người này, UNHCR đã cung cấp chăn giữ nhiệt cao, túi ngủ, khăn trải giường, đèn năng lượng mặt trời, và các thiết bị khác.
“Điều quan trọng là phải nhanh chóng cung cấp đoàn xe đầu tiên này với sự hỗ trợ. Bây giờ, ưu tiên là tiếp tục mang lại số lượng hỗ trợ lớn hơn cho người dân thành phố Kherson đặc biệt khi mùa đông đang cận kề và thời tiết sẽ thêm một lớp dễ bị tổn thương nữa.”
UNHCR trước đó đã đóng góp vào hai đoàn xe liên cơ quan đến khu vực Kherson, vào tháng 10 và tháng 11, tới các khu định cư nơi Chính phủ Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát, hỗ trợ khoảng 10,000 người.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, UNHCR đã cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua 489 đoàn xe, tiếp cận khoảng 325,000 người bị ảnh hưởng bởi xung đột và phải di dời với các mặt hàng thiết yếu và đông lạnh.
4. 'Tôi không thể ngừng mỉm cười': người dân chào đón quân đội Ukraine ở thị trấn tiền tuyến Snihurivka
Ký giả Isobel Koshiw của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “‘I can’t stop smiling’: residents welcome Ukrainian troops in the frontline town of Snihurivka, nghĩa là “'Tôi không thể ngừng mỉm cười': người dân chào đón quân đội Ukraine ở thị trấn tiền tuyến Snihurivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Miền nam Ukraine vào tháng 11 là một vùng đất nông nghiệp màu nâu xám, trông cằn cỗi. Màu xanh tươi và màu vàng của cánh đồng đã tàn lụi và tuyết vẫn chưa rơi. Nhưng tâm trạng lạc quan ở thị trấn nhỏ Snihurivka hoàn toàn trái ngược với mùa khó khăn này.
Xung quanh các tòa nhà bị đánh bom của thị trấn, những núi rác do binh lính Nga để lại và đường phố ngổn ngang những mảnh đạn, những nhóm cư dân tươi cười, vui vẻ tụ tập lại với nhau để trò chuyện. Khi những chiếc xe chạy ngang qua, họ vẫy tay và mỉm cười. Họ mô tả cảm giác sung sướng khi nhìn thấy quân đội Ukraine và tranh luận về những lời xúc phạm phù hợp nhất đối với binh lính Nga: đó là bọn “lợn” hay bọn “lòng lang dạ thú”, họ hỏi nhau.
Nga mất Kherson báo hiệu những thay đổi trong chiến lược của Putin
Snihurivka ngồi sát trên tiền tuyến, chỉ cách các vị trí của Ukraine một km, và đã được lực lượng Ukraine tái chiếm lại hôm thứ Năm, một ngày trước khi đại quân Ukraine tiến vào Kherson. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút quân chiến thuật ở miền nam sau khi Ukraine liên tục phá hủy các tuyến đường tiếp tế và kho đạn dược của họ.
Sự bùng nổ của niềm vui lan tỏa trên khắp vùng lãnh thổ phía nam mới được tái chiếm bắt nguồn từ niềm hy vọng được gieo vào lòng người dân bởi cuộc tấn công phía nam được nhắc đến từ lâu, lần đầu tiên được công bố bởi tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, vào cuối tháng 6 và sau đó một lần nữa vào cuối tháng 8. Các lực lượng của Ukraine đã có những bước tiến quyết định đầu tiên vào đầu tháng 10.
Không giống như các khu vực phía bắc của Ukraine, bao gồm các khu vực gần Kyiv, đã được giải phóng ngay khi đất nước vẫn còn quay cuồng bởi quy mô của cuộc xâm lược; hoặc khu vực Kharkiv, đã được tái chiếm lại nhanh chóng trong khi thế giới đang tỏ ra nản lòng, việc giải phóng khu vực Kherson đã bị trì hoãn khá lâu đến mức nhiều người ở đó đã xem ngày giải phóng là một viễn cảnh mờ mịt.
“ Tôi có một chiếc radio chạy bằng pin,” Sasha, một người đàn ông mảnh khảnh khoảng 60 tuổi, cẩn thận bước qua một đống cát đề phòng quân Nga bỏ mìn bên dưới. “Tôi biết quân ta sẽ đến. Chúng tôi chờ đợi.”
“Tôi không thể nói cho bạn biết cảm giác khi nhìn thấy quân ta. Chúng tôi đã ngồi trong 8 tháng không điện, không nước”, Olga Ivanovna, hàng xóm và bạn của Sasha, cho biết. “Chúng tôi ngủ trong tầng hầm, mặc quần áo phong phanh. Biết bao nhiêu tháng! Biết bao nhiêu tháng, chúng tôi đã chờ đợi!”
Người dân cho biết họ đã cố gắng cập nhật tin tức bằng mọi cách có thể sau khi điện bị cắt và binh lính Nga đi từng nhà tịch thu điện thoại. Một số có máy phát điện và có thể bắt được TV Ukraine; một số ít giữ được điện thoại và leo lên đỉnh các căn hộ chung cư năm tầng bỏ hoang để bắt tín hiệu.
Đứng bên ngoài ngôi nhà của mình, nói chuyện với bạn bè, Vera Borisovna, 65 tuổi, chỉ vào ngôi vườn thường là đầy hoa của mình và cười rạng rỡ, nói “Không còn gì cả, chúng tôi đã lấy tất cả hoa để tặng cho các chàng trai của chúng tôi”, giọng bà run rẩy khi nói về thời điểm binh sĩ Ukraine tiến vào thị trấn.
“Tôi không thể ngừng cười vì đã tám tháng không có gì để mỉm cười,” Borisovna, người có nhà bị quân Nga chiếm làm trụ sở và từng phải chui ra sau hàng rào của mình để tránh những mảnh đạn đầy trên đường phố của cô ấy. Cô ấy nói rằng cô ấy giữ một cuốn nhật ký vì đó là cách duy nhất để cô ấy có thể theo dõi ngày tháng mà không có điện.
Hầu như không có bất kỳ cư dân nào của Snihurivka rời đi khi cuộc xâm lược bắt đầu, hoặc sau khi họ bị chiếm đóng. Họ đã quá già hoặc không có đủ tiền, hoặc cả hai. Họ tự mô tả mình như những con tin, né tránh đám cháy đang bay đến trong khi cố gắng tìm nguồn cung cấp và tránh binh lính Nga.
Khó khăn đã nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và tình đoàn kết mà người dân cho biết đã gắn kết họ lại với nhau. Ví dụ, người đứng đầu ngôi chợ của thị trấn, Oleksandr Shevachuk, đã cùng vợ của mình, Valentyna, tự chịu rủi ro đến Kherson để mua thực phẩm cho cửa hàng duy nhất trong thị trấn mà họ đã thiết lập trong nhà để xe của mình.
Nhưng cũng như ở các thị trấn và làng mạc khác trên khắp Ukraine, có những người, đa số là đàn ông, rất vui khi những người lính Ukraine đã trở lại, nhưng họ phải mang theo những vết sẹo của sự chiếm đóng trong suốt phần đời còn lại của họ.
Volodymyr Perepilnitsia, 58 tuổi, đã bị người Nga giam giữ ba lần, bị đánh đập, tra tấn và thường xuyên bị đe dọa. Là một cựu đại úy quân đội và sĩ quan cảnh sát Ukraine, tên của anh ta nằm trong danh sách những kẻ gây rối thân Ukraine của đặc vụ Nga.
Lần đầu tiên người Nga bắt anh ta đi để thẩm vấn, họ đã buộc tội anh ta là “gián điệp”. Lần thứ hai anh ta bị bắt vì anh ta từ chối nhận viện trợ nhân đạo của người Nga, sau đó, họ đã cướp ngôi nhà của anh ta như một sự trừng phạt.
Lần thứ ba anh ta bị giam giữ là vì một người lính Ukraine 20 tuổi, người mà anh ta đã chứng kiến bị quân đội Nga đánh đập nặng nề một ngày trước đó, đã biến mất. Perepilnitsia cho biết anh ta không tham gia vào cuộc giải thoát cho người lính. Chính vợ anh ta đã làm điều đó. Sau khi anh ta bị lính Nga đánh đập gần chết, vợ anh ấy đã xin đưa chồng về nhà mai táng. Nửa đêm, chị lái một chiếc xe gắn máy chở chồng bỏ trốn.
Perepilnitsia cho biết: “Họ đã cách ly tôi trong 5 đêm liên tiếp và đánh đập tôi”, đồng thời cho biết người Nga đã sử dụng đồn cảnh sát địa phương làm trung tâm thẩm vấn của họ. “Họ đánh chết một thanh niên. Tôi biết vì tôi đã nghe hết mọi chuyện. Tôi ở phòng giam bên cạnh và tôi nghe thấy họ đánh anh ấy và sau đó tôi nghe thấy họ lôi anh ấy ra ngoài.”
Perepilnitsia cho biết ông không biết người chết được chôn cất ở đâu nhưng ông nói rằng có “nhiều” người đàn ông đã mất tích kể từ khi người Nga nắm quyền kiểm soát vào tháng Ba.
Trước khi người Nga rời Snihurivka, điều mà người dân địa phương cho biết chỉ diễn ra trong vài giờ, họ đã gieo rắc những thứ có thể sẽ là nỗi khốn khổ trong tương lai cho cư dân thị trấn.
“Tất cả các cánh đồng đều bị gài mìn,” Perepilnitsia nói, chỉ vào vùng đất xung quanh thị trấn. “Một cậu bé nông dân hôm qua đi ra ngoài để thăm mộ cha em và bị nổ tung. Chưa có ai dám đi lấy xác em. Em sống ở đây và chết ở đó. Tôi có thể nói gì hơn?”
Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, nói với kênh truyền hình Ukraine rằng người Nga đã gài mìn “những bãi đất rộng lớn” trong khu vực trước khi rút lui, cũng như để lại nhiều chất nổ.
“Dù sao thì cô cũng thấy những gì họ đã làm ở đây – họ là những con lợn,” Perepilnitsia nói, chỉ vào những tòa nhà cháy đen và biển rác xung quanh họ.