1. Đức Giáo Hoàng không đến Kyiv và Mạc Tư Khoa lúc này, nhưng bảo đảm rằng ngài đang “đối thoại với họ” cả Zelenskiy và Putin

Bác sĩ đã khuyên Đức Thánh Cha hạn chế đi lại. Vì thế, hiện nay, không thể thực hiện việc đến Kyiv hay Mạc Tư Khoa, như ngài đã khẳng định nhiều lần rằng ngài rất muốn đi. Tuy nhiên, ngài bảo đảm rằng ngài đang làm mọi cách để chấm dứt xung đột ở Ukraine, thường xuyên liên lạc với các Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Vladimir Putin.

“Chuyến thăm có thể diễn ra hay không. Tôi vẫn không biết. Tôi đang nói chuyện với họ. Chẳng hạn, ngày mai, tôi có một cuộc điện đàm với Tổng thống Zelenskiy. Hãy xem sao”, Đức Thánh Cha cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN Bồ Đào Nha.

Thừa nhận rằng con đường đối thoại liên quan đến cuộc chiến này là rất “khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm:

“Bây giờ tôi không thể đi vì sau chuyến đi đến Canada, sự hồi phục đầu gối của tôi có một chút vấn đề và bác sĩ đã cấm tôi đừng đi lại nhiều. Nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, qua điện thoại… Và tôi làm những gì có thể. Và tôi yêu cầu mọi người làm những gì họ có thể. Trong số tất cả, một cái gì đó có thể được thực hiện. Tôi đồng hành với nỗi đau của tôi và với những lời cầu nguyện của tôi và tất cả những gì tôi có thể. Nhưng tình hình thực sự rất bi thảm”.

2. Đức Gioan Phaolô I dự kiến sẽ trở lại Venice trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng

Một lá thư được viết vào đêm trước của mật nghị bầu ngài làm Giáo Hoàng cho thấy Đức Hồng Y Albino Luciani dự kiến sẽ trở lại Venice với tư cách là Thượng Phụ của thành phố này.

“May mắn thay, tôi hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm,” Đức Hồng Y Luciani viết từ Rôma ngày 24 tháng 8 năm 1978, cho Đức Cha Giuseppe Carraro, người vừa nghỉ hưu sau thồi gian làm Giám mục của Verona.

“Tôi sẽ đến gặp Đức Cha, sớm nhất có thể” Đức Hồng Y Luciani, người được bầu làm giáo hoàng vào ngày 26 tháng 8, nói thêm.

Đức Hồng Y Luciani lấy tông hiệu là Đức Gioan Phaolô I. Ngài đã được phong chân phước vào ngày 4 tháng 9.

Trong bức thư gửi cho Đức Cha Carraro, cai quản một giáo phận trong giáo tỉnh của ngài, Đức Hồng Y Luciani đã viết về “những suy diễn và đồn đoán của báo chí” về kết quả của mật nghị, nhưng nói thêm rằng ngài sẽ giữ bí mật cần thiết liên quan đến mật nghị.

Ngài đề cập đến “cam kết nghiêm túc của mình hơn bao giờ hết là cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội” và cầu nguyện “cho người mà các Hồng Y sẽ bầu chọn để kế vị cố Đức Phaolô Đệ Lục,” lưu ý rằng vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ “có một nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn” Đức Giáo Hoàng Montini.

Bức thư được Đức Cha Carraro trao cho Cha Guido Todeschini, người sáng lập Telepace, một mạng lưới truyền thanh Công Giáo có trụ sở tại Tỉnh Verona. Todeschini đã trình bày tài liệu này trong một chương trình vào ngày 2 tháng 9.

Cha Todeschini dự định sẽ trao bức thư ấy cho quỹ John Paul I của Vatican.

Đức Giáo Hoàng John Paul I đã trị vì trong 33 ngày, từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 1978.

Ngài sinh ra ở tỉnh Belluno của Ý vào năm 1912, và được thụ phong linh mục của Giáo phận Belluno e Feltre vào năm 1935, ở tuổi 22.

Năm 1958, ngài được phong làm giám mục, và được bổ nhiệm làm Giám mục Vittorio Veneto. Ngài được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venice năm 1969, và được tấn phong Hồng Y năm 1973.


Source:Catholic News Agency

3. Cuộc gặp gỡ giữa các Đức Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo về tình hình tại Ukraine

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos của Athens và Toàn Hy Lạp, và Đức Tổng Giám Mục Epifaniy của Kyiv và Toàn Ukraine đã đến đảo Thassos ở Hy Lạp, theo lời mời của Thủ hiến Stefanos của Philippi, Neapolis và Thassos, để tham gia vào cử hành kính các vị thánh ở Thassos.

Sau lễ đón chính thức tại cảng của đảo, một Phụng Vụ Thánh long trọng đã được tổ chức tại nhà thờ lịch sử Đức Mẹ An Nghỉ, nơi Đức Tổng Giám Mục Stefanos đã phát biểu và chào đón các quan khách và bày tỏ niềm vui chân thành vì sự hiện diện của các ngài trên đảo.

Ngài đặc biệt đề cập đến việc Kitô giáo hóa người Nga vào cuối thế kỷ thứ 9 sau Chúa Giêsu, khi Giáo chủ Photios cử các nhà truyền giáo đầu tiên đến Kyiv để rao giảng Phúc âm và rửa tội cho những Kitô hữu đầu tiên ở đó.

Sau đó, Thượng phụ Đại kết nói về sự hiệp nhất và thông công trong Giáo hội, đồng thời đề cập đến sự đóng góp của các thánh đối với đời sống của Giáo hội Chính thống và các tín hữu, và lưu ý rằng trong bốn mươi năm qua, nhiều vị thánh đã được tuyên dương.

Đức Thượng Phụ Đại Kết cũng đề cập đến sự đóng góp của Thánh Phaolô trong việc truyền bá Phúc Âm trên thế giới bắt đầu từ thành phố Philípphê.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Kyiv, nói bằng tiếng Hy Lạp, bày tỏ sự vui mừng khi được đến Hy Lạp và biết ơn Đức Tổng Giám Mục Stefanos vì lời mời của ngài.

“Lời mời chính thức của ngài đến với chúng tôi vào đầu tháng Ba, trong những ngày khó khăn, khi bạo chúa Nga đang đưa quân đến tàn phá đất nước chúng tôi và chiếm Kyiv. Những ngày tôi đọc lời mời của Đức Cha, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mình khỏi bom của Nga. Tôi đang đọc lời mời của Đức Cha và không biết điều gì có thể xảy ra với chúng tôi vào giây phút tiếp theo, vào ngày hôm sau”.

Ngoài ra, phát biểu trước Đức Tổng Giám Mục Athens, ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài và các thành viên của Tòa Thượng Phụ Đại Kết “vì tình yêu và sự ủng hộ đối với Giáo hội Độc Lập của Ukraine”.

Ngài còn nói thêm rằng “Giáo hội Hy Lạp như một người anh trai mang gánh nặng và đề nghị giúp đỡ một người em trai”. Đồng thời, ngài cũng ngỏ lời cảm ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô vì đã ngỏ lời mời ngài đến chung vui trên đảo Thassos, cũng như sự giúp đỡ và ủng hộ liên tục, không gián đoạn mà ngài dành cho Giáo hội Ukraine sau khi ngài cấp Tomos cho Giáo Hội Ukraine thống nhất.
Source:Orthodox Times