Sau một nỗ lực mưu sát thất bại nhắm vào Cristina Kirchner, phó tổng thống Á Căn Đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết và “sự gần gũi trong thời điểm tế nhị này” trong một bức điện được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố vào ngày 2 tháng 9 năm 2022. Một ngày trước đó, chính trị gia vừa tròn 69 tuổi, người từng là tổng thống Á Căn Đình từ năm 2007 đến 2015, đã bị một tay súng chĩa súng vào trán trên đường phố Buenos Aires, nhưng súng có lẽ bị kẹt đạn và không ai bị thương trong vụ tấn công.
Trong một thông điệp ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài cầu nguyện cho “sự hòa hợp xã hội và tôn trọng các giá trị dân chủ có thể luôn tồn tại ở Á Căn Đình thân yêu, chống lại mọi hình thức bạo lực và gây hấn”.
Vụ ám sát do một công dân Brazil thực hiện ngay lập tức bị bắt giữ và không rõ động cơ, xảy ra vào ngày thứ 11 của phiên tòa xét xử Cristina Kirchner vì tội tham nhũng, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.
“Cristina còn sống bởi vì một lý do chưa được xác nhận về mặt kỹ thuật, khẩu súng chứa 5 viên đạn đã không bắn ra, mặc dù hung thủ đã bóp cò”, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết trong một bài phát biểu, vài giờ sau sự kiện.
Trong một diễn biến khiến nhiều thị trưởng và phe đối lập khó hiểu, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez đã ban bố một ngày lễ nghỉ đặc biệt trên toàn quốc, mà trong thực tế là một hình thức giới nghiêm trên toàn quốc, hạn chế việc mở cửa hàng và các cuộc thi đấu thể thao bị bãi bỏ.
Cristina Kirchner kế nhiệm chồng là Nestor Kirchner làm tổng thống Á Căn Đình vào năm 2007, và được bầu lại vào năm 2011. Mối quan hệ của cô với Đức Giáo Hoàng tương lai, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, ban đầu tỏ ra lạnh nhạt và xa cách, nhưng sau đó đã được cải thiện nhân cái chết và tang lễ của Nestor Kirchner vào năm 2010, được Đức Hồng Y Jorge Bergoglio cử hành tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Á Căn Đình.
Tuy nhiên, trong cùng năm đó, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã gây ra căng thẳng lớn giữa Giáo hội và chính phủ cánh tả. Sự phản đối của Đức Hồng Y Bergoglio đã khiến báo chí Công Giáo chú ý đến ngài.
Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, quan hệ với tổng thống của đất nước quê hương của ngài đã chuyển sang nồng ấm, gây ra một số ngạc nhiên trong những người ủng hộ. Trong khi Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ trở lại Á Căn Đình, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma cũng như ở Brazil, bên lề Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013 và ở Paraguay năm 2015.
Sau khi rời nhiệm sở vào năm 2015, Cristina Kirchner trở lại nổi bật vào năm 2019, trở thành phó tổng thống của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, Alberto Fernandez. Cuộc tranh luận chính trị chia rẽ cao độ và những nỗ lực của các phe phái khác nhau nhằm khai thác sự nổi tiếng của Giáo hoàng Phanxicô, vào lúc này, dường như đã khiến Đức Giáo Hoàng không thể tổ chức một chuyến tông du về quê hương của mình.
Source:Aleteia