1. Bộ Ngoại giao Ukraine triệu Đức Sứ thần Tòa Thánh để phản đối
Hôm 25 tháng Tám vừa qua, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv, đến để bày tỏ sự bất mãn về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến con gái nhà tư tưởng Nga, cô Daria Dugina, bị giết trong vụ khủng bố tại Mạc Tư Khoa.
Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 24 tháng Tám, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine yêu quý, từ sáu tháng nay đang chịu kinh hoàng của chiến tranh, và ngài nhớ đến các tù nhân, các trẻ em, những người tị nạn, các em mồ côi và ngài ứng khẩu nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mascơva. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”
Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba kể với báo Pravda.ua rằng việc triệu Sứ thần Tòa Thánh tới bộ này, tự nó là một trường hợp chưa từng có và tự nó có ý nghĩa. “Thứ hai, tôi nói thẳng rằng những lời Đức Giáo Hoàng làm đau lòng người Ukraine. Thật là điều bất công. Ukraine rất thất vọng vì những lời Đức Giáo Hoàng đã coi kẻ tấn công ngang với nạn nhân. “Đồng thời quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khuôn khổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhắc đến cái chết của một công dân Nga trên lãnh thổ Nga, mà Ukraine không có gì liên hệ tới, đó là điều tạo nên sự không thể hiểu nổi”.
Ông cũng ghi nhận rằng từ đầu cuộc xâm lăng của Liên bang Nga tại Ukraine, Đức Giáo Hoàng không hề đặc biệt chú ý đến các nạn nhân đặc thù của chiến tranh, trong đó có 367 trẻ em Ukraine chết vì lỗi của những người Nga chiếm đóng. Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ hy vọng trong tương lai, Tòa Thánh tránh những lời tuyên bố bất công tạo nên sự thất vọng trong xã hội Ukraine.
Sự bất mãn của người Ukraine có lẽ cũng chưa bằng những tuyên bố rất nặng nề tại Ba Lan quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan cho rằng cô Daria Dugina, người đã nhiều lần hô hào tấn công Ba Lan, không phải là người vô tội như Đức Giáo Hoàng nói.
2. Tổng biên tập Bộ Truyền thông của Tòa Thánh lên tiếng về vụ cô Darya Dugina
Có một vài phản ứng về sự phẫn nộ từ Ukraine và Ba Lan chống Đức Giáo Hoàng Phanxicô, liên quan đến vụ cô Darya Dugina, chết trong vụ khủng bố bằng xe bom ở Mạc Tư Khoa, hôm 20 tháng Tám vừa qua.
Dugina, 30 tuổi, là con của một triết gia Aleksander Dugin, ảnh hưởng lớn trên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và cũng là một ký giả mạnh mẽ ủng hộ chiến tranh của Nga chống Ukraine.
Chính phủ Ukraine đã phẫn nộ vì câu nói ứng khẩu của Đức Thánh Cha vào cuối buổi tiếp kiến chung, hôm 24 tháng Tám vừa qua, ngài nói rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mascơva. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”
Hôm sau, 25 tháng Tám, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đến để phản đối. Từ Ba Lan, nhiều báo chí cũng phê bình Đức Giáo Hoàng và thậm chí có chính trị gia lăng mạ ngài.
Không có phản ứng chính thức nào từ phía Tòa Thánh về sự việc này của chính phủ Ukraine. Nhưng hôm 26 tháng Tám, Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh, ông Andrii Yurash, đã có những lời tuyên bố dịu giọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của những quan hệ giữa Ukraine và Tòa Thánh.
Tuy nhiên, ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, đã gửi đến chương trình tiếng Ukraine của đài Vatican một tuyên ngôn, trong đó ông nhấn mạnh rằng: “Đức Giáo Hoàng nói với tâm hồn của một linh mục, chứ không phải là một nhà chính trị. Ngài muốn bày tỏ sự cảm thông theo tinh thần Kitô đối với người chết, với mọi người chết, kể cả với Darya Dugina, và chắc chắn ngài không muốn làm thương tổn tâm tình của nhân dân Ukraine. Không gì có thể biện minh cho việc giết người. Nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng bênh vực các nạn nhân bị gây hấn bất công... Những lời của Đức Giáo Hoàng hôm 24 tháng Tám vừa qua, rất mạnh mẽ, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và thực sự dấn thân cho hòa bình từ phía các nhà lãnh đạo quốc gia.
Maria Antonietta Calabrò, ký giả chuyên về Vatican thì ngờ rằng có những thế lực cung cấp thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng.
Cô viết: Ở Vatican, trò chơi lớn luôn trở nên phức tạp và thu hút sự chú ý hơn những nơi khác. Điều này đúng đối với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với Mạc Tư Khoa, nơi luôn coi đó là sức mạnh đối trọng với chủ nghĩa đế quốc phương Tây
Những lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc ám sát Daria Dugina là rất trang trọng. Và những lời ấy đã vượt xa sự tôn trọng của con người và Kitô giáo đối với những người đã chết một cái chết bạo lực.
Dugina không giống như hàng chục trẻ em mồ côi Ukraine được Caritas Ý đưa đến yết kiến Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư tuần trước, những đứa bé hầu hết bị giam trong các cơ sở, bị mất nhà cửa và cơ may được sống trong một mái gia đình. Các em là những nạn nhân vô tội của cuộc chiến. Trái lại, Dugina là một người trưởng thành cố ý tham gia vào một chiến dịch do cha cô, Alexander Dugin, thiết kế, nhằm thâm nhập vào các nền dân chủ Âu Châu và ủng hộ cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”, tức là một cuộc chiến vô cớ và hoàn toàn bất hợp pháp từ quan điểm của luật pháp quốc tế nhằm chống lại sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, là Ukraine. Cô ta hăng hái đến nỗi cuốn sách sắp xuất bản của cô ta có một tiêu đề rõ ràng: “Z”. Đó là, cuộc hành quân Zapad, khiến những đứa trẻ trở thành mồ côi và ngồi trước mặt Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư tuần trước ở Aula Nervi.
Trong bối cảnh tiểu sử của Dugina, một nhân vật công chúng, đã được biết đến rộng rãi (chỉ cần xem trên Internet) câu hỏi cần được đặt ra là liệu Đức Phanxicô đã tự mình phạm sai lầm này hay ai đó đã thông báo cho Đức Giáo Hoàng một cách sai lệch như vậy khiến ngài mắc sai lầm khi đánh giá một cách thô thiển và đầy rủi ro khi cho rằng có một cuộc chiến “điên rồ” đang diễn ra, ngay tại trung tâm Âu Châu. Những tuyên bố như thế đánh dấu một sự hỗ trợ chắc chắn cho Điện Cẩm Linh và đã gây ra phản ứng của Kyiv.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ý luôn có ba phần tư là “phương tây” và một phần tư “phương đông”. Chúng tôi là quốc gia có cơ quan đại diện ngoại giao của Nga đông nhất (điều này phần nào bao hàm một số lượng rất cao các điệp viên). Nhưng chính ở Vatican, trò chơi lớn luôn trở nên phức tạp và thu hút sự chú ý hơn những nơi khác
3. Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lập pháp Công Giáo phát triển tinh thần huynh đệ
Sáng ngày 25 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên cuộc gặp gỡ do “Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công Giáo” tổ chức, và ngài đặc biệt kêu gọi họ hãy góp phần xây dựng hòa bình qua sự phát triển tình huynh đệ.
Liên mạng này được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại Vienne, bên Áo, nhưng các hội nghị quốc tế thường niên của Liên mạng phần lớn diễn ra tại Roma và kéo dài bốn ngày. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, hôm thứ Năm vừa qua, cũng có Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục giáo phận Vienne và Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem II, Giáo chủ Chính thống Siriac. Nhắc đến chủ đề cuộc gặp gỡ, là thăng tiến công lý và hòa bình trong bối cảnh chính trị địa lý hiện nay, bị ghi đậm với những cuộc xung đột và chia rẽ tại nhiều miền trên thế giới, Đức Thánh Cha nhấn mạnh một từ chủ yếu là “tình huynh đệ”. Ngài nói:
“Thực vậy, một xã hội công bằng không thể hiện hữu nếu không có mối liên hệ huynh đệ, nghĩa là nếu không có cảm thức trách nhiệm chung và quan tâm đến sự phát triển và an sinh toàn diện của mỗi phần tử trong gia đình nhân loại chúng ta. Vì thế, để làm cho sự phát triển cộng đoàn thế giới có thể diễn ra, có khả năng thực hiện tình huynh đệ đi từ các dân tộc và quốc gia, sống tình bạn xã hội, thì cần một nền chính trị tốt, nhắm phục vụ công ích đích thực (Fratelli tutti, 154). Nếu chúng ta muốn chữa lành thế giới chúng ta, đang bị thử thách đau thương vì sự cạnh tranh và những hình thức bạo lực nảy sinh từ ước muốn thống trị thay vì phục vụ, chúng ta không những cần các công dân trách nhiệm, nhưng cũng cần những vị lãnh đạo có khả năng, được một tình yêu huynh đệ hướng dẫn, nhắm trước tiên tới những người đang sống trong những hoàn cảnh bấp bênh nhất. Trong viễn tượng này, tôi khuyến khích những cố gắng của anh chị em, trên bình diện quốc gia và quốc tế, để chấp nhận những chính sách và luật lệ tìm cách đương đầu, trong tinh thần liên đới với nhiều tình trạng chênh lệch và bất công đe dọa các tầng lớp xã hội và phẩm giá nội tại của tất cả mọi người”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Sau cùng, nỗ lực kiến tạo tương lai của chúng ta đòi phải liên lỉ tìm kiếm hòa bình. Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh. Trái lại, con đường dẫn đến hòa bình lâu bền đòi sự cộng tác, nhất là từ phía những người có trách nhiệm nhiều hơn, trong việc theo đuổi các mục tiêu nhắm mưu ích cho tất cả mọi người. Hòa bình đến từ một sự dấn thân lâu bền trong việc đối thoại với nhau, kiên nhẫn tìm kiếm sự thật và đến từ ý chí đặt thiện ích chân chính của cộng đoàn trên tư lợi. Trong viễn tượng này, công việc của anh chị em như những nhà lập pháp và lãnh đạo chính trị càng quan trọng hơn bao giờ hết...”.