Lá thư Canada : Chuyện Cười Hay Nhất

Canada mừng lễ quốc khánh giữa mùa hè, ngày 1 tháng 7, trước quốc khánh Hoa Kỳ 4 ngày. Vui vẻ hết sức. Quốc gia trẻ trung này mới có 155 năm tuổi, trẻ hơn quốc gia đàn anh là Hoa Kỳ phía dưới. Đọc sử thì thấy nước đàn anh khi xưa xém nuốt cả đàn em, nhưng may là khi đó đàn anh chưa mạnh đủ, và đàn em còn bám vào được nước mẹ là Anh Quốc. Rồi nhờ các tỉnh phía đông biết kết hợp mà năm 1864 đã liên kết với nhau và đã cử đại biểu sang tận nước mẹ điều đình. Cuối cùng Canada đã ra đời với 4 tỉnh bang tiên khởi trẻ trung miền đông là Ontario, Quebec, Nova Scotia và New Brunswick. Các tỉnh miền tây gia nhập liên bang Canada về sau, và con đường sắt xuyên bang dài 6.350 cây số đã là cột xương sống nối kết quốc gia lại từ năm 1885. Lễ quốc khánh bao giờ cũng có diễn hành, pháo bông, hòa nhạc, và lễ nhập quốc tịch cho các công dân mới. Lễ to nhỏ tùy vùng. Nhóm làng An Lạc chúng tôi đến Canada từ năm 1975 nên là những tân công dân sớm nhât.

Trước lễ quốc khánh có lễ mừng các người cha, Father’s Day, phe các bà trong làng An Lạc của tôi phụ trách nấu ăn. Chị Ba Biên Hòa làm đầu bếp và Cụ B.95 làm cố vấn. Chị Ba nấu bữa ăn quốc khánh với toàn món khoai tây. Sao lại khoai tây? Số báo trước tôi có kể hầu các cụ món đặc trưng của Canada là món Poutine, món khoai tây chiên với sauce, lần này cũng khoai tây nhưng không phải poutine mà khoai Canada nhưng nấu với gia vị VN và bàn tay VN. Chị Ba đã thao thao bất tuyệt về lịch sử củ khoai này. Không ai ngờ chị giỏi như vậy, anh John mê chị là phải. Trong khi nấu các món ăn, Chị Ba tức nhà sử học kể rằng khoai tây có gốc từ Nam Mỹ, từ thế kỷ 16 khi các ông thực dân Tây Ban Nha đem củ khoai này về cố quốc nhưng củ khoai đã nằm yên trong vườn bách thảo 200 năm, mãi về sau họ mới biết củ khoai này là một kho thuốc bổ, mới bắt đầu xài và phổ biến khắp Âu Châu. Rồi người Anh mới đem nó sang Bắc Mỹ. Nó đến Bắc Mỹ nhưng dân ở đây vẫn chưa tin ngay. Ban đầu khoai tây chỉ dùng để nấu rượu và nuôi gia súc, bây giờ thì khoai tây có mặt trên mọi bàn ăn, Các nhà dinh dưỡng cho biết mỗi ngày chỉ cần ăn nửa ký khoai tây và một quả trứng gà là đủ chất bổ cho một người nặng 70 ký. Ở Bắc Mỹ này, một em bé đang khóc mà cho nó gói French fries, khoai chiên với ketchup, là nó hết khóc ngay lại còn cười nữa.

Mọi người đang say sưa nghe Chị Ba thì anh John chồng chị giơ tay nói : Xin các bác chú ý : Món khoai chiên ở McDonalds không phải làm từ khoai tươi mà làm từ khoai bột ép đông lạnh đó nha. Không tin mời các bác mua một gói ăn thử coi. Các cụ đã thấy chưa, cả hai vợ chồng anh đều rành ăn và rành nấu nữa. Đáng nể qúa.

Tôi mắc bệnh viết miên man, đang khoai tây trong bếp VN mà lại sắp sửa sang bếp Canada. Bữa ăn lễ quốc khánh Chị Ba đã nấu món bò hầm với khoai, gọi là beef stew. Miếng khoai và miếng thịt được ninh thật nhừ, nước nó sền sệt. Món thứ hai cũng khoai, được xắt lát mỏng, chiên vàng rồi đổ thịt bò lên trên. Đây là món chính. Món tiếp theo cũng khoai, được chiên cho cháy cạnh rồi hầm với gà và càri. Đáng lẽ ăn với bánh mì nhưng làng tôi đã ăn với cơm. Cơm VN ăn với khoai Canada, nó hợp nhau quá chừng. Và món tráng miện là chè khoai. Không phải khoai tây mà là khoai lang mật, nhập cảng từ VN. Ôi ngon làm sao !

Nghe tới khoai lang mật thì mắt cụ B.95 sáng rực lên. Cụ nói với Chị Ba : Cô làm tôi nhớ quê ngoài Bắc quá. Khoai môn, khoai sọ, khoai mỡ, khoai lang là những thứ tôi ăn từ bé. Nó ngon đậm đà vô cùng. Khoai tây ở Canada này làm sao bì được với các thứ khoai ở quê mình !

Nghe đến đây thì Cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng xin nhà bếp thôi nói chuyện khoai để còn nói chuyện thời sự và chuyện cười. Ai cũng đồng ý. Và chuyện thời sự có ngay.

Nhưng làng tôi không nói chuyện Dịch Cô Vít, chuyện Ngài Putin đem quân xâm lăng Ukraine, chuyện xăng lên giá, ngấy quá rồi. Chuyện thời sự hiện đang được chú ý là lễ mừng 70 năm làm vua của Nữ hoàng Elizabeth II. Ôi, vinh quang hết mực, nào diễn binh, nào tiệc mừng, nào hòa nhạc, nào đua ngựa. Mỗi lần thấy Nữ hòang là tôi nhớ ngay tới Hoàng tử Charles, hoàng tử đã già 73 mà vẫn chưa được lên ngôi, là tôi nhớ ngay tới bài diễn văn nổi tiếng ‘ The young in heart’ của nữ hoàng khi đăng quang. Hồi đó bọn tôi học lớp cuối cùng bậc trung học, ban văn chương nên ai cũng phải học bài này.

Tại Canada ngày chủ nhật cuối tháng 6 vừa qua có buổi lễ ra mắt sách, rất trang trọng tại trụ sở làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Ontario. Đó là tác phẩm nổi tiếng Hài Khúc Tuyệt Vời, Divina Commedia, của Dante Alighieri người Ý viết vào thế kỷ 13 do Giáo Sư Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ. Và tác phẩm ‘Luận về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa con người’, Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes, của J.J. Rousseau người Pháp viết vào thế kỷ 18, do Giáo Sư Dương Văn Hóa dịch thuật. Hai tác phẩm nổi tiếng do 2 dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ này do Học Viện Công Dân của hai ông bà Tiến Sĩ Nông Duy Trường - Nguyễn Phúc Anh Lan in ấn và phát hành. Các cụ còn nhớ Học Viện ICEVN này chứ? Một tổ chức văn hóa ở hải ngoại chuyên phát hành những dịch phẩm uy tín về văn hóa thế giới.

Tôi ngấy chuyện vua Putin xâm lăng Ukraine nhưng có một chuyện nhỏ trên mạng về cuộc chiến này làm tôi nhớ mãi, chắc suốt đời, xin chép lại cho hậu thế soi gương. Đó là chuyện một người tỵ nạn Ukraine vô cùng tốt bụng. Rằng có một cư dân Ukraine muốn trốn chạy giặc Nga nhưng không có phương tiện, ông kể : tôi rời hầm trú bom và nhìn thấy một chiếc xe hơi mầu đỏ đậu gần. Xe mở và chìa khóa gắn sẵn. Tôi nhìn cái xe và ao ước giá được chủ nhân cho đi nhờ. Tôi chờ 2 giờ mà không thấy chủ nhân xuất hiện liền leo lên rồi chở cả gia đình chạy trốn. Tôi thấy trong ngăn xe có cái điện thoại bèn cầm lên, và quay số của chủ nhân đã ghi sẵn. Tôi nói lời xin lỗi vì đang xài xe để cứu cả gia đình. Bên kia là chủ nhân trả lời ngay : Tốt quá, tạ ơn Chúa. Xin bạn đừng lo. Tôi có 4 cái xe, gia đình tôi chạy trốn bọn Nga chỉ cần một chiếc, nên tôi để lại 3 chiếc ở 3 nơi khác nhau, đã đổ đầy xăng, và số điện thoại để liên lạc. Như vậy là tôi đã nhận được đủ 3 cuộc gọi lại, như vậy là 3 xe của tôi đã cứu được 3 gia đình. Tạ ơn Chúa. Xin bạn an lòng và bảo trọng.

Bạn thấy chuyện này sao cơ? Tôi mà có trong tay 4 cái xe và gặp biến thì cũng chẳng nghĩ ra được việc bác ái vô cùng thông minh như thế này.Tôi vừa kể đến đây thì ông Từ Hòe giơ tay xin tiếp sức. Rằng lần trước bác kể chuyện cô thư ký phi trường Newark bên Mỹ đã đối đáp tuyệt vời với một tên khách hàng ăn nói mất dạy ‘ Mày có biết tao là ai không?’ làm tôi nhớ tới chuyện cũng y chang về nàng Jane Fonda và Ted Turner đi ăn nhà hàng ở Montana. Bữa đó nhà hàng đông nghẹt, và bao nhiêu người phải sắp hàng chờ. Jane Fonda không giữ chỗ nhưng cứ đòi có bàn ngay. Cô tiếp viên từ chối nên Fonda hỏi : Cô có biết tôi là ai không? Cô ta đáp ngay : Dạ biết, nhưng bà phải chờ 45 phút. Fonda gặp manager, cũng bị từ chối và cũng hỏi lại câu như trên và đòi gặp chủ nhà hàng. Chủ nhân ra tiếp và Fonda hỏi ‘Ông có biết tôi là ai không. Chủ nhân trả lời tỉnh bơ : Biết chứ, biết quá chứ, bà là người thuộc phe phản chiến, đã đi Hà Nội bắt tay với VC đâm sau lưng chúng tôi lúc đó đang chiến đấu ở VN. Bà không có chỗ tối nay, tối mai và mãi mãi về sau. Chào ông bà. Cụ nào có dịp đi Mỹ nhớ tới ăn món steak của nhà hàng nổi tiếng này nha: Sir Scott Oasis Steak House, 204 W. Main, Manhattan.

Nghe đến đây thì cụ già B.95 trong bếp lên tiếng xin thôi các chuyện mà cụ cho là cao siêu. Cụ xin tiếng cười, và thần tượng của cụ là anh John lên tiếng hỏi : Cụ muốn chuyện cười quốc tế hay chuyện cười VN? Cụ đáp bữa nay xin đổi món, xin nghe chuyện cười quốc tế. Anh John là bồ chuyện cười nên có ngay. Cháu xin kể chuyện cười viết trong tạp chí quốc tế Reader’s Digest. Cháu xin mở ngoặc nói chút xíu về tờ báo danh tiếng này. Báo vừa mừng lễ 100 tuổi, do ông bà D.Wallace thành lập năm 1922 ở Hoa Kỳ. Báo này có 49 ấn bản bằng 21 ngôn ngữ khác nhau, có hơn 10 triệu độc giả khắp hoàn cầu. Năm 2009 tạp chí hỏi ý độc giả : trong các chuyện cười đã đăng thì chuyện cười nào hay nhất, và độc giả đã chọn chuyện cười 2 người đi săn. Năm nay, kỷ niệm 100 năm, tạp chí cũng đặt câu hỏi như vậy và chuyện 2 người đi săn vẫn được chọn là hay nhất Các cụ có biết chuyện này không cơ? Hôm nay tôi xin dịch chuyện này trực tiếp từ tạp chí để các cụ thưởng thức nha :

… Bữa đó có 2 người bạn rủ nhau vào rừng đi săn, anh A và anh B, Đi được một lúc thì anh B tự nhiên té lăn đùng xuống đất, mắt đờ đẫn, không thở gì. Anh A sợ quá, liền móc máy gọi 911. Anh nói : Tôi nghĩ rằng bạn tôi chết rồi, vậy bây giờ tôi phải làm gì? Bên cứu thương đáp ngay : Xin bình tĩnh. Có chắc rằng bạn anh đã chết không? Yên lặng rồi tự nhiên có tiếng súng nổ. Rồi anh A nói tiếp : Bây giờ thì chắc bạn tôi chết thật rồi…

Hết chuyện.

Các cụ thấy thế nào cơ? Cụ B.95 trả lời ngay : Nhạt như nước ốc ! Rồi cụ nói tiếp với anh John : Anh là dân Canada chính hiệu, anh hãy kể cho tôi nghe vài chuyện cười Canada. Anh John nghĩ một lúc rồi nói : cháu xin kể 4 chuyện cười tiêu biểu về đối thoại giữa 1 cặp vợ chồng trẻ.

Chuyện 1 : Vợ hỏi chồng : Sao bữa nay đi làm mà anh về sớm thế? Chồng đáp : Vì lão giám đốc giận anh quá nên hắn quát anh : Cút ngay về nhà cho khuất mắt tao !

Chuyện 2 : Vợ bảo chồng : Em ước mình là tờ nhật báo để anh ôm em mỗi buổi sáng. Chồng đáp : Anh cũng ước em là tờ nhât báo để anh có báo mới mỗi ngày.

Chuyện 3 : Một cặp vợ chồng da trắng có đứa con đầu tiên, nhưng da nó đen. Anh chồng không nghĩ đứa bé là con mình. Anh ta mới hỏi vợ : tại sao con chúng ta lại da đen. Vợ đáp : vì lúc yêu nhau thì anh cũng cuồng nhiệt, em cũng cuồng nhiệt, cả hai chúng ta cùng cuồng nhiệt nên nóng cháy, nên da con chúng ta mới đen là thế.

Chuyện 4 : Vợ hỏi chồng : Anh đang tìm kiếm cái gì thế? Chồng đáp : có tìm cái gì đâu ! Vợ nói ngay : Không tìm cái gì à? Em thấy anh đọc tờ hôn thú cả một giờ rồi mà. Chồng : À, anh tìm ngày hết hạn.

Nghe xong 4 chuyện về vợ chồng Canada nói với nhau, thấy cả làng chỉ cười chút xíu cho đúng phép lịch sự, ông bồ chữ Từ Hòe liền xin góp một chuyện cũng về chuyện nói giữa hai vợ chồng ngày xưa ở Bắc Kỳ. Rằng bữa đó là ngày họp làng, các đấng kỳ mục vừa nhậu vừa bàn. Giữa tiệc thì hết rượu. Anh sãi bõ làng mới sai vợ đi mua rượu. Không hiểu sao chị đi đã lâu mà không thấy mang rượu về, biết các cụ chờ rượu nên anh sãi ra đầu làng đón vợ. Mãi mới thấy vợ đem rượu về. Tới cổng làng thì bà vợ mót đái quá nên đã ngồi xuống tè. Ông chồng sốt ruột quá, bèn nói lớn như ra lệnh : Mẹ mày đái lẹ lẹ lên rồi mang ngay vào cho các cụ uống !

Còn đây cũng là chuyện nấu ăn ngày giỗ. Bữa đó cô con dâu đứng nấu bếp nhưng vì mùa hè trời nóng quá nên cô ăn mặc hở hang. Một ông bác thấy vậy thì ngứa mắt bèn bảo : Cháu đừng bày biện ra nhiều thế. Cô con dâu không hiểu ý, bèn đáp ngay : Chả mấy khi các bác đến chơi nên cháu có bao nhiêu thì cháu xin bày biện ra hết để mời các bác xơi cho thỏa ạ.

Cả làng vỗ tay khen hay nên được hứng ông Từ Hòe liền kể thêm một chuyên nữa cũng về việc ăn. Rằng bữa đó trên chuyến xe đò về lục tỉnh, xe rất đông khách. Giữa đường có một bà xồn xồn nói với ông tài xế : Tôi mót ị quá, chỗ nào tiện thì ông cho tôi xuống vài phút, tôi ị xong thì ông muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Phe các bà nghe đến đây thì la lên : Sao mợ ta ăn nói như vậy ! Ông Từ Hòe phải cắt nghĩa ngay : Cái chữ ĂN mà bà xồn xồn có ý nói là ăn công, lấy công, cái công ông ấy đã ngừng xe để cho bà ta xuống đi cầu…

Các cụ có thấy cái tiếng Việt nhà mình nó rầy rà không. Khi bà con mình di cư tới đất Canada gấm hoa này, nó cũng ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh và tiếng Pháp. Chuyện này nhiều và dài vô cùng, kẻ hèn này xin trình vài chuyện còn nhớ. Rằng bữa đó là giờ Pháp văn, cô giáo vừa dạy xong bài về đếm số từ 1 tới 10, un deux trois…và bảo cả lớp ngày mai sẽ học tiếp từ 20, 30 đến 100. Có một bà xồn xồn không biết sợ hãi hay mắc cở gì cả, liền nói : khỏi cần, chúng tôi biết đếm từ ‘un deux trios tới dix’ là đủ rồi, là đã biết đếm các con số khác rồi, vì 10 là dix, vậy 20 sẽ là deux dix, 30 sẽ là trois dix…Cô giáo nghe dịch xong liền phá ra cười và thích chuyện này lắm, cô bảo cô sẽ ghi vào sổ sự thông thái này. Chưa hết. Chuyện học pháp văn chưa hết. Rồi đến ngày lễ quốc khánh Canada, cả lớp mời cô giáo đi ăn ở nhà hàng VN. Bữa đó ăn món cua luộc nên ai cũng phải ăn bằng tay, và sau đó là màn rửa tay để ăn tiếp món khác. Cái bà xồn xồn trên đây ngồi bên cô giáo nên bà ta mời cô giáo rửa tay trước rồi bà sẽ rửa sau, bà nói : Vous lavez votre avant, je vous laverai votre dèrriere ! Cô giáo nghe xong bụm miệng cười mãi không thôi.

Ông Từ Hòe nghe xong thì gật gù : Học ngoại ngữ thì phải nói bạo như vậy mới chóng tiến bộ và chóng biết nói. Rồi ông xin góp thêm một chuyện cùng ý này. Rằng nhóm ông hay họp nhau cuối tuần nhậu nhẹt. Bữa đó nhóm ông vừa nhậu vừa bàn về câu nói danh tiếng trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô tất Tố : Câu nói của ông chủ nhà dê xồm, đêm tối mò xuống dê cô tớ gái. Cố gái sợ quá van xin vì mình phận tôi tớ. Ông chủ nhà dê xồm trấn an ngay : ‘Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh’. Nhóm ông đã ra công dịch câu nói bất hủ này sang tiếng Pháp và tiếng Anh, mà không dịch xong vì không ai chịu ai. Nghe các ông cãi nhau mãi thì có một bà vợ chắc có máu giống cái bà xồn xồn trên đây liền xin góp ý : Khó gì câu đó ! theo tôi thì tôi dịch thế này :

Pháp văn : Sans lumière, numéro un même chose numéro dix !

Anh văn : No light, number one same same number ten !

Các cụ thấy sao cơ, lời dịch của vị nữ lưu được bao nhiêu điểm cơ?

Cụ nào có bệnh khó ngủ, khi lên giường cứ nghĩ về mấy chuyện cười này thì sẽ ngủ ngon ngay. Thuốc tiên đó nha.

Xin kính mừng 2 lễ quốc khánh Canada và Hoa Kỳ.

TRÀ LŨ