CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Mt 13, 24-43

CỎ LÙNG và LÚA - HẠT CẢI, NẮM MEN

Thế giới nơi con người sống luôn có ánh sáng và bóng tối. Con người thường nêu vấn nạn: tại sao có sự dữ ? Tại sao Chúa đã đến trần gian hơn 2.000 năm, mà con người vẫn còn đau khổ ? Giáo Hội do Chúa thiết lập, tại sao vẫn còn những khuyết điểm ?

Người Kitô hữu thấy sự xấu, thấy tiêu cực trong Hội Thánh, có người không muốn xây dựng, họ muốn xa rời Giáo Hội. Như dụ ngôn cỏ lùng Chúa nhật 15, năm A gợi lên, con người không muốn để cho cỏ lùng mọc bên lúa tốt, họ muốn phân cách rõ ràng người lành, người dữ…

CẦN CÓ CÁI NHÌN TÍCH CỰC:

Hạt giống tốt đã được gieo trồng đầu tiên và ở khắp nơi trên mặt đất. Do đó, hạt lúa tốt cũng sẽ được gặt hái sau cùng và ở khắp nơi khắp chốn. Cỏ lùng không phải là nguyên thủy và cùng đích; nó cũng không phải là Alpha và Omêga. Alpha và Omêga chính là hạt lúa tốt. Hình ảnh cỏ lùng và lúa cho thấy Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện như kinh tin kính chúng ta thường đọc, nhưng Giáo Hội lại gồm những con người tội lỗi. Rõ ràng ý nghĩa của đoạn Tin Mừng Mt 13, 24-30 gợi lên cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi hôm nay. Hội Thánh gồm vô số các vị thánh, nhưng lại rẫy đầy các tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các vị thánh trong khoảng khắc, trong giây lát và những vị thánh lại trở nên hoàn hảo hơn, thánh thiện hơn. Các tội nhân cần chúng ta cảm thông, tha thứ, còn các thánh khơi lên trong chúng ta lòng cảm yêu, mến phục, sự noi gương bắt chước các Ngài. Cỏ lùng và lúa khiến chúng ta hiểu rõ hơn khía cạnh bất toàn của con người, khía cạnh không hoàn hảo của thế gian. Nên mới có ánh sáng và bóng tối. Hội Thánh cũng chỉ là đoàn người đang lữ hành, đang tiến tới, trong đoàn lữ hành có những người đang gần Chúa nhưng cũng có nhiều người xem như xa lạ với Chúa. Là người Kitô hữu chính là nhập cuộc, đồng hành với đoàn người lữ hành ấy với lòng tin, với tấm lòng quảng đại, trái tim nhạy cảm và luôn tha thứ, cảm thông. Người ta dễ nghe tiếng ngã đổ của cây lớn, nhưng không nghe thấy hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách chui đầu lên đất như lời Đức Hồng Y Etchaygaray nói. Người ta luôn cần có ánh sáng và lửa để sống. Không có ánh sáng cây cối và con người không có sự sống. Không có lửa thức ăn không thể chín. Nhưng tất cả đều phải biết xử dụng đúng và chuẩn vào mục đích. Cỏ lùng và lúa cứ để mọc lên cho tới khi lớn, rồi chúng ta sẽ nhổ vứt cỏ lùng vào lửa, vào một nơi nào đó. Yêu mến Giáo Hội là biết cảm thông và xây dựng Giáo Hội theo chiều hướng tích cực. Các thánh là những người đã sống canh tân Giáo Hội bằng chính sự cảm thông, từ bỏ và hy sinh của chính bản thân mình. Đây là cách thế tốt nhất để phân biệt ánh sáng và bóng tối, cỏ lùng và lúa trong Hội Thánh…

HẠT CẢI, NẮM MEN:

Dụ ngôn hạt cải ám chỉ sự tăng trưởng, sự lớn dậy của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men ám chỉ đến sự biến đổi ngấm ngầm bên trong, nghĩa là chiều sâu của Giáo Hội. Hội Thánh giốngt như hạt cải mà Chúa Giêsu ám chỉ bên bờ hồ Tibêria, cây cải có thể cao tới 3 thước. Nước Trời xuất hiện từ thời được loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu và của Hội Thánh tiên khởi trong sự khiêm tốn và khó nghèo. Đây là giáo huấn cốt lõi của dụ ngôn Hạt cải, nắm men. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này để nói tới thời kỳ đầu tiên của việc truyền giáo của Ngài và của Giáo Hội…Tuy bước đầu có vẻ nhỏ bé, khiêm hạ nhưng nó phát triển âm thầm, lặng lẽ nhưng thật đáng khích lệ. Thánh Matthêu viết: trên cành cây cải, chim trời có thể đậu và trú ngụ. Điều này cho thấy các dân ngoại giáo lúc đó được kết nạp vào Giáo Hội tiên khởi của Chúa Giêsu. Dụ ngôn hạt cải và nắm men tương xứng với nhau. Một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Một hạt cải nhỏ bé có thể mọc lên một cây to lớn khiến chim trời có thể tới đậu. Chúa muốn nói lên Nước Trời đã tới, đang ở giữa nhân loại. Men Nước Trời là ơn thánh. Ơn thánh ta không thấy nhưng ngấm ngầm hiệu nghiệm, sinh hoa trái tốt đẹp trong tâm hồn con người và trong sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu.

DỤ NGÔN MUỐN NHẮN GỬI MỌI NGƯỜI:

Chúa muốn dậy con người về thảm họa của nhân loại. Con người nếu sống trong hận thù sẽ bị diệt vong. Còn nếu con người sống có Đức Kitô, họ sẽ nhận được hạnh phúc và tình thương, Nước Trời lúc đó sẽ hiện diện. “ Nơi đâu có Chúa Kitô, nơi đó có Hội Thánh..”. Qua dụ ngôn này Chúa còn muốn dậy cho con người về thảm họa sâu sắc hơn là thảm kịch tâm hồn của mỗi người. Trong đáy thẳm tâm hồn con người luôn có sự xâu xé giữa sự thiện và sự ác. Có những điều tốt ta muốn làm nhưng lại không làm mà lại quay làm những việc xấu xa như lời thánh Phaolô đã nói. Sự xấu, tội ác, khuynh hướng không lành mạnh là một thực tại không thể chối cãi được nơi mỗi người. Chúng ta vẫn có óc kỳ thị muốn đẩy lùi và tiêu diệt, khử trừ những người không đồng quan điểm, không cùng chí hướng với ta về chân thiện mỹ. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Nếu Thiên Chúa không thương yêu ta, liệu ta có còn tồn tại nơi thế gian không ? Do đó, chúng ta vẫn phải kiên nhẫn và Chúa đòi hỏi ta kiên nhẫn. Gương của Chúa và của Giáo Hội về sự cảm thông, tha thứ phải là sức mạnh giúp ta hiểu rõ con người yếu đuối của ta để ta dễ cảm thông và tha thứ cho những người khác. Bài học của dụ ngôn cỏ lùng và lúa, men và nắm bột dậy ta luôn biết sống tình thương, luôn phát ra những tia sáng của tình thương để ta luôn cảm thông với những người yếu hèn nhưng biết ăn năn hối cải…

Xin Chúa cho chúng ta biết sống tình yêu và chia sẻ tình yêu với những người ở bên ta.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1-Hạt giống tốt đã được gieo từ bao giờ ?

2-Cỏ lùng có phải là Alpha và Omêga, nguyên thủy và cùng đích không ?

3-Men theo nghĩa của dụ ngôn là gì ?

4-Hạt cải ở giáp hồ Tibêria có thể cao tới bao nhiêu ?

5-Chim tới đậu trên cành cải ám chỉ gì ?

6-Thiên Chúa là Đấng nào ?

7-Sự kiên nhẫn có cần cho ta không ?

8-Nước Trời qui tụ những ai ?