Theo tin Aleteia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu cho lên liên mạng các tài liệu văn khố thuộc triều đại Đức Piô XII. Đáp lại mệnh lệnh này, văn khố Tòa Thánh thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh là văn khố chứa hầu hết các thư từ của người Do Thái yêu cầu Đức Piô XII can thiệp để họ thoát nạn diệt chủng của Quốc xã đã thực hiện việc này. Tính cho đến nay, 179 bộ văn khố ấy bao gồm 40,000 hồ sơ đã được kỹ thuật hóa số, chiếm khoảng 70% tổng số các tài liệu này. 30% còn lại sẽ gấp rút được kỹ thuật số hóa trong một tương lai gần đây.



Trong một mục trên nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, người chịu trách nhiệm về văn khố này, đã giải thích việc làm của cơ sở ngài. Nội dung bài viết của ngài như sau:

“Nếu tôi viết thư cho Ngài hôm nay, đó là để nhờ Ngài giúp đỡ tôi từ xa”. Hàng nghìn tệp hồ sơ văn khố nói tới những lời kêu cứu tuyệt vọng. Giống như bức thư này, của một sinh viên đại học người Đức 23 tuổi “gốc Israel”, người đã được rửa tội vào năm 1938, và là người, vào ngày 17 tháng 1 năm 1942, đã thực hiện cố gắng cuối cùng để được giải thoát khỏi bị giam giữ trong một trại tập trung ở Miranda de Ebro, Tây ban nha. Cuối cùng sinh viên này đã có cơ hội đoàn tụ với mẹ, người đã trốn sang Mỹ vào năm 1939, “để chuẩn bị một cuộc sống mới cho tôi”, anh viết như thế. Mọi sự đã sẵn sàng để khởi hành từ Lisbon. Điều duy nhất còn thiếu là sự can thiệp của “một ai đó từ bên ngoài” để các nhà chức trách đồng ý giải thoát cho anh. “Có rất ít hy vọng cho những người không có sự trợ giúp từ bên ngoài”, anh giải thích như thế bằng những từ ngữ ít ỏi, nhưng hùng hồn. Sau đó, anh viết thư cho một người bạn cũ người Ý, đề nghị bà yêu cầu Đức Giáo Hoàng Piô XII nhờ Sứ thần Tòa thánh tại Madrid can thiệp có lợi cho anh, vì biết rằng: “với sự can thiệp này của Rôma, những người khác đã từng có thể rời trại tập trung”.

Trong hai tài liệu sau đây, chúng ta phát hiện ra rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã giải quyết vụ việc trong một ít ngày, "mới" làm nó được sự chú ý của Sứ thần Tòa thánh ở Madrid. Sau đó, dấu vết bằng giấy tờ bị gián đoạn. Số phận của cậu sinh viên trẻ người Đức này rơi vào im lặng. Đối với phần lớn các yêu cầu trợ giúp được chứng thực bởi các trường hợp khác, kết quả của yêu cầu không được tường trình. Trong thâm tâm, chắc hẳn chúng ta hy vọng sẽ có ngay kết quả tích cực, tức hy vọng rằng Werner Barasch sau đó được cứu khỏi trại tập trung và có thể đến gặp mẹ của mình ở nước ngoài.

Trong trường hợp chuyên biệt này, mong muốn của chúng ta đã được thực hiện: một cuộc tìm kiếm trên internet cho thấy dấu vết của anh vào năm 2001. Không những đây là một câu truyện tự kể lại những kỷ niệm của anh như một "người sống sót", mà trong số các bộ sưu tập trực tuyến của Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng ở Hoa Kỳ, thậm chí còn có một video với một cuộc phỏng vấn dài, trong đó Werner Barasch trực tiếp kể lại câu chuyện đáng kinh ngạc của mình, ở tuổi 82 (Lịch sử truyền miệng N. RG 050.477.0392) (1). Nhờ thế, chúng ta biết rằng anh đã được thả tự do khỏi trại Miranda một năm sau thư kêu gọi của anh gửi cho Đức Giáo Hoàng, và vào năm 1945, cuối cùng anh đã có thể đoàn tụ với mẹ ở Hoa Kỳ. Tại đây, anh tiếp tục theo học tại Đại học California, Berkeley, MIT và Đại học Colorado. Sau đó, anh làm việc như một nhà hóa học ở California. Nhờ có nhiều tài nguyên trực tuyến phong phú hơn bao giờ hết, lần này chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tài liệu

Một di sản tài liệu đặc biệt giúp phân biệt nó với các loạt văn khố khác, nhờ cái tên được chỉ định cho nó: “Ebrei” (Người Do Thái). Một di sản quý giá vì nó tập hợp những lời kêu cứu của người Do Thái gửi đến Đức Giáo Hoàng Piô XII, cả những người đã được rửa tội lẫn những người chưa được rửa tội, sau khi cuộc đàn áp của Đức Quốc xã và phát xít Ý bắt đầu. Một di sản, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện có thể sử dụng được bởi toàn thế giới nhờ dự án công bố ấn bản kỹ thuật số hóa hoàn chỉnh các loạt tài liệu văn khố.

Đây là loạt tài liệu mang danh “Ebrei” của Văn khố Lịch sử thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh - Bộ phận Liên hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế (ASRS). Loạt tài liệu này tổng cộng gồm 170 cuốn là một phần của Tuyển tập Các Vấn đề Giáo hội Đặc biệt (AA.EE.SS.) liên quan đến Triều Giáo hoàng của Đức Piô XII - Phần 1 (1939-1948), và đã có sẵn để các học giả toàn thế giới tham khảo kể từ ngày 2 tháng 3 năm 2020, trong Phòng Đọc của Văn khố Lịch sử,

Thánh bộ Đặc trách Các Vấn đề Giáo hội Đặc biệt lúc đó (từ đó Bộ sưu tập văn khố được đặt tên), tương đương với Bộ Ngoại giao, đã yêu cầu một người lập biên bản (minutante) (Đức ông Angelo Dell'Acqua) xử lý các yêu cầu trợ giúp được gửi đến Đức Giáo Hoàng từ khắp châu Âu, với mục đích cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể.

Các yêu cầu có thể xin được visa hoặc hộ chiếu để ra nước ngoài, tìm nơi trú ẩn, đoàn tụ gia đình, được trả tự do khỏi bị giam giữ và chuyển từ trại tập trung này sang trại tập trung khác, nhận được tin tức về những người bị trục xuất, cung cấp thực phẩm hoặc quần áo, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tinh thần và v.v...

Mỗi yêu cầu trong số này tạo nên một trường hợp mà, một khi được giải quyết chính thức, được gửi để lưu trữ trong một loạt tài liệu có tên “Ebrei” [Do Thái]. Nó chứa hơn 2,700 trường hợp với các yêu cầu trợ giúp hầu như luôn luôn cho toàn bộ gia đình hoặc nhóm người. Hàng nghìn người bị đàn áp vì tư cách thành viên của tôn giáo Do Thái, hoặc chỉ đơn thuần có tổ tiên “không phải là người Aryan”, đã cậy nhờ tới Vatican, vì biết rằng những người khác đã nhận được sự giúp đỡ, như chính Werner Barasch trẻ tuổi từng viết.

Các yêu cầu sẽ được chuyển đến Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi các kênh ngoại giao sẽ cố gắng cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể có, có lưu ý đến sự phức tạp của tình hình chính trị trong bối cảnh hoàn cầu.

Sau khi triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XII được mở ra để tra cứu vào năm 2020, danh sách đặc biệt này được đặt tên là “Danh sách Pacelli, (Đức Giáo Hoàng Piô XII), giống như “ Danh sách Schindler” nổi tiếng. Mặc dù hai trường hợp khác nhau, sự so sánh diễn tả được hoàn hảo ý niệm cho rằng những người trong hành lang của định chế phục vụ Đức Giáo Hoàng, đã làm việc không mệt mỏi để cung cấp cho người Do Thái sự giúp đỡ thiết thực.

Xuất bản trực tuyến Loạt Văn Khố

Kể từ tháng 6 năm 2022, loạt tài liệu “Ebrei” [Do Thái] sẽ có sẵn để tham khảo trên internet trong ấn bản ảo của nó, tất cả mọi người đều có thể truy cập miễn phí trên trang web của Văn Khố Lịch sử của Phủ Quốc Vụ Khanh - Bộ phận Liên hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế.

Ngoài bản sao ảnh chụp của từng tài liệu riêng lẻ, một tệp với bản kiểm kê có phân tích của loạt tài liệu, bao gồm mọi tên của những người nhận giúp đỡ được báo cáo trong tài liệu, cũng sẽ có sẵn trên trực tuyến. Đầu tiên, bảy mươi phần trăm tài liệu sẽ có sẵn trực tuyến, sau đó sẽ có các tập mới nhất hiện đang được thực hiện.

Cũng như lời yêu cầu của Werner Barasch, phần lớn trong số hơn 2,700 trường hợp đã đến được Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi ngày nay thuật lại rất nhiều câu chuyện về nỗ lực chạy trốn cuộc đàn áp chủng tộc, khiến chúng ta hồi hộp và không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy các nguồn có thêm thông tin. Việc cung cấp phiên bản kỹ thuật số toàn bộ loạt tài liệu “Ebrei” trên internet sẽ cho phép con cháu của những người đã yêu cầu giúp đỡ, tìm thấy dấu vết của những người thân yêu của họ từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Đồng thời, nó sẽ cho phép các học giả và bất cứ ai quan tâm, có thể tự do kiểm tra di sản văn khố đặc biệt này, từ xa.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Liên hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế
------------------------

Nguồn: https://www.vatican.va/roman_curia/secretariat_state/sezione—rapporti—stati/archivio—storico/serie—ebrei/serie—ebrei_it.html

(1) Với những ai muốn công bố bản văn này lên trực tuyến, xin ghi “link” sau: https://collections.ushmm.org/search/catalog/irn511705