CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
MỤC TỬ NHÂN LÀNH CHO THẾ GIỚI HÔM NAY
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Ga 10,27-30
(27) “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (29) “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi với Chúa Cha là một !”.
2. Ý CHÍNH :
Tin mừng của Gio-an hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. Người và Chúa Cha chỉ là Một”.
3. CHÚ THÍCH :
- C 27-28 : + Con chiên và Mục Tử : Trong Thánh kinh, hình ảnh con chiên mang một ý nghĩa tốt đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Ít-ra-en cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100,3) như: Mô-sê, A-ha-ron (x. Tv 77,21), Giô-su-ê (x. Ds 27,18-21), Đavít (x.Tv 78,70-72)... Đến thời Tân ước, Chúa Giê-su đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10,16). Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, Giám mục, Linh mục... để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ít-ra-en Mới là Hội thánh. + Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi : Vào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ. Các mục tử thực sự là chủ của đoàn chiên thì sẽ chăm sóc cho chiên của mình, biết rõ tính của mỗi con để săn sóc và bảo vệ chúng cách hữu hiệu.
Ba thái độ mà các tín hữu cần phải thực hành để trở thành chiên ngoan của Mục Tử GIÊ-SU là Nghe, Biết và Theo Người như sau:
* NGHE : Lắng nghe là khởi đầu của đức tin như Chúa Cha đã nhắn nhủ các môn đệ của Đức Giê-su : “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5) và thánh Phao-lô đã khẳng định: “Đức tin là bởi nghe” (Rm 10,17).
* BIẾT : Biết ở đây không phải là biết về tri thức, nhưng là về đời sống. Biết điều gì tức là có kinh nghiệm cụ thể về điều ấy. Biết một người nào là có liên hệ thân tình với người đó, như liên hệ giữa hai vợ chồng (x. Lc 1,34). Cũng vậy, Đức Giê-su biết rõ từng con chiên của Người.
* THEO : Chiên của Đức Giê-su có nhiệm vụ phải đáp trả lời mời gọi của Người bằng việc dứt khóat đi theo, quyết tâm vâng nghe lời dạy và sống theo gương lành của Người.
+ Tôi ban cho chúng sự sống đời đời : Đức Giê-su dẫn các tín hữu đi từ việc được nuôi sống (x. Ga 10,9) đến chỗ được sống dồi dào (x. Ga 10,10) và sống muôn đời (x. Ga 10,28). + Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi : Là mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giê-su để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn để đi hoang. Còn Chúa thì không bao giờ bỏ mặc họ. Người là Mục Tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất (x. Lc 15,4-7).
- C 29-30: + Tôi với Chúa Cha là một ! : Lời tuyên bố này nói đến sự hiệp thông thân mật giữa Chúa Cha và Chúa con. Công đồng Ni-xê-a năm 325 đã dựa trên lời này để tuyên tín : “Chúa Cha và Chúa con đồng một Bản tính Thiên Chúa, nhưng là hai Ngôi vị khác nhau”, để chống lại lạc thuyết A-ri-ô (thế kỷ thứ IV) không công nhận Thần tính của Chúa Giê-su. Chính nhờ mang Bản tính Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban cho các tín hữu được sự sống đời đời. Người cũng nhiều lần tự xưng: “Ta là” giống như Đức Chúa khi xưa. Sau cùng Người đã bị tử hình thập giá và ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho lòai người chúng ta.
4. CÂU HỎI :
1) Hãy kể tên một số vị Mục tử thời Cựu ước đã được Thiên Chúa trao quyền mục tử để thay Người chăn dắt đòan chiên là dân Ít-ra-en. 2) Ba thái độ mà các con chiên ngoan của mục tử Giê-su phải có là gì?
3) Chúa Giê-su hứa ban những quyền lợi gì cho các con chiên của Người?
4) Công đồng Ni-xê-a đã dựa vào đâu để tuyên bố tín điều về Thần Tính của Chúa Giê-su chống lại lạc thuyết A-ri-ô?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).
2. CÂU CHUYỆN :
1) MỤC TỬ TỐT LÀNH SẴN SÀNG THÍ MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN :
Vào cuối thế chiến thứ II, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Cha-ni, miền bắc nước Ý năm 1943. Thế là viên tướng chỉ huy Đức Quốc Xã liền bắt 50 người có địa vị nhất của thành phố mang ra xử bắn để răn đe.
Hai Đức Giám Mục chánh và phó của thành phố cố gắng can thiệp nhưng không có hiệu quả. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Rồi sau thời gian chờ đợi căng thẳng, viên sĩ quan ra lệnh cho quân lính chuẩn bị nhắm bắn. Bấy giờ hai vị giám mục đã yêu cầu viên chỉ huy cho phép ôm hôn từ biệt từng người và được chấp thuận. Các ngài đã lợi dụng giây phút quý báu để ban phép giải tội cho họ. Sau đó hai vị giám mục đã không về chỗ mà lại tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Giám Mục chính tòa đã nói với viên chỉ huy : “Không phải 50, nhưng là 52 người trong đó có chúng tôi. Ông vẫn quyết định bắn chúng tôi, thì hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.”
Khi ngài vừa dứt lời, thì bầu khí đang nặng nề sự chết chóc đột nhiên biến mất và thay vào bằng những tiếng reo hò vang dậy, vì quân lính Đức đang nhắm bắn tử tội đã được viên sĩ quan ra lệnh hạ vũ khí. Hôm đó trên đường từ pháp trường về, cả hai vị mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng dâng Chúa lời Thánh vịnh : “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán : Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !” (Tv 126,1-2).
2) “GIAI ĐIỆU HẠNH PHÚC” :
Trong một cuốn phim tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La mélodie du bonheur), cô ME-RI là một người đang đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện nữ. Một hôm bà bề trên sai cô đi làm gia sư trong một gia đình quí tộc. Ông đại uý chủ nhà là người giàu có, góa vợ và luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Ông muốn chúng có tinh thần kỷ luật giống như người lính trong quân đội. Khi mới đến nhận việc, cô Me-ri đã bị bọn trẻ cố tình trêu chọc. Nhưng nhờ tình thương của một thầy giáo, kèm theo sự hiểu biết tâm lý và cách ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết, cùng những bài hát vui tươi và vũ điệu lôi cuốn của cô...
Cuối cùng cô đã chinh phục được tình cảm của lũ trẻ, biến chúng trở nên những trẻ em ngoan ngoãn dễ dạy. Chúng luôn vâng lời cô giáo, không cần cô phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo kiểu người cha của chúng. Cuối cùng cô còn chinh phục được tình cảm của chính ông đại uý chủ nhà. Câu chuyện kết thúc bằng việc cả gia đình ông đại úy đã khôn ngoan thoát khỏi sự ruồng bắt của chính quyền phát xít Đức lúc đó. Họ cùng nhau vượt qua biên giới an toàn để bước vào một cuộc sống mới đầy yêu thương và hạnh phúc.
3) MỘT BÀ MẸ SẴN SÀNG HY SINH CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG :
Trong thiệp báo tin Ma-ri-a Cris-ti-na qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền một màu xanh hy vọng. Chính giữa thiệp nổi lên hình một bông hoa hồng, có đọng những giọt sương mai óng ánh. Giữa bông hoa là ảnh chân dung của Cris-ti-na đang tươi cười duyên dáng trong chiếc áo cưới rất đẹp. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện rút ra từ nhật ký của Cris-ti-na : “Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như ca khúc chúc tụng Cha, trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn.”
Cuộc đời của Cris-ti-na đã kết thúc vào năm 26 tuổi. Bệnh ung bướu ác tính tại tử cung đã mắc vào năm 18 tuổi, tưởng đã được chữa lành, giờ lại xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái. Cris-ti-na đang chờ sinh con thứ ba. Khi nghe bác sĩ thông báo hung tin : "Cris-ti-na, tôi rất tiếc phải cho bà biết chứng ung thư ác tính đã tái xuất hiện". Sau khi im lặng một giây, Cris-ti-na đã nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ và nói : “Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ !”. Viên bác sĩ đã hiểu và không dám đề ra lối trị liệu hóa chất sẽ giết chết bào thai ! Mà chỉ kê toa thuốc dưỡng thai.
Sau đó đến tháng 8 năm 1994 thì Ma-ri-a Cris-ti-na đã sinh hạ bé Riccardo. Ngay sau khi sinh, chị mới bắt đầu dùng phương pháp trị liệu bằng hóa chất, nhưng đã quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu vào các cơ quan nội tạng. Người mẹ trẻ đã êm ái trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ dại. Cái chết anh dũng của Cris-ti-na để bảo vệ thai nhi đã cho thấy một tình thương vô bờ của một bà mẹ trẻ đối với đứa con thân yêu của mình. Chị đã thực hành lời Chúa : “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”.
4) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA MỤC TỬ GIÊ-SU :
Một ngày kia, Chúa Giê-su đã hiện ra cho thánh Hi-ê-rô-ni-mô và hỏi : “Này Hi-ê-rô-ni-mô, hôm nay con có gì để dâng cho Thầy không?”
Hi-ê-rô-ni-mô đáp : “Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con mới dịch xong.”
Chúa Giê-su mỉm cười chấp nhận nhưng vẫn chưa thỏa mãn, Người hỏi tiếp : “Con còn có gì khác để dâng cho Ta nữa không?”
Hi-ê-rô-ni-mô không chút do dự trả lời : “Con xin dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước cho tới bây giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.”
Chúa Giê-su chấp nhận nhưng vẫn chưa hoàn toàn mãn nguyện, Người lại hỏi lần thứ ba : “Con cố nghĩ xem còn có gì thêm để dâng cho Ta nữa không?”
Lần này, Hi-ê-rô-ni-mô suy nghĩ và đã thưa cùng Chúa : “Con nghĩ con đã dâng cho Chúa tất cả mọi sự của con rồi, Không còn gì khác xứng đáng để dâng cho Chúa.”
Bấy giờ Chúa Giê-su đã âu yếm nhìn Hi-ê-rô-ni-mô và nhỏ nhẹ phán : “Hi-ê-rô-ni-mô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi cùng những thói hư của con? Con giữ chúng lại làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên cây thập tự chính là để đền mọi tội lỗi của con đó”.
Bấy giờ Hi-ê-rô-ni-mô đã thành kính dâng lên Chúa tất cả, kể cả mọi tội lỗi của mình.
3. THẢO LUẬN :
1) Hãy cho biết Chúa Giê-su trong Tin Mừng đã tự xưng là mục tử tốt lành, phân biệt với các đầu mục dân Do thái là các kinh sư, Biệt phái và Tư tế đền thờ như thế nào?
2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để tích cực cộng tác với các vị chủ chăn trong giáo xứ trong việc phục vụ cộng đoàn?
3) Mỗi người chúng ta cần làm gì để thêm nhiều bạn trẻ tình nguyện hiến thân phụng sự Chúa trong các chủng viện hay dòng tu nam nữ?
4. SUY NIỆM :
1) Hình ảnh Mục Tử trong Cựu Ước và Tân Ước :
- Trong Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử Nhân Lành đã được các ngôn sứ dùng để ám chỉ Đức Chúa như sau : “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4). Hình ảnh người mục tử cũng được dùng để ám chỉ các vị lãnh đạo thời bấy giờ. Nhưng thật đáng buồn khi các vua chúa đã không sống đúng vai trò mục tử của mình như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm Lời Đức Chúa quở trách họ : “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! … Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng chạy tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất… thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).
- Sang thời Tân Ước, Đức Giê-su cũng khẳng định : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên mà chạy trốn. Sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tan tác, vì anh ta chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến đoàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10,11-16).
2) Hai loại mục tử :
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã phân biệt ra hai loại mục tử như sau:
- Mục tử nhân lành : Đức Giê-su nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giê-su đã thể hiện sứ vụ mục tử của loài người : Trong thời gian giảng đạo, Người đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dạy cho người ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và đòi chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân bên cạnh, nhất là yêu thương những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi (x Mt 13,1-9). Người đến để cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là sứ vụ mà các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện, là lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào qua việc chuyên tâm dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào qua việc tích cực góp phần chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), chia sẻ cơm bánh (x. Mt 14,15-21), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44).
- Mục tử giả hiệu : Là người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này «không thiết gì đến chiên» (10,13), vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên : «khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa : «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).
3) Thế nào là một mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô? :
- Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng phải là "người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có "tâm lý của các ông hoàng". Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
- Cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên khi thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên như sau :
Một là ở đàng trước để dẫn đường.
Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và động viên tinh thần của đoàn chiên.
Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới cho đoàn.
- Trong kinh Năm Thánh “Lòng Chúa thương xót” có đoạn cầu cho các mục tử trong Hội Thánh như sau : “Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh. Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.”
4) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu :
- Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta : Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ Công Giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và làm tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.
- Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau : “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người”.
5. NGUYỆN CẦU :
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa qua các ngài. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành, giàu lòng từ bi thương xót noi gương Chúa xưa, Đấng đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.
- LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON