1. Tổng thống Ukraine tiết lộ việc Nga đưa lính nhảy dù vào dinh tổng thống để bắt ông và gia đình
Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã nói về việc quân đội Nga đã đến rất sớm, để tìm bắt ông và gia đình, ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến. Ông đã cho biết chi tiết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time.
Phóng viên Simon Shuster đã phỏng vấn nhà lãnh đạo Ukraine, sau khi dành hai tuần trong dinh thự tổng thống ở Kyiv hồi đầu tháng này.
Shuster viết rằng: Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, các quan chức Ukraine đã cố gắng niêm phong phủ tổng thống “bằng bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy”, khi quân đội Ukraine chiến đấu với người Nga trên đường phố.
“Quân đội Nga đã đến trong vòng vài phút, để tìm tổng thống và gia đình ông, trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến. Tiếng súng của họ đã từng vang lên bên trong các bức tường văn phòng của ông”
Quân đội đã thông báo cho tổng thống Zelenskiy rằng, các nhóm biệt kích của Nga đã nhảy dù xuống Kyiv để giết hoặc bắt giữ ông và gia đình.
“Khi màn đêm buông xuống vào buổi tối đầu tiên đó, các cuộc đấu súng đã nổ ra xung quanh khu nhà chính phủ. Các lính canh bên trong khu nhà tắt đèn và mang áo chống đạn cùng súng trường tấn công đến cho tổng thống Zelenskiy, và khoảng một chục phụ tá của ông. Chỉ một vài người trong số họ biết cách dùng vũ khí,” Shuster nói.
Oleksiy Arestovych, một cựu chiến binh của cơ quan tình báo quân đội Ukraine và là cố vấn cấp cao của tổng thống, cho biết, quân đội Nga đã hai lần cố gắng xông vào khu nhà. Tất cả đều bỏ xác tại trận. Tổng thống Zelenskiy nói thêm rằng, vợ và con của ông vẫn đang ở đó vào thời điểm nguy kịch này.
Mỹ đã đề nghị di tản Tổng thống và các phụ tá của ông, và giúp họ thành lập chính phủ lưu vong, rất có thể là ở miền đông Ba Lan. Nói chuyện trên đường dây điện thoại an toàn với người Mỹ, tổng thống Zelenskiy trả lời: “Tôi cần đạn dược, không cần di tản.”
Sau khi đã trải qua hai tháng chiến tranh, và đối diện với con số thương vong tăng cao, tổng thống cho biết ông đã già đi khi đối mặt với sự tàn bạo đó.
“Tôi đã già đi. Tôi đã già đi từ tất cả sự khôn ngoan mà tôi không bao giờ muốn có. Đó là sự khôn ngoan gắn liền với số người đã chết, và sự tra tấn dã man mà lính Nga đã gây ra... Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ muốn đạt được một kiến thức như thế...
Mọi người nhìn thấy cuộc chiến này trên Instagram, trên mạng xã hội. Khi họ phát ngán với nó, họ sẽ quay sang chỗ khác. “
2. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres không ảo tưởng về khả năng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngay lập tức.
Ông António Guterres đã đưa ra lập trường trên tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv.
“Tôi không có quyền cải tổ Hội đồng Bảo an. Tôi không ảo tưởng về khả năng làm điều đó ngay lập tức, nhưng tôi sẽ làm mọi thứ có thể thông qua việc làm cho Liên Hiệp Quốc hoạt động hiệu quả nhất có thể trong những tình huống như thế này, để ít nhất bù đắp cho thất bại mà tôi không thể giải quyết. Và bạn có thể chắc chắn về cam kết hoàn toàn của chúng tôi trong việc hỗ trợ người dân Ukraine trong khó khăn này và tiếng nói thường trực của chúng tôi yêu cầu chấm dứt cuộc chiến này theo luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc,”
Theo cách nói của ông, Liên Hiệp Quốc không chỉ là Hội đồng Bảo an; Liên Hiệp Quốc cũng là Đại hội đồng. Ông Guterres nhấn mạnh, Liên Hiệp Quốc cũng là những người nam nữ làm việc ở các khu vực khác nhau trên thế giới nhằm hỗ trợ những người là nạn nhân của chiến tranh và xung đột.
3. Tổng thư ký NATO cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ được “chào đón nồng nhiệt”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ được “chào đón nồng nhiệt”, nếu họ quyết định gia nhập tổ chức quân sự 30 quốc gia này, và mọi tiến trình sẽ “diễn ra nhanh chóng”.
“Đó là quyết định của họ,” Stoltenberg nói. “Nhưng nếu họ quyết định nộp đơn, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được chào đón nồng nhiệt và tôi hy vọng quá trình đó sẽ diễn ra nhanh chóng”.
Ông không đưa ra khung thời gian chính xác, nhưng nói rằng cả hai có thể mong đợi một số biện pháp bảo vệ, nếu Nga cố gắng đe dọa họ từ khi đơn xin gia nhập thành viên của họ được thực hiện, cho đến khi họ chính thức gia nhập.
Tướng Stoltenberg cho biết ông “tự tin rằng có nhiều cách để thu hẹp khoảng thời gian tạm thời đó, theo cách đủ tốt và hiệu quả cho cả Phần Lan và Thụy Điển.”
Bảo đảm an ninh tập thể của Nato quy định rằng, tất cả các nước thành viên phải hỗ trợ bất kỳ đồng minh nào đang bị tấn công. Ông Stoltenberg nói thêm rằng, nhiều đồng minh của NATO hiện đã cam kết và cung cấp tổng cộng ít nhất 8 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
4. Nga trả đũa Ukraine bằng các cuộc pháo kích vào Kyiv
Tối thứ Năm, Nga đã bắn 5 quả hỏa tiễn vào thủ đô Kyiv, khiến 10 người bị thương. Diễn biến này xảy ra khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang ở thăm thủ đô Ukraine, và Đại sứ Hoa Kỳ, cũng như nhiều quốc gia khác đang quay trở lại Kyiv.
Người phát ngôn Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết Mỹ đang phân tích các cuộc tấn công nhằm vào Kyiv.
Ông nói: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng phân tích điều này và tìm ra những gì đã xảy ra ở đây, cách thức họ tấn công, và với loại bom đạn nào.”
Nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng nổi bật nhất là khẳng định cho rằng Nga đang trả thù Ukraine về các vụ tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Hôm thứ Năm, Nga cảnh báo phương Tây rằng, sẽ có các phản ứng quân sự cứng rắn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào lãnh thổ Nga, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh chủ chốt của họ phá hoại an ninh Âu Châu bằng cách công khai kích động Ukraine tấn công Nga.
Cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2 của Nga đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải di dời, và làm dấy lên lo ngại về cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và Mỹ, kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, trong những ngày gần đây, Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine, vào các khu vực của Nga giáp biên giới với Ukraine, và cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ leo thang chiến tranh đáng kể.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng nói một cách mơ hồ rằng, đó là luật nhân quả. Nga đã phản đối những tuyên bố từ Anh, một thành viên của NATO cho rằng việc Ukraine nhắm mục tiêu vào các hoạt động hậu cần của Nga là hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói với các phóng viên tại Mạc Tư Khoa rằng: “Ở phương Tây, họ đang công khai kêu gọi Kiev tấn công Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí nhận được từ các nước NATO”.
“Tôi không khuyên bạn nên kiểm tra sự kiên nhẫn của chúng tôi thêm nữa.”
Điện Cẩm Linh cho biết phương Tây - và đặc biệt là Anh – đang nỗ lực cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, và như thế là đe dọa an ninh của Âu Châu.
Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: “Bản thân xu hướng bơm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, cho Ukraine và các nước khác là hành động đe dọa an ninh của lục địa này và gây bất ổn”.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết nếu các cuộc tấn công như vậy tiếp tục thì Mạc Tư Khoa sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định ở Ukraine, bao gồm cả những nơi mà họ cho rằng có các cố vấn phương Tây đang giúp đỡ Kyiv.
“Các thủ đô của Kiev và phương Tây nên nghiêm túc xem xét tuyên bố của Bộ Quốc phòng rằng việc tiếp tục xúi giục Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Nga”
Hoa Kỳ đã loại trừ việc cử lực lượng của mình hoặc NATO tới Ukraine nhưng Washington và các đồng minh Âu Châu đã cung cấp vũ khí cho Kyiv như máy bay không người lái, pháo hạng nặng Howitzer, tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.
Tổng hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ kể từ cuộc xâm lược lên tới khoảng 3,7 tỷ USD, một quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Tổng thống Nga Putin cáo buộc rằng việc giao các lô hàng vũ khí lớn như vậy là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Hoa Kỳ và các đồng minh nhằm tiêu diệt Nga - và thề rằng kế hoạch này sẽ không bao giờ thành công.
Ông Putin nói rằng “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine là cần thiết vì Mỹ đang sử dụng Ukraine để đe dọa Nga và Mạc Tư Khoa phải bảo vệ những người nói tiếng Nga trước cuộc đàn áp của Ukraine.
Ông coi xung đột như một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với Hoa Kỳ, quốc gia mà ông cáo buộc đe dọa Nga bằng cách can thiệp vào sân sau của nước này, và mở rộng liên minh quân sự NATO.
Ukraine nói rằng, họ đang chống lại một cuộc chiếm đất theo kiểu đế quốc, và những tuyên bố của Putin về tội diệt chủng người nói tiếng Nga là vô nghĩa. Zelenskiy đã cầu xin các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Âu Châu cung cấp cho Kyiv vũ khí và thiết bị nặng hơn.
5. Vương quốc Anh cử 8.000 binh sĩ tới Đông Âu trong các cuộc tập trận mở rộng
Khoảng 8.000 binh sĩ lục quân Anh sẽ tham gia các cuộc tập trận khắp Đông Âu, để chống lại sự xâm lược của Nga. Đây là một trong những đợt triển khai lớn nhất, kể từ sau chiến tranh lạnh.
Hàng chục xe tăng sẽ được triển khai tới các quốc gia từ Phần Lan đến Bắc Macedonia, vào mùa hè này, theo kế hoạch đã được tăng cường, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Tham gia cùng họ sẽ có hàng chục nghìn quân từ Nato, và liên minh Lực lượng viễn chinh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết hành động này đã được lên kế hoạch từ lâu, và đã được tăng cường để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng vào cuối tháng Hai.
Việc triển khai của Vương quốc Anh dự kiến sẽ đạt đến mức cao nhất là khoảng 8.000 quân nhân, hoạt động ở lục địa Âu Châu, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
6. Ngoại trưởng Anh phác họa chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào
Ngoại trưởng Anh đã đưa ra một phát biểu quan trọng phản ảnh đánh giá của nước này về khả năng của quân Nga trên chiến trường Ukraine, và những hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine mà Nga phải gánh chịu theo đúng nguyên tắc do các lực lượng đồng minh chống lại Đức đưa ra vào năm 1919: đó là trừng phạt, ngăn chặn, và thanh toán.
Trước hết, Ngoại Trưởng Liz Truss nói rõ rằng Nga phải rời khỏi toàn bộ Ukraine, không còn giữ được chỗ đứng của mình ở Donbas, miền Đông Ukraine, và phải trả lại bán đảo Crimea, mà họ đã sáp nhập vào năm 2014. Về quan điểm này, bà đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Quốc phòng, Ben Wallace, vào hôm thứ Năm.
Bà cũng đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, rằng Nga phải chấm dứt cuộc chiến trong tình trạng suy yếu về mặt quân sự đến mức không thể lặp lại các mối đe dọa không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với Moldova và các nước Baltic.
Ngoài ra, cần phải có sự bồi thường – cụ thể là một khoản thanh toán cho Ukraine, vì những thiệt hại mà Mạc Tư Khoa đã gây ra.
Đức đã phải ký hiệp ước hòa bình Versailles năm 1919, một cách bẽ bàng. Vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán cuối cùng Nga có một chung cuộc bẽ bàng như thế hay không. Tuy nhiên, những yêu cầu của Ngoại trưởng Liz Truss nhằm không để lại chút nghi ngờ nào rằng Putin đã thua. Vương quốc Anh từ lâu đã nói rằng không chỉ Putin phải thất bại trong cuộc chiến của ông ta, mà còn phải được nhìn nhận là thất bại, như một tấm gương cho những kẻ hiếu chiến khác.