1. Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói mấp mé rằng Ukraine đã tấn công tại 3 thành phố của Nga hôm thứ Tư
Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra những đề cập liên quan đến các báo cáo về những vụ nổ sáng sớm ngày thứ Tư ở 3 thành phố của Nga giáp giới với Ukraine.
Ông Myhailo Podolyak nói rằng “các khu vực Belgorod, Voronezh và Kursk hiện cũng đang bắt đầu tích cực nghiên cứu một khái niệm như 'phi quân sự hóa'.”
Tại các khu vực này của Nga, các kho nhiên liệu lớn cung cấp nhiên liệu cho thiết giáp của quân đội Nga thỉnh thoảng lại bị cháy và các kho đạn phát nổ. Vì nhiều lý do.”
Các nhà chức trách địa phương, và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, đã đưa tin về các vụ nổ vào sáng sớm thứ Tư, tại ba khu vực của Nga giáp với Ukraine.
Thứ nhất là vụ cháy kho đạn ở Belgorod: Vụ nổ đã xảy ra sau vụ cháy kho đạn ở làng Staraya Nelidovka, cách biên giới Ukraine khoảng 16 km về phía bắc, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết trên Telegram hôm thứ Tư. Ông nói thêm rằng “không có thương vong trong số dân thường.”
Thứ hai là các vụ nổ ở Kursk: Tại khu vực Kursk, người dân “nghe thấy tiếng nổ”, vào khoảng 2:45 sáng theo giờ địa phương. Thống đốc, Roman Starovoyt, cho biết các chi tiết xung quanh các vụ nổ vẫn đang “được làm rõ”, nhưng nói rằng, không có thương vong hoặc thiệt hại nhân mạng.
Theo Starovoyt, Các vụ nổ ở Kursk xảy ra chỉ hai ngày, sau khi hai máy bay không người lái của Ukraine bị các đội phòng không Nga bắn hạ ở làng Borovskoye trong khu vực.
Thứ ba là tiếng nổ lúc bình minh ở Voronezh: Hai tiếng nổ lớn đã được người dân ở khu phố Shilovo của thành phố Voronezh của Nga nghe thấy lúc 4:40 sáng, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS, dẫn nguồn từ nhà chức trách.
Podolyak nói thêm: “Điều này có thể được giải thích như thế nào? Rất đơn giản. Nếu các bạn người Nga quyết định tấn công một quốc gia khác hàng loạt, giết tất cả mọi người ở đó hàng loạt, nghiền nát những người dân yên bình bằng hàng loạt xe tăng và sử dụng các nhà kho trong khu vực của các bạn để cung cấp cho những vụ giết người, thì sớm muộn gì các khoản nợ sẽ phải trả.”
“Đó là lý do tại sao giải giáp các kho Belgorod-Voronezh là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Nhân quả là một điều tàn nhẫn,” Podolyak nói.
Không có sự thừa nhận của quân đội hoặc Bộ Quốc phòng Ukraine rằng các lực lượng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho các biến cố mới nhất bên kia biên giới.
2. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: Ukraine có quyền tự bảo vệ mình
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng Anh không phản đối việc Ukraine sử dụng vũ khí được cung cấp để chống lại các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với Talk TV, Thủ tướng Boris Johnson đã được hỏi về suy nghĩ của mình về việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Anh để tấn công vào các mục tiêu như kho dầu nằm bên trong lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Anh trả lời rằng Ukraine có quyền tự vệ. Ông nói: “Chúng tôi không muốn cuộc khủng hoảng leo thang ra ngoài biên giới Ukraine. Nhưng rõ ràng, người Ukraine, như thứ trưởng James Heappey đã nói, họ có quyền tự vệ. Họ đang bị tấn công từ bên trong lãnh thổ Nga... họ có quyền bảo vệ và tự vệ.”
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Anh là James Heappey nói rằng việc Kyiv tấn công vào các mục tiêu ở Nga để ngăn chặn các cuộc tấn công là 'hoàn toàn hợp pháp'. Ông cũng nói rằng “không thành vấn đề” nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Anh viện trợ trong các cuộc tấn công phủ đầu như thế.
Mạc Tư Khoa đã bày tỏ phản ứng tức giận đối với Thứ trưởng James Heappey và nói rằng nếu Anh cứ tiếp tục xúi giục, và giúp đỡ Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga thì ngay lập tức sẽ có một “phản ứng tương xứng”.
Đáp lại những răn đe này, Ông Heappey nói với Times Radio: “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và đang sống hòa bình trong biên giới chủ quyền của mình và sau rồi một quốc gia khác quyết định vi phạm những biên giới đó và đưa 130.000 quân vào đất nước của họ”.
“Điều đó đã bắt đầu một cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga, và trong chiến tranh, Ukraine cần phải tấn công vào sâu trong đất đối phương để phá hủy các tuyến hậu cần, các nguồn cung cấp nhiên liệu, các kho đạn của họ, và đó là một phần của chiến tranh.”
Ông nói thêm rằng việc Ukraine nhắm mục tiêu vào sâu trong đất của Nga là hoàn toàn hợp pháp để làm gián đoạn hệ thống hậu cần mà nếu chúng không bị gián đoạn sẽ trực tiếp dẫn đến tử vong và tàn sát trên đất Ukraine.
3. Thủ tướng Ba Lan cáo buộc Nga tấn công trực tiếp vào Ba Lan bằng cách ngừng cung cấp khí đốt.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Tư đã cáo buộc Nga thực hiện một “cuộc tấn công trực tiếp” vào đất nước của ông bằng cách ngừng cung cấp khí đốt.
Phát biểu tại Hạ viện Ba Lan, Thủ tướng Morawiecki đã tìm cách trấn an các nhà lập pháp về việc gia tăng nguồn cung cấp khí đốt thông qua các đường ống khác, và đến mùa thu, “Ba Lan sẽ không cần khí đốt của Nga nữa”.
“Đây là một cuộc tấn công trực tiếp vào Ba Lan... nhưng chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho thời điểm này,” ông nói với Hạ Viện Ba Lan, thường được gọi là Sejm.
Ông thông báo rằng công ty sản xuất khí đốt Świnoujście của Ba Lan đã đi vào hoạt động và sẽ mở rộng sản xuất từ sáu tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, lên bảy hay tám tỷ mét khối.
Thủ tướng Morawiecki cũng lưu ý rằng một đường ống dẫn khí đốt mới đang được xây dựng ở Na Uy có tên là Đường ống khí đốt Baltic sẽ được hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Đường ống dẫn khí đốt này sẽ bơm 10 tỷ mét LNG vào Ba Lan.
Ông nói, một đường ống xuyên biên giới mới đang được xây dựng với Slovakia sẽ bơm hơn 5 tỷ mét khối LNG sau khi hoàn thành.
Ba Lan cũng có các điểm kết nối với Đức và Cộng hòa Tiệp, và “trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ mở một điểm kết nối với Lithuania.”
“Chúng tôi sẽ không cúi đầu trước sự tống tiền này. Tôi muốn bảo đảm với đồng bào của tôi rằng hành động của Putin sẽ không ảnh hưởng đến tình hình ở Ba Lan. Nga không chỉ thực hiện một cuộc tấn công tàn bạo, giết người vào Ukraine mà còn tấn công năng lượng và an ninh lương thực của chúng ta”
“Ukraine đang ở tuyến đầu. Chúng ta, tất cả các nước Âu Châu, phải ý thức rằng đây là cuộc chiến vì hòa bình, cuộc chiến vì chủ quyền, cuộc chiến vì an ninh và chúng ta không được cúi đầu”, ông nói.
4. Transnistria ở đâu và tại sao nó lại bị lôi kéo vào cuộc chiến Ukraine?
Khu vực này chủ yếu gồm các cư dân nói tiếng Nga nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine đã tách khỏi Moldova sau khi Liên Xô sụp đổ.
Năm 1992, phe ly khai đã gây chiến với chính phủ thân phương Tây ở Moldova, cuộc chiến kết thúc với hàng trăm người chết và sự can thiệp của quân đội Nga để bênh vực phe nổi dậy.
Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006 không được cộng đồng quốc tế công nhận, 97,1% cử tri ủng hộ việc gia nhập Nga, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của Moldova trong việc theo chân Rumani và các nước Đông Âu khác gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.
Transnistria do phe ly khai thân Nga kiểm soát và là nơi thường trú của 1.500 quân Nga cũng như một kho vũ khí lớn.
Transnistria và Nga có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào?
Transnistria vẫn sử dụng bảng chữ cái Cyrillic và có tiền tệ riêng, gọi là đồng rúp Transnistria, lực lượng an ninh và hộ chiếu, mặc dù hầu hết trong số 465.000 cư dân ước tính của nó có hai hoặc ba quốc tịch Moldova, Nga hoặc Ukraine.
Phần lớn dân số nói tiếng Nga, trong khi phần còn lại của Moldova chủ yếu là những người nói tiếng Rumania.
Mạc Tư Khoa hỗ trợ nền kinh tế của Transnistria, cung cấp khí đốt miễn phí và giữ quân đội đóng quân ở đó, thực tế là tạo ra một vệ tinh của Nga ở biên giới của Liên Hiệp Âu Châu.
Transnistria cũng tràn ngập các biểu tượng của Liên Xô.
Quốc kỳ của nó được trang trí bằng hình búa liềm, bức tượng khổng lồ của Lenin sừng sững ở trung tâm thành phố chính của nó, Tiraspol, và tượng bán thân của nhà lãnh đạo Bolshevik nằm bên ngoài tòa thị chính, còn được gọi là Cung Xô Viết.
Nga nói gì về các diễn biến gần đây?
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, nói với các nhà báo rằng ông “lo ngại” về tin tức xuất phát từ Transnistria, trong khi lãnh đạo của nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk, Denis Pushilin, nói với RIA Novosti rằng Mạc Tư Khoa nên “ hãy tính đến những gì đang xảy ra ở Transnistria “khi lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự.
Moldova nói gì?
Tổng thống Moldova, Maia Sandu, đã thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với việc Transnistria ly khai.
Bà muốn quân đội Nga đóng quân dọc biên giới Transnistria với Moldova được thay thế bằng một phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, một đề xuất bị Mạc Tư Khoa bác bỏ.
Sau cuộc họp của hội đồng an ninh của cô vào tuần này, Sandu cho biết một số “lực lượng ẩn danh bên trong Transnistria” đang “ủng hộ chiến tranh” và quan tâm đến việc làm mất ổn định tình hình trong khu vực.
5. Liên minh châu Âu đề xuất bỏ tất cả thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, theo yêu cầu từ Ukraine, Ủy ban Âu Châu hôm thứ Tư đã đề xuất một loạt “các biện pháp tự do hóa thương mại” tạm thời cho phép Ukraine “duy trì vị thế thương mại của mình với phần còn lại của thế giới và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại “ với Liên minh Âu Châu.
Ủy ban cho biết trong đề xuất của mình: “Các biện pháp tạm thời và đặc biệt này sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các dòng thương mại hiện có từ Ukraine sang Liên minh Âu Châu” và “sẽ thêm sự linh hoạt và chắc chắn cho các nhà sản xuất Ukraine”.
Ủy ban cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine “đã có tác động tiêu cực sâu sắc đến khả năng của Ukraine trong giao thương với phần còn lại của thế giới”.
Và để giảm thiểu tác động kinh tế của hành động gây hấn, Ủy ban giải thích rằng việc tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Liên Hiệp Âu Châu và Ukraine là “phù hợp và cần thiết” nhằm hỗ trợ nhanh chóng cho chính quyền và người dân Ukraine.”
Khuyến nghị - sẽ có hiệu lực trong một năm - sẽ bao gồm “tạm thời đình chỉ tất cả các loại thuế quan” và thiết lập một “khu vực thương mại tự do sâu sắc và toàn diện” giữa Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu.
Đề xuất của Ủy ban sẽ xóa bỏ tất cả các loại thuế quan, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp, trái cây và rau quả cũng như bỏ hạn ngạch đối với các sản phẩm nông nghiệp và nông sản chế biến.
Với đề xuất này, Ủy ban hy vọng rằng các biện pháp này sẽ “thiết lập các điều kiện để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại” với mục đích “Ukraine từng bước hội nhập vào Thị trường Nội địa Liên Hiệp Âu Châu”.
Bà Ursula von der Leyen nói thêm: “Tôi đã thảo luận với Tổng thống Zelensky về các phương thế hỗ trợ nền kinh tế” và đề xuất hôm nay “sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc xuất khẩu công nghiệp và nông nghiệp của Ukraine sang Liên Hiệp Âu Châu.”
Đề xuất hiện cần được Nghị viện Âu Châu và Hội đồng Liên minh Âu Châu thông qua.
6. Ukraine lo ngại về các hành động khiêu khích ở Moldova thân Nga
Các quan chức Ukraine đã nói về nguy cơ mở ra một mặt trận khác trong cuộc xung đột với Nga - dọc theo biên giới với Moldova ở phía tây nam.
Một phần của khu vực biên giới Moldova do chính quyền thân Nga kiểm soát ở Transnistria. Những vụ nổ không rõ nguyên nhân ở đó hồi đầu tuần đã khiến các quan chức Ukraine cáo buộc rằng các cơ quan an ninh của Nga đang lên kế hoạch khiêu khích ở Transnistria như một cái cớ để mở ra một mặt trận mới trong chiến tranh.
Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Tư: “Chúng tôi luôn coi Transnistria là bàn đạp mà từ đó có thể có một số rủi ro cho chúng tôi, đối với các vùng Odessa và Vinnytsia.”
Podoliak nói: “Có một đội quân nhất định, khoảng 1.500 đến 2.000 người, trong đó chỉ có 500 đến 600 là người Nga”
Nhưng ông nói rằng hầu hết người dân ở Transnistria đã hòa nhập vào Moldova và Âu Châu.
“Do đó, đối với Transnistria, việc tham gia tích cực vào cuộc xung đột ở Ukraine trên thực tế sẽ đồng nghĩa với việc cô lập và phá hủy hoàn toàn khu vực này”.
Podoliak cho rằng thông qua các vụ việc tuần này ở Transnistria, Nga đang cố gắng khiêu khích Ukraine.
Roman Kostenko, một thành viên của Quốc hội Ukraine từ Odessa, cho biết Transnistria không gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Ukraine.
“Đó có thể là một mối đe dọa chiến thuật, theo một hướng nào đó, nhằm ràng buộc quân đội của chúng tôi”.
Kostenko cho biết người Nga đang coi Transnistria là “một mặt trận khác có thể hỗ trợ trực tiếp cho họ khi họ tấn công, ví dụ như cuộc chiến ở Mykolayiv, Odessa, vì Mykolayiv chặn ngang hành lang đất liền của họ”.
Các hệ thống phòng thủ của Ukraine xung quanh thành phố Mykolaiv đã ngăn chặn các lực lượng Nga tiếp cận Odessa trên bộ.