James T. Keane của tạp chí America, ngày 19 tháng 4 vừa qua có một bài bình luận về hiện trạng công luận Công Giáo hiện nay.



Theo ông, người ta có thể lập luận rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc khuyến khích sự đa dạng hơn về quan điểm và cách diễn đạt trong suốt diễn trình thượng hội đồng kéo dài ba năm của Giáo Hội trên toàn thế giới chính là thời điểm Gorbachev của ngài: một glasnost [công khai thẳng thắn] mang lại một nền tự do mới cho Giáo Hội nhưng cũng đưa đẩy các định chế lâu đời của Giáo Hội vào một thời điểm bất định. Không nơi nào sự tự do mới mẻ này — và sự nguy hiểm biểu kiến — rõ ràng hơn ở Đức, nơi mà một “diễn trình đồng nghị” trong Giáo Hội dường như đã mở nắp mọi hộp côn trùng nhơ nhớp có thể có, từ việc độc thân linh mục cho đến sự kết hợp đồng tính cho đến những đề xuất thay đổi rộng rãi giáo luật liên quan đến việc quản trị.

Đáng chú ý hơn, tổng giám mục của Munich và Freising, Hồng Y Reinhard Marx (thành viên Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Phanxicô, và cũng là chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Vatican), đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về luân lý tính của các hành vi đồng tính — và hơn nữa, còn tuyên bố rằng chính ngài đã chúc phúc cho các cặp đồng tính. Hồng Y Marx nói với tạp chí hàng tuần Stern của Đức vào ngày 31 tháng 3, “Sách giáo lý không được khắc trên đá”.

Đức Giám Mục Joseph Strickland của Giáo phận Tyler, Hoa Kỳ, đã lên Twitter để đưa ra ý kiến của mình: “Đức Hồng Y Marx đã rời bỏ đức tin Công Giáo. Ngài cần phải trung thực và chính thức từ chức.” Đức Hồng Y Marx không trả lời — không rõ ngài có biết Đức Giám Mục Strickland là ai hay không — nhưng đó là một khoảnh khắc mở mang tầm mắt. Lần cuối cùng một giám mục công khai yêu cầu một giám mục khác từ chức là khi nào? Gọi một giám mục khác là một kẻ bội giáo? Ly giáo cách điều này bao xa — và ở đây ai có nguy cơ ly giáo? Công bằng mà nói, Đức Cha Strickland là một người đứng ngoài các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ngài chặn “bao cát” một giám mục khác — trong năm qua, ngài đã sử dụng Twitter để chất vấn các quyết định của Đức Hồng Y Blase Cupich ở Chicago và Đức cha Christopher Coyne của Burlington, Vt., về thẩm quyền pháp lý địa phương của các vị.

Và ngài có lẽ nổi tiếng nhất vì đã tweet ủng hộ một linh mục của Giáo phận La Crosse, Linh mục James Altman, người mà chức vụ đã bị chính giám mục của mình hạn chế vì đã gọi những người Công Giáo tiến bộ là “quốc xã phát xít cánh tả” và tuyên bố rằng những người Công Giáo bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ có thể “đối đầu với lửa hỏa ngục”.

Tuy nhiên, Đức Cha Strickland không phải là giám mục Mỹ duy nhất có tiếng nói phản đối đường lối đồng nghị do Giáo Hội Đức thực hiện. Vào Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã cho đăng một tiểu luận trên tạp chí First Things, “Tại sao tôi lại ký Thư ngỏ cho các Giám mục Đức.” Bức thư ngỏ được nói đến là “Thư ngỏ huynh gửi tới các giám mục anh em của chúng tôi ở Đức”, không được gửi cho các giám mục ở Đức mà thay vào đó đã được 74 giám mục phát hành trực tuyến trong Tuần lễ Thánh, lập luận rằng các hành động được thực hiện bởi Giáo Hội Đức trong tiến trình thượng hội đồng của họ "làm suy yếu uy tín của thẩm quyền Giáo Hội, bao gồm cả thẩm quyền của Đức Phanxicô." Trong số 74 người ký ban đầu, 49 người là giám mục của Hoa Kỳ. Những lời chỉ trích và lo ngại khác đến từ các giám mục của các nước Scandinavia và từ Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan.

Đức Cha Georg Bätzing, Giám Mục của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, đã trả lời trong một bức thư ngày 14 tháng 4 cho những người ký tên trong “Thư ngỏ huynh đệ” rằng “Con đường Thượng hội đồng không có cách nào làm suy yếu thẩm quyền của Giáo Hội, bao gồm cả thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như qúy vị viết. ” Ngài viết, con đường đồng nghị của Đức, “không hướng đến các lý thuyết xã hội học ngắn hạn hay các hệ tư tưởng thế tục, mà hướng đến các nguồn nhận thức trung tâm của đức tin: Thánh Kinh và Thánh Truyền, huấn quyền và thần học, cũng như cảm thức đức tin của các tín hữu và các dấu chỉ của Tin Mừng được giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng.”

Tin tưởng — hoặc không tin tưởng — diễn trình

Một năm sau diễn trình thượng hội đồng toàn cầu kéo dài ba năm — và trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng của giáo hội ngày càng trầm trọng vì thiếu hụt các ơn gọi và sự đào ngũ rộng rãi khỏi giáo hội trên toàn thế giới — chúng ta không nên mong đợi các vấn đề nóng bỏng và những người quảng bá chúng sẽ biến mất, cũng không mong chờ các bất đồng công khai như vậy sẽ chấm dứt. Thật vậy, ở một mức độ nào đó, đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô dường như vẫn muốn: thảo luận cởi mở hơn, ít sự thật theo kiểu Sô viết (Pravda) hơn. Có lẽ tất cả chúng ta sẽ phải quyết định — nếu không có sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng chúng ta đã quá quen thuộc, nếu không phải là luôn hài lòng, trong suốt thế kỷ qua — điều gì nên đem ra thảo luận và điều gì không nên, điều gì là giáo huấn vĩnh viễn của Giáo Hội và điều gì là một vấn đề của kỷ luật hoặc thông lệ địa phương.

Điều đó sẽ đòi hỏi một số đồng thuận. Liệu sự đồng thuận đó có thể xảy ra trong một giáo hội bị rạn nứt như vậy không? Nó sẽ không chỉ là các giám mục từ Hoa Kỳ và Châu Âu: Nó sẽ đòi hỏi phải lắng nghe giáo hội ở miền Nam Thế giới, lắng nghe giáo hội như nó đang hiện hữu nơi các nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội mà chúng ta làm ngơ ở trong nước, lắng nghe 95% Giáo Hội quen với ghế ngồi hơn bàn thờ.

Lịch sử và thực tại

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây ở Mỹ, Cha Joseph A. Komonchak, một nhà giáo hội học hiểu về tính đồng nghị hơn bất cứ ai, đã lưu ý rằng sự thống nhất không phải lúc nào cũng có nghĩa là sự độc dạng. Như người ta thường nói, những gì hữu hiệu ở New York không phải lúc nào cũng diễn ra ở Peoria. Điều đó cũng có thể đúng trong các vấn đề về thực hành và kỷ luật của Giáo Hội. Cha Komonchak nói về Giáo Hội trong một cuộc phỏng vấn với Kenneth L. Woodward: “Bạn không cần phải có quy định toàn thế giới về mọi sự nhưng bạn nên tạo nhiều cơ hội hơn để các giám mục địa phương tự đưa ra quyết định. Cha lưu ý rằng vào những năm 1980, “phải mất chừng tám năm cho hai hoặc ba bộ sở Rôma quyết định xem các cô gái có thể là người phục vụ bàn thờ hay không. Và sau đó họ đã thông qua một quy định được cho là sẽ áp dụng ở khắp mọi nơi từ Alaska đến Zululand!”

Một thực tế khác: Trước sự ra đời của truyền thông hiện đại (nói cách khác, trong 1,850 năm của số 2,000 năm hiện hữu của Giáo Hội), các sắc lệnh và lời giải thích từ Rôma và thậm chí từ các giám mục địa phương có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới đến được tất cả các nhà thờ địa phương của bất cứ vùng đất nào. Thí dụ, vào đầu thế kỷ 20, đại đa số người Công Giáo Hoa Kỳ không biết tên Đức Giáo Hoàng. Bất kể là Piô hay Bênêđíctô hay Lêô, Đức Giáo Hoàng sống ở bên kia đại dương (hoặc, đối với người châu Âu, trên núi), xa Giáo Hội địa phương.

Nhưng nên lưu ý rằng khoảng cách này — và việc thiếu độc dạng kèm theo trong mọi điều, từ phụng vụ đến quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước — đã không dẫn đến một Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, một Giáo Hội Công Giáo Mexico, một Giáo Hội Công Giáo Canada. Thay vào đó, nó dẫn đến việc các nhà thờ địa phương được hội nhập văn hóa trong khu vực của họ và phần lớn là tự trị, nếu không muốn nói là bản địa.

Điều gì có thể giữ được một Giáo Hội như thế cùng với nhau trong thế kỷ 21, khi mọi ý kiến, mọi tranh chấp đều hiển thị ngay trước cái nhìn của người Công Giáo ở mọi nơi khác? Câu trả lời: phần lớn những gì đã gắn kết nó với nhau trong 20 thế kỷ qua, chắc chắn không phải là thẩm quyền của Giáo hoàng hay sự phụ thuộc tuyệt đối vào truyền thống. Đó là sự tin tưởng vào một sự hiệp thông được tổ chức bởi các giáo huấn Tin Mừng và do giám mục Rôma chủ trì. Cha Komonchak nói thêm: “Tôi nghĩ Giáo Hội Công Giáo như một tổng thể hiện hữu trong các Giáo Hội địa phương. Không có Giáo Hội riêng biệt nào được gọi là Giáo Hội phổ quát. Chỉ có một Giáo Hội là Công Giáo và mạng lưới các mối liên hệ của nó — được thành lập trong đức tin, đức cậy và đức mến — có tính cách toàn thế giới. Vì vậy, ở khía cạnh đó, nó là phổ quát, nhưng nó cũng rất cụ thể ”.

Cha Komonchak nói: “Bạn không thể trừu tượng hóa Giáo Hội địa phương từ thời điểm lịch sử. Vì vậy, nếu bạn được hỏi ngày hôm nay,‘Đâu là thách thức lớn nhất của thời điểm hiện đại mà Giáo Hội phải giải quyết?’, Câu hỏi đầu tiên của bạn hẳn là: “Bạn đang nói đến đâu? Bạn đang nói về ai?" Vì chúng ta có một số thách thức ở đây ở Hoa Kỳ, và người dân ở Mali có những thách thức khác."

Đối với nhiều người Mỹ, điều khó hiểu là Giáo Hội trên toàn thế giới không giống như các giáo xứ của chúng ta, những gì quan trọng hoặc thiết yếu ở Mali có thể không phải là những gì quan trọng hoặc thiết yếu ở Peoria. Và điều này xảy ra hai cách, trên quan điểm giáo hội và chính trị. Liệu chúng ta có thể chấp nhận một giáo hội phổ quát với các thực hành địa phương khác biệt quanh các vấn đề quản trị, chuẩn mực văn hóa, cách thức lãnh nhận các bí tích và nhiều điều khác nữa không? Hay chúng ta phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải giống nhau ở mọi thời đại và mọi địa phương? Nếu vậy, người Mỹ và người Tây Âu sẽ phải từ bỏ nhiều ngẫu tượng hơn bất cứ ai khác. (Giáo hội thời trung cổ ấy dạy về việc chống tính lãi cho các khoản vay? Nó vẫn còn trên sách vở — hãy đọc “Vix Pervenit.” Đó là một phần của huấn quyền giảng dạy phổ quát, giống như “Laudato Si”.”) Nhưng trong khi chờ đợi, việc tuyệt thông lẫn nhau chẳng có ích lợi gì, bất kể là giám mục tuyệt thông giám mục hoặc hàng xóm tuyệt thông hàng xóm.

Tiếp theo sẽ ra sao?

Tất cả những điều này có liên quan gì đến Lễ Ngũ Tuần? Khi đọc câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước, chúng ta thấy rõ một điều: Không phải đột nhiên các môn đệ bắt đầu nói cùng một giọng, sử dụng cùng một ngôn ngữ. Đúng hơn, mỗi cộng đồng hiện diện đã nghe họ nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ “về những hành động quyền năng của Thiên Chúa”. Cộng đồng đó không phải là cộng đồng một tiếng nói hoặc một nền văn hóa hoặc thậm chí khác biệt về địa lý, và không ai đứng lên và nói "tiếng nói của tôi là tiếng nói của Chúa, và nếu các anh không nghe được tôi, các anh đang nói và nghe sai tiếng nói."

Tiến trình Thượng Hội Đồng không phải là một Lễ Hiện Xuống mới. Chúng ta không cần một Lễ Hiện Xuống mới, mà chỉ cần một Nhập Thể mới, một Phục Sinh mới. Một lần là đủ, và chúng ta nên cảnh giác với việc mỗi lần mỗi đề cập đến một cái mới. Điều độc đáo từ Công vụ vẫn mang tính hướng dẫn và thích hợp. Nhưng chúng ta cần phải nghe bằng chính tiếng nói của mình một thông điệp hiệp thông, nhiều người được tập hợp lại thành một, một sự chia sẻ về những hành động quyền năng của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Điều trông như thế nào về lâu dài có thể gây khó chịu hoặc thậm chí đáng sợ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta dành ngày giờ của chúng ta để ráng trừ khử nhau. Hơn một thế kỷ trước, Đức Bênêđictô XV đã đưa ra quan điểm này khá rõ ràng trong thông điệp “Ad Beatissimi Apostolorum”:

Liên quan đến những vấn đề trong đó không gây tổn hại đến đức tin hoặc kỷ luật — trong trường hợp không có bất cứ sự can thiệp có thẩm quyền nào của Tông Tòa — vẫn có chỗ cho các ý kiến dị biệt nhau, rõ ràng mọi người đều có quyền bày tỏ và bảo vệ ý kiến của mình. Nhưng trong những cuộc thảo luận như vậy, không nên sử dụng những cách diễn đạt có thể cấu thành các vi phạm nghiêm trọng về đức ái; hãy để mỗi người tự do bảo vệ ý kiến của mình, nhưng hãy để nó được thực hiện một cách có chừng mực, để không ai được coi mình có quyền gán cho những người chỉ đơn thuần không đồng ý với ý kiến của mình vết nhơ bất trung với đức tin hoặc kỷ luật.