1. Vị Hồng Y tự lái xe cứu thương từ Rome tới Lviv, Ukraine
Một vị Hồng Y Công Giáo và phụ tá thân cận của Đức Giáo Hoàng đang lái chiếc xe cứu thương do Đức Thánh Cha Phanxicô chúc lành và hiến tặng miền tây Ukraine để phục vụ thường dân chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga.
Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, người phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đã nhận nhiệm vụ ngay sau khi trở về từ Fatima, Bồ Đào Nha, nơi ngài chủ trì nghi lễ dâng hiến Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.
Đức Hồng Y Krajewski nói với Crux: “Đây là một sự giúp đỡ cụ thể mà Đức Thánh Cha dành cho người dân Ukraine đang đau khổ”.
Thành phố Lviv, nơi xe cứu thương đang hướng tới, có dân số trước chiến tranh khoảng 720,000 người, nhưng gần 500,000 người phải di dời nội bộ đã đến đây kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Vị Hồng Y nói, “Chúng tôi muốn hỗ trợ họ; chúng tôi hy vọng chiếc xe cứu thương này sẽ phục vụ người dân ở Lviv vì hầu hết các xe cứu thương của Ukraine đã được gửi đến tiền tuyến”.
Theo Đức Hồng Y Krajewski, Đức Phanxicô đã cầu nguyện rất lâu trước xe cứu thương.
Ngài nói thêm, “Bên trong xe cứu thương có màu xanh lam, giống như mầu phòng phẫu thuật, nhưng màu xanh lam cũng là màu của Đức Nữ Đồng trinh”.
“Khi tôi ở Ukraine, mọi người đã yêu cầu Nga và Ukraine được dâng hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria và đóng cửa bầu trời Ukraine”, vị Hồng Y nói thế có ý đề cập đến yêu cầu của chính phủ Ukraine về việc thiết lập một khu vực cấm bay trên toàn không phận.
Đức Hồng Y Krajewski cho biết Vatican đang làm hết sức mình để đáp ứng nhu cầu của người dân Ukraine, và chiếc xe cứu thương hoàn toàn mới là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Toà Thánh.
Khởi hành từ Rome, Đức Hồng Y Krajewski đang chở một người lái xe khác đi cùng - một người đàn ông vô gia cư đến từ Ba Lan, người mà ngài sẽ để lại ở Krakow: Ngài nói với Crux, “Chúng tôi sẽ chuyển tay nhau sau tay lái; đó là một chuyến đi dài từ Rome đến Đông Âu”. Từ Krakow, vị Hồng Y sẽ tự mình lái xe đến Lviv.
Đức Hồng Y Krajewski đã dành sáu ngày ở Ukraine vào giữa tháng Ba sau khi được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm đặc phái viên. Ngài đã giúp cung cấp tài chính cho việc tiếp tế vật tư và tổ chức một buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình tại Nhà thờ Công Giáo Lviv thuộc nghi lễ Latinh.
Ngài nói, lần này, ngài sẽ ở lại Ukraine trong khoảng thời gian cần thiết.
Đức Hồng Y Krajewski nói, một chiếc xe cứu thương thứ hai được lên kế hoạch đưa đến Ukraine vào Thứ Năm Tuần Thánh, “như một dấu hiệu rửa chân cho đất nước đang đau khổ”.
Văn phòng phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cũng đang giúp phân phối ngân quỹ. Chẳng hạn, hôm thứ Năm, viện khảo cổ học của Đức Giáo Hoàng đã mang tiền đến gửi cho Lviv và tài trợ cho việc bảo vệ các kho tàng kiến trúc.
Đức Hồng Y Krajewski nói với Crux: “Đó là một trong những nhu cầu quan trọng. Khi tôi ở Lviv, tôi nhìn thấy hình tượng các vị thánh trên thánh đường được bao bọc và bảo vệ - tất cả những điều này đều tốn tiền”.
Khi được hỏi về chiến lược ngoại giao của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Đức Hồng Y Krajewski nói, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hành động theo luận lý của Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu đứng trước mặt Philatô, Người không nói ông ta điên, Người không lên án”.
Đức Hồng Y giải thích, nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng không phải là lên án người ta, mà là hành động của người ấy: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án các hành động của Tổng thống Putin. Giáo hội lên án chiến tranh, lên án những vụ giết chóc”.
Ngài nói, “Chúng ta muốn ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng đồng thời một số người lại muốn ngài lên tiếng như một chính trị gia. Và đây là một sự mâu thuẫn”.
Đức Hồng Y Krajewski đặt câu hỏi, “Nếu Đức Giáo Hoàng sử dụng những từ ngữ gay gắt hơn, liệu nó có thay đổi được tiến trình của cuộc chiến hay không?”
Bản thân vị Hồng Y đang chuẩn bị chuyển đổi văn phòng của mình thành một cơ quan mới theo tông hiến Praedicate Evangelium, có hiệu lực vào ngày 5 tháng Sáu.
Đức Hồng Y Krajewski nói, với việc thành lập Bộ Phục vụ Bác ái, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thấy việc bác ái quan trọng như thế nào trong triều đại giáo hoàng của ngài”.
Ngài nói, “Tôi đã đọc bản tông hiến mới theo quy tắc hai cánh tay của Đức Thánh Cha Phanxicô: đức tin và lòng thương xót. Tất cả những điều khác sẽ đến sau đó”.
Vị Hồng Y nói tiếp, “Các hoạt động của chúng tôi sẽ không thay đổi. Thực sự, ngay cả cái tên cũng không thay đổi. Quyền lực của văn phòng này không và sẽ không được đo bằng đống giấy tờ và hệ cấp hành chánh”.
Đức Hồng Y Krajewski nói thêm rằng sức mạnh của văn phòng của ngài là ở chỗ hành động.
“Đây là những gì Chúa Giêsu đang làm: Người ban phước, Người chữa lành, Người đã tha thứ tội lỗi. Người không tổ chức hội nghị cấp cao và đó cũng không phải là công việc của văn phòng của tôi. Đó là những việc làm”.
Source:Crux
2. Kêu gọi trình một dự luật bảo vệ tự do tôn giáo tại Pakistan
Pakistan cần cấp thiết có một dự luật cấm các vụ cưỡng bách theo Hồi giáo, đang đe dọa tự do tôn giáo và sự đa nguyên tôn giáo tại nước này.
Cho đến nay tại Pakistan có tệ nạn những người Hồi giáo thường bắt cóc các thiếu nữ, cưỡng bách kết hôn và buộc phải theo Hồi giáo mà không bị luật pháp trừng phạt.
Mới đây tổ chức thiện nguyện “Tiếng nói cho Công lý” (Voice for Justice), chuyên dấn thân bênh vực nhân quyền, sự bình đẳng các quyền và tự do tôn giáo, đã tổ chức một cuộc gặp gỡ tại thành phố Karachi, với chủ đề “Phá vỡ các thành kiến” và đã đưa ra lời thỉnh cầu chính quyền và các giới chức liên hệ ở Pakistan xúc tiến một dự luật theo chiều hướng vừa nói trên đây, du nhập các bảo vệ về pháp luật và hành chánh để chống lại những tội ác cưỡng bách theo đạo Hồi, hôn nhân trẻ em và lạm dụng phụ nữ tại nước này.
Bà Nuzhat Shirin, Chủ tịch Ủy ban về thân phận phụ nữ ở bang Sindh, tuyên bố rằng: “Thật là điều đáng khích lệ vì tòa án cấp cao ở Islamabad đã tuyên bố hôn nhân với trẻ vị thành niên 18 tuổi là bất hợp pháp. Hiện tượng có nhiều hôn nhân sớm tại Pakistan bị gán cho nguyên do nghèo đói, các qui luật xã hội, các truyền thống và phong tục, cũng như những quan niệm sai lầm về tôn giáo. Ngoài ra, tòa án liên bang về giáo pháp Sharia của Hồi giáo đã ban hành phán quyết, theo đó việc ấn định tuổi tối thiểu theo pháp luật để kết hôn không phải là một hành vi trái với Hồi giáo, điều này mở đường cho việc bãi bỏ hôn nhân trẻ vị thành niên 18 tuổi tại Pakistan”.
Xã hội dân sự tại nước này mời gọi chính phủ hãy xét lại sự luật chống các vụ cưỡng bách cải đạo và đệ trình Quốc hội Pakistan.
Bà Ghazala Shafique, một phụ nữ nổi tiếng vì dấn thân bảo vệ các quyền của phụ nữ nói rằng: “Cần trình bày vấn đề cưỡng bách theo Hồi giáo như một vấn đề nhân quyền, chứ không phải chỉ là một vấn đề tôn giáo”.
Bà Naghma, cũng là người tích cực hoạt động bảo vệ nữ quyền, nói rằng: “Sự thiếu áp dụng luật pháp hiện hành vẫn là một chướng ngại trầm trọng, Thật đáng tiếc vì nhiều kẻ vi phạm luật pháp vẫn không bị trừng phạt do những tội ác họ đã phạm”. Theo bà Seemi Emmanuel, hiển nhiên là “Nhà nước không có khả năng thực hiện và buộc tôn trọng các luật lệ hiện hành về nạn bắt cóc trẻ nữ, cưỡng bách kết hôn, nhất là đối với các nạn nhân thuộc các cộng đoàn tôn giáo thiểu số”.
Sau cùng, ông Humayun Waqas, một nhà trí thức thăng tiến nhân quyền, nói với hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo rằng: “Các công dân Pakistan được bảo đảm tự do tôn giáo theo điều số 20 của Hiến pháp quốc gia; thật là điều bất hợp pháp và vô luân khi bó buộc các công dân phải thay đổi tín ngưỡng của họ bằng cách dọa nạt, cưỡng bách hoặc lèo lái”.
Source:Fides
3. Từ bờ biển này sang bờ biển kia, các giám mục Hoa Kỳ tham gia vào việc thánh hiến Nga và Ukraine
Trong một thánh lễ ở Philadelphia hôm thứ Sáu, giọng nói của người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine tại Hoa Kỳ rung lên vì xúc động.
“Ukraine đã thống nhất thế giới,” Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak nói. “Chưa bao giờ, trong lịch sử nhân loại, những người có thiện chí trên toàn cầu lại đoàn kết như vậy”, nhà lãnh đạo của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Philadelphia khẳng định.
“Sự yếu đuối của bản chất con người chúng ta hiện rõ trước mắt chúng ta, nhưng có rất nhiều ân sủng mà Chúa đang ban cho,” ngài nói và khẳng định rằng ngay cả khi đối mặt với sự dữ, ngài vẫn thấy ân sủng của Chúa đang hoạt động khi cả thế giới xích lại gần nhau. trong lời cầu nguyện cho Ukraine.
Thánh lễ ở Philadelphia là một trong số hàng thánh lễ chục diễn ra hôm thứ Sáu trên khắp nước Mỹ, khi các giám mục đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để cùng nhau cầu nguyện cho việc thánh hiến Ukraine và Nga.
Từ mũi Florida đến nam California, từ Seattle đến Upper Peninsula của Michigan, mọi giáo phận Hoa Kỳ đều tham gia bằng hình thức này hay hình thức khác. Giám mục Fairbanks đã cầu nguyện thánh hiến bên bờ Biển Bering, đối diện với Nga, nước láng giềng của họ chỉ vài trăm dặm về phía tây.
Nhiều giám mục đã chia sẻ những bức ảnh chụp các nhà thờ chật cứng.
Tại Boston, Đức Hồng Y Sean O'Malley đã cầu nguyện thánh hiến ngay sau Thánh lễ trưa, vào khoảng 1:30 chiều giờ miền Đông. Trong số các linh mục đồng tế có Cha Yaroslav Nalysnyk, cha sở của Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua Ukraine ở Boston.
Cha Nalysnyk đã nói với cộng đoàn khoảng 150 người rằng, giống như Chúa Kitô, Ukraine đang “chảy máu” và “đang trải qua cuộc khổ nạn của chính mình”. Nhưng Ukraine sẽ sống lại, với tình yêu của Chúa Kitô phục sinh là mô hình của nó.
Cha Nalysnyk, cho biết ngài đã bí mật được truyền chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine thầm lặng ở Liên Xô, và gọi đó là “một vinh dự lớn khi được tham gia vào sự thánh hiến long trọng này của Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.”
Cha Nalysnyk cũng nói: “Phụng vụ này sẽ gửi đi một thông điệp về hy vọng, thông điệp hòa bình, thông điệp về sự hàn gắn, và thông điệp về sự đoàn kết chống lại cái ác, chiến tranh và sự hủy diệt”.
Sau thánh lễ ở Boston, CNA đã nói chuyện với Taras Leschishin, Cha sở nhà thờ Holy Cross. Leschishin được nuôi dạy theo Chính thống giáo Ukraine và hiện đã theo đạo Công Giáo.
“Tôi nghĩ rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc thánh hiến và buổi lễ hôm nay thật tuyệt vời và cảm động. Tôi không thể không khóc. Bất kỳ đề cập nào về Ukraine đều khiến tôi rơi lệ”, Leschishin nói với CNA.
“Nhưng điều này rất đáng hy vọng. Tôi biết mọi người đang nói, chúng ta có thể làm gì? Và tôi nghĩ lời cầu nguyện là câu trả lời đầu tiên”.
Source:Catholic News Agency