Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:
“Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”
Việc lựa chọn những từ ngữ mạnh mẽ như thế được cho là phản ánh thái độ thất vọng của Tòa Thánh đối với cả Putin lẫn Thượng Phụ Kirill, sau các cố gắng không thành công nhằm chấm dứt cuộc chiến. Một ngày sau thông điệp nẩy lửa của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố. Trong tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã không hề đề cập đến lý do tối quan trọng trong chuyến viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh. Giữa hoàn cảnh chiến tranh kinh hoàng, ngài không đến để nói chuyện xã giao mà để chuyển lời của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Thượng Phụ Kirill tác động với Putin chặn đứng cuộc xâm lược Ukraine.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ
Về phía Giáo Hội Chính thống Nga, cuộc họp có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga Archimandrite Philaret (Bulekov) và một nhân viên của Ủy ban Đối Ngoại về Quan hệ giữa các Giáo Hội Kitô Ivan Nikolaev.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello được tháp tùng bởi một Linh mục của Tòa Sứ thần Tòa thánh là Cha Igor Chabanov.
Phát biểu chào mừng quan khách, Đức Thượng phụ Kirill lưu ý rằng Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma đóng một vai trò quan trọng trong thế giới Kitô và mối quan hệ tốt đẹp đã phát triển giữa họ mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Đức Thượng Phụ cũng tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo hòa bình và công lý giữa mọi người.” “Tôi giữ một kỷ niệm rất đẹp về cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng tôi, chắc chắn nó đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi trong Giáo hội Chính thống Nga đánh giá rất cao việc một trang mới như vậy đã mở ra”.
Đức Thượng Phụ chỉ ra rằng lập trường ôn hòa và khôn ngoan của Tòa thánh trong nhiều vấn đề quốc tế là phù hợp với lập trường của Chính thống giáo Nga. “Điều rất quan trọng là các Giáo hội Kitô, bao gồm cả các Giáo hội của chúng ta, tự nguyện hoặc không tự nguyện, đôi khi không có ý muốn, sẽ không trở thành người tham gia vào những khuynh hướng phức tạp, mâu thuẫn đang hiện diện trong chương trình nghị sự thế giới ngày nay,” Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh.
Ngài nói: “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một quan điểm xây dựng hòa bình, kể cả khi đối mặt với những xung đột hiện có. Bởi vì Giáo hội không thể là một bên tham gia vào một cuộc xâm lược - nó chỉ có thể là một lực lượng xây dựng hòa bình”.
Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga nói rằng Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello có kinh nghiệm đối phó với các tình huống chính trị khó khăn, vì ngài đã phục vụ ở Mỹ Latinh trong một thời gian dài: “Đây là một lục địa rất khó khăn. Một mặt, nó là một lục địa, phần lớn cư dân thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Đến thăm các nước Mỹ Latinh, tôi đã chứng kiến một tình cảm tôn giáo mạnh mẽ, sống động trong nhân dân. Nhưng, mặt khác, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trên lục địa này: xã hội, chính trị, kinh tế và những thứ khác, và chúng làm phức tạp thêm cuộc sống của người dân”.
Đức Thượng Phụ nói tiếp: “Khi chủ đề về cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra, tôi đã nghĩ về việc cuộc gặp này có nên diễn ra hay không. Sau đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên gặp nhau trên mảnh đất mà Chính thống giáo chưa bao giờ có xung đột với người Công Giáo. Trên một lục địa đang chống chọi với các vấn đề và bất công, cần sự hỗ trợ tinh thần, đồng thời, chưa bao giờ bị lu mờ bởi những xung đột giữa các tôn giáo liên quan đến chủ đề Đông và Tây”.
Về phần mình, Sứ thần Tòa thánh tại Nga chân thành cảm ơn Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Giáo chủ Chính thống Nga, lưu ý rằng với cảm xúc sâu sắc Đức Giáo Hoàng luôn nhớ lại cuộc gặp với Đức Thượng phụ Kirill và đặc biệt là bầu không khí thân mật mà cuộc gặp gỡ đó đã diễn ra.”
Ngài cũng đề cập rằng khi ngài đến Nga sau nhiều năm làm Sứ thần Tòa thánh tại Brazil, Đức Tổng Giám Mục São Paulo, là Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, và Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, là Đức Hồng Y Orani João Tempesta, đã yêu cầu ngài chuyển lời chào thân ái nhất tới Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga.
Theo Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, nhiệm kỳ Sứ thần Tòa thánh tại Liên bang Nga là cơ hội để ngài “làm quen với một thế giới hoàn toàn mới, đặc biệt là với mục vụ của Giáo hội Chính thống Nga.” Ông nói: “Đây là một cơ hội quý giá, bao gồm cả việc phát triển mối quan hệ hợp tác của chúng ta.
Source:Moscow Patriarch