1. Tổng thống Zelenskyy thuyết phục được Hoa Kỳ viện trợ khẩn cấp 10 tỷ Mỹ Kim
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ vùng cấm bay trên đất nước ông, đình chỉ quyền truy cập thẻ tín dụng và cấm mua dầu của Nga.
Qua Zoom, Zelenskyy đã “cầu xin” gần 300 nhà lập pháp quốc hội Hoa Kỳ để giúp đất nước của ông có thêm máy bay.
Zelenskyy nói với các thượng nghị sĩ rằng ông cần máy bay và máy bay không người lái hơn các công cụ an ninh khác.
Thông điệp của ông rất đơn giản: “đóng cửa bầu trời hoặc cho chúng tôi máy bay”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh rằng các nước NATO có những máy bay chiến đấu như vậy. “Vì vậy, hãy lấy cho họ những chiếc máy bay và máy bay không người lái mà họ cần,” Graham nói trong một video đăng trên Twitter.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết, “Quốc hội đang làm việc với gói viện trợ 10 tỷ đô la, tức là 9.14 tỷ euro.
Schumer khẳng định: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng nhận được khoản hỗ trợ hơn 10 tỷ Mỹ Kim về kinh tế, nhân đạo và an ninh cho người dân Ukraine.
2. Đài Loan quan ngại về luận lý của Hoa Kỳ và NATO
Như chúng tôi đã đưa tin, trong một diễn văn nghẹn ngào, Tổng thống Zelenskyy đã khiển trách NATO vì từ chối vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, khi các cuộc không kích của Nga leo thang
Trong một bài phát biểu đầy xúc động và gay gắt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ trích NATO từ chối áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cho rằng điều này sẽ cho phép Nga tiếp tục leo thang các cuộc tấn công từ trên không.
“Tất cả những người chết kể từ ngày hôm nay trở đi cũng sẽ chết vì các bạn, vì sự yếu đuối của các bạn, vì sự thiếu đoàn kết của các bạn,” ông nói trong một bài diễn văn tối qua.
“Liên minh đã bật đèn xanh cho việc ném bom các thành phố và làng mạc của Ukraine bằng cách từ chối tạo vùng cấm bay”.
Ông Zelenskyy nói rằng người Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự và đã phá hủy kế hoạch của Nga về một cuộc xâm lược chớp nhoáng. Ukraine “đã trải qua chín ngày đen tối và tội ác.”
“Chúng tôi là những chiến binh của ánh sáng,” ông nói.
“Lịch sử của Âu Châu sẽ ghi nhớ điều này mãi mãi.”
Giải thích cho quyết định từ chối thiết lập vùng cấm bay, thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là đưa máy bay NATO vào không phận Ukraine để bắn hạ máy bay Nga.
“Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ có thể đưa đến một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu,” ông nói.
Các quan sát viên lo lắng rằng, một câu trả lời như thế dễ dàng có thể lặp lại với cùng một logic tương tự trong trường hợp Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược Đài Loan, hay lấn chiếm các khu vực ở Biển Đông trong các tranh chấp với Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia và Mã Lai Á.
3. Phản ứng của Putin về việc NATO không thực hiện “vùng cấm bay”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy đã bác bỏ ý tưởng áp đặt vùng “cấm bay” đối với Ukraine mà Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy đang kêu gọi.
“Điều đó là không thể được, bất kỳ nỗ lực nào của các quốc gia khác làm điều đó sẽ được coi là sự tham gia của họ vào xung đột quân sự”, ông Putin nói hôm thứ Bảy khi nói chuyện với các nữ phi công và tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot.
Hài lòng với quyết định của NATO không thực hiện “vùng cấm bay”, ông Putin đã được đằng chân lân đàng đầu. Putin nói rằng các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, cũng “giống như một lời tuyên chiến”. Đó là một tuyên bố gây lạnh xương sống cho nhiều người trên thế giới. Có vẻ như Putin muốn nói rằng trước cuộc xâm lược vô cớ, vô lý, ngang nhiên chà đạp lên công pháp quốc tế, không ai có quyền làm bất cứ điều gì chống lại ông ta.
Trong một cử chỉ ngạo mạn đầy thách thức, Putin nhấn mạnh rằng Nga có thể thích ứng và yêu cầu các nước đã áp đặt các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt này phải đảo ngược vì các lệnh đó, nếu không chúng cũng gây tổn hại đến lợi ích của họ.
Về cuộc xâm lược Ukraine, Putin lại tuyên bố rằng nó đã diễn ra “theo đúng kế hoạch, đúng lịch trình”. Ông cũng tuyên bố rằng Nga chỉ sử dụng quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải lính nghĩa vụ và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Trong bối cảnh các gia đình giầu có đưa con cái chạy ra nước ngoài để tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, Putin cho rằng ông ta không có ý định bắt lính, và cũng không có ý định ban bố tình trạng thiết quân luật và sẽ chỉ làm như vậy trong trường hợp có “sự xâm lược từ bên ngoài” đối với các khu vực cụ thể của Nga.
Theo ông Putin, các cuộc đàm phán với Ukraine đang tiếp tục với yêu cầu chính của Nga là “phi quân sự hóa” Ukraine.
Putin cũng đưa ra những bình luận đe dọa về tình trạng nhà nước của Ukraine.
“Đặc biệt là những người thuộc giới lãnh đạo ngày nay, nên hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, họ đặt câu hỏi về tương lai của nhà nước Ukraine. Và nếu nó xảy ra, nó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm của họ”
Putin cũng gợi ý rằng Nga có thể cố gắng chặn các hãng hàng không quốc tế bay qua Siberia, điều này sẽ làm gián đoạn các hãng hàng không quốc tế đang cố gắng bay từ Âu Châu đến Á Châu.
Putin tuyên bố rằng “những người theo chủ nghĩa phát xít mới” ở Ukraine không cho phép người dân rời khỏi các thành phố của Ukraine để sử dụng chúng làm lá chắn cho con người. Tuy nhiên, hôm thứ Bảy, Hồng Thập Tự quốc tế xác nhận rằng các cuộc di tản đã bị dừng lại chính là vì các cuộc pháo kích của Nga.
4. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu người Mỹ rời khỏi Nga 'ngay lập tức'
Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật các lời khuyên cho công dân Mỹ muốn du lịch sang Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và việc Nga thắt chặt đàn áp đối với những ai bất đồng chính kiến, tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ ở Nga, bao gồm thẻ tín dụng bị giảm sút và tình trạng thiếu tiền mặt.
“Các công dân Hoa Kỳ nên rời khỏi ngay lập tức,” lời khuyên cảnh báo và nói thêm, “nếu bạn muốn rời Nga, bạn nên tự mình thu xếp càng sớm càng tốt.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Mỹ: “Nếu bạn định ở lại Nga, hãy hiểu rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ có những hạn chế nghiêm trọng về khả năng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ và các điều kiện, bao gồm cả các phương tiện đi lại, có thể thay đổi đột ngột.”
Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo thêm rằng công dân Hoa Kỳ có thể bị quấy rối bởi “các quan chức an ninh của chính phủ Nga” hoặc phải đối mặt với “việc phải thi hành luật pháp địa phương một cách tùy tiện”, điều mà họ đã cảnh báo trong nhiều năm.
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn chi tiết về cách chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả qua biên giới đất liền bằng xe hơi và xe buýt cũng như các chuyến bay hạn chế.
5. Aeroflot tạm dừng tất cả các chuyến bay nước ngoài, trừ Belarus, từ ngày 8 tháng 3
Aeroflot, hãng hàng không hàng đầu của Nga, cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế - ngoại trừ đến nước láng giềng Belarus - bắt đầu từ ngày 8 tháng Ba khi Mạc Tư Khoa đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine.
Động thái được đưa ra hôm thứ Bảy sau khi cơ quan hàng không dân dụng của nước này, Rosaviatsiya, khuyến cáo rằng tất cả các hãng hàng không Nga đang khai thác máy bay thuê của nước ngoài phải dừng ngay các chuyến bay chở khách và chở hàng ra nước ngoài, với lý do rủi ro cao là máy bay cho thuê bị bắt giữ như một phần của lệnh trừng phạt của phương Tây cấm cho thuê máy bay đến Nga.
Khuyến nghị của Rosaviatsiya không áp dụng cho các hãng hàng không Nga sử dụng máy bay Nga hoặc máy bay nước ngoài không có nguy cơ bị tạm giữ. Nó cũng không áp dụng đối với các hãng hàng không nước ngoài từ các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và không đóng cửa không phận đối với máy bay Nga.
Hơn một nửa số máy bay thương mại ở Nga là máy bay thuê bao của các quốc gia khác, theo Aviation Week, một ấn phẩm trong ngành.
Một tuyên bố của Aeroflot về việc “tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 8 tháng 3” đã trích dẫn “các tình huống mới cản trở hoạt động của các chuyến bay”. Nó lưu ý rằng tất cả các đường bay nội địa sẽ tiếp tục không thay đổi, cũng như các chuyến bay đến Belarus, nơi mà nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hãng hàng không quốc doanh lớn nhất của Nga cũng cho biết họ sẽ hủy vé khứ hồi cho những hành khách dự kiến rời Nga sau ngày 6 tháng 3 và đi về sau ngày 8 tháng 3. Những người có vé một chiều sẽ được bay đến hết ngày 8 tháng 3.
Rosaviatsia cũng khuyến nghị những người Nga đang tìm cách trở về nước từ nước ngoài sắp xếp các chuyến bay quá cảnh qua các quốc gia không gia nhập lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.
Đầu tuần này, một hãng hàng không khác của Nga, S7, đã thông báo ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế của hãng do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga về cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Hãng hàng không bình dân Pobeda - một công ty con của Aeroflot - cũng cho biết họ sẽ tạm dừng các chuyến bay quốc tế từ ngày 8 tháng 3.
Lĩnh vực hàng không là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ sau cuộc xâm lược Ukraine.
Hãng hàng không Nga Aeroflot đã bị cấm bay vào không phận của toàn bộ Liên Hiệp Âu Châu, Vương quốc Anh và Canada, buộc hãng này phải tạm dừng các chuyến bay đến các điểm đến này.
Để trả đũa, Nga đã cấm các hãng hàng không từ những quốc gia đó bay qua lãnh thổ của mình.
Hôm thứ Bảy, Putin đã đến thăm một trung tâm đào tạo của Aeroflot bên ngoài thủ đô Mạc Tư Khoa, và nói rằng mục tiêu của ông ở Ukraine là bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga thông qua “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” để Ukraine trở nên trung lập.
Ukraine và các nước phương Tây đã bác bỏ luận điểm của Putin, coi đây là cái cớ vô căn cứ cho cuộc xâm lược và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm cô lập Mạc Tư Khoa.
Source:Aljazeera
6. Việc Nga ném bom bừa bãi vào Ukraine sẽ gia tăng: Quan chức Mỹ
Hôm thứ Bảy, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với ABC News rằng họ không nghi ngờ gì về việc Nga ném bom bừa bãi vào Ukraine sẽ gia tăng trong những ngày tới.
Khi được hỏi họ nghĩ Ukraine có thể cầm cự được bao lâu, quan chức này cho biết các lực lượng Ukraine nói chung là “toàn bộ” đang suy thoái nhưng mạnh mẽ và phát triển với tư cách cá nhân hoặc các “nhóm du kích”. Theo quan chức này, ít nhất 500 “chiến binh” từ các nơi khác đã đến Ukraine để tham gia cuộc chiến chống lại Nga.
7. Bennett của Israel gặp Putin ở Mạc Tư Khoa
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa, đề nghị hòa giải cuộc xung đột ở Ukraine.
Một quan chức Israel cho biết cuộc hội đàm tại Điện Cẩm Linh đã kéo dài đến 3 giờ.
Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các hãng thông tấn Nga rằng họ đang “thảo luận về tình hình ở Ukraine”.
Không có thêm chi tiết nào được tiết lộ, nhưng văn phòng của Bennett cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau cuộc hội đàm với Putin.
Bennett rời Mạc Tư Khoa đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vài ngày sau cuộc gặp của họ tại Israel. Theo nguồn tin của DW, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau sau đó vào tối thứ Bảy, với một thông cáo báo chí có thể sẽ được đưa ra sau đó.
Israel duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine.