Giọng hát của các sơ đã cất lên từ đoạn đầu đài khi các sơ đi đến cái chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1794, trong Thời kỳ khủng bố, thời kỳ đáng sợ của Cách mạng Pháp, đã hành quyết ít nhất 17,000 người.
Theo yêu cầu của các giám mục Pháp và Dòng Cát Minh Nhặt Phép, vào ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý mở một quy trình đặc biệt được Giáo Hội Công Giáo gọi là “phong thánh tương đương” để nâng 16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne lên hàng các thánh.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne đã được tuyên là Chân Phước tử đạo. Thông thường, cần có một phép lạ để được tuyên thánh. Yêu cầu đó được bỏ qua trong tiến trình tuyên thánh “tương đương”.
Tuyên thánh “tương đương”, giống như quy trình phong thánh thông thường, là sự cầu khẩn xin Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng ơn không thể sai lầm khi tuyên bố rằng một người nằm trong số các thánh trên thiên đàng. Tuy nhiên, việc tuyên thánh “tương đương” không giống như quy trình chính thức của việc tuyên thánh cũng như các nghi lễ, vì việc tuyên thánh “tương đương” xảy ra tương đối đơn giản: chỉ cần Đức Giáo Hoàng đưa ra một sắc lệnh.
Để được tuyên thánh “tương đương”, vị thánh phải được các tín hữu sùng kính từ nhiều năm trước và thể hiện các đức tính anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ hiện đại nào, nhưng sự nổi tiếng của các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi vị ấy qua đời được tính đến trong các nghiên cứu lịch sử của Bộ Tuyên Thánh.
Quá trình này rất hiếm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Phêrô Faber và Thánh Margaret thành Costello. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Hildegard thành Bingen và Đức Piô XI đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Albertô Cả.
Các vị tử đạo được tôn kính từ lâu bao gồm 11 nữ tu đã khấn trọn, ba nữ tu chưa khấn và hai người bên ngoài đến làm việc trong tu viện.
Lấy cảm hứng từ hành động tự phát của một tập sinh duy nhất trong số họ - và người đầu tiên và trẻ nhất qua đời - mỗi người trong số 16 thành viên của một tu viện Cát Minh ở Compiègne đã hát bài Laudate Dominum, nghĩa là “Tạ Ơn Chúa”, khi các chị lên các bậc thang máy chém. Sơ bề trên tu viện đã ban phép trang trọng trước khi chết cho từng chị em quỳ gối trước sơ ấy ngay sau khi họ hôn tượng Đức Trinh Nữ trên tay chị, trên các bậc thang của giàn giáo. Sơ bề trên là người cuối cùng chết, giọng nói của sơ ấy vang vọng cho đến khi đầu và thân thể sơ bị đứt lìa bởi chiếc máy chém tàn bạo
Cái chết của các sơ khiến đám đông lặng đi, và 10 ngày sau, bầu khí khủng bố tự nó cũng bị im bặt, và người ta xem đó là một phép lạ mà các sơ đã dâng lên Chúa trong vụ hành quyết các sơ.
Source:Catholic News Agency