1. Các giám mục Công Giáo kêu gọi người dân Phi Luật Tân đừng bỏ phiếu cho những người bóp méo sự thật về những năm thiết quân luật
Vào dịp kỷ niệm cuộc cách mạng hòa bình dẫn đến sự sụp đổ của Marcos năm 1986, Đức Cha David, chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã công bố một bức thư mục vụ trước cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5, trong đó con trai của nhà cựu độc tài sẽ tranh cử tổng thống. Bức thư nhấn mạnh rằng “Không thể có công lý nếu không có sự thật”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, đã ban hành một lá thư mục vụ có tiêu đề “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (Ga 8:32), do Chủ tịch CBCP là Đức Cha Pablo Virgilio David của giáo phận Kalookan ký.
Trong thư đó, các giám mục cảnh báo rằng “những nhóm lừa lọc gieo mầm bệnh dối trá” đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống hiện tại, và nhấn mạnh rằng “Không thể có công lý nếu không có sự thật”.
Bức thư được công bố hôm 25 tháng 2, không phải là ngẫu nhiên. Vào ngày này năm 1986, cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân EDSA [*] bất bạo động đã diễn ra, lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Con trai của cựu độc tài, Ferdinando Marcos Jr., và người đồng hành của ông, Sara Duterte, con gái của tổng thống sắp mãn nhiệm, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 5 nhờ một quảng cáo rầm rộ hạ thấp những vết sẹo gây ra khi Phi Luật Tân nằm dưới quả đấm sắt của thiết quân luật.
Trong khi “nhận thức được sự phức tạp của mọi thứ”, các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc tái khám phá công ích.
“Chúng tôi không có tham vọng chiếm đoạt cho mình vai trò đặc thù của người giáo dân trong trật tự công bằng xã hội, chúng tôi cũng không có ý định chiếm đoạt vai trò của chính phủ. Chúng tôi ở đây để cung cấp sự hướng dẫn về mặt đạo đức và tâm linh, phù hợp với sứ mệnh công bố sự thật từ đức tin của chúng tôi”.
“Nhưng chúng tôi kinh hoàng trước sự xuyên tạc, thao túng, che đậy, đàn áp và lạm dụng sự thật một cách trắng trợn và tinh vi, như: chủ nghĩa xét lại lịch sử - sự xuyên tạc hoặc phủ nhận lịch sử; sự gia tăng của các tin tức giả và những câu chuyện sai sự thật; thông tin sai lệch - gieo rắc thông tin và tường thuật sai sự thật nhằm tác động đến ý kiến của người dân, che giấu sự thật, ác ý và mua chuộc mọi người”.
Trích dẫn “vi-rút của sự dối trá” làm tê liệt khả năng “nhận ra Chúa và tôn trọng sự thật cũng như lòng tốt” của người Phi Luật Tân, các giám mục lưu ý rằng “những xuyên tạc căn bản trong lịch sử của Thiết quân luật và Cách mạng Quyền lực Nhân dân EDSA” là trọng tâm của vấn đề.
“Chúng tôi đã ban hành 'Tuyên bố sau bầu cử', ngày 13 tháng 2 năm 1986, liên quan đến việc tước đoạt một cách có hệ thống quyền của cử tri, mua phiếu bầu rộng rãi và ồ ạt, cố ý giả mạo kết quả bầu cử, đe dọa, sách nhiễu, khủng bố và giết người.”
“Trong cùng một Tuyên bố, chúng tôi đã nói: 'một chính phủ đảm nhận hoặc duy trì quyền lực thông qua các phương tiện gian lận là không có cơ sở đạo đức.' Vì vậy, chúng tôi yêu cầu anh chị em nhìn nhận, đánh giá và hành động, rõ ràng không phải bằng bạo lực, mà bằng các biện pháp hòa bình. Và đó là những gì đã xảy ra”.
“Cách mạng hòa bình không phải là phát minh của một người, một đảng. Đó là một chiến thắng của toàn thể Nhân dân Phi Luật Tân”.
“Nhiều người trong chúng tôi, các Giám mục, là nhân chứng của sự bất công và tàn ác của Thiết quân luật. Và cho đến nay, những vi phạm nhân quyền, những nạn nhân, tham nhũng, nợ nần chồng chất và sự suy thoái kinh tế của đất nước do chế độ độc tài đều được ghi chép đầy đủ”.
Quên điều này “là nguy hiểm, vì nó đầu độc ý thức tập thể của chúng ta và phá hủy nền tảng đạo đức của các thể chế của chúng ta.” Thật vậy, “Liệu chúng ta có đủ khả năng để biến những lời nói dối trở thành cơ sở của luật pháp của chúng ta và việc thực thi chúng không? Điều gì xảy ra với một gia đình hoặc một xã hội không được xây dựng trên sự thật? “
Cuối cùng, “Không thể có công lý nếu không có sự thật. Ngay cả lòng bác ái, nếu không có chân lý, chỉ là chủ nghĩa cảm tính. Một cuộc bầu cử hay bất kỳ quá trình nào không dựa trên sự thật thì đó chỉ là sự lừa dối và không thể tin cậy được”.
Vì lý do này, các giám mục kêu gọi người Phi Luật Tân, “đặc biệt là giới trẻ, hãy xem xét cẩn thận những gì đang xảy ra trong hành trình tìm kiếm một xã hội chân chính và công bằng của chúng ta. Tham gia vào đối thoại và phân định. Hãy lắng nghe lương tâm của anh chị em. Hãy là những người quyết định “.
Cuối cùng, “Chúng tôi tin tưởng vào khả năng phân định đâu là thật và đâu là tốt của anh chị em. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm lợi ích chung. Và, dưới ánh sáng của Phúc Âm của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đi theo con đường của chân, thiện, mỹ và hòa bình - chứ không phải con đường bạo lực, báo thù hay xấu xa".
Source:Asia News
2. Cuộc xâm lược Ukraine: Bắc Kinh giúp đỡ Mạc Tư Khoa chống loạt trừng phạt đầu tiên của thế giới. Nguy cơ hình thành trục Nam Bắc
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, tố cáo Trung Quốc sẵn sàng mua lúa mì của Nga mà không có các hạn chế về kiểm dịch thực vật. Họ đang tiếp tục giúp Nga nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động của các biện pháp hạn chế tài chính mang tính trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc tiếp tục tránh mô tả hành động gây hấn của Nga là một “cuộc xâm lược”. Đối với Úc Đại Lợi, lập trường của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc đang ra tay giải cứu Vladimir Putin với những động thái đầu tiên nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa thị trường nội địa cho hoạt động bán lúa mì không hạn chế của Nga.
Do lo ngại về kiểm dịch thực vật, cho đến nay, Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Nga. Các hạn chế này đã được dỡ bỏ ngay lập tức sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tưởng cũng nên nói thêm, trước đó Putin đã tới Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông.
Những thỏa thuận như vậy phản ánh việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với các áp lực địa chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Bằng cách cho phép việc nhập khẩu lúa mì Nga không hạn chế, Trung Quốc muốn tăng cường an ninh lương thực của họ, trong khi đối với người Nga, xuất khẩu lương thực nhiều hơn là một cách để đa dạng hóa thương mại của họ với Trung Quốc, khi việc xuất khẩu nguyên liệu thô đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp Điện Cẩm Linh chống lại các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây, bao gồm việc ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường vốn Âu Châu và Mỹ, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng đồng đô la, đồng euro và đồng yên.
Trước khi Nga gây hấn với Ukraine, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy (Zhang Hanhui, 张汉晖) đã kêu gọi hai nước sử dụng nhiều hơn đồng tiền của nhau trong thương mại, đặc biệt là năng lượng, cho đến nay phần lớn được mệnh giá bằng đô la và euro.
Trong khi đó, khi xe tăng Nga tiến đến ngoại ô Kiev, Trung Quốc tiếp tục bày tỏ sự phản đối các biện pháp trừng phạt “đơn phương” của phương Tây, thúc giục “đối thoại” và tránh các hành vi “cực đoan” để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Một lần nữa, tại cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối sử dụng từ “xâm lược” để mô tả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Úc Đại Lợi Scott Morrison đã chỉ trích quyết định của Trung Quốc nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Về thỏa thuận lúa mì của Nga, Thủ tướng Morrison gọi đây là một động thái “không thể chấp nhận được” của Trung Quốc.
Canberra cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga với sự phối hợp của Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Tương tự như vậy, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ chặn xuất khẩu chất bán dẫn cho kẻ xâm lược Nga. Đài Loan đang cân nhắc việc ngừng bán chip cho Nga.
Source:Asia News
3. Cuộc xâm lược của Nga 'có thể sẽ dẫn đến các trường hợp tử đạo', nhà lãnh đạo người Công Giáo Ukraine ở Mỹ cảnh báo
Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine tại Hoa Kỳ nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine “có thể sẽ dẫn đến các trường hợp tử đạo”.
Phản ứng với tốc độ nhanh chóng của diễn biến trong ngày đầu tiên của cuộc tấn công của Nga, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine ở Philadelphia, nói với CNA vào ngày 24 tháng 2 rằng điều “không thể tưởng tượng được đã xảy ra” đối với Giáo Hội ở Ukraine. Ngài gọi là Tổng thống Vladimir Putin là một “kẻ chống xã hội điên cuồng”, là người đang “dẫn đất nước của mình và các nước láng giềng vào vực thẳm.”
Sinh ra ở New York trong gia đình những người nhập cư Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Gudziak đã lãnh đạo một số tổ chức Giáo Hội ở Ukraine trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Mỹ vào năm 2019. Ngài cũng là hiệu trưởng của Đại học Công Giáo Ukraine ở Lviv, Ukraine, và phục vụ với tư cách là thành viên của Thượng hội đồng thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine và là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Giáo hội.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn giữ một thái độ thù địch chống lại Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trước khi xảy ra vụ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập Ukraine, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã thường xuyên lên tiếng đòi hỏi rằng các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo toàn thế giới phải đưa ra thảo luận tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương hiệp thông với Tòa Thánh. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi đó là điều kiện tiên quyết, miễn bàn cãi, nếu muốn tòa này tham dự các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo.
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã phàn nàn rằng trong nhiều năm qua từ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Đông Âu, Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, đã tăng gấp đôi dân số. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã dùng tình cảm dân tộc và thái độ bài Nga để kích động tâm tình thù địch đối với Chính Thống Giáo Hội Ukraine liên minh với Mạc Tư Khoa.
Tuyên bố từ Mạc Tư Khoa ám chỉ một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng “Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thường được sử dụng như một công cụ trong tay của kẻ xâm lược”. Đức Tổng Giám Mục thường lên án sự hỗ trợ mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dành cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Source:Catholic News Agency