CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

XEM QUẢ BIẾT CÂY

Hc 27,5-8; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về giới răn yêu thương kẻ thù, hôm nay chúng ta tìm hiểu về những thái độ đối xử với nhau trong cộng đoàn. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca giới thiệu với chúng ta một loạt những giáo huấn của Chúa Giêsu như là những danh ngôn hay những “lời” theo kiểu khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực: mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác mà không lấy cái xà trong mắt, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra.

1- Hành xử theo Thiên Chúa

Việc sửa lỗi huynh đệ cho nhau thật là cần thiết và tốt đẹp khi nó là cách thức để thể hiện lòng bác ái và giúp nhau hoán cải. Nhưng chúng ta phải cảnh giác trước cám dỗ cho mình là thẩm phán hay quan tòa của người khác trong việc xét đoán hay sửa lỗi cho người anh em.

Quả thế, một trong những cám dỗ mà chúng ta thường gặp khi sống trong cộng đoàn, đó là thường nghiêm khắc với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình; muốn sửa lỗi cho người khác nhưng lại không sửa lỗi chính mình. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.”

Để việc sửa lỗi huynh đệ có kết quả tốt đẹp, chúng ta phải luôn tự xét mình bằng một sự tự phê chân thành nhằm loại trừ mọi thái độ giả hình, kiêu ngạo, coi mình hoàn hảo và hơn người như người Pharisêu.

Bởi lẽ, tính kiêu ngạo và giả hình là hai thứ bệnh nguy hiểm làm cho chúng ta mù lòa về chính mình, không biết mình cũng là những tội nhân cần đến lòng thương xót Chúa, và thường dễ dàng kết án người khác. Vì thế, trước khi sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải khiêm tốn sửa lỗi mình. Trước khi lấy cái rác trong mắt người khác, chúng ta cần phải lấy cái xà trong mắt mình.

Chúa Giêsu muốn chúng ta học hỏi cách thế của Thiên Chúa đã không đối xử với chúng ta như những quan tòa nghiêm khắc, nhưng như người cha yêu thương. Thiên Chúa không luận phạt nhưng rộng lòng tha thứ và cho chúng ta những cơ hội để hoán cải, làm lại cuộc sống tốt hơn. Đó là thái độ mà chúng ta cần học nơi Người.

2- Lòng đầy miệng mới nói ra

Chúa Giêsu hôm nay đưa ra một quy luật nhân quả: “Lòng đầy miệng mới nói ra. Xem quả biết cây.” Thật vậy, thiện căn hệ tại lòng ta và sự độc ác, xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo hay xấu xa tội lỗi.

Theo ý nghĩa đó, bài đọc I đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo về sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan như có thử lửa mới biết bình thợ gốm, hay xem quả thì biết cây (x. Hc 27,4-7).

Những gì chúng ta nói ra là những gì chúng ta suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Mỗi ngày, chúng ta thường đề cập đến điều gì nhiều nhất? Có lẽ, chúng ta nói nhiều về tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, điện thoại, ăn uống, thể thao, dụ lịch... nhưng chúng ta lại ít nói về những giá trị tinh thần như bác ái, tình liên đới, huynh đệ, tôn trọng người khác, hiệp nhất, yêu thương và trách nhiệm... Chúng ta càng ít nói về Thiên Chúa, về những điều cao cả khác. Chúng ta thử trắc nghiệm xem mình đang quan tâm đến điều gì nhiều nhất. Chúa Giêsu nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ bên ngoài: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy miệng mới nói ra.”

Người còn thêm một tiêu chuẩn khác: đó là quy luật nhân quả, nhìn quả thì biết cây: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây.” Vì thế, để chủ quan sai lầm khi đánh giá một người, chúng ta cần phải tìm hiểu lời nói, thái độ và hành động, cũng như cả ý hướng và động lực thúc đẩy của họ.

Vậy đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Đó chính là thực hành các mối phúc mà chúng ta đã suy niệm trong Chúa Nhật VI vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi nhận lại, không xét đoán, không kết án người khác như là quan tòa hay như cảnh sát, mà không có hoán cải chính mình trước, hay ít ra, cố gắng làm một điều tốt để hoàn thiện mình. Điều này được áp dụng cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, nhưng đặc biệt cho những ai có bổn phận hướng dẫn người khác, như các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các bề trên trong các cộng đoàn, giáo xứ.

3- Nội tâm hóa Tin Mừng

Từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng. Vì thế, chúng ta cần có một tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng mỗi ngày. Nghĩa là chúng ta suy niệm Lời Chúa, đưa các giá trị đó vào trong chính mình, biến các giá trị Tin Mừng thành tiêu chuẩn sống để suy nghĩ, chọn lựa, và hành xử của chúng ta. Đó là tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng. Nhờ đó chúng ta có những phẩm chất và được tin mừng hóa nơi bản thân.

Chúng ta chỉ có thể thực hiện tiến trình nội tâm hóa này với sự cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày trong thinh lặng. Cuộc sống hôm nay đang trở nên quá ồn ào với nhiều âm thanh, nhiều thông tin và phương tiện. Con người chìm ngập trong những thứ âm thanh đó, nên đánh mất khả năng thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết thinh lặng để nhận ra sự hiện diện và lắng nghe Lời Chúa như Ábraham ngồi dưới cây sồi Mamrê đàm đạo với Thiên Chúa, hay như chị Maria ở Bêtania luôn biết ưu tiên ngồi bên chân Chúa với một thái độ lắng nghe và một trái tim tràn trề lòng mến. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/