Hôm thứ Hai, Vatican đã thừa nhận rằng nỗ lực của Giáo Hội trong việc lắng nghe 1.34 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới thông qua một quá trình thượng hội đồng đang phải đối mặt với những thách thức.
“Nhiều người trong số các tín hữu coi tiến trình thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như một tiến trình học hỏi, cũng như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Giáo Hội,” một tuyên bố hôm 7 tháng Hai cho biết như trên sau cuộc họp của Ủy ban thường vụ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 26 tháng Giêng.
“Đồng thời, nhiều khó khăn cũng xuất hiện. Trên thực tế, nhiều nỗi sợ hãi và dè dặt đã được báo cáo nơi một số nhóm tín hữu và giáo sĩ. Cũng có một số giáo dân nghi ngờ rằng liệu những đóng góp của họ có thực sự được xem xét hay không”.
Tuyên bố cũng trích dẫn đại dịch như một trở ngại khác đối với việc tập hợp các cá nhân để phân định trong cộng đồng, nhấn mạnh một lần nữa rằng tiến trình thượng hội đồng địa phương dẫn đến Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 “không thể được rút gọn một cách đơn thuần thành một bảng các câu hỏi.”
Nhưng các nhà tổ chức báo cáo rằng, bất chấp những thách thức, sự tham gia của các hội đồng giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đang ở mức cao và những nỗ lực đã được thực hiện để dịch các tài liệu Thượng hội đồng sang nhiều ngôn ngữ địa phương.
Theo Ủy ban, “gần 98% các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo Hội Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc toàn bộ nhóm để thực hiện quy trình thượng hội đồng.”
Ủy ban cho biết: “Tiến trình của Thượng hội đồng đã được hoan nghênh đặc biệt với niềm vui và sự nhiệt tình ở một số quốc gia Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu.
Tuyên bố nêu ra năm “thách thức lặp đi lặp lại” đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện tại của Thượng hội đồng giáo phận.
1) Cần phải đào tạo “việc lắng nghe và phân định” để bảo đảm rằng Thượng hội đồng vẫn là một tiến trình tâm linh.
2) Có một sự cám dỗ để “tự quy chiếu” trong các cuộc họp nhóm hơn là cởi mở với người khác.
3) Thu hút những người trẻ tuổi tham gia là một thách thức.
4) Việc tiếp cận và lôi kéo “những người sống bên lề các tổ chức Giáo Hội” có thể khó khăn.
5) Một số giáo sĩ miễn cưỡng tham gia.
Tuyên bố của Vatican cho biết: “Ngày càng có nhiều nhận thức rằng sự chuyển đổi theo nghi thức đồng nghị mà tất cả những người được rửa tội được mời gọi là một quá trình lâu dài và sẽ kéo dài đến năm 2023.
“Mong muốn trên toàn thế giới là cuộc hành trình đồng nghị đã bắt đầu ở cấp địa phương này sẽ tiếp tục kéo dài rất lâu sau Thượng Hội đồng 2021-2023 để các dấu hiệu hữu hình của tính đồng nghị có thể ngày càng được biểu lộ như là một yếu tố cấu thành của Giáo Hội.”
Tuyên bố cũng thông báo rằng Vatican sẽ gửi một tài liệu tới các giáo phận và các hội đồng giám mục với các chi tiết bổ sung về cách định dạng các báo cáo về cuộc tham vấn địa phương, sẽ được gửi tới Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục.
“Bản ghi chú đề xuất ý tưởng rằng bản thân việc soạn thảo báo cáo là một hành động phân định, tức là kết quả của một quá trình tinh thần và làm việc theo nhóm”.
Tiến trình thượng hội đồng là một sự kiện toàn cầu, kéo dài hai năm, bao gồm “lắng nghe và đối thoại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động vào tháng 10 năm 2021. Giai đoạn đầu là giai đoạn cấp giáo phận dự kiến kéo dài đến ngày 15 tháng 8.
Vatican đã yêu cầu tất cả các giáo phận tham gia, tổ chức các cuộc tham vấn và thu thập phản hồi về các câu hỏi cụ thể được nêu trong các văn kiện của Thượng hội đồng. Vào cuối tiến trình hiện tại, một cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục dự kiến sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 để đưa ra một văn bản cuối cùng để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.
Tuyên bố của Thượng Hội đồng Giám mục mời gọi những người Công Giáo đọc bản tin hàng tuần của họ, cũng như truy cập trang web của họ để cầu nguyện cho Thượng hội đồng.
Source:Catholic News Agency