1. Lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là một bài giáo lý tuyệt vời

“Xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” là cái tựa người ta viết sẵn để khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đưa ra một lá thư phản hồi những cáo buộc nhắm vào ngài trong báo cáo lạm dụng của tổng giáo phận Munich – Freising thì tung lên nhằm đón nhận những tràng pháo tay của giới truyền thông, bất kể Đức Bênêđíctô viết gì trong bức thư của ngài, và bất kể cái “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” đó bôi tro trát trấu vào mặt Giáo Hội như thế nào.

Trong bài “Un sanissimo senso della colpa”, nghĩa là “Một cảm thức lành mạnh về tội lỗi”, ký giả Simone M. Varisco của Caffestoria, nhấn mạnh rằng lá thư của Đức Bênêđíctô là một bài giáo lý tuyệt vời chứ không phải giọng điệu “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” như yêu cầu của Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Thật vậy, trong tài liệu phản bác đính kèm với lá thư của Đức Bênêđíctô, các cố vấn pháp lý của ngài bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ngài.

Simone viết:

“Sau những lời cảm ơn, nhất thiết cũng phải có một lời thú nhận”, Đức Bênêđíctô XVI viết sau những lời cảm ơn về nhiều biểu hiện đoàn kết với ngài sau những cuộc tấn công cường tập trong vài ngày qua trong đó người ta xuyên tạc các sự kiện và hoàn cảnh.

Tội lỗi lạm dụng tính dục là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội mà không cảm thấy bị liên lụy, không có cảm thức tội lỗi thì có nghĩa là tự biến sự tồn tại của mình thành một bản cáo trạng. Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô XVI nói tiếp “dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi.”

Sự thay đổi đó đã diễn ra trong vô số cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của lạm dụng tình dục, ở Vatican và trong các chuyến tông du của ngài. “Tôi đã thấy những hậu quả của một lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra. Trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu sắc, nỗi buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi.”

Đến đây vẫn chưa đủ cho những người đã phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê các nhà điều tra cố gắng bới lông tìm vết vạch ra những tội lỗi của người khác. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo”, Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo. Trên tất cả là nỗi đau của tôi vì những lạm dụng và những sai sót đã xảy ra ở những nơi khác nhau trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ. Mỗi trường hợp lạm dụng tình dục riêng lẻ đều kinh hoàng và không thể sửa chữa được. Những nạn nhân của lạm dụng tình dục có sự đồng cảm sâu sắc nhất của tôi và tôi cảm thấy vô cùng đau buồn cho từng trường hợp riêng lẻ.”

Đức Bênêđíctô XVI nhận thức rõ rằng lòng thương xót là cần thiết trước những tội lỗi không thể tránh khỏi đè nặng lên sự yếu đuối của mỗi chúng ta.

“Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước tòa phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Chính những đoạn cuối cùng này, ngoài ý nghĩa tinh thần và nhân văn của toàn bộ bức thư, đã khiến bức thư trở thành một bài giáo lý quan trọng cho Giáo Hội bất kể một số sai lầm của thể chế và của một số cá nhân. Bức thư là một minh chứng tinh thần. Có lẽ là một bài giáo lý cuối cùng của Đức Bênêđíctô XVI. Bức thư của một con người vĩ đại, và tất nhiên là của Giáo Hội.

Một số đoạn văn và phần kết của bức thư cho thấy rõ sự khác biệt về phong cách giữa lời cầu xin tha thứ mà Đức Bênêđíctô XVI yêu cầu và lời cầu xin của những nhân vật khác trong Giáo Hội, đặc biệt là ở Đức, những người quá say mê trước những tiếng vỗ tay ồn ào của giới truyền thông.

Trong những tuần gần đây, giám mục Limburg và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, ngài Georg Bätzing, đã liên tục đòi hòi nơi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 công khai “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ”. Trong nhiều năm, Bätzing liên tục chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI, và lập tức yêu cầu Đức Giáo Hoàng Danh Dự phải xin lỗi trên báo chí, chỉ vài giờ sau khi báo cáo về các vụ lạm dụng trong giáo phận của Munich và Freising được phổ biến. Theo lời của Bätzing, báo cáo nêu bật những “hành vi tai hại” của Giáo Hội, ngay cả trong hàng giáo phẩm cao cấp nhất, “bao gồm cả một Giáo hoàng Danh dự”. Bätzing nói thêm: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng chúng ta đã từng có quá khứ như vậy.”

Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục đương nhiệm của Munich và Freising và là cựu chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức tán đồng những lời của Bätzing: “Không có tương lai cho Kitô giáo ở đất nước này nếu không có một Giáo Hội đổi mới”. Cũng theo lời của Hồng Y Marx: “Đối với nhiều người Giáo Hội thực sự là một nơi gây ra tai họa hơn là cứu rỗi, một nơi đáng sợ hơn là an ủi.”

Đó là những bài phát biểu tự cho mình là trung tâm, mị dân và vô thần thực tiễn, trong đó cho rằng tương lai của Giáo Hội phụ thuộc vào sự khôn ngoan của họ, vào các chương trình nghị sự của họ như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, cho người Tin lành được rước lễ…

Tuy nhiên, chiến lược mị dân ấy không có tác dụng. Trên thực tế, không thiếu những lời chỉ trích từ “cánh tả” của Giáo Hội ở Đức. Tờ Der Spiegel hàng tuần tóm tắt một mẫu tin thú vị. “Không ai nhận trách nhiệm cá nhân. Theo nhà thần học và giáo luật Thomas Schüller, Tổng giáo phận Munich-Freising đang đi vào chế độ giải quyết và tiến hành các hoạt động hàng ngày như thường lệ […]. Nhà hoạt động và cựu ứng cử viên trong hàng ngũ xã hội chủ nghĩa của SPD, Matthias Katsch, khẳng định rằng “rất khó tiếp nhận bài phát biểu có tính vị kỷ này của Đức Hồng Y Marx”. Một lần nữa, phản ứng của Marx được đánh giá là một phản ứng “mơ hồ một cách đáng ngạc nhiên” bởi Chủ tịch Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức (ZdK), nhà xã hội học Irme Stetter-Karp, là người vừa phê phán ý kiến của Hồng Y Marx trong đó xem bãi bỏ luật độc thân linh mục như một cách để chống tội lỗi lạm dụng tính dục. “Phải chăng dưới con mắt của Hồng Y Marx, phụ nữ chỉ là một công cụ tình dục,” bà ta hỏi.

Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn. Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

Nhà triết học và thần học Tin lành Lytta Basset đã viết: “Theo quan điểm đức tin, sự mù quáng nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn giữa tầm nhìn thuần túy của con người với tầm nhìn của Thiên Chúa”.

Tự vấn trong trạng thái như đang đứng trước mặt Chúa trong giờ phán xét sau cùng, và từ đó hoán cải, và thay đổi là đường lối cơ bản của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Đường lối ấy giúp chúng ta tiếp tục rửa tội cho thế giới sa ngã này, bất kể những yếu đuối trong Giáo Hội.

Trái lại, lạm dụng tội lỗi lạm dụng để mạ lỵ Giáo Hội, để bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái.. là để cho cái thế giới sa ngã này rửa tội cho chúng ta.
Source:Caffestoria.it

2. Cha Federico Lombardi: Đức Bênêđíctô không bao giờ tìm cách che giấu tội lỗi trong Giáo Hội

Cha Federico Lombardi, Chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđíctô XVI của Vatican, và là cựu phát ngôn viên của Vatican, nói: “Với tư cách là cộng sự viên [của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô], tôi có thể làm chứng rằng đối với ngài, việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu,” cho dù đau đớn.

Cha Federico Lombardi, SJ, nói trong cuộc phỏng vấn với Gabriella Ceraso của Đài Phát thanh Vatican, rằng: “Tôi bị ấn tượng bởi sự chân thành, sức mạnh và chiều sâu của ngài.

Gabriella Ceraso: Điều gì gây ấn tượng nơi cha về bức thư của Đức Bênêđíctô?

Cha Federico Lombardi: Điều gây ấn tượng cho tôi là sự chân thành, sức mạnh và sự sâu sắc của ngài. Như ngài nói trong lá thư, ngài đã trải qua một giai đoạn đau đớn, trong đó ngài đã kiểm tra lương tâm: về cuộc sống của ngài, hành vi của ngài, và tình hình của Giáo Hội ngày nay. Ngài đã suy ngẫm về điều này. Bức thư là kết quả của một thời gian sâu sắc và đau đớn khi thành tâm kiểm tra trước mặt Thiên Chúa. Ngài là một người lớn tuổi, ngài biết rằng mình đang hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa và do đó đến với sự phán xét của Thiên Chúa, và điều này cho thấy sự chân thành và sâu sắc của văn bản cũng như cách ngài sống với phản ứng mà ngài đưa ra, sau một thời gian chắc chắn là một thời gian suy tư và đau khổ đối với ngài, nhưng cũng gây tranh luận lớn trong Giáo Hội, về sự bối rối, hoang mang... Ngài đưa ra lời chứng của mình, đưa ra một sự giúp đỡ để nhìn thấy sự thật, một cách khách quan, và với sự chân thành và thanh thản, tình hình cụ thể và các triển vọng.

Gabriella Ceraso: Ý nghĩa của lời cầu xin tha thứ của ngài trong bức thư này là gì, thưa cha?

Cha Federico Lombardi: Đức Giáo Hoàng Danh Dự đặt mình vào một hoàn cảnh mà ngài đang sống mỗi ngày, khi cử hành Bí tích Thánh Thể. Mở đầu thánh lễ là lời cầu xin tha thứ trước khi gặp gỡ Chúa, và ngài luôn cảm nghiệm rất sâu sắc về điều đó. Và điều này liên quan đến tất cả sự suy tư của ngài về hoàn cảnh cá nhân của mình và về tình hình của Giáo Hội, trong đó ngài cảm thấy có liên quan đến cá nhân mình. Vì vậy, ngài đưa ra những lời mà chúng ta đã lặp đi lặp lại vô số lần - lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng - với ý nghĩa rất to lớn. Ngài cố gắng nhìn rõ ràng tuyệt đối bản chất của tội lỗi gây đau buồn nhất này là gì mà ngài cũng cảm thấy liên đới, trong tình liên đới với toàn thể Giáo Hội. Và ngài nói rõ rằng đó là một câu hỏi, tại thời điểm này và trong thời gian suy nghĩ của ngài, về tội lỗi gây đau buồn nhất liên quan đến toàn bộ vấn đề lạm dụng tình dục. Ngài đã thực hiện suy tư sám hối này trước sự chứng kiến của chính các nạn nhân bị lạm dụng. Ngài gợi lại những cuộc gặp gỡ mà Ngài đã có với các nạn nhân và kiến thức ngày càng sâu sắc của ngài về mức độ nghiêm trọng trong nỗi đau khổ của các nạn nhân và hậu quả của việc lạm dụng này. Ngài thể hiện, với sự chân thành tuyệt vời và một cách rất rõ ràng, sự xấu hổ, đau đớn, một lời cầu xin chân thành được tha thứ. Đây là những cách diễn đạt mà chúng ta cũng đã nghe thấy trong những năm gần đây trên môi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và đó là những lời nói cũng được nhắc lại một cách sâu sắc đối với những ai ôn lại một chút toàn bộ lịch sử của ngài về chủ đề lạm dụng, từ những kinh nghiệm ban đầu của ngài trong giáo phận Munich cho đến trách nhiệm của ngài ở Rôma, và chính triều đại giáo hoàng.

Sự phản ánh này của ngài không nên được coi là trừu tượng và chung chung, nhưng cụ thể: ngài đề cập đến việc thiếu chú ý đến các nạn nhân, đến các môn đệ đang ngủ say trước sự đau khổ của Chúa Giêsu, điều này đương nhiên cũng bao gồm sự đau khổ của các nạn nhân; thiếu cam kết đầy đủ để chống lại tai họa này và những tội ác này... Vì vậy, ngài đưa ra các tham chiếu rất chính xác đến thực tế này, ngài không đưa ra một diễn từ trừu tượng và chung chung. Vì vậy, cuối cùng, lời cầu xin tha thứ của ngài cũng là một lời cầu xin cầu nguyện cho chính ông, dâng lên Thiên Chúa nhưng cũng hướng đến những anh chị em của ngài, và do đó cho những nạn nhân như thế và cho toàn thể cộng đồng của Giáo Hội cảm thấy bị liên lụy trong tội lỗi đau lòng này trước mặt Chúa. Đó là một câu hỏi rất rộng, trong đó ngài cảm thấy liên lụy và nhìn thấy toàn bộ thực tế về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này là điều mà ngài phải cầu xin sự tha thứ, thanh tẩy bản thân và cam kết hết sức mình để thay đổi thái độ và trung thành hơn trước những đòi hỏi của Tin Mừng.

Gabriella Ceraso: Thưa Cha, Đức Giáo Hoàng Danh Dự bị buộc tội đã nói dối về việc ngài tham gia cuộc họp vào tháng Giêng năm 1980, khi quyết định tiếp nhận một linh mục lạm dụng vào giáo phận Munich. Chuyện gì đã xảy ra thế?

Cha Federico Lombardi: Có một phần tham chiếu đến chuyện này trong thư của Đức Giáo Hoàng Danh Dự và sau đó có phần giải thích chi tiết hơn trong một phụ lục được xuất bản, có chữ ký của các chuyên gia tư vấn, các chuyên gia pháp lý, là những người đã giúp Đức Giáo Hoàng Danh Dự trong phản ứng của ngài đối với các tuyên bố, cả trong câu trả lời đầu tiên mà họ đưa ra, và bây giờ ở vị trí tổng hợp và kết luận về vấn đề này. Có một sai sót trong phản hồi đầu tiên - một bản ghi nhớ dài 82 trang - được trao cho những người đang soạn thảo báo cáo: bản ghi nhớ nói rằng Đức Giáo Hoàng đã không tham dự một cuộc họp. Chỉ vài ngày sau khi công bố báo cáo, chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự đã đưa ra một tuyên bố, trong đó ngài nói: “Không, không đúng: Tôi đã tham dự cuộc họp này, và tôi sẽ yêu cầu giải thích về cách mà lỗi lầm này đã xảy ra, điều này đã gây ra một sự nhầm lẫn nhất định, tất nhiên, tất nhiên rồi, và một sự cộng hưởng nhất định.” Và trong phần phụ lục, những người soạn thảo câu trả lời này giải thích điều này đã xảy ra như thế nào trong quá trình soạn thảo câu trả lời này. Hơn nữa, họ giải thích rằng điều này không ảnh hưởng đến thực tế là Đức Tổng Giám Mục Ratzinger lúc bấy giờ không biết thực tế của cáo buộc lạm dụng đối với linh mục này; và do đó, sai sót liên quan đến sự hiện diện của ngài tại cuộc họp là kết quả của sự giám sát trong quá trình soạn thảo, chứ không phải là điều gì đó đã được viết một cách có ý thức để từ chối sự hiện diện của ngài mà dù thế nào đều rõ ràng trong giao thức cuộc họp và các cân nhắc khác, và do đó không có lý do gì để từ chối điều đó.

Lời thú nhận từ tận đáy lòng

Ở đây, bây giờ, tôi sẽ không đi vào quá nhiều chi tiết. Vấn đề là ở chỗ: Đức Giáo Hoàng Danh Dự phải chịu đựng lời buộc tội này đã được đưa ra nhằm chống lại ngài, cho rằng ngài là một kẻ nói dối, đã cố ý nói dối về những tình huống cụ thể. Không chỉ vậy, mà còn trong toàn bộ báo cáo, cáo buộc rằng ngài cố ý che đậy cho những người lạm dụng, và do đó ngài thiếu quan tâm đến nỗi đau khổ của các nạn nhân và khinh thường họ. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Danh Dự trả lời: “Không, tôi không phải là kẻ nói dối. Lời buộc tội này đã khiến tôi vô cùng đau khổ, nhưng tôi xin tuyên thệ rằng tôi không phải là kẻ nói dối”. Tôi phải nói, ngay cả trên phương diện cá nhân, rằng tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Tôi nghĩ việc ngài nên minh oan cho sự trung thực của mình là đúng. Bởi vì đó là một đặc điểm trong tính cách và hành vi của ngài trong suốt cuộc đời của ngài, mà tôi cũng có thể làm chứng cho điều này, khi đã sống gần gũi với ngài với tư cách là một cộng tác viên trong vài năm: việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che giấu những điều có thể gây đau đớn cho Giáo Hội khi phải thừa nhận; ngài không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh sai lệch về thực tại của Giáo Hội hoặc về những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người ta không thể nghi ngờ sự trung thực của ngài theo bất kỳ cách nào. Và ngài chứng thực điều này, và tôi tin rằng việc chấp nhận điều đó với sự tin tưởng và xác tín là đúng.

Gabriella Ceraso: Cha có nghĩ rằng bức thư này có thể có ý nghĩa đối với Giáo Hội trong thời điểm đặc biệt, khó khăn này không?

Cha Federico Lombardi: Chắc chắn, lá thư này biểu lộ một thái độ sám hối rất sâu sắc và rất chân thành trong việc tham gia và chia sẻ nỗi đau khổ của các nạn nhân, nhưng tất cả những gì điều này có ý nghĩa, không chỉ cho các nạn nhân mà còn cho cộng đồng Giáo Hội. Và thái độ sám hối chân thành này trước mặt Thiên Chúa, tôi tin rằng, là một chứng tá Kitô tuyệt vời mà Ngài ban cho chúng ta.

Tuy nhiên, có một khía cạnh cuối cùng mà ngài muốn thể hiện trong bức thư và điều đó xem ra quan trọng đối với tôi, và điều đó là thế này: mặc dù việc nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội lỗi là đúng đắn - một tội lỗi gây đau buồn nhất – cũng như gánh nặng hậu quả của nó. Nhưng đối với chúng ta, về mặt thiêng liêng, chúng ta không được mất hy vọng. Cảm thấy rằng mình đang đối mặt với sự phán xét của Thiên Chúa sắp xảy ra, vào cuối cuộc đời của mình, ngài nói: “Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em … và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết” Vì vậy: việc chúng ta đang sống trong hoàn cảnh vô cùng tủi nhục, đau khổ tột cùng của Giáo Hội cùng với những nạn nhân và bắt đầu từ những gì đã xảy ra, không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chúng ta cũng phải tiếp tục trông cậy vào ân sủng của Chúa, tin cậy nơi Ngài.
Source:Vatican News

3. Tuyên bố từ phía Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 phản bác tất cả các cáo buộc nhắm vào ngài

Sau đây là toàn văn bài phân tích được Vatican công bố vào ngày 8 tháng 2 năm 2022, về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khi ngài làm tổng giám mục của Munich và Freising. Nguyên bản được viết bằng tiếng Đức và được ký bởi bốn chuyên gia pháp lý làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Nguyên bản tiếng Đức có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong báo cáo về các vụ lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising, người ta nói rằng: trái với những gì ngài đã tuyên bố trong bản ghi nhớ được soạn thảo để trả lời các chuyên gia, Đức Joseph Ratzinger đã có mặt tại cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, trong đó vấn đề Linh mục X. đã được thảo luận. Và người ta khẳng định rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã cho linh mục này được hoạt động mục vụ, mặc dù ngài nhận thức được những hành vi lạm dụng do linh mục ấy thực hiện, và do đó ngài đã che đậy những hành vi lạm dụng tình dục của ông ta.

Điều này không đúng sự thật, theo xác minh của chúng tôi: Đức Joseph Ratzinger không biết rằng Linh mục X. là một kẻ lạm dụng, cũng như không cho ông ta tham gia vào các hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cho thấy tại cuộc họp Giáo Vụ ngày 15 tháng Giêng năm 1980, đã không có quyết định nào cho phép Linh mục X. tham gia vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cũng cho thấy cuộc họp được đề cập không thảo luận về việc vị linh mục đã có các hành vi lạm dụng tình dục.

Đó hoàn toàn là một vấn đề về chỗ ở của Linh mục trẻ X. ở Munich vì anh ta phải điều trị ở đó. Yêu cầu này đã được chấp nhận. Trong cuộc họp, lý do của liệu pháp không được đề cập.

Do đó, tại cuộc họp đã không hề có quyết định bổ nhiệm kẻ lạm dụng vào công việc mục vụ.

Trong bản báo cáo lạm dụng của Tổng giáo phận Munich và Freising có ghi rằng: Liên quan đến sự hiện diện của ngài tại cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, Đức Bênêđíctô XVI đã cố ý khai gian, đã nói dối.

Điều này không đúng, trên thực tế:

Lời khẳng định trong bản ghi nhớ của Đức Bênêđíctô XVI rằng ngài không tham gia cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980 quả thực là không chính xác. Và Đức Bênêđíctô XVI đã không nói dối hoặc cố ý đưa ra một tuyên bố sai sự thật:

Trong quá trình soạn thảo bản ghi nhớ, Đức Bênêđíctô XVI đã được sự hỗ trợ của một nhóm cộng tác viên. Nhóm này bao gồm luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke (ở Köln) và những cộng tác viên về giáo luật là Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl (Rôma), là người theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô XVI đã kiểm tra các tài liệu, cũng như Giáo sư Tiến sĩ Helmuth Pree và Tiến sĩ Stefan Korta. Các cộng tác viên được gọi đến vì Đức Bênêđíctô XVI không thể tự mình phân tích khối lượng vấn đề trong một thời gian ngắn và vì công ty luật phụ trách báo cáo chuyên môn đã đặt câu hỏi liên quan đến giáo luật, vì thế cần có một khuôn khổ giáo luật cho câu trả lời. Chỉ có Giáo sư Mückl mới được phép xem các tài liệu dưới dạng điện tử, và ông không được phép lưu trữ, in hay sao chép bất kỳ tài liệu nào. Không có cộng tác viên nào khác được phép xem các tài liệu. Sau khi Giáo sư Mückl xem xét các tài liệu kỹ thuật số (8,000 trang) và phân tích chúng, một bước xử lý tiếp theo được tiến hành bởi Tiến sĩ Korta, người đã vô tình mắc lỗi phiên âm. Tiến sĩ Korta đã ghi nhầm rằng Đức Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980. Các cộng tác viên đã bỏ sót chi tiết sai sót này về một sự vắng mặt đã không xảy ra. Họ đã dựa vào chỉ dẫn không đúng được đưa vào một cách sai lầm mà không hỏi rõ ràng Đức Bênêđíctô XVI xem ngài có hiện diện trong cuộc họp đó hay không. Trên cơ sở phiên âm sai sót của biên bản, thay vào đó, Đức Joseph Ratzinger đã được giả định là không có mặt. Đức Bênêđíctô XVI, do quá gấp rút phải xem lại bản ghi nhớ của mình trong vài ngày, với giới hạn thời gian mà các chuyên gia đưa ra, đã không nhận thấy sai sót, nhưng tin tưởng vào bản phiên âm trong đó cho rằng ngài đã vắng mặt.

Người ta không thể gán lỗi phiên âm này cho Đức Bênêđíctô XVI như một lời tuyên bố sai sự thật có ý thức hoặc một “lời nói dối”.

Hơn nữa, sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu Đức Bênêđíctô cố tình phủ nhận sự hiện diện của ngài tại cuộc họp: trên thực tế, biên bản cuộc họp được đưa ra bởi Đức Joseph Ratzinger. Do đó, sự hiện diện của Đức Joseph Ratzinger là hiển nhiên. Hơn nữa, vào năm 2010, một số bài báo đã đưa tin – và đến nay chưa từng bị phủ nhận - về sự hiện diện của Đức Hồng Y Ratzinger tại cuộc họp. Tương tự, một tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI được xuất bản vào năm 2020 cho biết: “Với tư cách là một giám mục, trong cuộc họp Giáo Vụ năm 1980, ngài chỉ đồng ý rằng linh mục được đề cập có thể đến Munich để trải qua liệu pháp tâm lý” (Peter Seewald, Benedikt XVI., Droemer Verlag 2020, trang 938).

Bản báo cáo lập luận rằng:

Báo cáo của chuyên gia cũng buộc tội Đức Bênêđíctô XVI có hành vi sai trái trong ba trường hợp khác; và cho rằng trên thực tế, ngay cả trong những trường hợp này, ngài cũng đã biết rằng các linh mục là những kẻ lạm dụng.

Điều này không đúng sự thật, theo xác minh của chúng tôi, trên thực tế: Không có trường hợp nào trong các trường hợp được phân tích trong báo cáo của chuyên gia mà Đức Joseph Ratzinger biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ lạm dụng tình dục do các linh mục thực hiện. Báo cáo của chuyên gia chẳng hề cung cấp bằng chứng ngược lại.

Liên quan đến trường hợp của Linh mục X. đã được thảo luận công khai trong cuộc họp Giáo Vụ năm 1980 về chỗ ở được cung cấp cho ông để trị liệu, một chuyên gia - trong cuộc họp báo ngày 20 tháng Giêng 2022 nhân dịp trình bày về báo cáo lạm dụng – đã tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đức Joseph Ratzinger đã biết về điều đó. Trước câu hỏi sau đó của một nhà báo rằng liệu các chuyên gia có thể chứng minh rằng Đức Joseph Ratzinger đã biết rằng Linh mục X. đã thực hiện hành vi lạm dụng tình dục hay không, chuyên gia đó nói rõ rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đức Joseph Ratzinger biết điều đó. Ý kiến cho rằng “rất có thể” là Đức Joseph Ratzinger biết điều đó chỉ đơn thuần là ý kiến chủ quan của các chuyên gia.

Xin xem buổi họp báo tại đường dẫn sau: https://vimeo.com/668314410

Vào phút 2:03:46 câu hỏi của nhà báo có thể được tìm thấy: “Câu hỏi của tôi cũng vẫn đề cập đến trường hợp của Linh mục X. Liệu công ty luật có thể chứng minh rằng Đức Hồng Y Ratzinger khi đó đã biết rằng Linh mục X. là một kẻ lạm dụng hay không? Cụm từ “rất có thể” có nghĩa là gì trong bối cảnh này?” [...]

Một chuyên gia trả lời: “[...] rất có thể có nghĩa là chúng tôi giả định điều đó với xác suất cao hơn. [...]”.

Báo cáo của chuyên gia không có bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc [Đức Hồng Y Ratzinger] có hành vi sai trái hoặc đồng lõa trong bất kỳ sự che đậy nào.

Với tư cách là một tổng giám mục, Đức Hồng Y Ratzinger không tham gia vào bất kỳ hành vi che đậy hành vi lạm dụng nào.

Báo cáo cáo buộc rằng:

Trong bản ghi nhớ của mình, Đức Bênêđíctô XVI bị cáo buộc đã xem nhẹ các hành vi phô bày thân thể. Để làm bằng chứng cho khẳng định này, chỉ dấu sau đây trong bản ghi nhớ được tường thuật: “Cha xứ X. được ghi nhận là một người thích phô bày thân thể, nhưng không phải là một kẻ lạm dụng theo đúng nghĩa”.

Trên thực tế, điều này không đúng sự thật:

Trong bản ghi nhớ của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã không xem nhẹ hành vi phô bày thân thể, nhưng đã lên án rõ ràng hành vi đó. Cụm từ được sử dụng làm bằng chứng cho cáo buộc về việc xem nhẹ việc phô bày thân thể được trích dẫn ngoài ngữ cảnh.

Trên thực tế, trong bản ghi nhớ, Đức Bênêđíctô XVI đã nói một cách rõ ràng rằng những lạm dụng, kể cả việc phô bày thân thể, là “khủng khiếp”, “tội lỗi”, “đáng trách về mặt đạo đức” và “không thể sửa chữa được”. Đánh giá giáo luật về sự kiện, được các cộng tác viên đưa vào bản ghi nhớ của chúng tôi và được trình bày theo nhận định của chúng tôi, chỉ có mong muốn nhắc lại rằng theo giáo luật hiện hành, việc phô bày thân thể không phải là tội phạm theo nghĩa nghiêm nhặt, bởi vì chuẩn mực hình sự liên quan không bao gồm hành vi loại đó trong trường hợp được đề cập đến.

Do đó, bản ghi nhớ của Đức Bênêđíctô XVI không hề xem nhẹ tội lỗi phô bày thân thể, nhưng đã lên án nó một cách rõ ràng và dứt khoát.

Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl - Rôma (Giáo luật)

Giáo sư Tiến sĩ Mag. Helmuth Pree - Đại học Ludwig Maximilian của Munich (Giáo luật)

Tiến sĩ Stefan Korta - Buchloe (Giáo luật)

Luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke - Cologne (Quyền tự do ngôn luận)

Source:Il Sismografo