1. Đức Thánh Cha rửa tội cho 16 trẻ em trong nhà nguyện Sistina
Mười sáu trẻ nhỏ đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô rửa tội vào sáng Chúa Nhật, ngày 9 tháng Giêng. Các em bé này là những đứa trẻ sơ sinh của các nhân viên Tòa thánh và Giáo triều Rôma.
Các nghi thức lễ rửa tội này, diễn ra trong Thánh lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa do Đức Giáo Hoàng cử hành giữa các bức bích họa lộng lẫy của Michelangelo, duy trì một truyền thống được thiết lập bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ năm 1981.
Như vậy, trong bốn mươi năm qua, hàng trăm trẻ em đã bước vào đời sống Kitô, hân hạnh được Đức Giáo Hoàng rửa tội, ở một nơi mà vẻ đẹp và sự thánh khiết hòa làm một.
Nhà nguyện Sistina là một nơi trang trọng và vượt thời gian, một nơi linh thiêng vượt qua nhiều thế kỷ. Đó là nơi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Hồng Y Đoàn trong Cơ Mật Viện bầu Người kế vị tương lai của Thánh Phêrô.
Khung cảnh hoành tráng của các cuộc bầu cử giáo hoàng, một kiệt tác thời Phục hưng đón gần năm triệu khách du lịch mỗi năm, cũng kín đáo và thân mật trở thành địa điểm cho một loại khán giả hoàn toàn khác là một hơn một chục trẻ sơ sinh và gia đình của họ.
Những em bé được chính Đức Giáo Hoàng rửa tội là con của các nhân viên của Tòa Thánh và Giáo triều Rôma theo truyền thống được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 11 tháng Giêng năm 1981. Ban đầu, buổi lễ diễn ra trong Nhà nguyện Pauline của Dinh Tông Tòa, và sau đó kể từ năm 1983, trong Nhà nguyện Sistina gần đó.
Ban đầu, lễ rửa tội ở Nhà nguyện Sistina chỉ dành cho con cái của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ nhưng sau đó được mở rộng cho con cái của các viên chức giáo dân của Giáo triều.
Mario Galgano, một nhân viên người Thụy Sĩ của Bộ Truyền thông Tòa thánh, nói:
“Trong một ngày, nhà nguyện của Michelangelo trở thành giáo xứ của chúng tôi. Bầu không khí rất giống gia đình, và Đức Giáo Hoàng cảm thấy rất thoải mái trong vai trò linh mục quản xứ này. Ngài còn đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ trẻ.”
Mario nói từ kinh nghiệm khi đứa con gái bé bỏng của cô, là Sofia, được Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội trong nhà nguyện Sistina vào tháng Giêng năm 2014. Đây là “lần đầu tiên” vị Giáo hoàng người Á Căn Đình, lên ngôi vào năm trước, cử hành nghi thức này trong nhà nguyện Sistina.
Buổi lễ rửa tội này được giám sát bởi Văn phòng Các Cử hành Phụng vụ của Đức Giáo Hoàng, và được áp dụng cho con cái của các đôi vợ chồng kết hôn trong Giáo Hội theo nghi thức Công Giáo. Để đủ điều kiện, đứa trẻ phải dưới một tuổi.
Mỗi trẻ em có thể được đi cùng với bốn khách: cha mẹ, cha đỡ đầu và mẹ đỡ đầu; những người còn lại trong gia đình có thể theo dõi buổi lễ trực tiếp thông qua Vatican Media và các đài phát thanh và truyền hình đối tác.
Sau buổi diễn tập trang phục không có mặt của Đức Giáo Hoàng, buổi lễ thực sự diễn ra khá trang trọng, nhờ phần đệm âm nhạc tuyệt vời của ca đoàn Nhà nguyện Sistina.
Khung cảnh lộng lẫy có tuổi đời năm thế kỷ này tràn ngập không khí ấm áp, tươi trẻ của những gia đình hạnh phúc. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên dưới hầm của Michelangelo, và một đống xe đẩy chiếm một góc của nhà nguyện.
Và như Mario Galgano tiết lộ, thậm chí còn có một dãy bàn thay tã cho trẻ nhỏ được đặt gần đó tại một trong các phòng của điện Tông Tòa. Sau cùng, đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn, thể hiện qua lời trấn an của ngài đối với các bậc cha mẹ của những trẻ được rửa tội vào năm 2020 khi ngài nói với họ “hãy để con họ khóc và la hét” trong Thánh lễ.
Đức Thánh Cha nói:
“Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục nghi thức Rửa tội. Hãy ghi nhớ điều này: nghĩa vụ của anh chị em là thông truyền đức tin cho con em, truyền bá đức tin tại gia đình, bởi vì cũng chính ở đó, anh chị em đã học được đức tin, rồi anh chị em mới học trong các lớp giáo lý.
Nhưng trước khi tiếp tục, tôi muốn nói một điều khác nữa: các hài nhi hôm nay thấy mình ở một môi trường xa lạ.. có thể là chúng cảm thấy nóng quá, quần áo, khăn tã quấn quanh nhiều quá. Có lẽ chúng cảm thấy nhiệt độ tăng vọt. Chúng khóc vì những lý do này.
Chúng cũng khóc vì đói. Kiểu khóc thứ ba: là khóc ‘phòng ngừa’. Đó không phải là một chuyện lạ. Chúng không biết điều gì sẽ xảy ra. Một đứa bắt đầu nghĩ ‘Mình phải khóc ré lên trước’ cho chắc ăn. Đó là một động thái phòng thủ. Điều quan trọng là chúng cảm thấy thoải mái. Hãy cẩn thận đừng quấn quanh chúng nhiều quá khiến chúng bị nóng.
Nếu chúng khóc vì đói, hãy cho chúng ăn uống. Đối với các bà mẹ, tôi nói điều này: đừng sợ cho các em bé bú để giữ cho bầu khí được yên tĩnh. Chúa muốn điều này, bởi vì khi có nguy hiểm, có một tiếng gọi đa âm hưởng. Một đứa bắt đầu khóc, rồi đứa khác khóc theo, những đứa khác bắt chước khóc ré lên. Khi đó, nó sẽ là một dàn đồng ca những tiếng khóc.
Chúng ta sẽ tiếp tục buổi lễ này, trong yên bình, với một nhận thức được đặt trên vai anh chị em, đó là hãy thông truyền đức tin cho con cái mình.”
Source:Vatican News
2. Người mẹ nói cuộc gặp gỡ bất chợt giữa con trai bà với Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến phép lạ
Hôm 8 tháng Giêng, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài “Mom says son’s impromptu encounter with Pope Francis led to ‘miracle’”, nghĩa là “Người mẹ nói cuộc gặp gỡ bất chợt giữa con trai bà với Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến ‘phép lạ’.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Đó là một trong những khoảnh khắc của Vatican được lan truyền rất nhanh vào năm 2021: một cậu bé mặc bộ đồ thể thao màu đen, đeo kính và đeo khẩu trang y tế thản nhiên bước đến chào Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở giữa một cuộc tiếp kiến chung.
Nhưng có nhiều điều hơn những gì được chứng kiến trong cuộc gặp gỡ bất chợt vào tháng 10: cậu bé 10 tuổi mắc chứng động kinh và tự kỷ. Sức khỏe của cậu bé trước lúc xảy ra biến cố đã giảm sút nghiêm trọng khiến các bác sĩ lo ngại cậu có thể có một khối u trong não.
Paolo Bonavita đã ở Rome vào ngày hôm đó để kiểm tra y tế. Mẹ của anh, Elsa Morra, nói với CNA rằng sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng tình trạng của con trai bà đã có một sự cải thiện không thể giải thích được.
“Đó là một phép lạ,” bà nói. “Đó là một phép lạ, cho chúng tôi, cho gia đình tôi.”
'Chúa đã ở với chú bé vào ngày hôm đó'
Khi bắt đầu buổi tiếp kiến được phát trực tiếp vào ngày 20 tháng 10, Bonavita bất ngờ bước lên bậc thềm hướng về phía Đức Giáo Hoàng tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.
“Paolo không đủ sức để bước lên. Trên thực tế, khi Paolo lên xuống cầu thang, cậu bé cần một người hỗ trợ, một bàn tay hoặc một tay vịn. Nhưng ngày hôm đó cậu bé đã có thể đi lên một mình”, Morra nói trong một cuộc phỏng vấn với CNA thông qua mạng nhắn tin tức thời.
“Cháu vấp ngã một chút, hai hoặc ba lần, nhưng ngay lập tức cháu có thể tự mình đứng dậy trở lại. Chúa đã ở với cháu vào ngày hôm đó, gần kề, Ngài đã chìa bàn tay ra cho cháu, tôi tin chắc về điều đó”.
Khi Paolo đến gần Đức Phanxicô, vị giáo hoàng mỉm cười và nắm chặt tay cậu bé.
Đức Ông Leonardo Sapienza, nhiếp chính của Phủ Giáo hoàng, người ngồi bên phải Đức Thánh Cha trong các buổi tiếp kiến chung, đứng dậy và nhường ghế cho Bonavita. Những người hành hương vỗ tay và Paolo cũng tham gia cùng họ, nhiệt tình vỗ tay.
Cậu bé ngồi trên tay mình được một lúc, trước khi đứng trước mặt Đức Giáo Hoàng một lần nữa và kiễng chân lên. Chiếc mũ zucchetto của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chú ý của cậu bé và cậu bé chỉ chiếc mũ sọ cho Đức Ông Sapienza, lúc này đang ngồi sau Đức Giáo Hoàng.
Sau đó, Paolo dẫn một linh mục sắp đọc sách đến trước Đức Giáo Hoàng để chỉ cho ngài xem chiếc mũ sọ màu trắng của Đức Giáo Hoàng. Cuối cùng, cậu bé bước xuống sân khấu một cách tự hào trong khi đội chiếc zucchetto của riêng mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn Bonavita trong những lời phát biểu đầu tiên khi bắt đầu bài diễn văn chung của ngài.
Ngài nói: “Sự can đảm đến gần Chúa, cởi mở với Chúa, không sợ hãi Chúa: Tôi cảm ơn đứa trẻ này vì bài học mà chú bé đã mang đến cho tất cả chúng ta”
“Và xin Chúa giúp cậu bé trong sự hạn chế của cậu, trong sự trưởng thành của cậu bởi vì cậu ấy đã mang đến cho chúng ta lời chứng này đến từ trái tim của mình. Trẻ em không có một phiên dịch tự động từ trái tim sang cuộc sống: trái tim đi trước”.
'Không có gì là không thể đối với bạn'
Morra, sống ở miền đông nam nước Ý, đang ở cùng Paolo tại một khách sạn gần quảng trường Thánh Phêrô. Vào buổi sáng của buổi tiếp kiến chung, họ ăn sáng và rời khách sạn, dự định đón một chuyến xe buýt mui trần để thăm cảnh quan của thành phố Rôma.
Khi đi ngang qua Vatican, họ nhận thấy một hàng dài người. Khi Morra hỏi chuyện gì đang xảy ra, cô ấy được trả lời rằng đó là hàng đợi dành cho cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng. Cô muốn tham dự nhưng được thông báo rằng không thể nếu không xin vé trước.
Một người qua đường nhận thấy rằng Paolo đang bực bội và đến gần Morra, hỏi có chuyện gì. Mẹ anh giải thích rằng Paolo rất thất vọng vì cậu bé muốn gặp Đức Giáo Hoàng trong nhiều năm.
Tình cờ người phụ nữ ấy là một nhà lãnh đạo trong nhóm Unitalsi, một hiệp hội của Ý giúp đỡ những người ốm yếu, người già và người tàn tật đi hành hương. Cô ấy nói rằng cô ấy có thể đưa họ vào buổi tiếp kiến chung.
Ban đầu hai mẹ con ngồi ở hàng ghế thứ tư trong Đại Thính Đường, nhưng họ đã được mời di chuyển lên phía trước.
Morra cởi mũ, khăn quàng cổ và áo khoác của Paolo. Trong khi bà quay lại đặt áo khoác của mình vào lưng ghế thì con trai bà bắt đầu bước lên bậc thềm của khán đài về phía giáo hoàng.
Bà ấy gọi, “Paolo, lại đây!” Nhưng những người lính cận vệ Thụy Sĩ gần đó bảo đảm với bà rằng Đức Giáo Hoàng rất vui khi đứa trẻ đến gần ngài.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Morra. Ngài nắm lấy tay bà và nói: “Signora, forza! Điều không thể không tồn tại đối với cô. Tôi sẽ gần gũi với cô trong lời cầu nguyện. Tiếp tục đi. Cô đã làm rất nhiều cho con trai của cô. Cô là một người mẹ siêu đẳng”.
Các kết quả xét nghiệm đáng kinh ngạc
Morra nhận được một cuộc điện thoại vào tối hôm đó, yêu cầu cô ấy đưa Paolo đi xét nghiệm tại thành phố quê hương Bari của họ vào ngày hôm sau.
Các bác sĩ lo ngại rằng Paolo có lượng prolactin rất cao, đó là một loại protein được tiết ra từ tuyến yên, có thể tăng lên sau các cơn co giật động kinh.
Hai mẹ con tham dự cuộc hẹn vào ngày 21 tháng 10. Ba ngày sau, một bác sĩ gọi cho Morra để nói với bà rằng mức prolactin của Paolo đã giảm từ mức cao 157 xuống 106, mặc dù các bác sĩ không biết bằng cách nào hoặc tại sao lại được như thế.
Morra nói rằng bà và Paolo trở lại Rôma vào ngày 5 tháng 11 để kiểm tra thêm. Bà giải thích:
“Trong vòng hai tuần mức prolactin của Paolo giảm xuống 26, tức là thấp hơn 80 điểm nữa”
Cậu bé cũng được ghi nhận đã tăng lượng hemoglobin, đó là một loại protein vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, điều này rất quan trọng đối với Paolo vì cậu mắc chứng rối loạn máu thalassemia.
Morra nói rằng các bác sĩ đã có thể loại trừ những giả thuyết cho rằng Paolo đang bị một khối u hoặc chứng xơ cứng, một vết sẹo trong não.
Đây là một thở phào nhẹ nhõm rất lớn cho mẹ cậu bé, bà lo lắng rằng con trai mình có thể không chịu được sự khắc nghiệt của cuộc phẫu thuật. Bà sợ rằng một ca phẫu thuật sẽ dẫn đến việc Paolo phải ngồi trên xe lăn, hoặc thậm chí có thể tử vong.
Phát biểu với CBS News vào tháng 11 năm ngoái, Morra được hỏi rằng bà muốn nói gì với Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc gặp thay đổi cuộc đời với con trai mình.
Bà nói: “Cảm ơn vì điều kỳ diệu”
Source:Catholic News Agency
3. Tường trình của thông tấn xã Fides về tình hình nghiêm trọng tại Kazakhstan. Nga đưa quân vào đàn áp
Khi cảnh sát Kazakhstan bắt giữ cựu giám đốc tình báo và các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục diễn ra, một linh mục từng truyền giáo ở quốc gia này cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng mang tính chính trị và có thể biến thành một chiến dịch dân tộc chủ nghĩa và chống phương Tây.
Các cuộc biểu tình bạo lực nhấn chìm Kazakhstan đại diện cho một “cuộc khủng hoảng chính trị thực sự” và không phải là cuộc nổi dậy đơn giản chống lại việc tăng giá nhiên liệu.
Cha Edoardo Canetta đã đưa ra lập trường trên về tình hình đầy biến động ở quốc gia Trung Á trong nhận xét với hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Vị linh mục Công Giáo người Ý đã có 20 năm ở Kazakhstan với tư cách là nhà truyền giáo, trong đó có 5 năm là Tổng đại diện của Trung Á, và hiện là giáo sư tại Học viện Thánh Ambrosiô ở Milan.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào ngày 2 tháng Giêng tại thị trấn Zhanaozen sau khi chính phủ loại bỏ giới hạn đối với giá khí hóa lỏng, gọi tắt là LPG, khiến giá LPG tăng gấp đôi.
Chính phủ sau đó đã lùi lại, áp đặt lại mức giá ban đầu trong 6 tháng, nhưng lúc đó đã quá muộn, các cuộc biểu tình đã nhấn chìm cả quốc gia, đặc biệt là trung tâm tài chính Almaty.
Nói chuyện với Fides, Cha Canetta chỉ ra rằng những người Kazakhstan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự tăng giá nhiên liệu là những người thuộc tầng lớp trung lưu mới, vì nhiều công dân nghèo hơn, chiếm một nửa dân số, không có xe hơi.
Ngài nhấn mạnh rằng “Cho đến năm ngoái, nhiên liệu ở Kazakhstan được bán với giá 40 xu một lít, là một mức giá thấp đến mức không tưởng tượng nổi ở Ý. Ngày nay mức giá đó đã tăng lên gấp đôi, đồng thời lạm phát đã lên đến những đỉnh rất cao”.
Những yếu tố này làm chao đảo những người Kazakhstan có xe hơi, những người mà ngài nói rằng không hiểu “tại sao một quốc gia sống nhờ khí đốt và dầu mỏ lại phải trả nhiều tiền cho dầu và khí đốt như vậy”.
Kazakhstan có trữ lượng dầu và khí đốt lớn, nhưng khoảng 3/4 sản lượng được xuất khẩu.
Sau khi Liên Sô sụp đổ, Kazakhstan rơi vào cảnh nghèo đói khủng khiếp và phải ký các hợp đồng dài hạn với các công ty dầu khí với giá phải trả là những lợi nhuận trong tương lai.
Các hợp đồng đó vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, và các công ty nước ngoài chỉ trả một phần nhỏ lợi nhuận từ việc khai thác dầu và khí đốt cho đất nước.
“Các công ty nước ngoài lớn đã làm giàu từ hoạt động này được thực hiện trên lãnh thổ Kazakhstan, mặt khác, họ đã hỗ trợ đầu tư và mang lại công nghệ, nghiên cứu và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người dân Kazakhstan không hiểu lý do của những thỏa thuận này và tiếp tục đòi quyền sở hữu các tài nguyên của quốc gia”.
Khi những người biểu tình trở nên bạo lực, đốt cháy xe hơi và các tòa nhà của nhà nước, chính phủ đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo. Tổng thống ra lệnh cho quân đội bắn vào người biểu tình mà không cần cảnh báo trước.
Hàng chục người đã bị giết và hàng nghìn người bị giam giữ. Internet nhanh chóng bị tắt và các kết nối điện thoại lúc có lúc không.
Cha Guido Trezzani, Giám đốc Caritas Kazakhstan, nói với Fides rằng nhân viên của ngài đã không thể đến văn phòng của họ ở Almaty.
Ngài cho biết: “Chúng tôi cách tòa nhà chính phủ khoảng một km rưỡi, và chúng tôi nghe thấy tiếng súng,”
Ngài nói thêm rằng nhân viên Caritas hiện đang an toàn nhưng điều tốt nhất lúc này là ở nhà.
Những người biểu tình giận dữ đã xông vào tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Những người biểu tình cũng đột nhập và đốt các tòa nhà công cộng khác, Cả dinh tổng thống cũng bị đốt.
Nhưng lực lượng an ninh đã phản ứng gay gắt. Một nữ phát ngôn viên của cảnh sát nói rằng hàng chục kẻ tấn công đã bị “thanh lý”. Thanh lý là từ ngữ mà cô ta dùng.
Các nhà chức trách cũng nói rằng ít nhất một chục cảnh sát đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn, và hàng trăm người bị thương.
Một cảnh sát được cho là đã bị chặt đầu, trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy các cuộc đụng độ leo thang đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với sự cai trị độc tài ở quốc gia Trung Á này.
Nga đã đưa quân vào đàn áp cuộc biểu tình. Họ nói là để gìn giữ hòa bình. Kazakhstan từng là một quốc gia trong khối Liên Sô trước khi giành được độc lập sau khi Liên Sô tan rã.
Source:Vatican News
4. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Chúa Nhật 9 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh mà cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia. Ngài đi đến bờ sông Giođan và được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không xuất hiện với phép lạ nào đó hay nhào lên bục giảng để giảng dạy. Ngài xếp hàng chung với những người sắp nhận phép rửa từ Thánh Gioan. Bài đáp ca trong phụng vụ hôm nay nói rằng dân chúng đã khiêm tốn đến chịu phép rửa bằng tâm hồn và đôi chân trần của họ. Đó là thái độ tốt đẹp khi chúng ta đến với Chúa với một tâm hồn đơn sơ và đôi chân trần. Và Chúa Giêsu chia sẻ thân phận của chúng, những người tội lỗi, Người xuống với chúng ta: Người xuống sông như xuống với lịch sử bị thương tổn của nhân loại, Người lao vào dòng nước của chúng ta để chữa lành, Người lao xuống với chúng ta, ở giữa chúng ta. Chúa không vượt lên trên chúng ta, nhưng đi xuống về phía chúng ta, với một tâm hồn đơn sơ, với đôi chân trần, giống như mọi người. Người không đi một mình, cũng không đi với một nhóm được đầy thế giá, không, Ngài đi với mọi người. Người thuộc về dân chúng và đi với dân chúng để được rửa tội, đi với những người khiêm nhường.
Chúng ta hãy dừng lại ở một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa, bản văn cho biết “Người đang cầu nguyện” (Lc 3:21). Thật tốt cho chúng ta khi suy ngẫm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng tại sao? Ngài, là Con Thiên Chúa, cũng cầu nguyện như chúng ta à? Thưa: Đúng thế, các sách Tin Mừng lặp lại nhiều lần rằng Chúa Giêsu dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày, thường là vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng... Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại, một mối quan hệ với Chúa Cha. Như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai chuyển động” trong cuộc đời của Chúa Giêsu: một đàng, Người đi xuống hướng về chúng ta, xuống nước sông Giođan; đàng khác, Ngài nâng tầm nhìn và trái tim của mình lên khi cầu nguyện với Chúa Cha.
Đó là một bài học lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta đều đắm chìm trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều tình huống phức tạp, chúng ta phải đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn và những lựa chọn kéo chúng ta xuống. Nhưng, nếu không muốn bị đè bẹp, chúng ta cần nâng mọi thứ lên. Và đây chính là điều mà lời cầu nguyện thực hiện, đó không phải là một lối thoát, cầu nguyện không phải là một nghi thức ma thuật hay sự lặp đi lặp lại những câu kinh đã học thuộc lòng. Không. Cầu nguyện là cách để Thiên Chúa hành động trong chúng ta, để nắm bắt những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, để xin cho có sức mạnh ngõ hầu có thể tiến về phía trước. Nhiều người cảm thấy họ không thể tiến bước được và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để đi tiếp”. Chúng ta cũng đã làm điều đó nhiều lần. Cầu nguyện giúp ích cho chúng ta vì nó liên kết chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Người. Vâng, cầu nguyện là chìa khóa mở trái tim chúng ta ra cho Chúa. Cầu nguyện là đang đối thoại với Thiên Chúa, đang lắng nghe Lời Người, đang tôn thờ và trong thinh lặng, phó thác cho Người những gì chúng ta đang sống. Và đôi khi chúng ta cũng kêu lên với Ngài như Ông Gióp, trút ra mọi tâm sự với Ngài. Hét lên như Ông Gióp. Chúa là một người cha, Người rất hiểu chúng ta. Ngài không bao giờ nổi giận với chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện.
Chúng ta hãy dùng một hình ảnh đẹp đẽ của Tin Mừng hôm nay, cầu nguyện “mở ra thiên đàng” (xem câu 21). Lời cầu nguyện mở ra thiên đàng: nó cung cấp oxy cho cuộc sống, nó mang lại hơi thở ngay cả khi đang gặp khó khăn và làm cho mọi thứ được nhìn bao quát hơn. Trên hết, cầu nguyện cho phép chúng ta có kinh nghiệm giống như Chúa Giêsu tại sông Giođan: cầu nguyện khiến chúng ta cảm thấy mình như những đứa trẻ được Chúa Cha yêu thương. Đối với chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha đã nói như đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là con yêu dấu của Cha” (xem câu 22). Chúng ta bắt đầu được làm con cái Chúa từ ngày Rửa tội, là ngày làm cho chúng ta chìm đắm trong Chúa Kitô và trở nên thành phần dân Chúa, làm cho chúng ta trở nên con cái yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi mỗi người trong số các bạn: ngày Rửa tội của các bạn là ngày nào? Có thể một số không nhớ nó. Đây là một điều tuyệt vời: hãy nhớ lại ngày làm phép Rửa của chúng ta, bởi vì đó là sự tái sinh của chúng ta, thời điểm mà chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu. Và khi anh chị em trở về nhà - nếu anh chị em không biết - hãy hỏi mẹ, dì hoặc ông bà của anh chị em: “Con được rửa tội khi nào?”, Và tìm hiểu ngày lễ đó để cử hành, để tạ ơn Chúa. Và hôm nay, vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi: lời cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào? Tôi cầu nguyện theo thói quen, tôi cầu nguyện một cách miễn cưỡng, chỉ bằng cách đọc thuộc các công thức, hay lời cầu nguyện của tôi là một cuộc gặp gỡ với Chúa? Tôi là một người tội lỗi, tôi có luôn ở giữa dân Chúa, và không bao giờ bị cô lập không? Tôi có nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa, đối thoại với Ngài, lắng nghe lời Ngài không? Trong số rất nhiều việc chúng ta làm trong ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho việc đó, hãy sử dụng những lời khẩn cầu ngắn được lặp đi lặp lại thường xuyên, hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Lời cầu nguyện mở ra thiên đàng.
Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ đang cầu nguyện cùng Đấng đã làm cho cuộc đời Mẹ trở thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi đau đớn biết được rằng có những nạn nhân trong các cuộc biểu tình nổ ra trong những ngày gần đây ở Kazakhstan. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ, và tôi hy vọng rằng sự hòa hợp xã hội sẽ được tìm thấy càng sớm càng tốt thông qua công cuộc tìm kiếm đối thoại, công lý và lợi ích chung. Tôi giao cho người dân Kazakhstan sự bảo vệ của Đức Mẹ, Nữ vương Hòa bình của Oziornoje.
Và tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào nhóm đến từ Frattamaggiore, gần Napoli.
Sáng nay, theo thông lệ vào ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, tôi đã rửa tội cho một số trẻ em, con của các nhân viên Vatican. Bây giờ tôi muốn mở rộng lời cầu nguyện và phước lành của tôi cho tất cả trẻ sơ sinh đã hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong thời gian này. Xin Chúa phù hộ cho các em và Đức Mẹ bảo vệ các em.
Và với tất cả anh chị em, tôi khuyên anh chị em: hãy tìm hiểu ngày Rửa tội của mình. Tôi được rửa tội ở đâu? Tôi được rửa tội khi nào? Điều này bạn không được quên, và hãy nhớ ngày đó như một ngày kỷ niệm.
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Source:Holy See Press Office