CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN
TIỆC CƯỚI GIAO ƯỚC MỚI
Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11
Đề tài hôn phối là một đề tài được Kinh Thánh nói nhiều. Phép lạ Cana xảy ra trong một tiệc cưới. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã nhiều lần dùng hình ảnh hôn lễ hay giao ước hôn phối để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người.
1- Từ cuộc hôn phối xưa
Trích đoạn trong Bài đọc I của Is 62,1-5 là một minh họa lý thú về mối tình này: “Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa thiết lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.”
Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với dân Người như một người nam kết hôn với một người nữ. Thiên Chúa chính là chú rể. Đoạn văn (Is 62,1-5) là một minh họa rất lý thú phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài trong sách Hôsê, đó là Giuđa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Với từ hôn ước này, Thiên Chúa sắp hoàn lại tước vị “hôn thê” cho dân Người: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” Niềm vui của Giáo Ước giữa Thiên Chúa và dân Người tiên báo niềm vui thời Mêsia, niềm vui dạt dào như rượu mới trong tiệc cưới Cana.
2- Đến cuộc hôn phối mới
Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana, mở màn cho hôn nhân Kitô giáo trong một kỷ nguyên mới. Đây là lễ hôn phối đầu tiên trong đạo mới. Thánh Gioan giới thiệu với chúng ta ở trong trình thuật này: Chính Chúa Giêsu là Chú Rể của tiệc cưới giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người, mà đại diện đó là Mẹ Maria và các Tông Đồ.
Phép lạ Cana diễn ra trong một bữa tiệc. Bữa tiệc là hình ảnh được dùng để diễn tả niềm vui vào ngày Đấng Mêsia đến. Bữa tiệc này dồi dào rượu ngon. Điều được loan báo trong lời sấm đã được thực hiện: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon.” Chúa Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Người ví mình là chú rể, là tân lang. Chúa Giêsu ví giáo huấn của Người là rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ.
Chúa Giêsu xuất hiện như Chú Rể đích thực của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến nước Cựu Ước thành rượu Tân Ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.
Tiệc cưới Cana là biểu tượng Tiệc Cưới Con Thiên Chúa với loài người. Tin Mừng Gioan không nói đến cô dâu và chú rể mà tập trung vào hai nhân vật chính là Đức Giêsu và Mẹ Maria. Theo các nhà chú giải: Đức Giêsu là Chú Rể mới và Đức Maria là hình ảnh của Cô Dâu Mới, tức là Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô. Đức Maria chỉ nói 2 câu ngắn gọn, một câu với Chúa Giêsu: “Con ơi, họ hết rượu rồi,” và một câu khác với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” Dù Mẹ nói rất ít lời, nhưng lời chuyển cầu của Mẹ rất có thần thế trước mặt Chúa.
3- Niềm vui của người dự tiệc
Như thế, phép lạ nước hoá thành rượu đem lại niềm vui cho người dự tiệc loan báo về mầu nhiệm Thánh Thể: bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô đem lại nguồn vui ơn cứu độ cho con người. Mỗi lần dự lễ là một lần dự tiệc thánh, dự tiệc cưới: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một phép lạ xảy ra hàng ngày trên bàn thờ, bánh và rượu nên Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, vì biết rằng Chúa yêu chúng ta, Người trở nên Bánh Hằng Sống nuôi chúng ta. Cả hai bàn lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta trong hành trình tiến về nhà Cha dự tiệc cưới Thiên Đàng. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/