Tại sao Chúa để những sự dữ nghiêm trọng như thế này xảy ra?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, vừa đưa ra cảnh báo rằng Tháng Giêng này sẽ là tháng rất khó khăn vì biến thể Omicron đang lan nhanh như cháy rừng và nhiều cơ sở y tế đang ngấp nghé mức quá tải.
Đó là một tin không ai muốn nghe trong những ngày đầu xuân. Tính cho đến cuối ngày 31 tháng 12, số trường hợp nhiễm coronavirus đã lên đến 288,520,058 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 5,453,188 trường hợp tử vong.
Câu hỏi nhiều người đặt ra trên các mạng xã hội là nếu Thiên Chúa là toàn năng và toàn thiện, tại sao Ngài lại để cho một sự dữ nghiêm trọng như thế xảy ra? Câu hỏi này đã nổi lên trong những ngày gần đây và lôi kéo sự tranh luận của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như giới truyền thông.
Bất cứ khi nào tai họa xảy ra, nhiều câu hỏi nổi lên về cách thế làm sao người ta có thể bào chữa sự tốt lành của Thiên Chúa và quyền lực của Ngài. Trong Thần Học có một ngành học gọi là theodicy - Thần Học Thiên Nhiên. Ngành học này nghiên cứu về sự hiện diện của Thiên Chúa dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên, tách rời với mạc khải siêu nhiên. Thần Học Thiên Nhiên chú trọng đến sự tốt lành và sự quan phòng của Thiên Chúa trước những sự dữ tỏ tường trong vũ trụ.
Sau khi đại biến sóng thần xảy ra vào ngày 26 tháng 12, 2004 giết chết gần như tức khắc 227,898 người ở 14 quốc gia, Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury, thủ lãnh Giáo Hội Anh Giáo, tiến sĩ Rowan Williams đã gây nên một cuộc tranh cãi chung quanh bài viết của mình được đăng trên tờ The Sunday Telegraph. Cái tựa đề của bài viết đã khiến cho nhiều người bực mình: “Cố nhiên điều này [tức đại biến sóng thần] làm ta hoài nghi sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Tiến sĩ Rowan Williams, sau đó, đã đưa ra lời thanh minh và trách cứ tờ báo đã đặt cái tựa không phù hợp với ý kiến của mình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cái tựa đó không xa bao nhiêu với luận điểm của ngài. Trong bài báo này, Tổng Giám Mục Anh Giáo viết: “Mỗi cái chết ngẫu nhiên, bất ngờ là điều gì đó gây hoang mang cho một đức tin giới hạn trong những câu trả lời an ủi và dễ dàng. Đối diện với một thiên tai có tầm cỡ gây tê liệt như thế này, tự nhiên là chúng ta cảm thấy uất hận và bơ vơ”.
“Câu hỏi ‘Làm sao ta có thể tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho sự dữ kinh khủng này xảy ra?’ do đó nổi lên rất nhiều vào thời điểm này và thật là ngạc nhiên nếu không có những câu hỏi như thế - thậm chí chắc có cái gì đó không ổn nếu không có những câu hỏi như thế”.
Toàn bộ bài viết của Tổng Giám Mục Anh Giáo chỉ nêu vấn đề và không có lời giải đáp tại sao Chúa để một sự dữ nghiêm trọng như vậy xảy ra. Ngay lập tức, mục sư Albert Mohler, hiệu trưởng Southern Baptist Theological Seminary, lên tiếng chỉ trích Tổng Giám Mục Anh Giáo và cho rằng bài viết của ngài là một thí dụ tốt về cách thức “làm sao không đưa ra một câu trả lời Kitô Giáo”. Mục sư Mohler tuyên bố rằng ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Tổng Giám Mục Anh Giáo tại Sydney, Phillip Jensen, người đã cho rằng tai họa này là lời cảnh cáo về ngày phán xét sắp xảy đến của Thiên Chúa.
Trong khi đó, tại Ottawa, Đức Hồng Y Jean Claude Turcotte của Công Giáo nói với tờ Le Devoir rằng ngài mạnh mẽ bác bỏ mọi nhận định cho rằng tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa và chỉ ra rằng đứng trước một tai ương nghiêm trọng như thế này việc đặt ra những câu hỏi là lẽ tự nhiên và dễ hiểu. Đức Hồng Y nhận định rằng con người luôn có ý muốn nổi loạn chống lại Tạo Hóa hay coi Thiên Chúa như tay sai của mình. Thiên Chúa không phải là bù nhìn kiểm soát các biến cố theo ý muốn của con người. Chúng ta không nên cầu nguyện cho một sự chữa lành có tính ảo thuật hay cho một sự can thiệp siêu tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện cho sức mạnh và lòng can đảm vượt qua những thử thách hay khó khăn trong cách thế mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc thương khó”.
Cha Richard Cote, giám đốc ủy ban thần học thuộc Hội Đồng Giám Mục Canada cho biết ngài quan tâm theo dõi cuộc tranh luận hiện nay trên thế giới về vấn đề này. Cha nhận định “Có một giao lưu sâu xa giữa tin vui và tin buồn, Đức Kitô đã không đến trong thế gian nếu nhân loại sa ngã này không có chuyện buồn.”
Đức Giám Mục Frederick Henry của giáo phận Calgary, Alberta chia sẻ ý tưởng này, ngài viết:
“Máng cỏ và thánh giá là những phần của mầu nhiệm nhập thể và từ Bethlehem đến đồi Calvê cũng không xa bao nhiêu. Đọc những lời tiên báo thanh bình của tiên tri Isaia trước Giáng Sinh và về việc các quốc gia xích lại gần nhau, lòng tôi ngập tràn một tinh thần suy tư và kinh ngạc trước cách thế tất cả các dân tộc đã hiệp sức với nhau đáp trả lại nhu cầu trước sự thống khổ của Đức Kitô nơi dân người”.
“Còn về tại sao điều này xảy ra ư? Tôi đã từng trả lời nhiều lần ‘Hãy hỏi các nhà khoa học’”.
Cha Richard Cote cũng cho rằng động đất là “một hiện tượng địa chấn tự nhiên”. Thiên Chúa đã tạo ra thế giới vật chất với những định luật về trọng lực và Ngài không can thiệp vào. “Thiên Chúa không áp lực tình yêu của Ngài lên chúng ta như sóng triều. Thiên Chúa của Kitô Giáo là Thiên Chúa dễ bị thương tổn. Cái nguy lớn nhất mà Thiên Chúa đã tự nhận lấy là yêu thương chúng ta vô điều kiện. Thiên Chúa mãi mãi chấp nhận hiểm nguy vì yêu ta.”
“Thiên Chúa đã nhập thể. Ngài đã đến với thế giới trong sự tình liên đới hoàn toàn với chúng ta. Ngài chia sẻ thân phận nhân loại với chúng ta để chứng tỏ rằng Ngài đã không lầm khi tạo ra bạn và tôi”