1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước tại Rôma vào tháng 9 năm tới

Đức Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước trong một buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 4 tháng 9 năm 2022. Quyết định này đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ báo Ý L'Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tin này được Stefania Falasca đưa ra vào ngày 23 tháng 12 năm 2021. Stefania Falasca là nhà báo kiêm phó cáo thỉnh viên án tuyên Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I. Trước đây, việc tuyên Chân Phước đã được tường thuật là diễn ra trước Lễ Phục sinh, mặc dù, Tòa thánh chưa hề xác nhận ngày tuyên Chân Phước vào thời điểm đó.

Vị giáo hoàng thứ 263, Luciani Albino, người Ý, chỉ trị vì có 33 ngày vào năm 1978. Có biệt danh là “Giáo hoàng mỉm cười”, ngài qua đời vì một cơn đau tim vào đêm 28 tháng 9.

Vào ngày 13 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh công nhận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của ngài.

Điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày 23 tháng 7 năm 2011, ở Buenos Aires, Á Căn Đình, khi một bé gái 11 tuổi hồi phục một cách không thể giải thích về mặt Y khoa sau “bệnh não viêm cấp tính nặng” và “chứng động kinh ác tính” sau vài tháng trong bệnh viện và khả năng tử vong được tiên liệu đã gần kề.

Bài báo trên L'Avvenire chỉ ra rằng tính từ năm 1900 đến nay, Đức Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng thứ sáu đã được mở án tuyên chân phước. Trong nhóm này, bốn vị đã được tuyên thánh là Thánh Piô X, Thánh Gioan XXIII, Thánh Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô II.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Quebec hủy bỏ các Thánh lễ Giáng Sinh

“Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Tổng Giám mục Thành phố Quebec đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ trong giáo phận của mình từ nửa đêm ngày 23 tháng 12 đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022. Sẽ không có Thánh lễ Giáng Sinh tại Thành phố Quebec”.

“Tôi biết rằng sẽ rất thất vọng nếu không được tụ tập trong nhà thờ trong năm nay để tổ chức lễ Giáng Sinh và Năm mới, nhưng tôi coi nhiệm vụ của chúng ta là tham gia vào nỗ lực tập thể để ngăn chặn sự lây lan thêm của coronavirus,” Đức Hồng Y Gérald C. Lacroix, Tổng giám mục của Thành phố Quebec, cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra ngày 22 tháng 12.

Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Đức Tổng Giám Mục, với sự tham khảo ý kiến của các linh mục và ban lãnh đạo các giáo xứ, đã quyết định tạm dừng tất cả các lễ kỷ niệm từ ngày 23 tháng 12 năm 2021 cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022, trừ tang lễ.

Các thánh lễ Giáng Sinh hiển nhiên bị ảnh hưởng bởi quyết định mới này. Đây là một đòn nặng giáng lên các tín hữu Công Giáo đang chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12.

Các nguồn trực tuyến để theo dõi lễ Giáng Sinh

Một lá thư chi tiết được gửi vào ngày 22 tháng 12 cho các nhà lãnh đạo giáo xứ giải thích quyết định khó khăn này, được thực hiện trên tinh thần đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi các thánh lễ bị đình chỉ, các nhà thờ vẫn rộng mở cho các tín hữu đến cầu nguyện nếu họ đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra sức khỏe cộng đồng. Tang lễ cũng sẽ được cho phép theo các biện pháp do Chính phủ Quebec ban hành.

Bất chấp những hoàn cảnh như vậy, Đức Tổng Giám Mục khuyến khích các tín hữu “dành thời gian để suy nghĩ, trao đổi và cử hành tại nhà.”

Một số tài nguyên trực tuyến (bài đọc, lời cầu nguyện, phụng vụ gia đình…) có sẵn cho các tín hữu để kỷ niệm Chúa Giáng Sinh tại nhà của họ. Thánh lễ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trên truyền hình hoặc trên Internet.
Source:Aleteia

3. Ý nghĩa thiêng liêng của lời chúc Merry Christmas

Khởi thủy, cụm từ “Merry Christmas” được sử dụng với ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, cầu chúc một ai đó bình an trong tâm hồn vào ngày lễ Giáng Sinh.

Vào thời điểm này trong năm, thường có nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội xung quanh ý nghĩa của cụm từ, “Merry Christmas”. Một số người yêu thích cụm từ này, trong khi những người khác tỏ ra coi thường nó.

Dù sở thích của một người có thể là gì, thì nguồn gốc của cụm từ này vẫn mang ý nghĩa tinh thần.

Trước hết, một trong những ghi chép sớm nhất về cụm từ này đến từ Thánh John Fisher, người đã viết cụm từ đó trong một bức thư gởi cho Thomas Cromwell vào năm 1534.

Với lá thư này tôi cầu xin bạn chấp nhận cho tôi theo lòng bác ái của ngài. Và vì điều này, Chúa của chúng ta ban cho ngài một merry Christmas - lễ Giáng Sinh vui vẻ - và thoải mái theo ước muốn của tâm hồn ngài.

Thông thường ngày nay từ “vui vẻ” được sử dụng để biểu thị cảm giác hân hoan nói chung. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng trong trường hợp của Thánh John Fisher.

Francis Xavier Weiser giải thích nguồn gốc của cụm từ này trong cuốn sách Sổ tay các Lễ và Phong tục Kitô của ông.

Khi lời chào này ban đầu được sử dụng, từ vui vẻ không có nghĩa là “vui vẻ, vui nhộn” như ngày nay. Trong những ngày đó, nó có nghĩa là “được chúc lành, bình yên, an lạc”, thể hiện niềm vui tinh thần hơn là hạnh phúc trần thế.

Bài hát Giáng Sinh nổi tiếng “God rest you merry, gentlemen” – “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông” - là một ví dụ tuyệt vời về ý nghĩa ban đầu của từ vui vẻ. Vị trí của dấu phẩy cho thấy rõ ràng ý nghĩa thực sự của từ merry. Trong bối cảnh này từ merry không phải là một tính từ bổ túc cho danh từ “quý ông”, và do đó không phải là “Chúa ban cho quý ông vui vẻ” mà là “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông”.

Tiết lộ này làm cho cụm từ, “Merry Christmas”, thậm chí còn mang tính tâm linh hơn (và có thể gây tranh cãi hơn).

Nếu bạn muốn chúc ai đó một Giáng Sinh vui vẻ về mặt thiêng liêng, hãy tiếp tục và nói với họ, “Merry Christmas!”
Source:Aleteia