1. Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng bạo lực gia đình 'có sắc mầu Satan' vì nạn nhân không có khả năng tự vệ
Đức Phanxicô kêu gọi tất cả những phụ nữ bị bạo hành hãy nhớ rằng họ đã phải chịu đựng sự sỉ nhục, nhưng phẩm giá của họ vẫn còn và luôn nguyên vẹn.
“Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ có sắc mầu Satan”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một chương trình Giáng Sinh dành riêng cho những người “vô hình” trong xã hội ngày nay, được đài truyền hình Mediaset của Ý phát sóng vào ngày 19 tháng 12 năm 2021. Ngài than thở rằng “Số lượng phụ nữ bị đánh đập, ở nhà, ngay cả bởi chồng họ là quá lớn”.
Trong gần một giờ, chương trình cho thấy Đức Thánh Cha đối thoại với bốn “người vô hình” được chào đón vào nhà ngài tại Nhà trọ Thánh Mátta ở Vatican. Trong số đó có một tù nhân bị kết án chung thân, một sinh viên trẻ mất tinh thần vì đại dịch, một phụ nữ vô gia cư, và một người mẹ.
Trong cuộc trò chuyện giữa Đức Giáo Hoàng và các vị khách của ngài, người mẹ kể về việc mất việc và mất nhà để bảo vệ bản thân và các con khỏi sự bạo hành của người chồng. Quay sang Đức Giáo Hoàng, cô ấy hỏi làm cách nào để có thể lấy lại phẩm giá của mình. “Thật nhục nhã, rất nhục nhã,” nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo thừa nhận và bảo đảm với cô rằng cô vẫn giữ được tất cả phẩm giá của mình.
Ngài nói: “Đối với tôi, bạo hành trong gia đình có sắc mầu Satan vì nó lạm dụng một người không thể tự vệ, người chỉ có thể cố gắng đỡ đòn”
Gương mẫu từ tác phẩm Pietà
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra cho cô ấy một tấm gương từ tác phẩm điêu khắc Pietà, hay Đức Mẹ Sầu Bi, nổi tiếng của Raphael về Đức Trinh Nữ Maria. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Đức Maria đang ở dưới chân Thánh giá, “hoàn toàn bị sỉ nhục,” ôm thi hài của con trai mình trên tay.
“Nhưng Mẹ không bị mất phẩm giá của mình,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, và thúc giục những phụ nữ đau khổ và cảm thấy bị sỉ nhục hãy chiêm ngưỡng “hình ảnh can đảm” của Đức Mẹ.
“Đừng bao giờ tát vào mặt đứa trẻ”
Đức Thánh Cha cũng nói về việc đối xử trong niềm tôn trọng nhân phẩm của trẻ em.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Thật là nhục nhã khi một người cha hoặc người mẹ tát vào mặt một đứa trẻ. Đừng bao giờ tát vào mặt một đứa trẻ, bởi vì nhân phẩm thể hiện trên khuôn mặt.”
Source:Aleteia
2. Miến Điện: Giáng Sinh trong im lặng, cầu nguyện, đoàn kết
Giáng Sinh 2021 tại Miến Điện sẽ là một Giáng Sinh không có cử hành, chỉ được thực hiện bằng sự im lặng, cầu nguyện và liên đới với những người nghèo, những người bệnh tật, những người nghèo khổ. Người Công Giáo ở Miến Điện sẽ phải sống ngày lễ Thiên Chúa Nhập thể trong khi đất nước của họ bị tàn phá bởi chiến tranh du kích, bạo lực, giết người, đau khổ, và trong khi những người tản cư tiếp tục chạy trốn vào rừng do xung đột dân sự đang hoành hành.
Theo các báo cáo, các thư mục vụ và thông điệp Giáng Sinh gởi các tín hữu - được gửi đến Fides – từ các Giám mục Yangon, Mandalay, Pathein và Pyay, Giáng Sinh năm 2021 sẽ được cử hành trong “tinh thần gần gũi với những người đau khổ”, lấy cảm hứng từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Rôma “vui với những người vui và khóc với những người đang khóc” (Rm 12:15).
Đức Cha Alexander Pyone Cho là Giám Mục của giáo phận Pyay, bao gồm bang Rakhine, nơi người dân tộc thiểu số Rohingya đang sống trong các khu vực được bảo vệ và không thể tiếp cận. Cộng đồng Công Giáo của bang - cũng giống như các bang khác của Miến Điện nơi các Kitô hữu chiếm đa số hoặc tạo thành một nhóm thiểu số đáng kể - sẽ sống Giáng Sinh này về cơ bản thông qua Thánh lễ trực tuyến kỷ niệm sự hiện diện của Emmanuel, “Chúa ở cùng chúng ta”.
Thư mục vụ của ngài kêu gọi hạn chế tất cả các sự kiện xã hội khác, bao gồm các bữa tiệc đường phố, đám rước… và tất cả các hoạt động mua sắm vật liệu không thực sự cần thiết. Các linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân được khuyến khích sử dụng các nguồn lực tối thiểu hiện có để giúp đỡ và an ủi “cho những người đã rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn trong rừng và đang đau khổ, do cuộc đảo chánh quân sự ở Miến Điện gây ra”.
Ở những bang mà người Miến Điện theo Kitô Giáo chiếm đa số, chẳng hạn như bang Chin, ở phía tây của đất nước và bang Kayah ở phía đông, hàng nghìn người sẽ đón Giáng Sinh trong rừng hoặc trong các trại được dựng lên làm những nơi trú ẩn tạm thời sau khi họ bỏ nhà chạy trốn vì chiến dịch quân sự do quân đội tiến hành, đã san bằng các ngôi làng thành bình địa.
Một số giáo xứ ở giáo phận Loikaw, thuộc bang Kayah, đã bị bỏ hoang do chiến sự gia tăng trong sáu tháng qua. Các nguồn tin địa phương của Fides cho biết bốn giáo phận Hakha, Kalay, Loikaw và Pekhon đã bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều người Công Giáo phải sống trong đau khổ vô cùng, trong những điều kiện hoàn toàn bấp bênh
Source:Fides
3. Vatican ban hành luật về Nghi thức Cũ
Vatican đã ban hành các hạn chế hơn nữa đối với nghi thức tiền Công Đồng quy định rằng không được cử hành Nghi thức Cũ trong các thánh lễ Truyền Chức Thánh và Thêm Sức. Đồng thời nhấn mạnh rằng các linh mục mới được thụ phong phải nhận được “sự cho phép” chính thức từ Tòa thánh nếu các ngài muốn cử hành Thánh lễ trước Công đồng Vatican II.
Các hướng dẫn mới, được phát hành dưới dạng hỏi đáp, hạn chế rất nhiều việc cử hành tất cả các bí tích trong Nghi thức Cũ và nhấn mạnh rằng một linh mục quản xứ hoặc tuyên úy không nên cử hành một Thánh lễ Latinh truyền thống nếu các ngài đã cử hành một thánh lễ bình thường trong ngày hôm đó. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng tuyên bố rằng bất kỳ linh mục nào từ chối đồng tế Thánh lễ với các linh mục khác không được sử dụng Nghi thức Cũ.
Phán quyết đặt một dấu hỏi về tương lai của các dòng truyền thống, là những dòng tìm cách thu hút chủng sinh trên cơ sở các tân chức sẽ chỉ cử hành các bí tích theo hình thức cũ. Các dòng này cũng thường từ chối đồng tế theo hình thức bình thường của Thánh lễ.
Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng những cải cách đối với việc thờ phượng diễn ra sau Công đồng Vatican II kéo dài từ 1962 đến 1965 là “không thể đảo ngược”, và vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, ngài đã ban hành Tự Sắc Traditionis Custodes, áp đặt lại những hạn chế đối với phụng vụ tiền Công Đồng.
Nghi thức Cũ yêu cầu các linh mục phải nói những lời cầu nguyện trong Thánh lễ bằng tiếng Latinh, thường khó nghe được vì các ngài quay lưng về phía giáo dân. Mặc dù nhiều người bị thu hút bởi phong cách chiêm niệm, như từ một thế giới khác, phụng vụ Latinh cũng đã trở thành một điểm tập hợp cho những người bất đồng quan điểm với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phản đối Công đồng Vatican II.
Chính sách của Tòa Thánh đối với nghi thức cũ là nó có thể được cử hành như một sự nhượng bộ ngoại lệ, nhưng không thể được trình bày như một hình thức thay thế hoặc cao cấp hơn phụng vụ bình thường. Vấn đề không nằm ở việc sử dụng tiếng Latinh, mà là sự hỗ trợ cho tầm nhìn của Công đồng Vatican II về Giáo hội.
Các hướng dẫn mới nhất, do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ban hành, được thiết kế để giúp các giám mục trên toàn thế giới thực hiện Tự Sắc của Đức Phanxicô.
Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI dỡ bỏ những hạn chế đối với nghi thức cũ để giúp mang lại “sự hòa hợp và thống nhất” trong Giáo hội. Tuy nhiên, Đức Phanxicô, sau một cuộc tham vấn các giám mục trên toàn thế giới chưa được công khai, cho biết những nhượng bộ này đã bị những người theo chủ nghĩa truyền thống lợi dụng để “làm tổn thương Giáo hội… và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ”.
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, viết trong một lá thư đính kèm với thông báo cho biết:
“Thật đáng buồn khi thấy mối dây hiệp nhất sâu sắc nhất, sự chia sẻ trong tấm Bánh duy nhất là Mình Thánh Chúa được ban để tất cả nên một, lại trở thành một nguyên nhân gây ra sự chia rẽ”
“Một sự thật không thể phủ nhận: Các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II nhận thấy nhu cầu cấp bách về một cuộc cải cách để chân lý đức tin như đã được ca tụng có thể xuất hiện hơn bao giờ hết trong vẻ đẹp của nó, và Dân Thiên Chúa có thể phát triển đầy đủ, năng động, tham gia có ý thức vào việc cử hành phụng vụ”.
Các hướng dẫn mới nhất dường như được đưa ra để giải quyết xu hướng ở một số chủng viện nơi các ứng viên cho chức linh mục được đào tạo nhằm hướng tới việc cử hành phụng vụ trước Công đồng Vatican II.
Tuyên bố của Đức Cha Arthur Roche nêu rõ: “Tất cả các nhà đào tạo chủng viện, đang cố gắng đi theo hướng dẫn dắt của Đức Thánh Cha Phanxicô, được khuyến khích đồng hành cùng các Phó tế và các Linh mục tương lai để hiểu và kinh nghiệm về sự phong phú của cải cách phụng vụ mà Công đồng Vatican II kêu gọi”.
Bất kỳ linh mục nào được thụ phong sau Traditionis Custodes đều cần “sự ủy quyền cần thiết do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích trao cho Giám mục giáo phận” để có thể cử hành Nghi thức Cũ.
Source:The Tablet