1. Giáo Hội tại Hoa Lục tiếp tục bị bách hại thẳng tay
Việc ký kết Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, đã không ngăn chặn được cuộc đàn áp người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là anh chị em giáo dân thầm lặng.
Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” và “uống trà”, từ “10 đến 15 ngày”.
“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.
Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát bắt vị giám mục. Bị ngược đãi như Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎), giám mục tiên khởi của Ôn Châu, Đức Cha Phêrô Thiệu thường bị bắt đi tẩy não để thúc đẩy ngài gia nhập Giáo Hội “quốc doanh”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) là một ví dụ khác. Ngài thường xuyên bị quản thúc tại gia. Cũng có những giám mục khác phải chịu nhiều sự quấy rối khác nhau, chẳng hạn như Đức Cha Quách Hy Cẩm (Guo Xijin, 郭锡进); và các giám mục buộc phải tham gia các phiên họp chính trị như Đức Cha Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).
Nghiêm trọng nhất là trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦). Cuối tháng 10 vừa qua, ngài vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.
Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.
Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.
2. 112 vụ phá hoại nhắm vào các giáo xứ Công Giáo trên đất Mỹ
Từ tháng 5 năm 2020, sau khi xảy ra vụ George Floyd, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bắt đầu theo dõi các vụ tấn công, đốt phá, và vẽ bậy tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 10 đánh dấu sự cố thứ 100: satan và những hình vẽ bậy bạ đầy thù hận khác được vẽ nguệch ngoạc trên tường trước Thánh lễ Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado.
Trong một diễn biến mới nhất, cảnh sát đang yêu cầu công chúng giúp đỡ trong việc xác định một kẻ phá hoại bị ghi hình trên camera giám sát làm hư hại bức tượng Đức Mẹ Fatima bên ngoài đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 5 tháng 12.
Cảnh sát đã công bố đoạn phim giám sát đen trắng về vụ việc cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đến gần tượng Đức Mẹ lúc 10:58 tối. Người đàn ông bước lên tượng, rút một cây búa hay một công cụ tương tự, và dường như tấn công vào tay của Đức Mẹ. Hắn ta leo xuống rồi sau đó bước lên một lần nữa và liên tục đánh mạnh vào mặt tượng Đức Mẹ, làm bay những mảnh đá cẩm thạch. Hắn định bỏ đi, nhưng không thấy ai thì quay lại để nhặt và mang đi đôi bàn tay bị chặt của bức tượng.
Bức tượng, được làm từ đá cẩm thạch Carrara và trị giá 250,000 đô la, nằm trong Khu vườn Đi bộ Đọc Kinh Mân Côi của đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia. Nhân viên an ninh đã phát hiện ra thiệt hại khi mở cửa đền thánh Đức Mẹ vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng Mười Hai.
Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:
“Những vụ phá hoại này giao động từ bi thảm đến tục tĩu, từ minh bạch đến không thể giải thích được. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng này, nhưng ít nhất, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa”.
“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tiếp cận với thủ phạm bằng lời cầu nguyện và sự tha thứ. Đúng là trong một số trường hợp động cơ là sự đáp trả cho một số lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải hòa giải. Cũng có các trường hợp trong đó có sự hiểu lầm về giáo lý của chúng ta, gây ra sự tức giận đối với chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cung cấp sự giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những trò phá hủy này phải dừng lại. Đây không phải là cách.”
“Chúng tôi kêu gọi các quan chức được bầu của chúng tôi bước ra và lên án những vụ tấn công này. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã điều tra những vụ này và thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tổn hại thêm. Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên cộng đồng giúp đỡ. Đây không phải là tội phạm tài sản đơn thuần - đây là sự tấn công nhằm hạ giảm những biểu hiện hữu hình đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những hành động gây thù hận”.
Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB và Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn trước đây đã ban hành một tuyên bố về hành vi phá hoại các ngôi thánh đường vào ngày 22 tháng 7 năm 2020.
Dự án “Chữa lành vẻ đẹp” của Ủy ban Tự do Tôn giáo, được khởi động để phản ứng với việc phá hủy các bức tượng Công Giáo, có các videos từ các giáo phận khác nhau thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật thánh.
Các ủy ban đang vận động để tăng cường tài trợ cho Chương trình Tài trợ An ninh Phi lợi nhuận của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
3. Nhìn lại năm 2021: Rắc rối rất lớn tại Canada về các trường nội trú dành cho người bản địa
Các nhà lãnh đạo Công Giáo, dân sự và bộ tộc trên khắp Canada đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ có chuyến tông du tới Canada trong tương lai.
“Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một chuyến tông du đến Canada, trong bối cảnh của tiến trình mục vụ lâu dài là hòa giải với các dân tộc bản địa,” một tuyên bố từ Vatican ngày 27 tháng 10 cho biết “Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm đất nước vào một ngày nào đó để các vấn đề được giải quyết thỏa đáng”.
Một thông cáo báo chí từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, sau thông báo này cho biết các giám mục “biết ơn” khi biết rằng lời mời của các ngài đã được chấp nhận.
Chủ tịch CCCB là Đức Cha Raymond Poisson, Giám Mục của Saint-Jérôme và Mont- Laurier nói:
“Chúng tôi cầu nguyện để chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hòa giải và hàn gắn.”
Ngoài lời xin lỗi, các nhà lãnh đạo Bản địa có kế hoạch yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ tất cả các hồ sơ liên quan đến các trường học dân cư và trả lại bất kỳ vật phẩm bản địa nào từ Canada mà Vatican có thể sở hữu trong kho lưu trữ của mình.
“Chúng tôi sẽ mời phái đoàn gồm những người bản địa sống sót, những người cao tuổi, những người gìn giữ tri thức và thanh niên gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô để mở lòng với Đức Thánh Cha và chia sẻ cả những đau khổ cũng như hy vọng và mong muốn của họ về chuyến thăm của ngài tới Canada”, Đức Cha Poisson nói thêm.
Ý tưởng về một chuyến thăm mục vụ đến Canada đã được thảo luận trong nhiều tháng, và CCCB gần đây đã cam kết “làm việc với Tòa thánh và các đối tác Bản địa về khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm mục vụ tới Canada.”
“Sau khi cam kết này được thông báo sau ba năm đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Canada, Tòa thánh và Người bản địa, Chủ tịch và cựu Chủ tịch CCCB đã gặp Ngoại trưởng Tòa thánh tại Rôma để thảo luận về các bước tiếp theo trên hành trình hòa giải vào đầu tháng này và để chuẩn bị cho phái đoàn”, các giám mục nói.
Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Canada là vào năm 2002.
Bộ trưởng Bộ Quan Hệ Giữa Chính Quyền Và Người Bản Địa mới được bổ nhiệm Marc Miller bày tỏ hy vọng hôm thứ Tư rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự chữa lành cho những người bị tổn thương.
Miller, người tự mô tả mình “không phải là một người Công Giáo,” nói rằng “trong kế hoạch lớn về cái mà chúng ta gọi là hòa giải, tôi nghĩ, đối với những người bản địa, việc nhận thức đầy đủ về những tổn hại gây ra là điều đã được chờ đợi từ lâu.”
Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người Công Giáo, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội đối với hệ thống trường dành cho người bản địa của Canada. Giáo hoàng từ chối đưa ra lời xin lỗi, nhưng đã nhiều lần bày tỏ “nỗi buồn” trước những hành động tàn bạo khác nhau xảy ra tại các trường học do Giáo hội quản lý.
Từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:
Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.
Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.
Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.
Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.