1. Thiệt hại của Giáo Hội vì coronavirus
Cho đến nay, đã có 24 vị Hồng Y nhiễm coronavirus, trong đó có 3 vị đã qua đời.
Các Đức Hồng Y qua đời vì coronavirus là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của São Sebastião do Rio de Janeiro, Ba Tây sinh năm 1932, qua đời vào ngày 13 tháng Giêng.
Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino - Tổng Giám mục hiệu tòa Caracas, Venezuela, sinh năm 1942 qua đời vào ngày 23 tháng 9.
Đức Hồng Y José Freire Falcão - Tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia, Brazil, sinh năm 1925, qua đời vào ngày 26 tháng 9.
Trường hợp của Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám mục hiệu tòa của Mexico City đã gây ra các tranh cãi và chia rẽ trong tổng giáo phận Mexico City.
Sau khi nhiễm coronavirus, Đức Hồng Y Rivera được đưa vào một bệnh viện công vào ngày 12 tháng Giêng năm 2021. Cha Hugo Valdemar Romero, nguyên là phát ngôn nhân của Đức Hồng Y nói rằng tình trạng của Đức Hồng Y rất tệ, nhưng chỉ được chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện công, nơi thiếu thốn các thiết bị và đang trong tình trạng quá tải. Lý do là vì Đức Hồng Y quá nghèo và tổng giáo phận đã từ chối thanh toán các chi phí cho ngài. Đức Hồng Y Rivera đã nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 19 tháng Giêng. Đức Hồng Y Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes nói rằng Tổng Giáo phận chỉ có thể trả cho việc chăm sóc Đức Hồng Y như tất cả các giáo sĩ khác trong một bệnh viện công “vì tình hình kinh tế của Giáo hội trên khắp đất nước và các giáo sĩ, bất kể là ai, cần phải hiệp thông và đoàn kết với những gì hàng ngàn người Mễ Tây Cơ đã sống trong đại dịch này”.
Một số người quen đã giúp đưa Đức Hồng Y Rivera từ bệnh viện công Ángeles Mocel sang một bệnh viện tư vì e ngài không qua khỏi. Vào đầu tháng 3, Đức Hồng Y đã rời bệnh viện.
Trong một diễn biến mới nhất, Hội Đồng Giám Mục Venezuela vừa công bố số liệu thống kê cho thấy kể từ đầu đại dịch đến nay, giáo hội Venezuella đã có 45 linh mục, 4 giám mục chết vì COVID-19.
Thống kê cho biết từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 12/ 2021, đã có 439 linh mục bị nhiễm COVID-19, tức chiếm 20,77% tổng số giáo sĩ trong cả nước, trong đó có 45 linh mục chết, chiếm 10,25% tổng số linh mục bị nhiễm virus và nếu tính tổng số giáo sĩ Venezuela thì số Linh Mục chết chiếm 2.13%
Trong số hàng giáo sĩ bị nhiễm bệnh có 26 là Giám Mục, trong đó 22 Giám Mục đã bình phục; 4 vị còn lại chết vào năm 2021.
Bốn giám mục qua đời là Đức Tổng Giám Mục Cástor Oswaldo Azuaje, Giám mục César Ortega, Đức Tổng Giám Mục Tulio Chirivella, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino
Hội Đồng Giám Mục cho biết Giáo Hội ở Venezuela hiện có 2,068 Linh Mục, 60 Giám Mục.
2. Vị Giáo Hoàng sau Đức Phanxicô là ai?
Thời kỳ tiền Cơ Mật Viện, tức là trước khi xảy ra Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, tại Ý, thông thường một số Hồng Y sẽ được tiên đoán là ứng viên sáng giá cho sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh.
Ngày 18 tháng 11 vừa qua, tại Rôma, nhà xuất bản Edizioni Terrasanta đã cho ra mắt một cuốn sách mới với tựa đề “Cosa resta del papato”, nghĩa là “Những gì còn sót lại của Ngôi Giáo hoàng”, do chuyên gia người Ý về Vatican Francesco Antonio Grana viết, cuốn sách hướng đến mật nghị tiếp theo, xem xét “tương lai của Giáo hội sau Đức Bergoglio”.
Một trong những nội dung chính trong cuốn sách là giới thiệu Đức Hồng Y Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna với tư cách là một papabili, tức là ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng.
Sự nổi lên như vũ bão của Đức Hồng Y Zuppi, 66 tuổi, để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu đã được nhấn mạnh thêm sau các báo cáo cho rằng ngài được tin là sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của Hội Đồng Giám Mục Ý vào năm tới. Tưởng cũng nên nhắc lại là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình trước khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.
Được biết đến như một “Hồng Y đường phố” vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý - đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng “tuyên úy” của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.
Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn “Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm”, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.
Trong một chuyên mục ngày 12 tháng 10 có tiêu đề “Conclave in Sight, Operation Sant'Egidio”, nghĩa là “Mật Nghị Trước Mắt, Chiến dịch của Cộng đồng Thánh Egidio” ký giả thạo tin về Vatican Sandro Magister cho rằng Cộng đồng Thánh Egidio là nhân tố chính trong cuộc vận động cho Đức Hồng Y Zuppi - trong những tháng gần đây; đặc biệt họ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đấu trường La Mã với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất tham gia sự kiện này, phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.
Magister nhớ lại rằng trong các mật nghị năm 1978, 2005 và 2013, “các thành viên của Cộng đồng Thánh Egidio đã cố gắng kèo lái kết quả” nhưng “lần nào cũng không thành công”, có lẽ vì khi nâng cao thế giá của một ứng cử viên được ưu ái, họ đã đẩy ngài mạnh quá và nhanh quá và các Hồng Y cử tri trở nên nghi ngờ. Người Rôma có câu nói nổi tiếng này “Ai bước vào mật nghị với tư cách là giáo hoàng, sẽ trở ra với tư cách là một Hồng Y”
3. Nhìn lại năm 2021: Căng thẳng trong thế giới Chính Thống Giáo
Căng thẳng giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill đã tăng lên một mức độ mới ngay từ những ngày đầu năm mới 2021, thậm chí là ngày trong ngày lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo.
Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.
Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos, hay quyền tự trị, vào tháng Giêng 2019.
Đáp lại diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây. Ngài cũng ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hình thức hiệp thông Thánh Thể giữa các linh mục Chính Thống Giáo Nga và các linh mục thuộc tòa Constantinople. Đức Thượng Phụ Kirill cũng ra lệnh ngưng không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong các nghi thức Phụng Vụ.
Tình hình đã leo thang thêm một bước nữa sau khi Đức Thượng Phụ Kirill nói việc đền thờ Hagia Sofia bị mất vào tay người Hồi Giáo là bằng cớ cho thấy “Chúa phạt” Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.
Trong lịch sử 1,500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul vốn là một đền thờ Công Giáo trước khi trở thành đền thờ Chính Thống Giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Sau đó, đền thờ này bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.
Nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai vào ngày 24/7/2020.
Bình luận về diễn biến này trong cuộc phỏng vấn với Rossia TV của Nga cuối tuần qua, Đức Thượng Phụ Kirill nói:
“Tôi không muốn thốt ra những lời chỉ trích đối với anh trai tôi ở Constantinople, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa xảy ra ở Constantinople, ở Istanbul, là bằng chứng cho thấy ngài bị Chúa phạt. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa những kẻ ly giáo vào Nhà thờ linh thánh Sophia ở Kiev và rồi để mất Nhà thờ Sophia ở Constantinople vì giờ đây nó đã trở thành một đền thờ Hồi giáo. Tôi muốn mọi người suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Ngài đã lấy Nhà thờ Sophia ở Kiev từ tay những người Chính thống giáo, từ tay Giáo Hội Chính thống, ngài đã đến đó và mang theo những người ly giáo, và rồi ngài đánh mất Nhà thờ Sophia của chính mình… Tôi tin rằng thật khó có thể tưởng tượng bất kỳ hậu quả nào có tính cách rõ ràng, xảy ra nhanh chóng hơn vì tội lỗi này quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau thoát ra khỏi điều này. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, ít nhất là trong những lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta, nếu điều này bây giờ hầu như không thể xảy ra trong việc thờ phượng công cộng vì chúng ta không còn cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Constantinople trong Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, hãy cầu nguyện cho nhau, chúng ta phải và làm tất cả những gì trong khả năng của chúng ta để cuộc khủng hoảng này trong thế giới Chính thống giáo kết thúc càng nhanh càng tốt. Giáo hội Nga đã sẵn sàng chuẩn bị bước đi trên con đường này để đạt được mục tiêu này.”
Source:Moscow Patriarch